Omolabake Fakunle là thành viên Ban Giám hiệu tại Viện Giáo dục, Cộng đồng và Xã hội; và Chisomo Kalinga là thành viên ban Giám hiệu tại Trường Khoa học Chính trị và Xã hội, Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh. Email: Omolabake.Fakunle@ed.ac.uk và Chisomo.Kalinga@ed.ac.uk. Vicky Lewis là người sáng lập và là giám đốc của Vicky Lewis Consulting, Vương quốc Anh. E-mail: vickylewisconsults@gmail.com.
Tóm tắt
Những cách giải nghĩa khác nhau và cuộc tranh luận liên quan đến quá trình quốc tế hóa và phi thực dân hóa trong các trường đại học tạo ra một bức tranh mâu thuẫn. Ngay cả khi các thể chế phương Tây bề ngoài nắm lấy động lực phi thực dân hóa, những cách giải nghĩa quốc tế hóa theo cách nhìn Anglo-Saxon, thuộc địa của họ thường trái ngược với nỗ lực này – trong các lĩnh vực chiến lược và chính sách, cũng như thực hành giảng dạy và nghiên cứu. Cần có những thay đổi trong cách tiếp cận để hai quy trình này kết hợp hiệu quả trong bối cảnh phức tạp cả về khái niệm và trong hoạt động.
Cuộc tranh luận xung quanh quốc tế hóa phần lớn tập trung vào sự dịch chuyển của sinh viên và chủ yếu có định hướng kinh tế. Do đó, sự tham gia của học giả nói chung được đóng khung xung quanh những câu chuyện đã được thị trường hóa và tiếp theo là những chỉ trích sự chuyển hướng theo chủ nghĩa tân tự do khai (neoliberalist) trong giáo dục đại học quốc tế. Ở cấp độ quốc gia, các tổ chức giáo dục quốc tế từ những nước phương Tây đang bỏ lỡ cơ hội để thoát khỏi “mô hình phương Tây hóa, phần lớn là Anglo-Saxon và chủ yếu nói tiếng Anh” (xem De Wit và Jones, “Cơ hội bị bỏ lỡ và tầm nhìn hạn chế cho quốc tế hóa” trong IHE số #109). Ở cấp độ trường đại học, nghiên cứu gần đây trong bối cảnh Hoa Kỳ cho thấy các chính sách quốc tế hóa có thể bị tách rời khỏi trải nghiệm phân biệt chủng tộc của sinh viên, giảng viên và quản trị viên. Cộng hưởng với giới học giả gần đây trong các nghiên cứu quốc tế hóa, bài viết của chúng tôi xem xét vấn đề phân biệt chủng tộc và phi thực dân hóa trong mối quan hệ với quốc tế hóa.
Đặt vấn đề về trật tự thế giới hiện tại
Những vấn đề chưa được giải quyết và tồn tại dai dẳng trong di sản của quá trình thuộc địa đối với trật tự thế giới hiện tại, bao gồm cả trong giới học thuật, đã được đưa lên hàng đầu trên quy mô toàn cầu bởi Phong trào #BlackLivesMatter và các cuộc biểu tình Rhodes Must Fall. Điều này đã thúc đẩy lời kêu gọi phi thực dân hóa trong những trường đại học vẫn thừa nhận vị trí bá quyền của các nhận thức luận phương Tây, và thừa nhận hậu quả là các khối tri thức bị mất đi và bị gạt ra ngoài lề. Theo nghĩa này, người ta lập luận rằng phi thực dân hóa là “một quá trình đang diễn ra để hình thành, lãng quên và tái học hỏi liên quan đến việc chúng ta là ai”. Chúng tôi cho rằng quá trình lãng quên và tái học hỏi này tạo cơ sở cho giới học thuật có cách tiếp cận biện chứng để nhận diện những động lực lịch sử và hiện tại trong nỗ lực “phi thực dân hóa trường đại học”.
Trong bài viết này, chúng tôi xem xét những diễn giải và tranh luận xung quanh quốc tế hóa và phi thực dân hóa trong các trường đại học ở Vương quốc Anh, trong chiến lược và chính sách, trong thực hành giảng dạy và hợp tác nghiên cứu. Chúng tôi đưa ra một số đề xuất về những gì cần làm để hai quá trình này diễn ra song song và về những vấn đề phức tạp liên quan.
