Đâu là giá trị của giáo dục đại học kỹ thuật số: Từ hàng hóa trở thành tài sản

Janja Komljenovic là Giảng viên cao cấp tại Đại học Lancaster, Vương quốc Anh. Email: [email protected].

Tóm tắt

Sinh viên, giảng viên, các nhà quản lý và lãnh đạo của các tổ chức giáo dục đại học đang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số trong công việc hàng ngày của họ. Nhiều nền tảng cung cấp các dịch vụ khác nhau, nhắm mục tiêu vào những khách hàng khác nhau và sử dụng những mô hình kinh doanh khác nhau. Hầu hết những nền tảng này là độc quyền và hình thành ngành công nghiệp công nghệ giáo dục (Edtech). Chúng ta nên chú ý đến hình thức phối hợp kinh tế cụ thể trong đó số hóa giáo dục đại học và số hóa trong giáo dục đại học đang được mở rộng, được gọi là tài sản hóa.

Vào năm 2020, các nền tảng kỹ thuật số – vốn đã có chỗ đứng đáng kể trong lĩnh vực giáo dục đại học (GDĐH) trên toàn cầu – bất ngờ được chú ý, khi các cơ sở GDĐH trên toàn thế giới đột ngột chuyển sang hình thức hoạt động gần như hoàn toàn trực tuyến. Kết quả là, ảnh hưởng của những nền tảng như vậy được thừa nhận, và vai trò và tác động liên quan của chúng được thảo luận rộng rãi.

Nền tảng kỹ thuật số trong giáo dục hiện đại

Mặc dù những cuộc tranh luận trong hai năm qua đã khai sáng cho những người trước đây ít biết về vai trò của các nền tảng kỹ thuật số trong GDĐH, nhưng chúng không giải thích đầy đủ về sự đa dạng phi thường của những nền tảng kỹ thuật số tồn tại trong và xung quanh GDĐH. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ sự đa dạng này để thực sự nắm bắt được những tác động lâu dài tiềm tàng của việc “số hóa” GDĐH trên toàn thế giới.

Nhìn chung, có thể thấy ba loại nền tảng kỹ thuật số trong lĩnh vực GDĐH. Loại đầu là những nền tảng nhắm mục tiêu trực tiếp đến từng học viên, chạy song song với hệ thống GDĐH được thể chế hóa và quản lý (ví dụ những ứng dụng tự động hóa việc ghi chú hoặc cho phép chú thích theo nhóm tài liệu khóa học). Những nền tảng như vậy thu thập nội dung và tổng hợp dữ liệu người dùng, trong khi chủ sở hữu nền tảng đưa ra những quyết định về phương pháp sư phạm, cấu trúc quy trình học tập, và đổi mới (nếu muốn) với dữ liệu người dùng đã thu thập.

Loại thứ hai gồm những nền tảng đóng vai trò gần giống như “những tổ chức giáo dục” theo đúng nghĩa của chúng (ví dụ những ứng dụng cho phép những giáo viên dạy tự do trực tiếp cung cấp những khóa học ngắn và những khóa học khác cho sinh viên tương lai). Những nền tảng như vậy đóng vai trò trung gian, kết nối người mua dịch vụ (người học) và người bán (nhà cung cấp nội dung). Chúng cũng trực tiếp cấu trúc những quan hệ xã hội và kinh tế tồn tại trên nền tảng – thiết lập các điều khoản sử dụng – và đơn phương xác định cách thức nội dung được cung cấp, giáo viên có thể làm gì, người học tương tác thế nào, nội dung được gán giá trị thế nào, ai có quyền truy cập và ai không, xác định giá cả, v.v… Những nền tảng như vậy cũng có thể được hưởng lợi từ dữ liệu người dùng, ví dụ bằng cách đưa ra những đề xuất được cá nhân hóa cho người học đối với những lớp học cụ thể, quyết định mức thù lao cho giáo viên dựa trên hành vi của người dùng, v.v…

