Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và là Thành viên xuất sắc tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. Email: altbach@bc.edu.
Liz Reisberg là Chuyên gia tư vấn về giáo dục đại học quốc tế và là Nghiên cứu viên tại CIHE. Email: reisberg@gmail.com. Bài báo này đã được xuất bản trong Inside Higher Ed.
Tóm tắt: Gần đây, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật vô tình có thể biến việc sử dụng các đại lý tuyển sinh quốc tế thành một hoạt động bất hợp pháp. Nhiều trường đại học tuyển sinh thông qua các đại lý và các đại diện tuyển sinh. Bài báo này thảo luận về cuộc “khủng hoảng” và những lý lẽ cho rằng không nên sử dụng các đại lý trong mọi trường hợp.
Đang diễn ra một cuộc khủng hoảng thực sự. Một bộ phận của cộng đồng giáo dục đại học Hoa Kỳ đã hoảng sợ trước dự thảo luật đã được Quốc hội thông qua và phê chuẩn vào ngày 1 tháng 8 năm 2021. Đạo luật này nhằm giải quyết những quyền lợi giáo dục và đào tạo của cựu chiến binh, đã gây thêm nhầm lẫn về việc sử dụng các đại lý và đại diện tuyển sinh để tăng số lượng tuyển sinh quốc tế là một nội dung vốn vẫn gây tranh cãi. Tổ chức Đào tạo những ngành nghề có nhu cầu cao để cải thiện Đạo luật việc làm cho cựu chiến binh, hay còn gọi là THRIVE, đặt ra những giới hạn mới đối với những tổ chức nhận tài trợ liên bang, có vẻ như hạn chế việc “trả hoa hồng hoặc những khoản thưởng khuyến khích tuyển sinh hoặc tìm kiếm tài trợ”. Văn bản gây ra sự mơ hồ đáng kể về việc liệu những trường đại học Hoa Kỳ có tiếp tục chi trả hoa hồng cho các đại lý để tuyển sinh viên quốc tế có bị loại khỏi danh sách nhận tài trợ từ Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ năm 2021 hay không.
Việc trả hoa hồng bị cấm đối với hoạt động tuyển sinh trong nước, nhưng lại được chấp nhận khi áp dụng cho tuyển sinh quốc tế. Mô hình này là hệ quả của việc thương mại hóa nghiên cứu quốc tế và sự phụ thuộc ngày càng tăng của một số trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ vào học phí của sinh viên nước ngoài để lấp đầy các lớp học và đảm bảo sự tồn tại tài chính. Sinh viên quốc tế giúp giải quyết những thách thức về ngân sách do tuyển sinh trong nước bị giảm ở nhiều trường, một xu hướng trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Mấu chốt của mọi vấn đề là ở đó.
Hiện trạng
Những thiếu sót rõ ràng này của lập pháp đang được nỗ lực sửa chữa, do Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ dẫn đầu và được hỗ trợ bởi toàn bộ hệ thống giáo dục đại học. Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA – Association of International Educators), Hiệp hội quốc gia về tư vấn tuyển sinh đại học (NACAC – National Association for College Admission Counseling), Hội đồng tuyển dụng quốc tế Hoa Kỳ (một nhóm giám sát bao gồm các đại lý tuyển sinh và những trường đại học sử dụng họ), và những tổ chức khác đang vận động Quốc hội, tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ gặp bất lợi trong cuộc cạnh tranh tuyển sinh quốc tế, vì những quốc gia điểm đến lớn nói tiếng Anh khác, chủ yếu là Úc và Vương quốc Anh, đang sử dụng rất nhiều đại lý. Kết quả là vào ngày 8 tháng 10 năm 2021, hai dự luật mới đã được giới thiệu để khắc phục vấn đề.
Chỉ cách đây vài thập kỷ, bộ quy tắc đạo đức của NACAC cấm các trường đại học thành viên sử dụng các đại lý tuyển sinh. Năm 2013, sau một thời gian dài tranh luận, tổ chức này đã chấp thuận thông lệ. EducationUSA và Bộ Ngoại giao phản đối mạnh mẽ việc sử dụng các đại lý cho đến năm 2018, khi chính quyền Trump thay đổi lộ trình như một phần của chiến lược siêu thương mại hóa giáo dục đại học của họ. Giờ đây tất cả các trường dường như góp mặt đầy đủ. Theo NAFSA, 49% các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ sử dụng các đại lý tuyển sinh. Các trường đại học của Úc và Anh sử dụng rất nhiều đại lý và thương mại hóa hoàn toàn những chiến lược tuyển sinh quốc tế do chính phủ chỉ đạo nhằm chuyển sang áp mức học phí cao đối với sinh viên quốc tế để bù đắp cho khoản ngân sách bị cắt giảm. Nhưng sự phụ thuộc mạnh mẽ của họ vào nguồn thu từ sinh viên quốc tế, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, không chỉ do đại dịch COVID-19 mà còn do Brexit và căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Úc. Như hệ quả của những cuộc khủng hoảng này, IDP – công ty thuộc sở hữu của Úc, một trong những tổ chức đại lý lớn nhất thế giới – đã bị chủ sở hữu trường đại học bán đi một phần.
