Yuzhuo Cai là Giảng viên cao cấp tại Nhóm Giáo dục Đại học, Khoa Quản lý và Kinh doanh, Đại học Tampere, Phần Lan. Email: yuzhuo. cai@tuni.fi. Andrea Braun Strelcová là Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Lịch sử Khoa học Max Planck, Berlin, và là Nghiên cứu sinh tại Đại học Tampere, Phần Lan. E-mail: astrelcova@mpiwg-berlin.mpg.de.
Giulio Marini là Giảng viên tại Viện nghiên cứu Xã hội, Khoa Giáo dục và Xã hội, Đại học College London, Vương quốc Anh. Email: g.marini@ ucl.ac.uk.
Futao Huang là Giáo sư tại Viện nghiên cứu Giáo dục Đại học, Đại học Hiroshima, Nhật Bản. E-mail: futao@hiroshima-u.ac.jp.
Xin Xu là thành viên nhóm nghiên cứu tại Ban Giáo dục, Đại học Oxford, Vương quốc Anh. E-mail: xin.xu@education.ox.ac.uk.
Những dự án nghiên cứu dẫn đến bài viết này được tài trợ bởi Hiệp hội Khuyến khích Khoa học Nhật Bản, Agence Nationale de la Recherche và Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Đại học.
—
Tóm tắt
Bài báo này xem xét kinh nghiệm của các học giả quốc tế ở Trung Quốc đại lục. Sự nổi lên của xu hướng các học giả nước ngoài chuyển sang làm việc dài hạn, toàn thời gian trong các trường đại học Trung Quốc là một hiện tượng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Bài viết này thảo luận về những nội dung sau: Các học giả nước ngoài ở Trung Quốc là ai? Động lực nào khiến họ đến và làm việc ở Trung Quốc? Họ mong đợi giữ vai trò gì trong giới học thuật địa phương? Họ có hài lòng với công việc của mình không? Họ sẽ ở lại Trung Quốc hay không?
—
Là một quốc gia lớn về khoa học và công nghệ trên toàn cầu, Trung Quốc đại lục cũng trở thành điểm đến của giới học thuật quốc tế. Về khía cạnh này, chính sách của chính phủ Trung Quốc đã chuyển từ việc chủ yếu khuyến khích Hoa kiều về nước sang cố gắng thu hút các học giả sinh ra ở nước ngoài đến Trung Quốc. Trong những năm gần đây, thành phần của nhóm sau đã mở rộng. Đối tượng “cũ” trước đây chủ yếu bao gồm giảng viên (ngoại ngữ) của các trường đại học, học giả khách mời ngắn hạn, giảng viên bán thời gian và cộng tác viên danh dự, vợ/ chồng đi theo, hoặc những người Trung Quốc về nước. Đối tượng “mới” hiện nay là những công dân nước ngoài đến Trung Quốc làm việc trong các vị trí học thuật toàn thời gian, dài hạn. Các tác giả của bài viết này gần đây đã tiến hành cuộc điều tra toàn diện về xu hướng mới nổi này và trình bày những phát hiện chính dưới đây.
Các học giả người nước ngoài ở Trung Quốc là ai?
Thuật ngữ “học giả người nước ngoài” hoặc “quốc tế” ở Trung Quốc thường được sử dụng mà không có định nghĩa chung. Ở Trung Quốc, trong những cuộc thảo luận chính sách về học giả nước ngoài thuật ngữ này thay đổi từ sulian zhuanjia (chuyên gia Liên Xô) vào những năm 1950, đến các waguo wenjiao zhuanjia (chuyên gia về văn hóa và giáo dục nước ngoài) và waiji jiaoshi (giảng viên quốc tịch nước ngoài) trong những năm 1990, và waiji rencai (tài năng nước ngoài) – thuật ngữ được sử dụng trong các chương trình tài năng gần đây ở cấp quốc gia và địa phương. Những chính sách hiện hành tập trung vào việc thu hút các nhà nghiên cứu có quốc tịch nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc. Nhiều trường đại học dành sự ưu tiên cho những học giả không phải người Hoa, chủ yếu là người nước ngoài da trắng đến từ phương Tây. Mặc dù thiếu hầu hết những dữ liệu chính xác và được cập nhật, dữ liệu của Bộ giáo dục năm 2019 chỉ ra rằng có hơn 18.000 học giả nước ngoài đang làm việc ở Trung Quốc. Những nghiên cứu gần đây, bao gồm nghiên cứu của tác giả bài viết này, cho thấy các học giả người nước ngoài ở Trung Quốc không tạo nên một tập thể thuần nhất. Họ có thể được chia nhóm theo những thuộc tính khác nhau, chẳng hạn như ngành khoa học, giai đoạn nghề nghiệp, giới tính, quốc tịch, dân tộc, quốc gia từng làm việc trước đó, nền tảng giáo dục và những thuộc tính khác nữa.
Những nghiên cứu gần đây đã tiết lộ một số phát hiện bổ sung thú vị. Thứ nhất, những học giả nước ngoài được các trường đại học Trung Quốc săn đón nhiều nhất là những nhà nghiên cứu thành công trong ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên từ phương Tây. Thứ hai, phần lớn các học giả là nam giới, giữ vị trí cao và có quốc tịch, kinh nghiệm làm việc và bằng cấp từ các nước phương Tây. Cuối cùng, xuất hiện một nhóm mới nổi gồm những học giả sinh ra ở nước ngoài, ở lại Trung Quốc sau khi nhận bằng tiến sĩ tại đây. Đương nhiên, sự đa dạng trong kinh nghiệm của họ phản ánh tính không đồng nhất của nhóm.
Điều gì thúc đẩy các học giả nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc?
