Mô hình hai hệ học phí ở Nga và những nước hậu Xô Viết

Anna Smolentseva là Nghiên cứu viên cấp cao tại Institute of Education, National Research
University Higher School of Economics, Matxcova, Nga. Email: asmolentseva@hse.ru.

Tóm tắt: Mô hình hai hệ học phí ở những nước hậu Xô Viết là một mô hình hỗ trợ đặc biệt trong giáo dục đại học quốc tế. Đó là di sản từ việc nhà nước Xô Viết cũ đưa cơ chế thị trường vào hệ thống giáo dục đại học xã hội chủ nghĩa miễn học phí, khiến sinh viên bị chia thành hai luồng tuyển chọn và học phí được điều chỉnh bởi những hình thức cạnh tranh và mức giá khác nhau. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng sâu sắc, và khuyến khích hầu hết các trường tập trung vào doanh thu mà không quan tâm đến chất lượng giáo dục.

Hệ thống hai hệ học phí (dual-track tuiton fee) là một mô hình hỗ trợ đặc biệt trong giáo dục đại học quốc tế, chỉ tồn tại ở (hầu hết) những quốc gia thuộc Liên Xô cũ, một số quốc gia hậu xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu, và một số quốc gia châu Phi. Không giống như tất cả những mô hình hỗ trợ quốc tế khác – thu học phí từ tất cả mọi người (ví dụ Anh, Hà Lan, Hoa Kỳ) hoặc không thu phí từ bất kỳ ai (ví dụ Phần Lan, Đức) – hệ thống học phí kép áp dụng những quy tắc khác nhau cho những đối tượng sinh viên trong nước khác nhau. Mô hình này trước đây được áp dụng ở tất cả 15 quốc gia thuộc Liên bang Xô viết cũ, và hiện vẫn tồn tại ở những quốc gia này ngoại trừ Estonia, và chỉ có một số thay đổi nhỏ.

Trong hệ thống học phí kép, sinh viên được chia thành hai luồng dựa trên thành tích học tập được xác định bởi các kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Những sinh viên đạt điểm cao hơn sẽ được miễn học phí. Số còn lại phải trả học phí. Ở Nga, khoảng một nửa tổng số sinh viên trong các cơ sở công lập hiện phải trả học phí; ở hầu hết những quốc gia hậu Xô Viết khác, tỷ lệ sinh viên phải trả học phí dao động từ 45% đến 85%. Trong hầu hết các trường hợp, số lượng sinh viên trả học phí là do các trường tự xác định (trong những trường đại chúng, đó là số sinh viên có thể tuyển và giảng dạy). Mức “đạt” tối thiểu do chính phủ quy định rất thấp. Học phí chiếm một phần đáng kể trong doanh thu, bổ sung cho mức hỗ trợ công thấp.

Hai nhóm sinh viên học cùng nhau, nhưng tiêu chí tuyển sinh phân biệt theo hai nhóm nguyện vọng, động cơ và sự khuyến khích khác nhau giữa sinh viên (học ở đâu và chuẩn bị như thế nào), giữa các cơ sở giáo dục đại học (tuyển sinh viên nào cho từng phân khúc và tuyển thế nào); và giữa mức tài trợ của nhà nước (tài trợ bao nhiêu). Sự phân biệt này tồn tại trong mọi cơ sở giáo dục đại học công lập.

Hệ thống hai hệ học phí – di sản của Liên Xô cũ

Trong những năm 1980, giáo dục đại học của Liên Xô (các chương trình ISCED 6) đã đạt đến mức đại chúng: khoảng 1/5 nhóm tuổi học đại học trên toàn liên bang và 1/4 ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Nga, cùng mức với thế giới phương Tây vào thời kỳ đó. Chính phủ đã kích thích hệ thống xã hội chủ nghĩa bằng cách áp dụng tự do kinh tế và đưa vào các yếu tố thị trường – những công cụ chính sách ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Chính sách Perestroika những năm 1980 đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong cách chính phủ tài trợ cho giáo dục đại học: quan niệm giáo dục như một dịch vụ; từ bỏ hình thức tài trợ duy nhất của nhà nước; đa dạng hóa các nguồn tài trợ; tài trợ tư nhân; và tạo điều kiện cho cung cấp giáo dục phi nhà nước. Người ta hy vọng rằng tự do hóa sẽ giúp khắc phục sự cứng nhắc của hệ thống Xô Viết, sự thiên lệch về kỹ thuật và định hướng của hệ thống đối với giáo dục ứng dụng, đồng thời cho phép tạo ra những trường đại học năng động và linh hoạt.

Sau khi Liên Xô tan rã, luật giáo dục mới ở Nga và những quốc gia hậu Xô Viết khác đã xác nhận cam kết đối với khu vực tư nhân mới và thị trường hóa một phần trong khu vực công, bằng cách hình thành hệ thu học phí bên cạnh hệ miễn học phí. Trong khi khu vực tư thục không phát triển mạnh ở Nga và ở hầu hết các nước hậu Xô Viết, thị trường hóa chủ yếu diễn ra trong khu vực công vốn chiếm ưu thế.

Cấu trúc của mô hình hai hệ

Như đã trình bày ở trên, mô hình hai hệ chia lĩnh vực giáo dục thành hai phân khúc: do thành tích xác định (miễn học phí) và do thị trường xác định (trả học phí).

