Việt Nam: Tranh luận về giáo dục đại học công-tư

Quang Châu là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Khoa Chính sách và Lãnh đạo Giáo dục, và là cộng sự tại Chương trình Nghiên cứu về Giáo dục Đại học Tư thục (PROPHE), Đại học Albany, Hoa Kỳ. Email: qchau@albany.edu.

Tóm tắt: Việc Giáo dục đại học tư thục xuất hiện vào cuối những năm 1980 và thách thức sự độc quyền của công lập vốn là chuẩn mực ở Việt Nam – gây ra nhiều tranh luận. Ngoài những nội dung phổ biến như những quốc gia khác, chẳng hạn liên quan đến cơ hội tiếp cận, chất lượng, công bằng và lợi nhuận, cuộc tranh luận công tư Việt Nam còn theo chiều hướng về sự đúng đắn chính trị, và gián tiếp bộc lộ hiểu biết hạn chế của các nhà hoạch định chính sách về khu vực tư thục và sự thiếu kinh nghiệm của họ.

Giáo dục đại học tư thục (PHE) ở Việt Nam xuất hiện sau cuộc cải cách kinh tế và chính trị của nhà nước có tên là Đổi Mới, được khởi xướng vào năm 1986. Sự thích ứng của nền kinh tế thị trường dần thâm nhập vào giáo dục đại học và gián tiếp giúp PHE ra đời. Ban đầu, những quy định của nhà nước đối với PHE mang tính can thiệp cao, nhưng nhìn chung đều bộc phát – chủ yếu do sự thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Từ giữa những năm 2000, những quy định này liên tục được củng cố và thể chế hóa, và PHE (gồm có 65 trường đại học và hơn 260 ngàn sinh viên) hiện nay là một bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục đại học quốc gia. Tuy nhiên, các trường đại học tư vẫn tiếp tục tuyên bố rằng họ bị đối xử không công bằng so với các trường công lập.

Khu vực công và tư: Bổ sung hay cạnh tranh?

Nhìn chung, sự tương phản giữa khu vực công và tư thục (tính khác biệt) là vấn đề then chốt trong những cuộc tranh luận về PHE của Việt Nam. Trong những năm đầu của PHE, sự khác biệt giữa hai khu vực rất đáng kể: Các trường đại học tư thục thường bị coi là lựa chọn dành cho những sinh viên kém năng lực hơn về mặt học thuật. Để vào các trường đại học tư thục, học sinh chỉ cần đạt điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh đại học do nhà nước tổ chức. Mức điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) đưa ra nhằm mục đích đảm bảo chất lượng. Ngược lại, các trường đại học công lập đặt ra yêu cầu tuyển chọn cao: Tỷ lệ chấp nhận thấp và điểm xét tuyển nhìn chung cao hơn nhiều so với điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Ngoài ra, hầu hết giảng viên tại các trường đại học tư thục là thỉnh giảng, trong khi giảng viên tại các trường đại học công lập là cơ hữu dài hạn. Tóm lại, trong khi hầu hết những lập luận ủng hộ PHE đều tập trung vào khía cạnh dễ dàng tiếp cận, khu vực này đồng thời thường bị chỉ trích về chất lượng.

Từ giữa những năm 2000, khi sự khác biệt giữa công và tư bắt đầu giảm, sự cạnh tranh giữa hai khu vực lại gia tăng. Các trường đại học công lập được thành lập ở nhiều tỉnh, kể cả những tỉnh ngoại vi về kinh tế, thường bằng cách nâng cấp những trường cao đẳng sẵn có đang cung cấp những chương trình giáo dục đại học ngắn hạn. Những trường đại học mới này tập trung chủ yếu vào việc cung cấp những chương trình có mức đầu tư thấp và thu nhận những sinh viên kém năng lực hơn so với sinh viên trong các cơ sở công lập truyền thống. Chính sách mở rộng này làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp từ các trường đại học công lập mới, các nhà quản lý đại học tư thục lập luận rằng nhà nước nên tập trung đầu tư vào việc nâng cao chất lượng của những chương trình “trọng điểm” mang lại lợi ích cho đông đảo dân cư, chẳng hạn như giáo dục y tế, kỹ thuật, công nghệ sinh học – những chương trình khác nên dành cho các trường đại học tư thục. Tuy nhiên, lập luận này bị cản trở bởi tuyên bố của chính quyền các tỉnh rằng những trường đại học công lập mới sẽ đóng góp to lớn cho nền kinh tế của tỉnh. Cuối cùng, các trường đại học công lập lần lượt được thành lập ở nhiều tỉnh đã thu hút những sinh viên có dự định đến các thành phố lớn để đăng ký vào các trường đại học tư thục. Kết quả là, số lượng đăng ký vào nhiều trường đại học tư thục bị giảm sút, và họ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Tuy nhiên, sự tham gia gần đây của các tập đoàn tư nhân vào PHE đã hồi sinh đáng kể khu vực này. Một số trường đại học tư thục hiện thuộc sở hữu của các tập đoàn đa lĩnh vực, và bằng việc mua lại nhiều trường đại học tư thục, các tập đoàn giáo dục cũng trở nên lớn mạnh. Một số trường đại học trực thuộc tập đoàn đã mở thêm những chương trình sử dụng nhiều vốn, thu hút sinh viên có thành tích cao, và do đó trở thành đối trọng với các trường đại học công lập lớn. Nhìn chung, PHE được cho là đã gián tiếp buộc khu vực công phải đổi mới và hoạt động hiệu quả hơn. Hiện nay có một luồng giảng viên và cán bộ quản lý cấp cao rời các trường đại học công lập để làm việc tại các trường đại học tư thục, bởi vì những trường đại học này không chỉ trả lương cao hơn mà còn cung cấp nhiều không gian hơn cho các thử nghiệm, đổi mới và tinh thần kinh doanh.