Các học giả người nước ngoài đến Trung Quốc vì nhiều lý do kết hợp với nhau, gồm cả lý do chuyên môn, văn hóa, xã hội và lý do cá nhân. Động lực chính phổ biến nhất là để phát triển sự nghiệp, bởi vì sự thay đổi nơi làm việc dự kiến sẽ mang lại cơ hội tốt hơn so với tiếp tục công việc ở quốc gia họ đang cư trú. Triển vọng cũng liên quan đến tiền lương, phụ cấp, tài trợ nghiên cứu, trợ cấp nhà ở, những đề nghị công việc phù hợp với vợ/ chồng của họ, và sự nhìn nhận tổng thể hồ sơ sự nghiệp của họ.
Động lực thứ hai là những cơ hội về văn hóa và những kết nối xã hội, thường được kết hợp với khía cạnh nghề nghiệp. Các học giả, đặc biệt trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn bị hấp dẫn bởi cơ hội làm việc trong một môi trường văn hóa độc đáo. Đối với một số người, có mạng lưới mạnh mẽ ở Trung Quốc là điều cần thiết cho nghiên cứu của họ. Động lực thứ ba liên quan đến lý do cá nhân, chẳng hạn như có vợ hoặc chồng là người Trung Quốc.
Giới học thuật Trung Quốc trông đợi điều gì từ các học giả nước ngoài?
Các tổ chức Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào các học giả nước ngoài trong nỗ lực xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Khi thuê các học giả người nước ngoài, các trường đại học và viện nghiên cứu tìm cách nâng cao uy tín quốc tế của họ, tăng năng suất nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ phát triển năng lực và thu hút sinh viên quốc tế. Điều này trái ngược đáng kể với tình trạng của những năm 1990, khi giảng viên quốc tế được thuê chủ yếu để giảng dạy. Theo ý kiến của chính các học giả quốc tế, các tổ chức tuyển dụng họ chủ yếu để nâng cao hiệu suất nghiên cứu và danh tiếng quốc tế của tổ chức. Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy rằng họ bị giới hạn trong những “bong bóng” và ít được tích hợp tại nơi làm việc so với những đồng nghiệp Trung Quốc. Nhiều người tin rằng họ có thể đóng những vai trò quan trọng hơn trong việc xây dựng mối liên kết giữa tổ chức của họ và mạng lưới học thuật toàn cầu.
Các học giả nước ngoài có hài lòng với công việc của họ không?
Ở những mức độ khác nhau, các học giả nước ngoài nhìn chung hài lòng với điều kiện làm việc của họ ở Trung Quốc. Trong hầu hết các trường hợp, các học giả trong ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên hài lòng với công việc của họ hơn so với đồng nghiệp của họ trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn – là những người dễ cảm thấy thất vọng, đặc biệt nếu họ giữ những vị trí thấp. Tuy nhiên, các học giả nước ngoài đều nhận thấy trong cuộc sống họ gặp nhiều thách thức trong cả khía cạnh chuyên nghiệp và phi chuyên nghiệp, đặc biệt sau vài năm làm việc. Đầu tiên, họ ý thức rằng họ bị các học giả và quản trị viên trong nước coi là nguồn có thể gây ra xung đột. Thứ hai, họ thường cảm thấy bị coi là khách và bị cô lập với phần còn lại của tổ chức. Thứ ba, hầu hết họ tin rằng có rào cản ngôn ngữ, chẳng hạn khi xin tài trợ nghiên cứu. Thứ tư, tự do học thuật bị thu hẹp trở thành một mối lo ngại, đặc biệt đối với một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Thứ năm, hầu hết họ khó thích ứng với hệ thống quản lý nghiên cứu địa phương. Và cuối cùng, những thách thức trong khía cạnh phi chuyên nghiệp chủ yếu bao gồm hội nhập văn hóa (ví dụ xung đột với các hệ thống giá trị), thủ tục pháp lý (ví dụ như đơn xin thị thực và giấy phép cư trú kéo dài) và điệu kiện sống (ví dụ chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, khó tìm trường học cho con cái).
Học giả nước ngoài sẽ ở lại Trung Quốc hay không?
Về việc lưu trú dài hạn, có sự khác biệt đáng kể giữa các học giả tùy thuộc vào hoàn cảnh của họ. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây về các học giả châu Âu trong các trường đại học công lập Trung Quốc cho thấy mức độ hài lòng với công việc của họ có xu hướng giảm dần theo thời gian, khi họ dần dần nhận diện được những thách thức liên quan đến trường đại học nơi họ đang làm việc cũng như đến xã hội rộng hơn. Mặt khác, vẫn nhiều người chấp nhận những đề nghị làm việc lâu dài ở Trung Quốc bao gồm vị trí cao hơn ở độ tuổi tương đối trẻ, với họ cũng là hợp lý khi chưa cân nhắc việc chuyển đi nơi khác. Kinh nghiệm làm việc của họ tại Trung Quốc là bước đệm cần thiết để có thêm ưu thế cạnh tranh trên thị trường lao động học thuật toàn cầu.
Kết luận
Thế giới hiện đang trải qua những cuộc khủng hoảng bất thường do thảm họa toàn cầu COVID-19 gây ra, quan hệ lạnh nhạt giữa Mỹ và Trung Quốc và cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Các động lực địa chính trị thay đổi nhiều khả năng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động dịch chuyển học thuật quốc tế. Do những hạn chế đi lại vì đại dịch ở Trung Quốc, nguồn thu hút người nước ngoài của đất nước này đã bị thu hẹp. Ví dụ, số lượng học giả châu Âu ở Trung Quốc đã giảm đi 1/3. Trong tình hình đó, những luồng di cư quốc tế đến Trung Quốc, bao gồm các học giả nước ngoài, cần được nắm bắt và theo dõi chặt chẽ.