Annette Bradford là thành viên hỗ trợ tại Viện Nghiên cứu Châu Á Đương đại, Đại học Temple Nhật Bản, và cộng sự Oxford EMI. Email: [email protected].
Yukiko Ishikura là Phó Giáo sư tại Trung tâm Giáo dục và Trao đổi Quốc tế, Đại học Osaka, Nhật Bản. Email: [email protected].
Howard Brown là Giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển Khu vực, Đại học Niigata Prefecture, Nhật Bản. Email: [email protected]. Nghiên cứu này được JSPS KAKENHI tài trợ (mã số tài trợ 19K14259 và 20H01698)
Tóm tắt
Những chương trình đào tạo và khóa học bằng tiếng Anh trong các trường đại học Nhật Bản đã tăng lên đáng kể trong một thập niên qua; tuy nhiên, vẫn có những ý kiến lo ngại về tính bền vững của chúng. Khi chương trình tài trợ của chính phủ kết thúc, các trường đại học cần rút ra những bài học kinh nghiệm và có những điều chỉnh phù hợp. Để chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh (EMI) hiện diện bền vững trong toàn cảnh giáo dục đại học Nhật Bản, các trường đại học cần xem xét lại phạm vi các chương trình, tập trung vào nguồn lực nội bộ và cấu trúc của chương trình.
Các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh (English Medium Education – EMI) ở Nhật ban đầu nhằm thu hút sinh viên tài năng quốc tế bằng cách giảm bớt gánh nặng học tiếng Nhật, nay đang được coi là một yếu tố quốc tế hóa tại chỗ.
Giáo dục đại học bằng tiếng Anh là chiến lược do chính phủ chỉ đạo
Các chương trình EMI là yếu tố quan trọng trong nỗ lực quốc tế hóa giáo dục đại học của Nhật Bản. Hiện nay, hơn 40% trong số gần 800 trường đại học trên toàn Nhật Bản đang giảng dạy một phần chương trình bằng tiếng Anh, và có 87 chương trình được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, EMI đã tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây. Dường như các trường không còn chạy theo trào lưu xây dựng những khoá học mới, và EMI đã đạt đến độ bão hoà về số lượng.
EMI đã không trở thành xu hướng chủ đạo, không thể và cũng không nên thay thế tiếng Nhật trong giảng dạy đại học. Trong thực tế phần lớn sinh viên tốt nghiệp sẽ làm việc trong nước trong môi trường chủ yếu sử dụng tiếng Nhật và do đó ít có nhu cầu thực sự theo đuổi những chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Theo quan điểm của chúng tôi, sự ổn định này sẽ giúp cho EMI không bị đẩy vào một tình cảnh không phù hợp, đảm bảo duy trì chất lượng cao và sự bền vững lâu dài của những chương trình này. Có thể nhìn vào bài học của Hàn Quốc để thấy rằng sức ép từ bên ngoài đòi hỏi triển khai EMI quá rộng đã đặt nhà trường, giảng viên và sinh viên dưới một áp lực quá mức. Nhưng để EMI trở thành một thành phần ổn định lâu dài trong toàn cảnh giáo dục đại học Nhật Bản, các trường đại học cần tìm ra những cách thức duy trì chương trình.
Các chương trình EMI là yếu tố quan trọng trong nỗ lực quốc tế hóa giáo dục đại học của Nhật Bản.
Ở Nhật Bản và phần lớn các nước Đông Á, chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học chủ yếu do chính phủ dẫn dắt. Điều đó có thể đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách và chương trình, nhưng không đảm bảo được tính bền vững khi nguồn tài trợ không còn. Hai chương trình tài trợ quy mô lớn của chính phủ – Dự án 30 Toàn cầu (G30) và Dự án Đại học Toàn cầu Hàng đầu (khởi động năm 2009 và 2014) – rõ ràng nhắm đến EMI và thúc đẩy phần lớn những ứng dụng gần đây. Tuy nhiên, các chương trình tài trợ rồi sẽ kết thúc và các trường đại học sẽ phải tự mình xoay xở. Những chương trình mới hình thành không những cần xác định xem có được nhà trường tài trợ hay không, mà còn phải tìm cách phát triển ngành học của mình khi hết giai đoạn được tài trợ.
