Thử thách Trung Quốc của Úc

Anthony Welch là Giáo sư về giáo dục, Đại học Sydney, Úc. Email: anthony.welch@sydney.edu.au.

Tóm tắt: Các trường đại học của Úc từ lâu đã dựa vào sinh viên quốc tế. Số này chiếm tới 1/4 tổng số sinh viên nhập học, trong đó 40% đến từ Trung Quốc. Nhưng chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc, áp lực từ Mỹ nhằm liên kết các đồng minh và những hạn chế đi lại do COVID-19 ngăn cản sinh viên Trung Quốc đến và trở lại Úc để tiếp tục học tập đã khiến các trường đại học bị gián đoạn nghiêm trọng. Do chiến tranh lạnh, sự phân cực tiếp tục tăng có thể làm hỏng quan hệ song phương trong giáo dục đại học và nghiên cứu.

Hệ thống đại học Úc có hai đặc điểm nổi bật, cả hai đặc điểm này đều dựa trên quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong giáo dục đại học và nghiên cứu. Mặc dù là một hệ thống tương đối nhỏ, với tổng số sinh viên khoảng 1,6 triệu, quốc gia này có sáu trường đại học nằm trong số 100 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng ARWU của Shanghai Jiaotong. Con số này cao hơn Canada với dân số đông hơn nhiều. Đặc điểm thứ hai là tỷ lệ tuyển sinh quốc tế cao bất thường – 27% tổng số tuyển sinh vào năm 2019. Cho đến nay, nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất đến từ Trung Quốc đại lục. Trên thực tế, hai đặc điểm này có liên quan đến nhau, vì 27% doanh thu của trường đại học đến từ nguồn học phí của sinh viên quốc tế vào năm 2019 và người ta ước tính rằng 1/4 tổng chi tiêu của trường đại học cho nghiên cứu đến từ nguồn thu học phí của sinh viên quốc tế.

Sinh viên quốc tế ở Úc

Số lượng sinh viên quốc tế phát triển mạnh mẽ qua nhiều thập kỷ, giáo dục quốc tế trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ tư của của Úc. Nhưng điều này đã khiến các trường đại học Úc phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên từ Trung Quốc. Mặt khác, điều này là do tình trạng thiếu ngân sách dai dẳng dành cho giáo dục đại học, khiến các trường đại học phải tìm kiếm những nguồn thu nhập khác, chủ yếu bằng cách mở rộng mạnh mẽ số lượng sinh viên quốc tế trả phí, đặc biệt là từ Trung Quốc đại lục.

Vị trí địa lý của Úc – hệ thống giáo dục tiếng Anh quan trọng duy nhất ở Nam Thái Bình Dương – có nghĩa là tất cả 10 quốc gia hàng đầu cung cấp sinh viên quốc tế đều là châu Á. Trong tổng doanh thu 32,4 tỷ AUD (22 tỷ USD) từ giáo dục quốc tế trong năm 2017-2018, châu Á đóng góp 22,2 tỷ AUD (16,6 tỷ USD). Phần lớn trong số này là từ Trung Quốc. Ở cấp quốc gia, sinh viên Trung Quốc đại lục chiếm 40% tổng số sinh viên quốc tế nhập học, nhưng ở một số trường đại học, đặc biệt là Nhóm 8 chuyên sâu về nghiên cứu (Go8), tỷ lệ này cao hơn nhiều. Tại Đại học Sydney, chỉ riêng sinh viên từ Trung Quốc đại lục đã chiếm 24% tổng số sinh viên. Trường đại học này thu được 885 triệu AUD (664 triệu USD) từ học phí của sinh viên quốc tế vào năm 2018, chiếm 35% tổng doanh thu. Trước COVID-19, số lượng sinh viên Trung Quốc tại ba trường đại học ở nội thành Sydney lớn hơn số lượng sinh viên Trung Quốc của tất cả 33 trường đại học công lập ở California gộp lại.

Người di cư Trung Quốc có kỹ năng

Trong cách nhìn nhận về người di cư có kỹ năng cao, từ lâu người Úc có khuynh hướng coi những người di cư từ Trung Quốc thuộc những nhóm có kỹ năng cao nhất, điều này có ảnh hưởng quan trọng đến giáo dục đại học. Trên toàn quốc, hơn 15% lực lượng lao động học thuật hiện nay của Úc đến từ châu Á, với dữ liệu cho thấy số lượng lao động học thuật từ Trung Quốc đã tăng gấp ba lần từ năm 2005 đến năm 2015. Cộng đồng tri thức người Trung Quốc ở nước ngoài – trong đó nhiều người đến Úc để học tiến sĩ và sau đó định cư tại đây – ngày càng lớn mạnh trong giáo dục đại học Úc, và thường có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống nghiên cứu mạnh mẽ và các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.

Hậu quả của COVID-19

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020 đã phá vỡ hầu hết những mô hình này. Những quy định hạn chế đi lại ngăn cản sinh viên quốc tế dịch chuyển, đặc biệt từ Trung Quốc. Hơn 60% trong số 170 ngàn sinh viên người Trung Quốc có thị thực du học, nhiều người trong số họ về nước vào dịp Lễ Năm mới đầu năm 2020 – đã bị kẹt lại bên ngoài nước Úc. Hạn chế đi lại kéo dài đồng nghĩa với việc hầu hết không thể quay lại Úc vào cuối năm 2021. Điều này gây ra hậu quả lớn đối với nhiều trường đại học, đặc biệt là những trường có tỷ lệ sinh viên từ Trung Quốc đại lục cao. Mặc dù có sự chuyển đổi nhanh chóng sang dạy và học trực tuyến, ban đầu được chấp nhận nhưng sau đã bị thay thế bởi mong muốn ngày càng tăng về việc khôi phục trải nghiệm học tập tại trường – tổng thiệt hại về doanh thu trong toàn ngành ước tính khoảng 1,8 tỷ AUD cho năm 2020 và dự kiến ​tăng thêm 2 tỷ AUD vào năm 2021. Người ta dự đoán rằng từ năm 2020 đến năm 2024, lĩnh vực này sẽ mất 6,4 – 7,6 tỷ AUD thu nhập khả dụng dành cho nghiên cứu.

