Dongbin Kim là Giáo sư tại Đại học Bang Michigan (MSU), US. Email: dbkim@msu.edu.
Sehee Kim là Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại MSU. Email: Kimsehee@msu.edu.
—
Tóm tắt
Sự hiện diện ngày càng đông đảo của các học giả và các nhà nghiên cứu ngoại quốc đã trở thành một đặc điểm quan trọng của lực lượng lao động ở Mỹ, nhưng kinh nghiệm nghề nghiệp của nhóm nhân lực này ít được chú ý. Dữ liệu quốc gia về những người có bằng tiến sĩ do Hoa Kỳ đào tạo cho thấy những tiến sĩ không phải là công dân Hoa Kỳ ít hài lòng hơn đáng kể với những yếu tố nội tại và bên ngoài liên quan đến nghề nghiệp so với các đồng sự Hoa Kỳ của họ.
—
Sự hiện diện đông đảo của các học giả và các nhà nghiên cứu ngoại quốc ở Hoa Kỳ phần lớn liên quan đến mục tiêu theo đuổi nền giáo dục tiên tiến tại các cơ sở giáo dục đại học Hoa Kỳ, không giống như ở
nhiều quốc gia khác nơi các học giả và nghiên cứu sinh ngoại quốc tìm kiếm cơ hội tích lũy kinh nghiệm chuyên môn và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp sau khi học xong. Do đó, số lượng nghiên cứu sinh ngoại quốc ở Hoa Kỳ, đặc biệt ở bậc tiến sĩ, rất lớn; nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Năm 2003, nghiên cứu sinh người nước ngoài chiếm 50% số người nhận bằng tiến sĩ trong khoa học vật lý, 67% trong kỹ thuật và 68% trong kinh tế. Nhiều người trong số những nghiên cứu sinh ngoại quốc này ở lại làm việc tại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp, bổ sung vào lực lượng lao động được đào tạo chuyên sâu.
Nhưng, mặc dù sự hiện diện của những người có bằng tiến sĩ không phải công dân Hoa Kỳ đã trở thành một đặc điểm quan trọng của lực lượng lao động ở Hoa Kỳ, kinh nghiệm chuyên môn của họ ít được chú ý đến. Với suy nghĩ này, chúng tôi đã tìm hiểu về sự nghiệp và kinh nghiệm nghề nghiệp của những người không phải là công dân Hoa Kỳ, để khám phá những khác biệt so với các đồng sự Hoa Kỳ của họ. Để làm việc này, chúng tôi sử dụng kết quả Khảo sát của Quỹ Khoa học Quốc gia năm 2013 về những người có bằng tiến sĩ; khảo sát này cung cấp dữ liệu về những nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ từ các trường đại học Hoa Kỳ, và đang làm việc trong thị trường lao động Hoa Kỳ. Cho rằng phần lớn những người không phải là công dân Hoa Kỳ thường thay đổi tình trạng nhập cư của họ khi có được giấy phép thường trú hoặc quốc tịch Hoa Kỳ, chúng tôi xem xét tình trạng công dân của họ vào thời điểm tốt nghiệp tiến sĩ. Đây là một cân nhắc quan trọng, xuất phát từ giả định rằng nền tảng văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ của những người không phải là công dân Hoa Kỳ nhiều khả năng tác động liên tục đến kinh nghiệm nghề nghiệp và sự thăng tiến của họ, thậm chí sau khi họ thăng tiến nghề nghiệp trong vai trò giám sát tại nơi làm việc.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù công dân Hoa Kỳ có nhiều khả năng giữ vị trí giám sát (supervisory position) hơn (50%) so với những người không phải là công dân Hoa Kỳ (46%), sự khác biệt nhỏ này biến mất khi được điều chỉnh theo nền tảng nhân khẩu học, ngành học và thâm niên làm việc tính từ khi họ tốt nghiệp tiến sĩ. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào những người không phải là công dân Hoa Kỳ, việc xuất thân từ quốc gia nào có ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ vị trí giám sát của họ. Hơn một nửa số người có bằng tiến sĩ đến từ Canada (58%), từ Đức (62%), từ Ấn Độ (52%) và từ Nga (50%) giữ vị trí giám sát. Trái lại, dưới 40% người có bằng tiến sĩ đến từ Trung Quốc (39%), Nhật Bản (38%) và Hàn Quốc (32%) giữ vị trí giám sát. Điều đáng chú ý là cả ba quốc gia này đều là thuộc khu vực Đông Á và không nói tiếng Anh, trái ngược với ba quốc gia đầu tiên, là quốc gia nói tiếng Anh hoặc thuộc châu Âu.
Sự hài lòng trong nghề nghiệp: Quốc tịch Hoa Kỳ có quan trọng không?
Liên quan đến những yếu tố nội tại (ví dụ: cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, thách thức trí tuệ, mức độ trách nhiệm, mức độ độc lập và đóng góp cho xã hội) và cả những yếu tố bên ngoài (ví dụ: tiền lương, phúc lợi và sự đảm bảo việc làm) trong công việc, những người không phải là công dân Hoa Kỳ ít hài lòng hơn đáng kể so với công dân Hoa Kỳ. Ngay cả khi những khác biệt về nền tảng nhân khẩu học, lĩnh vực nghiên cứu và thâm niên làm việc tính từ khi tốt nghiệp tiến sĩ được điều chỉnh, mức độ hài lòng với nghề nghiệp vẫn khác biệt đáng kể giữa công dân Hoa Kỳ và không phải công dân Hoa Kỳ.