Loại cuối cùng gồm những nền tảng được tích hợp trực tiếp vào công việc của một trường đại học, thông qua các hợp đồng. Nói chung, các trường đại học trả một khoản đăng ký hoặc lệ phí cho việc sử dụng những nền tảng đó. Một trường đại học có thể tích hợp những nền tảng độc quyền bên ngoài như vậy vào hệ sinh thái kỹ thuật số của mình, cho phép lưu thông những luồng dữ liệu nhất định và thậm chí sử dụng những hoạt động phân tích độc quyền (tức là nhận thông tin về giảng viên và sinh viên như một phần của chức năng nền tảng). Trong trường hợp này, trường đại học là đơn vị kiểm soát dữ liệu cá nhân và chịu trách nhiệm đảm bảo để dữ liệu cá nhân được thu thập, truy cập, lưu trữ và xử lý hợp pháp. Dù vậy, vẫn có những cách mà dữ liệu cá nhân có thể bị tiết lộ cho chủ sở hữu nền tảng độc quyền để tổng hợp, phân tích và tạo dữ liệu mới về những người dùng cụ thể. Nói chung, rất khó để thay đổi những thỏa thuận như vậy, do sự ràng buộc của hợp đồng và cũng như quy mô tích hợp diễn ra.

Cần hiểu nền tảng kỹ thuật số là tài sản, không phải hàng hóa

Ba loại nền tảng được nêu ở trên có những mô hình kinh doanh và trọng tâm khách hàng khác nhau. Mô hình đầu tiên cung cấp trực tiếp dịch vụ đến người dùng, mô hình thứ hai là trung gian giữa người dùng cá nhân và cuối cùng là mô hình kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong cả ba trường hợp, các nền tảng đều được bảo vệ bởi giấy phép phần mềm và các điều khoản sử dụng. Do đó, chúng hoạt động như tài sản (tức là tài nguyên tạo ra giá trị liên tục và lợi ích kinh tế, là kết quả của quyền sở hữu và kiểm soát), mà không phải là hàng hóa (chỉ có giá trị tại thời điểm mua). Có nhiều hàm ý liên quan đến vấn đề này mà các tổ chức GDĐH trên thế giới cần hiểu rõ hơn. Trong phần còn lại của bài viết này, tôi sẽ nêu bật 3 điểm chính đặc biệt liên quan đến chính sách và thực tiễn, đó là những hàm ý về giá trị, quyền kiểm soát và dữ liệu người dùng.

Đầu tiên, nhìn từ khía cạnh mô hình tài chính, các nền tảng Edtech hoạt động như một tài sản, điều này có ý nghĩa quan trọng. Các trường đại học không trả tiền một lần để sở hữu một nền tảng cụ thể. Thay vào đó, họ thường trả tiền đăng ký hàng năm để truy cập và sử dụng. Những mô hình thanh toán tương tự đang được áp dụng đối với những nền tảng nhắm mục tiêu trực tiếp đến sinh viên. Những thỏa thuận này đảm bảo rằng sinh viên, giảng viên và các cơ sở GDĐH được giữ chặt trong mối quan hệ liên tục với các chủ sở hữu nền tảng, vì ngày càng khó cắt đứt quan hệ về mặt công nghệ, pháp lý hoặc thực tế. Do đó, chủ sở hữu nền tảng có quyền lực đáng kể trong việc tăng chi phí truy cập và sử dụng nền tảng.

Hàm ý thứ hai liên quan đến kiểm soát. Với hàng hóa, quyền sở hữu được trao đổi khi sản phẩm và dịch vụ được bán và mua. Tuy nhiên, trong trường hợp truy cập tài sản, tất cả các quyền sở hữu, theo dõi và kiểm soát vẫn thuộc về chủ sở hữu tài sản. Họ quyết định liên quan đến quyền truy cập vào nền tảng, cách người dùng tương tác và những gì người dùng được phép làm hoặc không. Hơn nữa, các công ty Edtech quy định cấu trúc của hoạt động học tập và những mối quan hệ xã hội và kinh tế trên các nền tảng của họ. Những điều kiện hoạt động có thể bị thay đổi đơn phương và thậm chí đột ngột, nếu chủ sở hữu ban hành

những điều khoản sử dụng mới, quyết định bán nền tảng hoặc sáp nhập với một công ty khác. Người dùng cá nhân và tổ chức có rất ít thông tin về cách mọi thứ được vận hành trên nền tảng, bao gồm cả những thuật toán đưa ra dự đoán và có tác động đến quá trình học tập của họ. Ngoài ra, do tính nhạy cảm về mặt thương mại, người dùng ít khi nhận thức được loại hoạt động nào đang được vận hành trong nền tảng và chúng được thiết kế thế nào.

