Lên tiếng vì khoa học và dân chủ

Marcelo Knobel là Giáo sư vật lý và là cựu Hiệu trưởng của Đại học Campinas (Unicamp), Campinas, SP, Brazil. Email: [email protected].

Goolam Mohamedbhai là cựu hiệu trưởng của Đại học Mauritius và là cựu tổng thư ký của Hiệp hội các trường đại học châu Phi. Email: [email protected].

Tóm tắt:

Trong khi nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, trong đó có làn sóng phủ nhận và chủ nghĩa toàn trị hiện nay, các nhà lãnh đạo trường đại học lại im lặng. Tuy nhiên, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức này và các nhà lãnh đạo đại học phải chỉ ra con đường phía trước trong các tổ chức của họ và trong xã hội để ứng phó với thông tin sai lệch về khoa học và môi trường. Hơn bao giờ hết, lãnh đạo các trường đại học cần lên tiếng và không cho phép mình tự mãn.

Chúng ta đang sống trong một thời đại chưa từng có. Trong nhiều thập kỷ, thế giới phải vật lộn với những thách thức to lớn do xung đột và bạo lực, vi phạm nhân quyền, làn sóng di cư, môi trường suy thoái đáng báo động và bất bình đẳng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Những thách thức toàn cầu và sự phủ nhận

Thêm vào đó, giờ đây chúng ta phải giải quyết những thách thức tập trung hơn do biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và sự chuyển đổi dần dần nhưng đáng chú ý từ dân chủ sang chủ nghĩa độc tài. Tất nhiên, những mối đe dọa này ảnh hưởng đến những quốc gia khác nhau ở những mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng do toàn cầu hóa, tác động của chúng đến bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào cũng có thể gây ra những hậu quả toàn cầu khó lường.

Thật đáng ngạc nhiên, chúng ta cũng đang chứng kiến ​​một phong trào mạnh mẽ và rõ ràng nhằm hạ thấp hoặc thậm chí phủ nhận những thách thức này, thường được thúc đẩy bởi những lợi ích nhóm. Phong trào này đang được đà phát triển trong một thế giới tràn ngập tin tức từ những nguồn không được xác minh, lan truyền nhanh chóng qua mạng xã hội. Trên thực tế, cái gọi là rối loạn thông tin đã phát triển mạnh với sự gia tăng của Internet, sự thiếu hiểu biết về lý luận khoa học, và cuộc khủng hoảng mà các phương tiện truyền thống phải đối mặt, cùng những yếu tố khác. Lời nói dối dường như đi nhanh hơn sự thật, và thường rất khó để phân biệt đâu là sự thật và đâu là tin giả.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn trị

Chủ nghĩa toàn trị trỗi dậy trên toàn cầu cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại. Báo cáo năm 2021 của Viện Đa dạng Dân chủ (V-Dem) thuộc Đại học Gothenburg, Thụy Điển, đưa ra những tín hiệu đáng báo động về những mối đe dọa đối với nền dân chủ ở một số nơi trên thế giới. Sau khi chứng kiến ​​sự cải thiện rõ rệt trong quá trình dân chủ hóa trong những năm 1970 và 1980, Mỹ Latinh và châu Phi hiện đang trải qua sự suy giảm dân chủ liên tục và đáng chú ý trong thập kỷ qua. Báo cáo V-Dem đề cập đến xu hướng toàn trị ở Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Báo cáo cũng nêu tên cụ thể những quốc gia nơi nền dân chủ suy yếu nhiều nhất trong thập kỷ qua, như Benin, Bolivia, Mauritius và Ba Lan.

            Chủ nghĩa toàn trị trỗi dậy trên toàn cầu cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại.

 

Ví dụ như Brazil đang chứng kiến ​​một nỗ lực rõ ràng của chính quyền Bolsonaro tấn công vào hệ thống giáo dục đại học công lập liên bang, khoa học và công nghệ đã được xây dựng trong 60 năm qua. Những cuộc tấn công vào quyền tự chủ của trường đại học, vào tự do học thuật và phát triển khoa học – bao gồm tin tức giả, sự đe dọa, cưỡng chế tư pháp, và cuối cùng, cắt giảm mạnh ngân sách dành cho các trường nhằm hạn chế năng lực của họ – đến từ nhiều hướng khác nhau và được tổ chức tốt. Sự tuyệt vọng hoàn toàn bao trùm khu vực đại học, và có một ấn tượng rõ ràng là tình trạng này không nhận được sự đồng cảm từ xã hội. Mặc dù các hiệp hội quốc gia của các trường đại học và khoa học và công nghệ đã liên tục phản đối và cảnh báo các cơ quan hữu quan, nhưng hiệu quả từ những hành động này khá hạn chế.

Tương tự, trong báo cáo năm 2021, Scholars at Risk (SAR), một mạng lưới các tổ chức học thuật quốc tế đã chỉ ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự chủ đại học và quyền tự do ngôn luận của học giả và sinh viên ở một số quốc gia, bao gồm Algeria, Ai Cập, Hồng Kông, Hungary, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Báo cáo của SAR đã cảnh báo về việc “không gian tự do tìm hiểu và thảo luận bị thu hẹp” trong các trường đại học.