Sự hài lòng trong nghề nghiệp: Quốc gia xuất xứ có quan trọng không?
Khi tập trung xem xét nhóm người không phải là công dân Hoa Kỳ, những khác biệt đáng chú ý xuất hiện giữa các quốc gia xuất xứ. Về sự hài lòng với những yếu tố nội tại, những người có bằng tiến sĩ từ Canada, Đức và Ấn Độ có mức độ hài lòng tương đối cao so với những người có bằng tiến sĩ không phải công dân Hoa Kỳ khác. Mặt khác, những người có bằng tiến sĩ không phải công dân Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan báo cáo mức độ hài lòng với những yếu tố nội tại thấp hơn đáng kể so với những người có bằng tiến sĩ không phải công dân Hoa Kỳ khác. Về những yếu tố bên ngoài, trong khi những người có bằng tiến sĩ đến từ Ấn Độ cho thấy mức độ hài lòng cao hơn, những người đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy mức độ hài lòng thấp hơn đáng kể so với những người có bằng tiến sĩ không phải công dân Hoa Kỳ khác.
Có phải đã là người nước ngoài, thì mãi mãi vẫn là người nước ngoài?
Để giải thích tác động tiêu cực của vị thế là người nhập cư hoặc sinh ra ở nước ngoài đối với kết quả sự nghiệp, những nghiên cứu trước đây thường viện dẫn rào cản ngôn ngữ, thiếu kinh nghiệm địa phương và thiếu sự hướng dẫn, sự khác biệt về văn hóa trong cách làm việc hoặc giao tiếp, và thái độ phân biệt đối với người nhập cư (ví dụ như vì giọng nặng khi nói tiếng Anh) là những lý do chính khiến lao động nhập cư gặp bất lợi trên thị trường lao động. Tuy nhiên, những thách thức này có thể giảm thiểu khi kinh nghiệm nghề nghiệp của những lao động này tăng lên theo thời gian và họ thích nghi với cuộc sống nghề nghiệp ở Hoa Kỳ. Với suy nghĩ này, đáng để lưu ý rằng, sau nhiều năm làm việc tính từ khi tốt nghiệp, không có sự khác biệt giữa những người có bằng tiến sĩ là công dân Hoa Kỳ và không phải công dân Hoa Kỳ về khả năng giữ một vị trí giám sát. Mặt khác, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng những người có bằng tiến sĩ không phải công dân Hoa Kỳ không hài lòng với trải nghiệm chuyên môn của họ như các đồng sự Hoa Kỳ. Phát hiện này gợi ý rằng những tiến sĩ không phải công dân Hoa Kỳ có lẽ vẫn tiếp tục gặp phải những rào cản tinh vi liên quan đến nghề nghiệp, dẫn đến nhận thức tiêu cực về trải nghiệm nghề nghiệp của họ, và ít hài lòng hơn.
Trải nghiệm không giống nhau: Vai trò của quốc gia xuất xứ
Có những mô hình đặc biệt trong trải nghiệm nghề nghiệp của những người có bằng tiến sĩ đến từ phương Tây, những quốc gia nói tiếng Anh và của những người từ những quốc gia Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc đặc biệt là Đài Loan. Những tiến sĩ đến từ những nước Đông Á phải đối mặt với những khác biệt văn hóa và ngôn ngữ lớn hơn nhiều ở Hoa Kỳ. Do đó, họ có thể gặp phải những thách thức đáng kể, phần lớn là do nền tảng ngôn ngữ, phong cách làm việc/ giao tiếp cũng như những chuẩn mực và giá trị văn hóa của họ. Họ cũng có thể gặp thử thách tại nơi làm việc vì định kiến và phân biệt chủng tộc.
Để kết luận, chúng tôi cho rằng điều quan trọng là phải tìm hiểu thêm về trải nghiệm nghề nghiệp của những thành viên lực lượng lao động trình độ cao được đào tạo ở Hoa Kỳ, không chỉ những người đã có quốc tịch Mỹ, mà cả những người không phải là công dân Hoa Kỳ, chia nhóm theo quốc gia xuất xứ của họ. Nếu chỉ phân loại những người có bằng tiến sĩ sinh ra ở nước ngoài theo tình trạng là công dân/ không phải công dân Hoa Kỳ có thể dẫn đến sự hiểu sai về những thách thức và khó khăn mà một số người phải trải qua nhiều hơn so với những người khác. Nghiên cứu trong tương lai nên đi sâu vào khía cạnh này, tập trung vào tác động của quốc gia xuất xứ, và văn hóa và nền tảng ngôn ngữ đối với trải nghiệm nghề nghiệp và chuyên môn. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những người có bằng tiến sĩ không phải công dân Hoa Kỳ và kết quả sự nghiệp và kinh nghiệm của họ.