Sự lan tỏa không thể ngăn cản của tiếng Anh trong đại học toàn cầu

Rosemary Salomone là Giáo sư Luật Kenneth Wang tại Trường Luật Đại học St. John’s, New York (Mỹ). Email: salomonr@stjohns.edu.

Tóm tắt

Tiếng Anh ngày càng phổ biến rộng rãi trong giáo dục đại học trên toàn thế giới, quá trình này tạo ra những cuộc tranh luận liên tục và sự phồn vinh của nền học thuật cũng gây ra những lo ngại học thuật và quốc gia, nhưng trong chính sách và thực tiễn hầu như không có sự dừng lại hoặc thoái lui. Bài báo này xem xét sự đứt gãy khó hiểu đó trong khuôn khổ rộng hơn khi tiếng Anh nổi lên như một ngôn ngữ cầu nối thống trị, những nền tảng lịch sử, những tác động xã hội và kinh tế, và quá trình đa dạng hóa của tiếng Anh ở châu Âu và những quốc gia hậu thuộc địa.

Nền kinh tế tri thức toàn cầu, kết hợp với áp lực của xếp hạng quốc tế, đã đặt ra cho các trường đại học trên khắp thế giới sứ mệnh quốc tế hóa. Sứ mệnh đó ảnh hưởng đến việc cung cấp khóa học, tuyển sinh, tuyển dụng giảng viên và thành tích học thuật, tất cả đều gắn liền trực tiếp với tiếng Anh là ngôn ngữ cầu nối trên thế giới. Các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và tầng lớp trí thức tiếp tục tranh luận về những lợi ích và gánh nặng đối với giảng viên và sinh viên, cũng như thách thức đối với các tổ chức giáo dục, đặc biệt là ở châu Âu, khi thiếu sự tham gia định hướng liên tục của các cơ quan tư pháp. Điểm tranh cãi chính là chất lượng của các chương trình giáo dục; mức độ thông thạo tiếng Anh của sinh viên và giáo sư; và những tác động đến ngôn ngữ, bản sắc dân tộc, sản xuất và phổ biến tri thức. Ngay cả các nước Bắc Âu và Hà Lan, những nước đi đầu trong phong trào này, hiện đang đặt câu hỏi liệu họ có đi quá xa trong việc quốc tế hóa thông qua tiếng Anh hay không.

Cuộc tranh luận này đã giúp thúc đẩy một cuộc thảo luận liên quan giữa các nhà ngôn ngữ học, nhà khoa học chính trị, nhà triết học chính trị và nhà kinh tế về một ngôn ngữ thế giới chung, cụ thể là tiếng Anh, cũng như chi phí và lợi ích so sánh của nó đối với các cá nhân và quốc gia. Mặc dù các lập luận cạnh tranh cung cấp nhiều thông tin về mặt lý thuyết, chúng có rất ít ảnh hưởng trong việc định hình những chính sách và thực tiễn quốc gia hoặc thể chế, có lẽ ngoại trừ các nước Bắc Âu. Để hiểu được mức độ của sự đứt gãy đó ở châu Âu và rộng hơn nữa, và những tác động kinh tế và xã hội của nó, cần một cái nhìn rộng hơn về sự nổi lên của tiếng Anh, bao gồm cả nguồn gốc lịch sử, những hứa hẹn và hạn chế, cũng như tác động toàn cầu ngày nay của nó.

Quá khứ đến hiện tại

Mặc dù dường như đã rời khỏi chiếc neo quốc gia của nó, tiếng Anh vẫn mang dấu ấn của quá khứ thực dân và sức mạnh lâu dài gắn liền với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Sự lan rộng toàn cầu của tiếng Anh, bắt đầu từ Đế chế Anh ở thời kỳ đỉnh cao, đã để lại dấu ấn văn hóa và ngôn ngữ lâu dài trên một phần tư thế giới. Ngay khi đế chế đó sụp đổ vào giữa thế kỷ XX, Hoa Kỳ nổi lên như một quốc gia lãnh đạo kinh tế và quân sự thế giới, mang lại cho tiếng Anh một sức sống và sức hấp dẫn văn hóa thậm chí còn mạnh mẽ hơn với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến.

