Có thể đo lường tác động của các trường đại học đến biến đổi khí hậu hay không?

Tristan McCowan là Giáo sư về giáo dục quốc tế tại Học viện Giáo dục, Đại học London, UK. Email: [email protected].

Tóm tắt

Các trường đại học ngày càng quan tâm đến việc tìm hiểu tác động của họ, cả tích cực và tiêu cực – đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngoài lượng khí thải trực tiếp từ các khuôn viên đại học, liệu có thể đo lường được những ảnh hưởng của họ thông qua giáo dục, sản xuất tri thức và sự tham gia cộng đồng? Bài báo này lập luận rằng mặc dù giám sát những hoạt động có thể đo lường được là việc quan trọng, các trường đại học không nên bỏ qua những hoạt động không đo lường được.

Để đánh giá tác động của mình đến khí hậu, các tổ chức giáo dục đại học hiện đang đo lượng phát thải khí nhà kính theo ba cách: phạm vi 1 – trực tiếp từ những hoạt động của họ; phạm vi 2 – thông qua việc

cung cấp năng lượng; và phạm vi 3 – thông qua những hoạt động tiêu thụ (sử dụng hàng hóa và dịch vụ, vận chuyển, đầu tư, v.v…). Mặc dù khung phạm vi này có thể áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, lại không bao gồm nhiều phạm vi tác động mà một trường đại học có thể có. Các trường đại học tạo ra lượng khí phát thải, nhưng họ cũng định hình trí tuệ, phát triển khoa học và đào tạo các chuyên gia, tất cả những điều này đều tác động đến biến đổi khí hậu – đôi khi rất sâu sắc. Có cách nào để đánh giá những tác động này? Trên thực tế, liệu có khi nào chúng ta đánh giá được đầy đủ những tác động của một trường đại học đến biến đổi khí hậu hay không?

Những câu hỏi này không chỉ được các nhà lý luận và nghiên cứu về giáo dục đại học quan tâm. Chương trình Nghị sự 2030 và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững được Liên Hợp Quốc thông qua cho rằng các trường đại học có vai trò then chốt trong việc đảm bảo tính bền vững toàn cầu. Các lãnh đạo đại học vẫn đang giám sát và tìm cách giảm lượng khí thải carbon, dù là xuất phát từ cam kết của chính họ với mục tiêu vì môi trường, hoặc dưới áp lực từ những nhóm sinh viên cam kết bảo vệ môi trường. Những chính phủ quan tâm đến mục tiêu không phát thải chắc chắn sẽ để mắt đến hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là khi có nguồn tài trợ công.

Đo lượng phát thải khí nhà kính

Một số bằng chứng đã bắt đầu được thu thập. Nghiên cứu năm 2019 của Robin Shields ước tính lượng khí thải toàn cầu liên quan đến việc di chuyển của sinh viên quốc tế ở trong khoảng từ 14,01 megaton CO2 tương đương mỗi năm (xấp xỉ mức phát thải của quốc gia Latvia) đến 38,54 megaton (bằng nghiệp đã tạo ra một chỉ số tổng hợp (từ 3 phạm vi đo đạc nói trên) để đánh giá lượng khí thải carbon của 20 trường đại học, trong đó tiêu thụ năng lượng chiếm phần lớn nhất, tiếp đến là việc đi lại (sinh viên đi học và giảng viên đi công tác). Một nghiên cứu có tính sáng tạo đặc biệt của Eugene Cordero và các đồng nghiệp đã đưa ra được cách định lượng tác động của một học phần đào tạo đại học về phát thải khí nhà kính: họ ước tính rằng 5 năm sau, khoá học này dẫn đến kết quả giảm được 2,86 tấn CO2/sinh viên mỗi năm – không thua kém so với những sáng kiến khác về vật liệu cách nhiệt và xe điện. Dù sao vẫn không có những bằng chứng có thể giúp các trường đại học hiểu rõ tác động của họ đến biến đổi khí hậu và so sánh tác động của những lĩnh vực hoạt động khác nhau của họ.

Lộ trình ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu

Để hiểu tác động của các trường đại học đối với biến đổi khí hậu, có thể bắt đầu từ những hành động đã được thực hiện. Dự án Chuyển đổi các trường Đại học do Biến đổi Khí hậu (Climate–U) đã khái quát hóa hoạt động của một trường đại học thành 5 phương thức: giáo dục (các khóa học cho sinh viên đại học, sau đại học, cũng như các quá trình giảng dạy và học tập khác); sản xuất tri thức (nghiên cứu cơ bản, đổi mới và ứng dụng tri thức, xuất bản học thuật); cung cấp dịch vụ (dự án cộng đồng, tư vấn và biệt phái); tranh luận công khai (phổ biến khoa học, vận động chính trị, và thúc đẩy tranh luận công khai); và các hoạt động trong học xá (không gian vật lý của trường và cộng đồng học thuật).

