Đến tháng 1/2022, Sjur Bergan là trưởng Ban Giáo dục của Hội đồng châu Âu (the Council of Europe). Email: sjur.bergan@gmail.com.
Tóm tắt
Mặt trái của nền dân chủ đã khiến những giá trị của Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu (EHEA) bị hoài nghi. EHEA đang gặp khó khăn trong việc xử lý những vi phạm. Các nhà lãnh đạo giáo dục đại học phải xử lý cả những vấn đề gây nhiều sự chú ý, cũng như những vấn đề không gây sự chú ý của dư luận. Họ phải thể hiện sự đoàn kết quốc tế, để hệ thống giáo dục đại học ở những nước dễ bị tổn thương nhận được sự hỗ trợ xứng đáng và cần thiết. EHEA phải tập trung vào một chương trình giá trị cơ bản trong thập kỷ trước năm 2030.
Từ khi ra mắt vào năm 1999, Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu (European Higher Education Area – EHEA) được củng cố bởi một loạt những giá trị cơ bản: tự do và liêm chính trong học thuật, quyền tự chủ thể chế, sự tham gia của giảng viên và sinh viên vào quản trị giáo dục đại học, và trách nhiệm cộng đồng đối với giáo dục và của giáo dục.
Những giá trị bị hoài nghi
EHEA từ lâu vẫn tự hào về những giá trị của mình. Tuy nhiên, trong vài năm qua, rõ ràng là những giá trị đó không còn được coi là đương nhiên. Khi những khu vực của châu Âu trải qua mặt trái của nền dân chủ, một số chính phủ của EHEA và xã hội đã gây nhiều áp lực đối với cộng đồng học thuật.
Chủ nghĩa dân túy – chủ yếu trong cánh hữu, nhưng cũng có trong cánh tả – thể hiện sự hoài nghi về nhu cầu đưa ra những quyết định xã hội dựa trên thực tế và do đó hoài nghi về nhu cầu tìm kiếm kiến thức dựa trên nghiên cứu, cho dù về vắc xin COVID hay về những khía cạnh gây tranh cãi trong quá khứ của chúng ta. Các nước châu Âu ngày càng miễn cưỡng chấp nhận người di cư và người tị nạn, và miễn cưỡng thừa nhận nghịch lý là chỉ mới hơn một thế kỷ trước, người châu Âu từng di cư đến nhiều nơi trên thế giới, cho dù trong vai trò “đám đông hỗn tạp”, tị nạn chính trị hay kẻ thực dân. Hungary dù từng chứng kiến những công dân của họ được chào đón ở nhiều quốc gia khi họ chạy trốn khỏi sự đàn áp cuộc nổi dậy năm 1956, hiện tại đang giữ thái độ coi vấn đề người tị nạn là của nước khác. Cuối cùng, thái độ thù địch chung này đối với vấn đề di cư có thể dẫn đến sự hoài nghi về tính hợp lý của sự dịch chuyển học thuật.
Nổi bật là việc Hungary thách thức những giá trị cơ bản của EHEA bằng cách nhắm mục tiêu vào Đại học Trung Âu (Central European University – CEU) cũng như những tổ chức khác. “Lex CEU” là điều luật của Hungary nhắm mục tiêu cụ thể đến hoạt động của CEU, đi kèm với một chiến dịch thể hiện đầy đủ chủ nghĩa dân tộc thô thiển và chủ nghĩa bài Do Thái. Chiến dịch này thêu dệt về CEU như một tổ chức ngoài hành tinh được tài trợ bởi một người Do Thái tên là George Soros. Cuối cùng, CEU buộc phải chuyển hầu hết hoạt động của họ qua biên giới tới Vienna, Áo. Nhưng với những tổ chức khác, chuyển địa điểm không phải là một lựa chọn. Ví dụ, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary không thể hoạt động ở nước ngoài. Chính phủ cũng đã đặt toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu học thuật về giới tính ra ngoài vòng pháp luật.
Ở những quốc gia khác cũng xảy ra những sự việc hạn chế quyền tự do của cộng đồng học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu. Ba Lan ngăn cản việc công bố những nghiên cứu phê phán cách người Ba Lan hành động trong Thế chiến thứ hai. Một tòa án Nga vừa đặt International Memorial ra ngoài vòng pháp luật; đó là một tổ chức phi chính phủ chuyên về nghiên cứu phê bình lịch sử, đặc biệt về thời kỳ Stalin. Nhà sử học Yuri Dmitriyev, người có liên hệ với Memorial và đã tiến hành nghiên cứu phê bình về Gulag, gần đây đã chứng kiến án tù của mình tăng lên 15 năm với tội danh mà những người ủng hộ ông cho là bịa đặt, ngay cả khi sự thật của vụ án rất khó xác định. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc đàn áp sâu rộng đối với cộng đồng học thuật của mình sau nỗ lực đảo chính thất bại vào tháng 7 năm 2016.
Belarus
Belarus đã gia nhập EHEA vào năm 2015, trong lần nỗ lực thứ ba. Vào năm 2005, Belarus lặng lẽ chấp nhận lời khuyên và từ bỏ ý định nộp đơn đăng ký chính thức. Vào năm 2012, đơn đăng ký của họ bị từ chối vì sự áp bức nhắm vào thành viên của cộng đồng học thuật sau cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào tháng 12 năm 2010. Năm 2015 nước này được chấp nhận gia nhập kèm theo một lộ trình bao gồm những điều khoản về giá trị cơ bản cùng một số điều kiện khác. Tôi là một trong số những người ủng hộ việc chấp nhận Belarus, bởi vì những thành viên của cộng đồng học thuật chỉ trích chế độ Lukashenka lo sợ sẽ bị cô lập lâu dài hơn nếu quốc gia này nằm ngoài EHEA. Việc thực hiện lộ trình của Belarus không tạo nhiều ấn tượng, nhưng dù sao cũng có vài sự thay đổi cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống thất bại vào tháng 8 năm 2020. Những cuộc biểu tình lớn trên đường phố trong nhiều tuần và nhiều tháng kéo theo sự đàn áp đáng kể, cũng chống lại các thành viên của cộng đồng học thuật.