Việc mất doanh thu đột ngột, kéo dài đã buộc các trường ngừng việc xây dựng các chương trình, cắt giảm chi tiêu khả dụng và bán bớt tài sản, đặc biệt là những ký túc xá dành cho sinh viên hiện bị bỏ trống phần lớn. Bất chấp việc các trường bị mất doanh thu và nhiều việc làm bị mất – ước tính 35 ngàn việc làm bị mất vào cuối năm 2021 – chính phủ liên bang liên tục rút lại những khoản hỗ trợ tài chính cho các trường đại học từ kế hoạch được thiết kế với chủ đích hỗ trợ việc làm trong tất cả các ngành trong thời kỳ đại dịch. Một loạt các cuộc phỏng vấn với các công chức, phó thủ tướng, bộ trưởng và cựu bộ trưởng vào năm 2021 đều đưa đến một cách giải thích chung: “Không có gì khó hiểu cả. Chính phủ không thích các trường đại học” (xem thêm William Locke, “Giáo dục đại học Úc, cơn bão hoàn hảo?”,  IHE #107).

            Áp lực tách khỏi Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Hợp tác và chiến tranh văn hóa

Căng thẳng Mỹ – Trung và sự phân cực ngày càng tăng cũng ảnh hưởng đến quan hệ giáo dục đại học và nghiên cứu với Trung Quốc. Mặc dù lâu nay Úc vẫn luôn mong muốn tuyển hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc, sự cạnh tranh và mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, và việc Mỹ gây áp lực với các đồng minh – đã có tác động rõ ràng. Áp lực tách khỏi Trung Quốc ngày càng gia tăng, đặc biệt liên quan đến hợp tác nghiên cứu, làm đảo ngược mô hình phát triển hợp tác song phương đã được thiết lập, trong đó ​​Trung Quốc sẽ trở thành đối tác nghiên cứu hàng đầu của Úc về toán học, kỹ thuật và hóa học. Sự trỗi dậy trong khoa học của Trung Quốc có nghĩa là nước này hiện chỉ xếp thứ hai sau Hoa Kỳ về số lượng trích dẫn theo cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS), và đến năm 2019, đứng thứ hai trong danh sách các tác giả được trích dẫn nhiều. Điều này khiến Trung Quốc trở thành một đối tác nghiên cứu ngày càng hấp dẫn, khi những nghiên cứu đồng tác giả mang lại số lượng trích dẫn trung bình cao hơn so với những công bố thuần túy của Úc trong cùng lĩnh vực chủ đề. Có nhiều bài báo hợp tác như vậy, một số liên quan đến cộng đồng tri thức người Trung Quốc trong các trường đại học Úc, hiện nay có sự tham gia của các đồng nghiệp Trung Quốc đại lục. Trên thực tế, số lượng những bài báo của Úc có đồng tác giả là những đồng nghiệp Trung Quốc đại lục đã tăng từ 4% tổng số trong năm 1996 lên 14% vào năm 2009.

Điều này đặc biệt quan trọng, vì tỷ lệ các công bố quốc tế của Úc ở mức 45%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới là 35%. Do đó, những quy định hạn chế quan hệ học thuật Trung Quốc – Úc sẽ cản trở tiến bộ khoa học, kìm hãm sự phát triển quan hệ giáo dục đại học giữa hai nước và góp phần tăng thêm sự phân cực. Trong một bài phát biểu năm 2018 về quản trị trường đại học, hiệu trưởng Đại học Queensland (một tổ chức Go8) và cựu thư ký Bộ Ngoại giao và Thương mại đã phác họa tầm cỡ hợp tác khoa học giữa trường đại học của ông và Trung Quốc. Ông chỉ ra hơn 3 ngàn công bố đồng tác giả, số lượng này gần gấp ba lần mức trung bình của thế giới theo số liệu theo dõi của Tác động Trích dẫn Chuẩn hóa (CNCI – Category Normalized Citation Impact). Nhưng trong bối cảnh thái độ chống Trung Quốc ngày càng gia tăng và chính sách an ninh hóa mở rộng hơn, một cuộc kiểm toán quốc gia đối với những trường đại học có liên kết với Trung Quốc đã được thực hiện, khiến các trường đại học phàn nàn về những giới hạn và gánh nặng hành chính. Giữa những lo ngại rằng điều này có thể thúc đẩy thành kiến ​​chống Trung Quốc và sự hoang tưởng về “Quỷ đỏ trốn dưới gầm giường”, luật về sự can thiệp của nước ngoài cũng được ban hành, với kế hoạch đào tạo cả giảng viên và sinh viên cách phát hiện những dự án gây nghi ngại.

Mặc dù hợp tác song phương ở cấp độ cá nhân hầu như vẫn tiếp tục, hợp tác giữa các trường, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đang chịu sự giám sát chặt chẽ hơn nhiều. Trong khi những lo ngại chính đáng về an ninh đã được chỉ ra, người ta hy vọng rằng không khí chiến tranh lạnh hiện nay của sự phân cực và ác cảm sẽ không dẫn đến việc sử dụng một chiếc búa tạ để đập vỡ vỏ hạt dẻ, gây nguy hại cho quan hệ hợp tác có thể đem lại nhiều lợi ích hơn.