Các nhà nghiên cứu quốc tế trong các công ty Nhật Bản

Ming Li là Trợ lý giáo sư tại Trung tâm Sáng kiến Toàn cầu, Đại học Osaka, Nhật Bản. E-mail: li.ming.cgin@osaka-u.ac.jp.

Futao Huang là Giáo sư tại Viện nghiên cứu Giáo dục Đại học, Đại học Hiroshima, Nhật Bản. E-mail: futao@hiroshima-u.ac.jp.

Bài báo này được tài trợ bởi Hiệp hội khuyến khích Khoa học Nhật Bản (dự án “Nghiên cứu quốc tế và so sánh vai trò và những đóng góp của Giảng viên và nghiên cứu viên quốc tế”, 2019-2023, mã số dự án 19H01640).

Để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu và củng cố cơ cấu công nghiệp nội địa chuyên môn hóa cao của Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một số chính sách thu hút nhân tài nước ngoài.

Năm 2020, số lao động nước ngoài là 1,72 triệu người, gấp 2,5 lần so với 10 năm trước. Hơn nữa, kể từ khi chính sách “Ưu tiên nhập cư dành cho chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao” được ban hành vào năm 2012 (nhằm mục đích chứng nhận 40 ngàn chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao vào cuối năm 2022), tổng số trường hợp được cấp chứng nhận đạt 29.000 vào tháng 6/2021.

Nhằm phát triển thêm nguồn nhân lực toàn cầu và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp và doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty đã nỗ lực thu hút các nhà nghiên cứu quốc tế xuất sắc và mong muốn họ đóng một vai trò tích cực tại nơi làm việc. Điều này có thể so sánh với những gì các trường đại học và viện nghiên cứu đã làm được.

Mặc dù nguồn nhân lực toàn cầu đến Nhật và số lượng các nhà nghiên cứu quốc tế trong các công ty Nhật Bản đều tăng lên, có rất ít nghiên cứu về họ với tư cách cá nhân, về động cơ khiến họ đến Nhật Bản, vai trò của họ, sự đóng góp của họ và những thách thức họ phải đối mặt. Các tác giả của nghiên cứu dẫn đến bài báo này đã thực hiện phỏng vấn 11 nhà nghiên cứu quốc tế thông qua các nền tảng trực tuyến từ tháng 9/2020 – tháng 1/2022 nhằm tìm hiểu những vấn đề này và so sánh chúng với đặc điểm của đội ngũ giảng viên quốc tế tại các trường đại học Nhật Bản, đã được xem xét trong nghiên cứu trước.

Những người được phỏng vấn, gồm 6 nam và 5 nữ trong độ tuổi 20 – 40, đến từ Trung Quốc, Mông Cổ, Nepal, Philippines và Đài Loan; và tất cả đều tốt nghiệp các trường đại học của Nhật Bản. Họ làm việc tại 10 công ty khác nhau trong các ngành công nghiệp chế tạo, dược phẩm, mỹ phẩm và thông tin.

Động lực

Trong khi giảng viên quốc tế đến Nhật Bản chủ yếu được thúc đẩy bởi những lý do chuyên môn và học thuật, cuộc phỏng vấn của chúng tôi cho thấy rằng các nhà nghiên cứu quốc tế bị hấp dẫn bởi vị trí công việc ổn định và mức lương thuận lợi hơn trong các công ty Nhật. Để so sánh, hầu hết các giảng viên quốc tế trẻ tại các trường đại học Nhật Bản được tuyển dụng theo những điều khoản cố định và nhận mức lương thấp so với khối lượng công việc của họ. Ngoài ra, phần lớn những người đến từ những nước có GDP bình quân đầu người thấp hơn Nhật Bản bị thúc đẩy bởi những lý do kinh tế. Theo giới tính, các nhà nghiên cứu nữ thường đánh giá cao sự ổn định của công việc, lợi ích, và văn hóa của những công ty nơi họ làm việc. Trong nghiên cứu về giảng viên quốc tế tại các trường đại học của Nhật Bản, người ta không thấy họ có những động lực tương tự như của các nhà nghiên cứu quốc tế làm việc trong các công ty Nhật Bản.