Trải qua nhiều năm tháng biến cố, tiếng Anh đã trở thành một thương phẩm trên thị trường, một dạng vốn văn hóa, và một phương tiện để vượt qua biên giới ngôn ngữ. Nó vừa thúc đẩy nền kinh tế tri thức vừa thu được lợi ích từ đó. Tiếng Anh đại diện cho sự hiện đại, chủ nghĩa thế giới (cosmopolitanism) và tiến bộ công nghệ vượt qua mọi phân chia thế hệ, địa lý và giai cấp. Tiếng Anh đã thay thế tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính của ngoại giao quốc tế và thay thế tiếng Đức làm ngôn ngữ khám phá khoa học. Nó là ngoại ngữ được học nhiều nhất trong các trường học trên toàn thế giới. Những người biết tiếng Anh đi du lịch quốc tế dễ dàng hơn; các nhà lãnh đạo thế giới giao tiếp với người đồng cấp nước ngoài mà không cần thông dịch viên; các nhà nghiên cứu chia sẻ những phát hiện của họ tại các địa điểm quốc tế; và sinh viên có thể đăng ký vào những chương trình đại học dạy bằng tiếng Anh, với học phí đôi khi chỉ bằng một phần nhỏ so với học phí tại nước chủ nhà. Với những người có kỹ năng tiếng Anh cơ hội được tuyển dụng tăng lên đáng kể.

Giới hạn và bất bình đẳng

Hiển nhiên, Hoa Kỳ là nước hưởng lợi chính. Tuy nhiên, những quốc gia nói tiếng Anh khác và những người nói tiếng Anh ở đó cũng được hưởng lợi từ “hiệu ứng tiếng Anh”. Những lợi thế này tái củng cố tư duy đơn ngữ tự mãn và sự phản kháng mang tính lịch sử của những người nói tiếng Anh bản ngữ đối với việc học những ngôn ngữ khác trên thế giới.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào tiếng Anh sẽ có những bất lợi rõ rệt. Chỉ khoảng một phần tư dân số thế giới thông thạo tiếng Anh ở mức tối thiểu. Điều đó có nghĩa là những người chỉ nói tiếng Anh không thể giao tiếp với 3/4 thế giới. Họ cũng không thể tiếp cận những kiến thức được tạo ra bằng những ngôn ngữ khác hoặc những cơ hội việc làm phụ thuộc vào những kỹ năng ngôn ngữ khác. Trên thực tế, tiếng Anh xếp sau tiếng Quan Thoại, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hindi – những ngôn ngữ có tầm quan trọng về kinh tế và chính trị – về số lượng người sử dụng như tiếng mẹ đẻ.

 

Sự phổ biến của tiếng Anh đã tạo ra tình trạng bất bình đẳng xã hội và kinh tế giữa những người biết và không biết tiếng Anh.

 

Hơn nữa, phần lớn thế giới đều đa ngôn ngữ hoặc ít nhất là song ngữ. Ở châu Âu, người di cư đã pha trộn nhiều ngôn ngữ với ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ khu vực, trong khi ở những quốc gia hậu thuộc địa châu Á và châu Phi rất phổ biến sự giao thoa giữa các ngôn ngữ thuộc địa và bản địa. Tiếng Anh đang dần dần trở thành một phần trong tập hợp đa ngôn ngữ này, mặc dù với nhiều mức độ thông thạo khác nhau chủ yếu liên quan đến tầng lớp kinh tế xã hội và địa lý.

Sự phổ biến của tiếng Anh đã tạo ra tình trạng bất bình đẳng xã hội và kinh tế giữa những người biết và không biết tiếng Anh. Ở châu Âu và đặc biệt trong thế giới hậu thuộc địa, chất lượng tiếng Anh học được liên quan trực tiếp đến chất lượng học tập, là thứ mang lại những lợi ích kinh tế và lợi ích cá nhân quan trọng, trong khi kỹ năng trong những ngôn ngữ ít đặc quyền lại không được nhìn nhận. Khoảng cách kinh tế xã hội tương tự cũng xuất hiện ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, nơi nhiều ngôn ngữ thế giới được giảng dạy phổ biến hơn, dù chính thức hoặc không chính thức, trong những cộng đồng giầu có về vốn văn hóa do đó coi trọng những kỹ năng ngôn ngữ, và có đủ nguồn lực để  dạy những ngôn ngữ này cho con cái của họ.