Có thể hiểu tác động của 5 phương thức này đối với khí hậu qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là những cộng đồng tiếp xúc trực tiếp với trường đại học – quan trọng nhất là sinh viên, những người sẽ gia nhập xã hội sau khi tốt nghiệp, tiếp đến là cộng đồng địa phương, chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự. Những cộng đồng này được gọi là “những tác nhân cầu nối”, vì họ chuyển ảnh hưởng của trường đại học đến toàn xã hội (giai đoạn thứ hai). Các trường đại học ảnh hưởng đến xã hội nói chung thông qua việc định hình thực tiễn công việc, sản xuất công nghệ mới và luân chuyển ý tưởng, tất cả đều có tác động trực tiếp đến sinh quyển (giai đoạn thứ ba và là giai đoạn cuối). Tất nhiên, những ảnh hưởng này có thể tiêu cực hoặc tích cực, và lịch sử cho thấy các trường đại học có liên quan đến phần lớn sự tàn phá môi trường tự nhiên, thông qua việc thúc đẩy thế giới quan và phát triển công nghệ.

Đương nhiên, đây không phải là một quá trình một chiều khi trường đại học thay đổi xã hội mà không bị thay đổi. Thông qua những vòng phản hồi, hệ sinh quyển và xã hội cũng tác động ngược lại đến các trường và hệ thống giáo dục đại học. Trong nhiều thập kỷ tới, các trường đại học trên khắp thế giới sẽ phải đối mặt với những tác động ngày càng nghiêm trọng của khí hậu, lũ lụt, cháy rừng, thiếu nước và thời tiết khắc nghiệt, chưa kể những xu hướng đang thay đổi của kinh tế và chính trị.

Thách thức về đo lường

Dù khung lập luận nói trên giúp chúng ta hiểu rõ các luồng ảnh hưởng, nó không giúp giải quyết những vấn đề trong đo lường tác động. Đầu tiên, đó là vấn đề cố hữu về phổ cập nhận thức. Từ chỗ biến đổi khí hậu chỉ được biết đến trong những nhóm chọn lọc vào những năm 1980, giờ đây chúng ta đã chuyển sang tình huống khi mà 64% dân số thế giới nhận ra rằng chúng ta đang sống trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu – theo một cuộc khảo sát của UNDP/ Đại học Oxford – bất chấp những nỗ lực cản trở và đánh lạc hướng của những cuộc vận động hành lang cho nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, phần nào trong sự thay đổi to lớn đó là nhờ vào công sức của các trường đại học và các nhà nghiên cứu? Nhà nghiên cứu khí hậu Michael E. Mann của Đại học bang Pennsylvania đã vận động cho vấn đề này trong suốt cuộc đời của ông, và xây dựng một biểu đồ hình gậy khúc côn cầu giúp nhiều người dễ dàng hình dung về hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Tuy nhiên, liệu chúng ta có thể theo dõi chính xác mức độ nhận thức xã hội do những ý tưởng của ông tạo thành hay không?

Ngay cả khi chúng ta có thể lập biểu đồ các luồng ảnh hưởng khác nhau và giải quyết được vấn đề phổ cập nhận thức, chúng ta vẫn phải đối mặt với những thách thức về độ phủ rộng, cường độ và thời gian. Các trường đại học tạo ra một số tác động sâu sắc, nhưng chỉ tập trung vào một số người: ví dụ như đối với sinh viên thế hệ thứ nhất (người đầu tiên trong gia đình được học đại học), kinh nghiệm học tập ở trường đại học có thể thay đổi cuộc sống và dẫn đến những thay đổi to lớn về sự nghiệp, lối sống và cam kết chính trị. Những tác động khác có thể rất phân tán. Việc biệt phái một giáo sư đại học để hỗ trợ UNESCO thực hiện chính sách giáo dục về thay đổi khí hậu có thể tạo ra ảnh hưởng toàn cầu, nhưng rất yếu ớt. Khoảng thời gian để một tác động bộc lộ có thể rất khác nhau. Một số tác động xảy ra tức thời, những tác động khác có thể xảy ra sau nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ. Lịch sử có rất nhiều ví dụ về những khám phá khoa học có ảnh hưởng thiết thực đến cuộc sống của con người chỉ rất lâu sau khi được phát minh.

Những điều trên dẫn đến kết luận rằng tác động của các trường đại học đến biến đổi khí hậu thật sự rất phức tạp, và đo lường chúng là việc không thể làm được. Đúng là chúng ta có thể không bao giờ xác định, ghi nhận và so sánh được mọi loại ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn có những tác động có thể truy vết và nghiên cứu, nếu tiếp cận theo ba nguyên tắc sau đây. Thứ nhất, đo lường cẩn thận những thứ có thể đo được: lượng khí thải trực tiếp, sự dịch chuyển của sinh viên, giảng viên, v.v… Thứ hai là đa dạng hóa cách thức ghi nhận tác động, sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính cũng như định lượng, để nắm bắt những khía cạnh hoạt động của các trường đại học mà chúng ta không đo lường được bằng con số. Cuối cùng, đối với những thứ không thể nắm bắt đầy đủ bằng bất kỳ hình thức nghiên cứu nào, không loại bỏ chúng ra khỏi tầm ngắm. Viện dẫn một câu nói nổi tiếng “không phải mọi thứ cần đếm đều có thể đếm được”, trong các trường đại học – cũng như trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống – đôi khi chúng ta cần hành động dựa vào kinh nghiệm và suy luận hợp lý, ngay cả khi không có bằng chứng nghiên cứu có hệ thống.