Tái cấu trúc các chiến lược thể chế
Lấy Vương quốc Anh làm nghiên cứu điển hình, chúng tôi có thể theo dõi cách các chiến lược quốc tế của các trường đại học phát triển theo thời gian và gần đây thường được mô tả là “chiến lược tương tác toàn cầu”. Bề ngoài, những chiến lược này hướng ra bên ngoài. Đó là xây dựng những mối quan hệ lâu dài và đóng góp tích cực cho toàn cầu. Nhưng chúng thực sự khác nhau như thế nào? Những chiến lược “tương tác” này thực sự thu hút ai? Và liệu những mối quan hệ được trù tính vẫn cho phép các tổ chức của Vương quốc Anh giữ vị trí dẫn dắt hay không?
Những khái niệm phương Tây, Anglo-saxon về quốc tế hóa hiếm khi bị hoài nghi.
Những phát hiện chính từ một nghiên cứu về vai trò hiện tại và tương lai của sự hòa nhập toàn cầu trong chiến lược của các trường đại học ở Vương quốc Anh chỉ ra rằng, trong khi những lý luận được dẫn dắt nhiều hơn bởi các giá trị, thì những thước đo để đánh giá thành công lại thay đổi rất ít. Hầu hết liên quan đến hồ sơ thể chế, phạm vi tiếp cận hoặc doanh thu. Những khái niệm phương Tây, Anglo-saxon về quốc tế hóa hiếm khi bị hoài nghi. Quá trình phi thực dân hóa hầu như không được đề cập đến.
Tận dụng lớp học quốc tế
Mối quan tâm gần đây và mới mẻ về phi thực dân hóa giáo dục đại học của Vương quốc Anh hướng tới sự tìm hiểu thế nào là nghiên cứu và chương trình giảng dạy phi thực dân hóa. Giảng viên và sinh viên đều phản đối sự cưỡng ép “phi thực dân hóa học viện” thông qua những biện pháp can thiệp chiến thuật như “Tại sao chương trình giảng dạy của tôi lại rất ‘da trắng’?” và chỉ trích vì sao các khóa học (và đội ngũ giảng dạy chúng) lại thiếu đại diện từ các học giả không phải là người da trắng.
Hơn nữa, dữ liệu của OECD cho thấy hơn 40% trong số 6,1 triệu sinh viên đang du học quốc tế chỉ học ở 4 quốc gia nói tiếng Anh: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Úc. Điều này tác động đến thực hành giảng dạy và đến sinh viên học bằng ngôn ngữ thứ hai.
Sự hội tụ của các nền văn hóa và ngôn ngữ đa dạng trong một lớp học quốc tế hóa có thể tạo ra không gian cho những cuộc tranh luận phê phán và không thoải mái từ nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này cho thấy quốc tế hóa có khả năng tạo ra một không gian cho quá trình phi thực dân hóa giáo dục đại học. Nhưng điều này cũng liên quan đến sự thừa nhận rằng sự đa dạng tạo ra cơ hội học tập và giảng dạy cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự thiếu hụt nhận thức học thuật của sinh viên quốc tế trong các diễn ngôn về quốc tế hóa. Sự thiếu hụt nhận thức này được mô tả là chủ nghĩa tân đế quốc. Nói cách khác, các khung hiểu biết của phương Tây vẫn là khái niệm thống trị trong quá trình quốc tế hóa. Do đó, điều này đặt ra câu hỏi: Liệu quốc tế hóa có thể được phi thực dân hóa trong thực tiễn giảng dạy của chúng ta hay không?
Tái nhận thức về hợp tác nghiên cứu
Một bài báo tranh luận của Viện Chính sách Giáo dục Đại học (Higher Education Policy Institute – HEPI) năm 2020 đã đưa ra một số khuyến nghị để đảm bảo rằng quá trình phi thực dân hóa trong giáo dục đại học ở Vương quốc Anh tập trung vào việc tăng cường tài trợ cho các học giả BAME (Da đen, Châu Á và dân tộc thiểu số – Black, Asian, and Minority Ethnic). Những khuyến nghị bao gồm tăng cường hỗ trợ nghiên cứu và học bổng, giải quyết những thiếu sót trong chương trình giảng dạy, tạo ra những phòng ban có vai trò thực hiện phi thực dân hóa, và làm việc hướng tới việc chỉnh sửa những điều khoản và quy trình gây nhầm lẫn. Các nhà tài trợ nghiên cứu chính như Nghiên cứu và Đổi mới của Vương quốc Anh (UK Research and Innovation – UKRI) và Wellcome Trust cũng đã tìm cách giải quyết những vấn đề liên quan đến phi thực dân hóa trong nghiên cứu. Ví dụ Wellcome Trust đã công bố một nguồn cung cấp thông tin về hoạt động chống phân biệt chủng tộc trong tổ chức và nghiên cứu của mình.
