Arthur M. Hauptman là nhà tư vấn chính sách công độc lập chuyên về các vấn đề tài chính giáo dục đại học. Email: Art.Hauptman@yahoo.com.
—
Tóm tắt
Hai mô hình hỗ trợ cho giáo dục đại học công lập đang chiếm ưu thế trên thế giới đều không đạt yêu cầu cả về giá cả phải chăng và tính bền vững. Mô hình học phí thấp cho phép người học chi trả được nhưng không đạt sự bền vững về tài chính và hạn chế cơ hội tiếp cận. Mô hình học phí cao/ tài trợ cao thì bền vững hơn, nhưng khả năng chi trả của người học thấp hơn, dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản vay dành cho sinh viên. Có một mô hình đồng thuận có thể khiến cho giáo dục đại học có giá cả hợp lý và bền vững mà không đòi hỏi một tỷ trọng tài trợ quá lớn từ GDP.
—
Ởcác nước trên thế giới, chính sách tài trợ cho giáo dục đại học công lập hướng tới hai mục tiêu chính, đó là để giáo dục đại học có giá phù hợp với nhiều tầng lớp dân cư và hệ thống có tính bền vững về mặt tài chính.
Trong thực tế, những mục tiêu này hiếm khi đạt được. Trong bài viết này, chúng tôi đặt câu hỏi liệu có tồn tại một mô hình đáp ứng cả hai mục tiêu mà không đòi hỏi mức ngân sách dành cho giáo dục đại học quá lớn hay không.
Giữ học phí thấp là một cách tiếp cận phổ biến về mặt chính trị dựa trên quan điểm rằng giáo dục đại học là một loại công ích và người nộp thuế phải trả toàn bộ chi phí cung cấp nó. Theo định nghĩa, cách tiếp cận này thường đạt được mục tiêu giá cả phải chăng bằng cách tính học phí rất thấp đối với tất cả sinh viên – mặc dù vấn đề chi phí sinh hoạt của sinh viên thường không được giải quyết đầy đủ. Nhưng trong thực tế hầu hết các chính phủ không có đủ nguồn lực để cung cấp một nền giáo dục chất lượng nếu thu học phí thấp từ sinh viên. Kết quả là, nguồn cung chỗ học bị hạn chế và hệ thống giáo dục đại học phải thu hẹp thay vì phát triển, hoặc là chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên giảm mạnh. Không có tình huống nào là bền vững. Những trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là một số quốc gia Scandinavia, nhờ vào doanh thu từ thuế cao, có thể tài trợ mô hình học phí thấp và cung cấp một nền giáo dục chất lượng cho phần lớn cư dân.
Ngược lại, cách tiếp cận dựa vào sinh viên (còn thường được gọi là học phí cao/ tài trợ cao) xem giáo dục đại học chủ yếu là tư ích, trong đó sinh viên được hưởng lợi chính bởi vì sau khi tốt nghiệp họ kiếm được thu nhập cao hơn. Theo triết lý này, các trường đại học có xu hướng đặt ra mức học phí cao hơn và cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn cho những người không đủ khả năng chi trả. Cách tiếp cận học phí cao/ hỗ trợ cao bền vững hơn nhiều so với cách tiếp cận học phí thấp vì nó tạo ra doanh thu cao hơn tính theo đầu sinh viên. Nhưng nếu khoản hỗ trợ tài chính bổ sung không được cung cấp đủ sẽ khiến khả năng chi trả giảm mạnh, và điều này có thể dẫn đến một hệ thống chủ yếu phục vụ cho tầng lớp khá giả.
Trong mô hình này, khoảng cách giữa giá cao và khả năng chi trả của nhiều sinh viên thường dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản vay dành cho sinh viên. Do đó, các khoản cho vay trở thành một cơ chế chính để đạt được khả năng chi trả cao hơn và tính bền vững trong chính sách tài trợ cho giáo dục đại học. Nhưng thường là những sai sót trong việc thiết kế chương trình tài trợ có thể ngăn những khoản vay đạt được hai mục tiêu kép này. Ví dụ, việc kiểm soát học phí yếu kém có thể dẫn đến việc phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay, và dẫn đến tình trạng số lượng người vay không thể hoặc không muốn trả nợ vượt tầm kiểm soát. Điều này làm suy yếu cơ sở lý luận của việc dựa vào các khoản cho vay ngay từ đầu.