Khi Dự án G30 kết thúc vào năm 2014, các trường đại học đã phải đối mặt với những thách thức đặc biệt liên quan đến nguồn nhân lực. Khi cán bộ quản lý và giảng viên không còn được nhận lương trực tiếp từ dự án, các trường đại học bị mất đi cả nhân lực và năng lực chuyên môn. Dự án Toàn cầu Hàng đầu sẽ kết thúc vào năm 2024, và không có gì đảm bảo rằng sẽ có nguồn tài trợ trong tương lai, do đó 37 trường đại học tham gia dự án cần xem xét những bài học kinh nghiệm và lập kế hoạch cho tương lai của mình. Một lựa chọn khả thi để duy trì chương trình là sử dụng những nguồn lực nội bộ của trường. Điều này đòi hỏi xem xét lại phạm vi và mục tiêu của các chương trình EMI, đồng thời tăng thêm hỗ trợ của nhà trường dành cho giảng viên.
Mở rộng phạm vi quốc tế hóa
Một trong những mục tiêu của chương trình EMI là tạo ra môi trường học tập để sinh viên quốc tế và bản địa học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, trong thực tế những chương trình thuộc dự án G30 cho thấy tiếng Anh đã tách biệt sinh viên quốc tế với sinh viên người Nhật. Trong thời gian được dự án tài trợ, nhiều nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng đã được thực hiện nhằm thu hút những sinh viên quốc tế không biết tiếng Nhật, và trong một vài trường hợp sinh viên địa phương cũng tham gia vào những khóa học được dạy bằng tiếng Anh của dự án G30. Tuy nhiên, các chương trình EMI thường không nằm trong chương trình chính thức của Nhật Bản và thậm chí, trong một số trường hợp, còn được triển khai cách xa với cơ sở chính của trường. Những chương trình này trở thành những cộng đồng biệt lập. Mục tiêu quốc tế hóa thường không đến được với sinh viên bản địa. Sau hơn bảy năm, nhiều trường đại học vẫn phải đối mặt với thách thức đó. Mở rộng phạm vi EMI để tiếp cận được cộng đồng sinh viên bản địa lớn hơn là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì và nhúng EMI vào hệ thống đại học.
Rút ra những bài học kinh nghiệm từ dự án G30, các trường đại học đang dần hoàn thiện các chương trình EMI. Một số trường tận dụng nguồn lực tại chỗ, kết hợp chương trình dạy bằng tiếng Anh vào chương trình chính thức dạy bằng tiếng Nhật, hình thành nên mô hình đào tạo song ngữ. Sinh viên quốc tế học chương trình chính khóa bằng tiếng Anh song song với học ngôn ngữ Nhật, sau đó họ chuyển sang học tiếp chương trình chính khoá được dạy bằng tiếng Nhật, cùng với sinh viên bản địa. Ngược lại, sinh viên bản địa học chương trình chính khoá bằng tiếng Nhật song song với học ngôn ngữ Anh, rồi chuyển sang học tiếp các chương trình dạy bằng tiếng Anh với sinh viên quốc tế. Mô hình này cho phép sinh viên quốc tế và sinh viên bản địa sử dụng song ngữ và thúc đẩy giao thoa văn hoá. Nó cũng đào tạo sinh viên quốc tế thành lực lượng lao động tương lai cho Nhật Bản và chuẩn bị cho sinh viên Nhật Bản trong các vai trò quốc tế. Loại chương trình đa ngữ này khá phổ biến ở châu Âu, nhưng đối với Nhật Bản, đó là một sự thay đổi thoát khỏi lối suy nghĩ “quốc tế nghĩa là tiếng Anh”. Nó mở rộng phạm vi quốc tế hóa và thông qua việc mang lại lợi ích số lượng sinh viên lớn hơn, cũng tạo ra một nguồn tài chính bổ sung cho trường đại học.