Hàm ý cuối cùng là về dữ liệu người dùng. Các nền tảng kỹ thuật số thu thập dữ liệu người dùng kỹ thuật số bất cứ khi nào người dùng tương tác với chúng, ví dụ: bất kỳ nội dung nào được đăng, hành vi nhấp chuột của cá nhân, thời gian dành cho mỗi hoạt động cụ thể, trình tự các hành động của họ trên nền tảng, địa chỉ IP, ID máy của họ, v.v… Dữ liệu người dùng như vậy có thể trở nên giá trị theo đúng nghĩa của nó khi được tổng hợp, phân tích và chuyển thành thông tin tình báo. Hiện tại, các diễn ngôn trong giáo dục và Edtech thường đề cao những quy trình giàu dữ liệu (data-rich) vì hướng đến mục tiêu cá nhân hóa và tự động hóa để hỗ trợ hiệu quả và hiệu năng. Trên thực tế, chúng tôi nhận thấy những hoạt động như vậy trong GDĐH đang ở giai đoạn đầu. Có rất nhiều thử nghiệm đổi mới với dữ liệu người dùng trong cách thức tích hợp nhiều phân tích và trí tuệ khác vào một đề xuất của nền tảng. Những quy định về quyền riêng tư dữ liệu không được áp dụng đối với những hoạt động và tính toán thống kê giàu dữ liệu. Khi dữ liệu người dùng được tổng hợp, các cá nhân luôn được xếp vào các nhóm và trong mối liên hệ với nhau để tìm kiếm những xu hướng tiềm năng. Thông tin mới được tạo ra về những cá nhân lặp lại để nhắm mục tiêu vào hành vi của họ. Nhưng sinh viên và giảng viên với tư cách là người dùng không có tiếng nói về cách dữ liệu của họ được xử lý để tạo ra những phân tích và dự đoán sản phẩm trong nền tảng mà chính họ sử dụng để nghiên cứu và làm việc. Do đó, vấn đề cốt yếu là ai có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng tổng hợp, ai có cơ hội đổi mới trong Edtech và ai có thể hưởng lợi từ giá trị kinh tế tiềm năng của nó trong tương lai.

Kết luận

Có nhiều điều để nói về Edtech trong GDĐH. Rõ ràng, Edtech có tiềm năng to lớn mang lại lợi ích cho sinh viên, giảng viên và GDĐH nói chung, nhưng điều quan trọng là nó được triển khai và quản lý như thế nào. Chúng ta cần suy nghĩ kỹ hơn về cách thức nhằm khiến các chủ sở hữu nền tảng Edtech độc quyền có trách nhiệm giải trình với các bên liên quan của GDĐH và công chúng nói chung. Chúng ta cũng cần phải làm nhiều hơn nữa để kiểm soát việc khai thác độc quyền và khả năng bị phụ thuộc hoàn toàn. Nếu Edtech bị chi phối bởi một vài gã khổng lồ, như đã từng xảy ra trong các ngành công nghiệp khác, thì điều đó có ý nghĩa gì đối với tương lai của lĩnh vực này? Cuối cùng, chúng ta cần tìm cách đảm bảo quản trị dữ liệu người dùng một cách dân chủ hơn. Chẳng hạn, những tài sản dữ liệu hiện tại đang thuộc tư nhân có nên được công khai để mọi người có thể sử dụng dữ liệu người dùng tổng hợp cho mục đích đổi mới đạo đức và xã hội hay không? Đây là những câu hỏi chính mà các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan cần khẩn trương giải quyết.