Phản ứng từ các trường đại học

Mặc dù xã hội vẫn công nhận vai trò quan trọng của các trường đại học trong việc giải quyết những thách thức to lớn mà nhân loại phải đối mặt ở hiện tại và trong tương lai, thực tế này thường được coi là đương nhiên, và những nguy cơ của làn sóng phủ nhận và chủ nghĩa toàn trị mà thế giới hiện nay đang trải qua vẫn chưa được nhận biết đầy đủ. Tất cả chúng ta đều theo dõi, gần như âm thầm, những cuộc tấn công nhằm vào các trường đại học. Tiếng nói của các trường đại học trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu hầu như không thể nghe rõ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo đại học đang không thể hiện được sự lãnh đạo cần thiết đối với các tổ chức của họ và với xã hội. Sự thiếu phản ứng của họ trước những thông tin sai lệch về khoa học và môi trường đang làm suy yếu các trường đại học, khiến các trường đại học chỉ còn là những cơ sở giảng dạy đơn thuần (xem thêm Robert A. Scott, “Hiệu trưởng đại học có tiếng nói trong cộng đồng hay không?” trong IHE #104).

Các trường đại học thu hút một số bộ não tốt nhất ở bất kỳ quốc gia nào, đó là những giảng viên/ nhà nghiên cứu hoặc sinh viên. Sinh viên sẽ là lực lượng đặc nhiệm chịu trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ khó khăn trong việc tiến hành những giải pháp đã được xác định cho tương lai. Giảng viên/ nghiên cứu viên là những người tham gia tích cực vào những nỗ lực khoa học đương đại để đạt được những giải pháp đó. Khoa học là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi để vượt qua những thách thức lớn, và các trường đại học, đặc biệt những trường định hướng nghiên cứu, có vị thế tốt nhất để đưa ra những luận chứng khoa học vững chắc nhằm tạo ra những giải pháp mới và giúp hình thành những chính sách công. Chúng ta không thể đề cao quá mức vai trò cơ bản của các trường đại học và khoa học trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của nhân loại. Tuy nhiên những cuộc thảo luận trí tuệ táo bạo xuất hiện từ các trường đại học là rất quan trọng để định hình những tiến bộ quan trọng trong xã hội, chẳng hạn những vấn đề liên quan đến công bằng, đa dạng, dân chủ và phát triển bền vững.

Xét đến sự tin tưởng và tôn trọng mà xã hội dành cho các trường đại học và các nhà lãnh đạo của họ, chúng tôi thấy rằng phản ứng của khu vực giáo dục đại học trước những thách thức toàn cầu và suy thoái dân chủ còn khá yếu ớt và chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Theo quan điểm của chúng tôi, khu vực giáo dục đại học cần phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết hơn, bởi vì tương lai của hành tinh chúng ta phụ thuộc vào điều đó.

Thông điệp chính mà các nhà lãnh đạo đại học cần kiên trì truyền đạt là các trường đại học đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức lớn đe dọa tương lai bền vững toàn cầu của chúng ta, và có thể giúp phân biệt giữa thực tế và ảo tưởng. Họ cần khám phá những cách thức giao tiếp mới để tiếp cận với xã hội rộng lớn hơn, và xác định vị trí thích hợp của các trường đại học để bảo vệ khoa học khi nó bị các nhóm lợi ích cụ thể chối bỏ. Để thu hút sự ủng hộ của công chúng, họ cần truyền đạt quan điểm của mình một cách rõ ràng và ngắn gọn, không chỉ đơn thuần bằng cách công bố kết quả nghiên cứu của họ trên các tạp chí học thuật. Các nhà lãnh đạo đại học cũng cần khuyến khích giảng viên và sinh viên trong trường đại học của mình tham gia vào những cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề quốc gia và toàn cầu, khuyến khích họ luôn định hướng theo sự việc và bằng chứng thực nghiệm. Họ cũng cần hỗ trợ và bảo vệ giảng viên và sinh viên, những người đứng lên và nói ra sự thật về những vấn đề quan trọng.

Ra khỏi vùng an toàn

Có một số yếu tố giữ chân các nhà lãnh đạo đại học trong vùng mà rõ ràng họ cảm thấy an toàn. Trước hết, họ phải đối mặt với vô số thách thức nội tại liên quan đến nguồn lực tài chính, đội ngũ giảng viên, sinh viên… Những việc này tiêu tốn phần lớn thời gian và công sức của họ. Với những trường được nhà nước tài trợ, các nhà lãnh đạo có lẽ lo sợ rằng bất kỳ quan điểm nào thể hiện trái ngược với quan điểm của chính phủ có thể dẫn đến việc tổ chức của họ bị cắt giảm ngân sách. Ngoài ra, trong mỗi trường đại học luôn tồn tại những quan điểm khác nhau về một số vấn đề, và việc thể hiện sự ủng hộ một ý kiến ​​cụ thể nào đó có thể tạo ra những rạn nứt trong nội bộ trường.

Cuối cùng, trước sự gia tăng của chủ nghĩa toàn trị, các nhà lãnh đạo đại học không muốn thách thức chính phủ và phơi bày những quy trình phi dân chủ của nó vì sợ bị trừng phạt, bao gồm bị quấy rối chính trị và thậm chí bị bãi nhiệm nếu là ở những quốc gia mà lãnh đạo đại học do chính phủ bổ nhiệm. Nhưng các trường đại học phải hiểu rằng chủ nghĩa toàn trị đồng nghĩa với chấm dứt quyền tự chủ đại học và tự do học thuật, là những thứ mà mọi trường đại học đều trân trọng. Để tự bảo vệ trước những tác động chính trị, mỗi trường đại học có thể hợp lực với những trường khác trong nước hoặc khu vực, nhưng nó cần lên tiếng và không cho phép mình tự mãn.

Lãnh đạo các trường đại học phải cân nhắc những rủi ro có thể nếu họ tiếp tục im lặng. Hơn bao giờ hết, điều quan trọng là họ cần lên tiếng và cố gắng phá vỡ chiếc bong bóng an toàn đang bao bọc tổ chức của họ.