Phát triển chuyên môn vì sự bền vững
Xây dựng lực lượng giảng viên luôn là việc quan trọng trong đổi mới giáo dục. Đặc biệt quan trọng đối với EMI ở Nhật, do các dự án kết thúc thường kéo theo sự ra đi của các giảng viên thời vụ. Tuy nhiên, khảo sát nêu bật mối lo ngại rằng giảng viên EMI bị quá tải và được hỗ trợ kém. Để nhúng EMI vào chương trình chính khoá, giảng viên cần được hỗ trợ để chuyển sang sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy. Thật không may, những nỗ lực hỗ trợ phát triển chuyên môn (professional development – PD) hiện không được cộng đồng giảng viên hưởng ứng. Nhiều người thừa nhận rằng họ không tham gia các buổi học do trường tổ chức, hoặc tham gia vì nghĩa vụ hơn là vì nhu cầu.
Do đó, gần đây chúng tôi đã tìm hiểu thực trạng hỗ trợ cho giảng viên để triển khai EMI trong các trường đại học Nhật Bản. Chúng tôi nhận thấy một điều đáng khích lệ là hơn 45% người được hỏi đã tham gia khóa đào tạo triển khai EMI. Tuy nhiên có chỉ 20% hoàn thành khóa đào tạo chuẩn bị cho EMI, thường như một phần của chương trình đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Hơn nữa, một số người cho biết đã kết hợp việc đào tạo tiếng Anh với phát triển chuyên môn (PD) liên quan đến EMI, và một số cho rằng họ cảm thấy PD tại trường đại học của họ chỉ nhắm đến những người nói tiếng Nhật bản địa.
Cộng đồng nghiên cứu về EMI nhận ra tầm quan trọng của việc đào tạo trọng tâm về phương pháp sư phạm và nhận thức văn hóa trong các lớp EMI. Do đó, số lượng các chương trình PD trên thị trường hỗ trợ giảng dạy EMI ngày càng tăng. Tại Nhật Bản, ngày càng nhiều trường đại học cử giảng viên theo học những chương trình này, và khi những khóa học này chuyển sang trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, ít bị ràng buộc về thời gian hơn tỷ lệ tham gia đã tăng lên. Tuy nhiên, ngân sách dành cho đào tạo thuê ngoài vẫn còn eo hẹp. Số lượng những hội thảo và hội nghị chuyên đề nội bộ về EMI cũng đang tăng lên tương tự, nhưng không may là chỉ với quy mô nhỏ, chủ yếu thu hút những người trước đó đã quan tâm đến nghiên cứu và thực hành EMI. Các nhà tổ chức khó thuyết phục được giảng viên về giá trị của khóa đào tạo PD do chuyên gia nội bộ thực hiện; và, cũng như đối với những khóa đào tạo PD khác, giảng viên cảm thấy thời gian của họ bị phí phạm.
Những bước tiếp theo
Khi các chương trình EMI ngày càng được hoàn thiện và được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức của các trường đại học, chúng ta cần chuyển từ tư duy khởi động và triển khai sang duy trì và bền vững. Phần lớn các trường đại học Nhật Bản đã thành công trong việc phát triển giáo trình và chương trình đáp ứng nhu cầu của sinh viên, tìm kiếm chỗ đứng ổn định cho các chương trình EMI trong cộng đồng đại học. Đối với nhiều trường, giai đoạn được dự án tài trợ chỉ là bước khởi đầu. Những bước tiếp theo để duy trì tính năng này của quốc tế hóa giáo dục đại học cần đảm bảo rằng EMI được triển khai rộng tại cơ sở chính và cần chuẩn bị và hỗ trợ tốt cho lực lượng giảng viên liên quan đến việc tổ chức, lập kế hoạch và giảng dạy các chương trình EMI.