Những lập luận đối lập chỉ ra rằng phạm vi của những phản ánh này vẫn tập trung vào châu Âu, chú trọng nhiều hơn đến sự “tự cải thiện” của các nhà tài trợ và các trường đại học ở Vương quốc Anh. Ngược lại, những nỗ lực do các trường đại học châu Phi dẫn đầu đưa ra những biện pháp giải quyết vấn đề phi thực dân hóa thông qua những biện pháp tổng thể nhằm cải thiện chương trình giảng dạy, mục tiêu nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Ngoài ra, một tuyên bố đồng thuận gần đây đưa ra những hướng dẫn cho các nhà nghiên cứu để thúc đẩy quyền tác giả công bằng trong quan hệ đối tác nghiên cứu giữa các nước thu nhập thấp và trung bình thấp (low-middle-income country – LMIC) và các nước thu nhập cao (high-income country – HIC). Bởi vì một số trường đại học phía Nam toàn cầu phụ thuộc vào nguồn tài trợ của phương Tây hỗ trợ các chương trình nghiên cứu của họ, đặc biệt trong những lĩnh vực y tế và phát triển, cần phải làm nhiều việc hơn nữa để tập trung vào nhu cầu của các cơ sở phía nam nhằm thoái vốn khỏi các di sản thuộc địa trong giáo dục đại học đang tồn tại, và thúc đẩy sự hợp tác có ý nghĩa.
Phi thực dân hóa nhúng trong quốc tế hóa
Có rất ít bằng chứng cho thấy chương trình quốc tế hóa các trường đại học được đầu tư rõ ràng trong quá trình phi thực dân hóa. Điều này trả lời câu hỏi tu từ được đặt ra trong tiêu đề của chúng tôi. Nó cũng gợi ra một câu hỏi khác: từ đây chúng ta sẽ đi đâu?
Mặc dù một số trường đại học đặt việc đánh giá các nền văn hóa và quan điểm khác vào trung tâm của quá trình quốc tế hóa, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để mở ra cuộc tranh luận về phi thực dân hóa quá trình quốc tế hóa. Các trường đại học đang ở những giai đoạn khác nhau của quá trình phức tạp và khó khăn này. Nhiều trường thậm chí còn chưa bắt đầu.
Tiến về phía trước với một chương trình nghị sự quốc tế hóa phi thực dân đòi hỏi các tổ chức phải thực sự hoan nghênh sự đa dạng của tri thức và đương đầu với những cấu trúc bá quyền dai dẳng vẫn kìm hãm sự hiểu biết thông qua một lăng kính mở rộng. Do đó, tất cả các bên liên quan trong những bối cảnh toàn cầu khác nhau cần thách thức luận điệu về “sự tham gia toàn cầu” mà dường như thể hiện một triển vọng phi chính trị và phi chủng tộc. Tiếng nói của những bên liên quan vốn bị thiệt thòi – tái khẳng định sự cần thiết phải khắc phục những di sản của quá trình thực dân hóa lâu dài vẫn tồn tại trong cấu trúc của các cơ sở giáo dục đại học trên toàn cầu. Những chiến lược phi thực dân hóa quốc tế hóa phải được hỗ trợ bởi những thay đổi chính sách hữu hình phản ánh trải nghiệm sống của sinh viên và cán bộ giảng viên. Biểu hiện chính hiện nay của quốc tế hóa là tạo ra sự kết nối giữa các nền văn hóa – cung cấp một phương thức tiềm năng để hình dung lại quốc tế hóa, trước tiên bằng cách sử dụng lớp học quốc tế như một nơi có những quan điểm đa dạng có thể thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa chương trình giảng dạy và sư phạm. Tiếp theo, chúng ta cần thay đổi quan điểm về hợp tác nghiên cứu để ưu tiên những đối tác bị thiệt thòi thông qua việc tập trung những tiếng nói dưới đáy vào quá trình này. Tóm lại, chính sách quốc tế hóa phải xóa bỏ hoàn toàn di sản của chế độ thuộc địa, sử dụng những biểu hiện hiện tại của quốc tế hóa làm điểm khởi đầu trong quá trình phức tạp nhưng cần thiết này.