Công bằng và hòa nhập: Khu vực công bị chỉ trích

Không giống như ở nhiều quốc gia khác, PHE của Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến khía cạnh công bằng và hòa nhập. Truyền thống Việt Nam nói chung ủng hộ chế độ trọng dụng nhân tài: được coi là công bằng khi những sinh viên kém năng lực hơn, không phân biệt hoàn cảnh xã hội, học tại các trường đại học cấp thấp hơn, thường là tư thục và học phí cao. Tuy nhiên, các trường đại học công lập gần đây đã trở thành đối tượng bị chỉ trích về công bằng và hòa nhập. Là một trong những đối tượng của cuộc cải cách hành chính công được khởi xướng từ giữa những năm 2010, các trường đại học công lập lớn được khuyến khích tự chủ về tài chính (không nhận tài trợ của nhà nước), để đổi lấy nhiều quyền ra quyết định hơn trong một số khía cạnh. Do đó, học phí tại các trường đại học này đã tăng nhanh chóng và hiện nay hầu hết chỉ hợp với túi tiền của sinh viên khá giả.

Giáo dục đại học tư thục và sự đúng đắn chính trị

Do giáo dục tư thục ban đầu bị coi là trái ngược với hệ tư tưởng quốc gia, những chính sách điều chỉnh sự tham gia của các yếu tố phi nhà nước vào phát triển giáo dục – đã trải qua một quá trình phát triển đầy mơ hồ và gián đoạn (xem thêm bài viết của tôi trong IHE #103, Việt Nam, trường hợp độc quyền vì lợi nhuận). Chính sách xã hội hóa được công bố lần đầu tiên vào cuối những năm 1990 nhằm khuyến khích các tổ chức tư nhân tham gia đầu tư và quản lý các cơ sở giáo dục công, cũng như thúc đẩy lĩnh vực PHE. Tuy nhiên, chính sách này nhanh chóng biến thành hình thức chia sẻ chi phí: các tổ chức tư nhân, đặc biệt là phụ huynh, được kêu gọi chỉ để giúp chia sẻ gánh nặng tài chính của nhà nước – trong khi quyền quyết định quản trị vẫn nằm trong tay nhà nước. Liên quan đến PHE, chính phủ một mặt hợp pháp hóa khu vực này, nhưng mặt khác lại chưa công nhận giáo dục đại học là một thị trường, và cương quyết phản đối thương mại hóa giáo dục đại học. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (năm 2006), đồng thời với cuộc cải tổ lãnh đạo cấp cao nhất, những định hướng chính sách về PHE có xu hướng đảo ngược. Tất cả các trường đại học tư nhân được yêu cầu chuyển đổi sang hình thức công ty vì lợi nhuận và hoạt động hoàn toàn như một doanh nghiệp. Song song đó, chính phủ cũng đề xuất (nhưng điều này sau đó đã bị bác bỏ) một số các trường đại học công lập được cổ phần hóa và hoạt động như một doanh nghiệp cổ phần. Một lý do giải thích cho những đề xuất chính sách này là do một số nhà hoạch định chính sách cấp cao dường như hiểu sai khái niệm “doanh nghiệp hóa” – khi đó là một từ được sử dụng rộng rãi trong các cộng đồng giáo dục đại học ở Đông và Đông Nam Á, về cơ bản nhằm kêu gọi quyền tự chủ lớn hơn về thể chế – như trong cách diễn đạt “được điều hành như một doanh nghiệp”. Hơn nữa, vì hầu hết các nhà hoạch định chính sách từng được đào tạo ở Liên Xô, nơi thực tế không tồn tại khu vực phi lợi nhuận, họ có xu hướng nhận thức phiến diện về khu vực tư nhân. Đối với họ, “tư nhân” có nghĩa là kinh doanh vì lợi nhuận. Do đó, bản chất vì lợi nhuận của hầu hết các trường đại học tư thục của Việt Nam được coi là hợp pháp, và không bị chỉ trích nhiều.

 

Liệu một khu vực thực sự phi lợi nhuận cuối cùng có xuất hiện hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ.

 

Hiện tại,  khi các tổ chức PHE phi lợi nhuận gần đây được hợp pháp hóa, người ta có thể trông đợi rằng sự phân biệt giữa hai khu vực sẽ giảm bớt và cuộc tranh luận công-tư sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, liệu một khu vực thực sự phi lợi nhuận cuối cùng có xuất hiện hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ. Xét cho cùng, giáo dục đại học không thể tách rời khỏi nền kinh tế chính trị của đất nước, và nền kinh tế chính trị của Việt Nam dường như còn chứa rất nhiều ẩn số.