Vai trò trong công việc và sự đóng góp

Khác với giảng viên quốc tế tại các trường đại học Nhật Bản, những người được phỏng vấn chủ yếu tham gia vào nghiên cứu ứng dụng và thiết kế và phát triển sản phẩm, trong hầu hết các trường hợp, thực hiện các yêu cầu của công ty hơn là vì những lý do học thuật và mục tiêu nghiên cứu của riêng họ. Trong khi đó, các giảng viên quốc tế có quyền tự chủ và tự do học thuật lớn hơn.

Họ cũng được kỳ vọng tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế của công ty, tận dụng nền tảng quốc tế và kỹ năng đa ngôn ngữ của họ. Điều này tương tự các giảng viên quốc tế, những người được kỳ vọng sẽ thực hiện bất kỳ hoạt động nào mà các đồng nghiệp Nhật Bản của họ không làm được, đặc biệt là để giúp nâng cao danh tiếng quốc tế của trường đại học. Một số người được phỏng vấn tin rằng họ có thể đưa ra lời khuyên từ quan điểm quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế và kích thích sự hòa nhập các nền văn hóa khác nhau trong công ty của họ. Quan trọng hơn, hầu hết đều nhấn mạnh rằng họ có thể mang lại cách nhìn mới cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm và có lẽ cho văn hóa của công ty họ.

Tuy nhiên, một số người được phỏng vấn cho rằng những đóng góp của họ có hiệu quả hay không phần lớn phụ thuộc vào sự sắp xếp tổ chức tại công ty của họ, vào sự kỳ vọng từ cả hai phía và những yếu tố khác. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà nghiên cứu quốc tế không tham gia vào công việc quản lý và điều hành, có lẽ điều này đã ngăn cản họ đóng góp được nhiều hơn. Hơn nữa, việc không hiểu rõ hệ thống và chính trị trong công ty cũng có thể hạn chế họ tham gia vào công việc quản trị và những chức năng khác của công ty. Điều này khác với một số giảng viên quốc tế, những người đã trở thành lãnh đạo cấp trung hoặc lãnh đạo cấp cao trong các trường đại học Nhật Bản. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các trường đại học tư nhân, nơi một số giảng viên quốc tế thậm chí trở thành hiệu trưởng.

Thách thức

Do áp lực công việc và thời gian làm việc kéo dài, hầu hết các nhà nghiên cứu được phỏng vấn, đặc biệt là phụ nữ, cảm thấy khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Phát hiện này không được xác nhận trong nghiên cứu về giảng viên quốc tế tại các trường đại học Nhật Bản. Ngôn ngữ là một vấn đề khác: mặc dù những người được phỏng vấn đều tốt nghiệp từ các trường đại học của Nhật Bản, nhưng hầu hết họ vẫn cảm thấy có một rào cản giao tiếp với các đồng nghiệp người Nhật. Việc thông thạo tiếng Anh cũng rất quan trọng, đặc biệt khi họ cần nghiên cứu, giao tiếp với những nhà nghiên cứu từ những quốc gia khác. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế nhận thấy rất khó khăn khi được kỳ vọng có thể sử dụng cả tiếng Nhật và tiếng Anh khi đảm nhận công việc và trách nhiệm của mình. Trong khi đó, đối với hầu hết các giảng viên quốc tế ở Nhật Bản, những thách thức chính là công việc không ổn định, ít kinh phí nghiên cứu và lương thấp, khối lượng giảng dạy và nghiên cứu lớn và triển vọng nghề nghiệp không chắc chắn.

Kết luận

Những phát hiện của chúng tôi từ các cuộc phỏng vấn cho thấy rằng các nhà nghiên cứu quốc tế tại các công ty Nhật Bản có một số điểm tương đồng với giảng viên quốc tế trong các trường đại học Nhật Bản. Ví dụ, hầu hết đến từ các quốc gia châu Á, tốt nghiệp các trường đại học của Nhật Bản và bị thu hút bởi môi trường học thuật và nghiên cứu thuận lợi. Họ được kỳ vọng thay mặt người sử dụng lao động thực hiện nhiệm vụ cộng tác với các đối tác ở nước ngoài. Rất ít người tham gia vào những công việc quản trị và quản lý, và họ phải đối mặt với những vấn đề về ngôn ngữ tại nơi làm việc. Khác với giảng viên quốc tế, họ