Như vậy, có điều gì không ổn với các đại lý?
Sự thay đổi này trong dự thảo luật được đề xuất sẽ kích thích suy nghĩ lại về sự phụ thuộc vào các đại lý. Như Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ đã lưu ý trong thư gửi các quan chức chính phủ Hoa Kỳ, các đại lý và đại diện tuyển sinh không thuộc trường đại học được trả tiền để phục vụ nhu cầu của một cơ sở giáo dục. Các đại lý được các trường cao đẳng và đại học trả tiền để giới thiệu cho trường những sinh viên đóng học phí. Những trường thuê dịch vụ đại lý trả hoa hồng tính theo số lượng sinh viên nhập học, thông thường là phần trăm học phí và có thể lên tới hàng nghìn đô la. Các đại lý không nhất thiết phải quan tâm đến lợi ích tốt nhất của sinh viên – họ được thuê bởi các trường đại học.
Các đại diện tuyển sinh hỗ trợ sinh viên trong quá trình nộp đơn vào những trường đại học ký hợp đồng với đại lý và “sự trợ giúp” này đôi khi bao gồm việc viết bài luận ứng tuyển và thư giới thiệu họ. Có rất nhiều trường hợp gian lận và những trò tai quái khác, đến mức có một số trường hợp gian lận hồ sơ bị truy tố ở Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, hoạt động không trung thực là một rủi ro của “hệ thống đại lý” rất khó giám sát. Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học, ở Hoa Kỳ và những nơi khác, dường như hoạt động trên cơ sở niềm tin rằng sinh viên quốc tế sẽ không nhập học trừ khi có sự hướng dẫn của các đại lý và trải qua quá trình tuyển chọn do đại lý thực hiện. Điều này có thể thực sự cần thiết trong một số trường hợp, nhưng khi những đại lý thương mại thu lợi trong việc gửi sinh viên đến những cơ sở cụ thể cũng chính là đơn vị tư vấn cho những sinh viên này, kết quả có thể không phải là phù hợp nhất đối với sinh viên, đối với người tài trợ của họ (thường là gia đình của sinh viên), hoặc thậm chí với nhà trường, nếu sinh viên không ở lại trường để hoàn thành chương trình. Cuối cùng, không có những yêu cầu rõ ràng về bằng cấp đối với những cá nhân giữ vai trò là đại lý tuyển sinh, khiến rất nhiều loại bằng cấp (hoặc hoàn toàn không có) trở thành nét đặc trưng của những người đảm nhận vai trò chính trong quá trình tuyển sinh đại học. Cũng không có những tiêu chí được chấp nhận rộng rãi để đánh giá hoặc chứng nhận công việc của họ.
Trải nghiệm của những sinh viên quốc tế do các đại lý sắp xếp nhất thiết phải được giám sát chặt chẽ hơn bởi những nhà đánh giá công bằng.
Các giải pháp
Những khoản tiền mà các trường đại học Hoa Kỳ trả cho các đại lý là rất đáng kể. Nếu không có yêu cầu báo cáo, không thể biết chính xác là bao nhiêu. Một nghiên cứu của Anh lưu ý rằng các trường đại học thường trả cho các đại lý 15% học phí năm đầu tiên khi có được một sinh viên nhập học. Số tiền này có thể được chi tiêu tốt hơn vào những dịch vụ trực tiếp cho sinh viên quốc tế – cải thiện các trang web của trường đại học và cung cấp thông tin tốt hơn cho những ứng viên tương lai và gia đình của họ. Kinh phí chi hoa hồng có thể được sử dụng để có thêm nhân viên tuyển sinh tại trường hoặc do trường giám sát, những người có thể dành sự quan tâm cho cá nhân những ứng viên tiềm năng. Các cơ quan chính phủ như phòng Giáo dục Hoa Kỳ tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Thương mại nên phân bổ thêm nguồn lực cho việc cung cấp thông tin khách quan về giáo dục đại học Hoa Kỳ ở từng địa phương, nhằm định hướng tốt hơn đến những trường đại học có thể không xuất hiện trong bảng xếp hạng nhưng mang lại cơ hội tuyệt vời cho sinh viên quốc tế. Một phần nguồn lực hiện được chi cho các đại lý nên được phân bổ lại để hỗ trợ tài chính cho những sinh viên quốc tế có hoàn cảnh khó khăn.
Nếu các trường đại học tiếp tục ký hợp đồng với các đại diện tuyển sinh bên thứ ba, thì trải nghiệm của những sinh viên quốc tế do các đại lý sắp xếp nhất thiết phải được giám sát chặt chẽ hơn bởi những nhà đánh giá công bằng. “Thiếu sót” về mặt lập pháp này có thể dẫn đến sự cải cách cần thiết trong một hệ thống tuyển sinh không phục vụ tốt cho sinh viên và nếu không được giám sát tốt hơn, sẽ tiếp tục có nguy cơ mất hiệu lực đạo đức. Nhưng một liên minh các tổ chức giáo dục đại học đang thúc giục chính phủ không đi theo hướng đó.