Hướng tới mô hình đồng thuận
Một vấn đề hạn chế tính hiệu quả của cả hai mô hình là những quyết định cấp ngân sách, xác định mức học phí và hỗ trợ tài chính thường được phối hợp kém. Vấn đề khác nữa là không có kế hoạch nào tính đến việc giúp sinh viên trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian học. Có cách nào tốt hơn để đạt được cả hai mục tiêu này, mà nhiều quốc gia có thể áp dụng thành công hay không?
Bước đầu tiên để đảm bảo khả năng chi trả cao hơn là từ bỏ quan điểm cho rằng chức năng chính của học phí là giúp trang trải chi phí hoạt động của trường đại học. Thay vào đó, các quốc gia nên căn cứ vào mức học phí mà một gia đình trung bình có thể chi trả và xây dựng hệ thống các trường đại học của họ dựa vào đó. Ví dụ, các trường có thể đặt mức học phí và các khoản phí bắt buộc trong khoảng từ 10% – 25% GDP bình quân đầu người. Những trường và chương trình đào tạo có sức hấp dẫn lớn có thể tính tỷ lệ phần trăm GDP cao hơn so với những trường và chương trình ít hấp dẫn hơn. Một thành phần quan trọng của phương pháp này là nguồn ngân sách phải đủ để cung cấp các khoản hỗ trợ bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt cho những sinh viên không đủ khả năng tài chính.
Cách tiếp cận này dẫn đến một sự cân đối nhất định. Càng nhiều trường tính phí trong phạm vi chấp nhận được, thì chính phủ của họ càng ít phải hỗ trợ hơn. Nhưng tại những trường thu phí cao hơn, nguồn hỗ trợ tài chính cần được tăng cường vì sẽ có nhiều sinh viên không đủ khả năng chi trả các khoản phí cao. Ngược lại, đối với những trường thu phí ở mức thấp hơn trong phạm vi chấp nhận được, chính phủ sẽ phải cấp ngân sách cao hơn cho trường nhưng ít hỗ trợ cho sinh viên hơn.
Để đạt được sự bền vững hơn, các quốc gia cần phát triển những chính sách thúc đẩy sự phù hợp với nhu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và đạt được hiệu quả cao hơn. Để đảm bảo tính phù hợp cao hơn, nên tăng tỷ lệ phân bổ ngân sách cho các cơ hội đào tạo. Nhiều quốc gia cấp mức tài trợ tính theo đầu sinh viên cao hơn nhiều cho các chương trình học thuật so với các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên chuyển nhiều tài trợ hơn sang các chương trình định hướng nghề nghiệp có thể tăng mức độ phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, cũng như giúp giảm chi phí tính theo đầu sinh viên, vì đào tạo nghề thường có chi phí thấp hơn các chương trình học thuật.
Để khuyến khích tăng trưởng số lượng tuyển sinh, các quốc gia nên sử dụng ngân sách của chính phủ để cung cấp thêm doanh thu cận biên cho các trường. Ở hầu hết các quốc gia, tài trợ của chính phủ không theo kịp mứctăng trưởng tuyển sinh, buộc các cơ sở giáo dục phải dựa vào học phí thu từ sinh viên để trang trải những chi phí cận biên phát sinh do sự tăng trưởng tuyển sinh không lường trước được. Việc tạo ra một mức phí riêng do chính phủ tài trợ, không bị giới hạn khi số lượng đăng ký học vượt quá mức mục tiêu có nghĩa là người nộp thuế sẽ chia sẻ việc chi trả cho sự gia tăng số lượng ghi danh.
Để tăng hiệu quả, phân bổ ngân sách cho các trường phải dựa trên chi phí định mức. Chính phủ hoặc cơ quan tài trợ thường dựa vào các báo cáo của nhà trường về số tiền họ chi tiêu cho mỗi sinh viên để xác định việc phân bổ ngân sách cho tương lai. Nhưng các trường cũng thường phóng đại những gì họ chi tiêu. Chi phí có thể được kiềm chế nếu các công thức phân bổ dựa trên chi phí định mức – nghĩa là, những gì “nên” được chi cho mỗi sinh viên trong các lĩnh vực khác nhau được xác định bằng phân tích dữ liệu khách quan.
Đây là một phác thảo sơ lược, nhưng tất cả những bước này được thực hiện cùng nhau có thể giúp việc tài trợ cho giáo dục đại học công trở nên hợp lý và bền vững hơn về mặt tài chính. Do đó, một mô hình đồng thuận như vậy là một mục tiêu xứng đáng và có thể đạt được đối với nhiều quốc gia.