Phản ứng trong EHEA rất khác nhau. Vào tháng 11 năm 2020, chỉ có 26 quốc gia và 5 thành viên tham vấn ký vào một tuyên bố của hai đồng chủ tịch khi đó (là Đức và Vương quốc Anh) của Nhóm Theo Bologna (Bologna Follow-Up Group – BFUG), trong khi Nga đưa ra tuyên bố phản đối. Tuy nhiên, khi đối mặt với viễn cảnh Belarus trở thành bộ mặt công khai của EHEA vào mùa thu năm 2022, BFUG đã quyết định đình chỉ chức vụ đồng chủ tịch vào tháng 12 năm 2021. Tuy nhiên, một số thành viên EHEA – bao gồm một số nước EU – lại không muốn đảm nhận vị trí này.
Một trong những thách thức chính là xác định được đâu là ranh giới, và cách thức vạch ra ranh giới giữa việc khuyến khích tuân thủ và hành động chống lại sự không tuân thủ.
Ngay cả bản đánh giá tổng quan sơ lược này cũng cho thấy một quá trình liên chính phủ, theo định hướng đồng thuận, nhưng tổ chức lỏng lẻo sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với những hành vi đi ngược lại những giá trị cơ bản của nó – vì thiếu ý chí chính trị và vì sự hạn chế của những đòn bẩy của các bộ trưởng giáo dục đối với những vấn đề liên quan đến những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại và bản sắc chính trị. Một trong những thách thức chính là xác định được đâu là ranh giới, và cách thức vạch ra ranh giới giữa việc khuyến khích tuân thủ và hành động chống lại sự không tuân thủ.
Trách nhiệm của giáo dục đại học
Giáo dục đại học sẽ không chỉ gây hại cho chính nó mà còn cho cả nền dân chủ của chúng ta nếu những giá trị cơ bản được coi là đương nhiên, hoặc bị coi là không quan trọng chỉ vì những giá trị này không bị đe dọa ngay lập tức hoặc nghiêm trọng ở đất nước của nền giáo dục đó.
Cộng đồng học thuật cần khơi ra những cuộc tranh luận về những vấn đề như tác động của luật pháp chung, các mô hình tài chính và quản trị, vai trò cần có của những giá trị cơ bản trong đảm bảo chất lượng, và rộng hơn là mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền (những cơ quan chịu trách nhiệm về hệ thống giáo dục) và cộng đồng học thuật.
Một quyết định gần đây của chính phủ Na Uy hướng dẫn Đại học Nord thiết lập lại chương trình giáo dục giáo viên đã bị đóng cửa trước đó tại Nesna, nơi có dân số 1761 người, cho thấy trong những nền dân chủ đang hoạt động tốt vẫn tồn tại những vấn đề liên quan đến những giá trị cơ bản. Đại học Nord đã quyết định ngừng chương trình này vì hoài nghi về tính thích hợp và chất lượng của nó nếu nó bị chuyển địa điểm hoạt động. Trong khi việc đảm bảo cung cấp giáo dục đại học ở khu vực ngoại vi có thể thuộc thẩm quyền của các cơ quan công quyền, thì vẫn tồn tại sự hoài nghi rằng liệu cơ quan đó có quyền phủ quyết khi một trường đại học quyết định ngừng một chương trình đào tạo vì lý do chất lượng và ngân sách – hay không, trong khi họ (cơ quan công quyền) không quan tâm đến những lý do dẫn đến việc đóng cửa chương trình ngay từ đầu.
Vào năm 2017, một Nghị sĩ quốc hội Anh (MP) đã yêu cầu các nhà lãnh đạo đại học cung cấp tên của những giáo sư tham gia giảng dạy những vấn đề về châu Âu “có liên quan cụ thể đến Brexit”. Nghị sĩ đó đã bị bác bỏ một cách kiên quyết, nhưng thực tế là một yêu cầu như vậy thậm chí có thể được đưa ra – đã làm dấy lên lo ngại.
Giới học thuật, đặc biệt là giới lãnh đạo, cũng cần thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế. Một số nhà lãnh đạo và học giả ở Belarus, Hungary, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ – ba quốc gia cuối được nêu ra trong báo cáo triển khai EHEA năm 2018 – đã có những lập trường can đảm. Họ xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của những đồng nghiệp EHEA ít mạo hiểm hơn, cũng như của các tổ chức quốc tế. Những quốc gia đó bị cản trở bởi một nguyên tắc đồng thuận mà các nhà lãnh đạo của họ và các quốc gia thành viên sẽ cần xem xét lại kỹ càng. Những nhà lãnh đạo dũng cảm trong giới học thuật bị nhiều áp lực cũng xứng đáng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng nghiệp của họ. Cuối cùng, sự hỗ trợ này có thể thuyết phục các bộ trưởng của EHEA đối mặt với những mối đe dọa đối với những giá trị cơ bản của chúng ta, và củng cố lời nói của họ bằng những biện pháp hiệu quả chống lại những người vi phạm và không tỏ ra hối hận.
EHEA cần dành một thập kỷ cho những giá trị cơ bản: chúng ta nên coi sự hiểu biết và tôn trọng những giá trị cơ bản của mình là ưu tiên chính của thập kỷ thứ ba của EHEA, kéo dài đến năm 2030.