Cách giải quyết của châu Âu

Sự phổ biến của tiếng Anh dường như thách thức những nỗ lực lập pháp hoặc tư pháp nhằm xem xét lại điều đó vì tất cả những lý do kinh tế đã được nêu ra. Tại Pháp, vào năm 2013, việc thông qua Luật Fioraso nới lỏng những hạn chế đối với việc giảng dạy bằng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Pháp – đã gây ra làn sóng phản đối trong giới trí thức, những người lo ngại rằng tiếng Anh đang cướp đi vị thế lịch sử của tiếng Pháp. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những viện dẫn về giá trị của nền cộng hòa Pháp và sự can thiệp của những người khổng lồ văn học của đất nước, số lượng những chương trình dạy bằng tiếng Anh vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt ở những trường đại học ưu tú và trường kinh doanh, nơi tất cả các chương trình đều được dạy chỉ bằng tiếng Anh. Tại Ý, một kế hoạch được đề xuất vào năm 2012 nhằm chuyển tất cả các chương trình sau đại học tại Politecnico di Milano danh tiếng (Đại học Bách khoa Milan) sang tiếng Anh – đã khiến các giáo sư cốt cán khởi kiện đề xuất này trước tòa. Tuy nhiên, bất chấp phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ý khẳng định quyền học tập và giảng dạy bằng ngôn ngữ quốc gia của sinh viên và các giáo sư người Ý, phần lớn các khóa học của Politecnico vẫn được dạy chỉ bằng tiếng Anh. Ở Hà Lan, mặc dù có một đạo luật ra đời từ năm 1992 nhằm bảo tồn tiếng Hà Lan, sau nhiều năm tranh cãi gay gắt về số lượng ngày càng tăng của những chương trình và khóa học dạy bằng tiếng Anh, cơ quan lập pháp vẫn chưa có quyết định dứt khoát về những cải cách được đề xuất để ngăn chặn xu hướng này.

Căng thẳng hậu thuộc địa

Trong thế giới hậu thuộc địa, nơi giá trị kinh tế của tiếng Anh giao thoa với lịch sử và chính trị theo những cách khác nhau, những quyết định liên quan đến việc giảng dạy bằng tiếng Anh trong các trường đại học thậm chí còn căng thẳng sâu sắc hơn. Ở Algeria và Morocco, tiếng Anh cạnh tranh với tiếng Ả Rập và tiếng Pháp. Bất chấp thái độ phản đối rộng rãi đối với Pháp và sự rút lui khỏi phong trào Ả Rập hóa sau độc lập, Morocco vẫn quyết định sử dụng tiếng Pháp để giảng dạy, mặc dù trong tương lai vẫn hướng tới tiếng Anh. Algeria, vẫn chưa hồi phục sau cuộc chiến gay gắt giành độc lập khỏi Pháp hơn nửa thế kỷ trước, quyết định chuyển sang tiếng Anh. Rwanda, không thể quên về sự đồng lõa của Pháp trong cuộc diệt chủng những năm 1990, cũng thay thế tiếng Pháp bằng tiếng Anh, không chỉ trong giáo dục mà còn trong chính phủ, thương mại và luật pháp. Ở Nam Phi, nơi vết sẹo gây ra bởi quyền lực tối cao của người Afrikaner da trắng vẫn chưa lành, các trường đại học chuyển sang dạy bằng tiếng Anh với sự chấp thuận của Tòa án Hiến pháp, để đáp ứng yêu cầu của sinh viên da đen vốn coi tiếng Afrikaans là ngôn ngữ của áp bức và tiếng Anh là ngôn ngữ đại diện cho sự phản kháng và giải phóng. Ở Ấn Độ, tiếng Anh cạnh tranh với tiếng Hindi để giành ưu thế trong chính trị khi đối mặt với chủ nghĩa dân tộc đang lên, với những cải cách gần đây đã chính thức loại bỏ tiếng Anh ở cấp tiểu học và trung học. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ, từ người giàu đến người nghèo, vẫn kêu gọi con cái họ học tiếng Anh; do tiếng Anh vẫn chiếm ưu thế trong việc giảng dạy ở trường đại học nhằm duy trì vị thế của đất nước trong nền kinh tế dựa trên tri thức.

Nhìn về tương lai

Cuối cùng, sự nổi lên của tiếng Anh trong các trường đại học phức tạp hơn so với các cuộc tranh luận thông thường cho thấy. Quá trình này không chỉ là sản phẩm phụ của lịch sử và sức mạnh Anh-Mỹ, mà còn là sự phát triển theo hướng ngược lại so với những cuộc ganh đua toàn cầu lâu đời, chính trị quốc gia và di sản lâu dài của chủ nghĩa thực dân. Quá trình này cũng bất chấp những nỗ lực nhằm đảo ngược hoặc thậm chí ngăn cản nó. Chưa thể biết chắc những chương trình dạy bằng tiếng Anh sẽ tiếp tục phổ biến ở mức độ nào trong thời gian dài, điều này một phần phụ thuộc vào vị thế của tiếng Anh so với những ngôn ngữ thế giới khác, và trong ngắn hạn, phụ thuộc vào sự thành công của những phong trào dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy hướng về toàn cầu hóa, trong đó tiếng Anh là một thành phần quan trọng. Điều này cũng phụ thuộc vào việc liệu các cơ sở giáo dục đại học có tận dụng những thách thức chiến lược của đại dịch COVID-19 để xem xét lại những mục tiêu của mình trong việc thúc đẩy quốc tế hóa thông qua tiếng Anh và sự dịch chuyển của sinh viên và giảng viên hay không.