Hai phân khúc này dựa trên những loại cạnh tranh khác nhau: cạnh tranh về thành tích trong phân khúc miễn phí và cạnh tranh về giá trong phân khúc trả học phí. Mặc dù vẫn duy trì tính chọn lọc bằng cách giới hạn số lượng sinh viên trả toàn bộ học phí, những học viện ưu tú có một hệ thống tuyển sinh vừa dựa trên giá cả vừa dựa trên thành tích.

Trong phân khúc miễn học phí, chi phí cho mỗi sinh viên là do chính phủ trung ương quy định, và “khách hàng” không hay biết. Việc tuyển sinh được thực hiện dựa trên danh sách những ứng viên được sắp xếp theo điểm thi của họ. Thành tích (điểm thi tuyển) đóng vai trò như một tiêu chí cạnh tranh song song với giá cả. Điểm đạt và điểm tuyển sinh trung bình của kỳ thi tuyển được công bố rộng rãi, tạo ra một “hệ thống phân cấp giá trị” giữa các sinh viên và các cơ sở giáo dục.

Phân khúc trả học phí tuyển sinh dựa trên mức học phí. Mức học phí do các trường đưa ra và khác nhau giữa các trường và các ngành. Học phí phải được thanh toán trực tiếp cho nhà trường và trả ngay – trái ngược với kiểu thị trường ở Anh và Úc, nơi mức học phí do chính phủ quy định, sinh viên không trả trực tiếp cho trường và được nợ học phí cho đến khi có việc làm và đạt được một mức thu nhập nhất định. Điểm giống với hệ thống Hoa Kỳ đã thị trường hóa là mức học phí do các trường ấn định, nhưng điểm không giống với Hoa Kỳ là có sự phân biệt sinh viên được miễn học phí và sinh viên phải trả học phí. Ngoài ra, không giống như Hoa Kỳ và một số mô hình khác, hệ thống hai hệ học phí không cung cấp học bổng hoặc hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên, ngoại trừ những học bổng tượng trưng dành cho một số nhóm đối tượng nhất định.

Tác động của mô hình

Mô hình này củng cố đáng kể tình trạng bất bình đẳng giáo dục, và thường xuyên bị Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Thế giới và OECD chỉ trích. Yếu tố thành tích mở ra cơ hội tiếp cận với hệ đào tạo miễn phí, đặc biệt trong những trường có uy tín – gắn liền với sự bất bình đẳng về kinh tế xã hội: Chỉ những nhóm xã hội khá giả mới đủ khả năng cho con cái theo học trong những trường trung học chọn lọc và trả tiền cho gia sư dạy kèm. Trong khi đó, cơ hội tiếp cận hệ phi thành tích được quyết định bởi khả năng chi trả của các gia đình. Trái ngược với hệ thống Xô Viết tương đối bình đẳng, cả hai hệ giáo dục đại học hậu Xô Viết đều thúc đẩy sự bất bình đẳng.

Hệ thống hai hệ cũng củng cố sự phân tầng thể chế: Khu vực ưu tú không bị điều chỉnh bởi cạnh tranh thị trường và giá cả thị trường, mà bằng danh tiếng, do đó tính chọn lọc cao và giá cao đều là dấu hiệu của “chất lượng” và uy tín. Trong phân khúc phi ưu tú được điều chỉnh bởi cạnh tranh thị trường, mô hình hai hệ tạo ra những thực tế vận hành đặc biệt, mà trong một vài khía cạnh thì không hiệu quả, nhằm mục đích tối ưu hóa cả nguồn tài trợ từ chính phủ và từ tư nhân. Mô hình này cũng tái tạo những tiêu chuẩn kép về giá trị xã hội (tiền bạc/ thành tích), trong đó tiền là yếu tố quyết định. Đối với những sinh viên không thể tiếp cận hệ giáo dục miễn phí, nó bình thường hóa “sự phi xuất sắc” – giá trị của tiền bạc, không phải của thành tích học tập, trong giáo dục đại học.

Sự phân chia cả tuyển sinh và học phí thành hai hệ đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của giáo dục đại học ở Nga và tất cả những nước hậu Xô Viết khác, đồng thời góp phần vào đại chúng hóa, mở rộng hệ thống, phân tầng thể chế và bất bình đẳng xã hội. Đáng chú ý là, hệ thống này hầu như không bao giờ bị hoài nghi. Chỉ có Estonia hủy bỏ học phí trong khu vực công đối với những sinh theo kịp tiến độ bình thường vào năm 2012. Georgia tiến tới thị trường hóa hơn nữa, giới thiệu những phiếu quà tặng giáo dục đại học bao gồm 100%, 70% và 50% học phí, tùy thuộc vào kết quả kiểm tra. Quốc gia này cũng đưa ra những khoản trợ cấp cho sinh viên khó khăn và những suất học bổng toàn phần trong những lĩnh vực ưu tiên, nhưng nhìn chung chỉ có 19% sinh viên năm thứ nhất được cấp học bổng toàn phần vào năm 2018. Nước Nga đã áp dụng thí điểm phiếu quà tặng giáo dục đại học vào đầu những năm 2000 ở một số vùng, nhưng sau đó ngừng lại. Hệ thống phiếu quà tặng là một phiên bản khốc liệt hơn của mô hình hai hệ, trong đó cơ hội tiếp cận hệ đào tạo miễn học phí liên kết chặt chẽ hơn với “thành tích” và do đó với sự chênh lệch xã hội.

Mô hình hai hệ học phí hậu Xô Viết phù hợp với ý tưởng phổ biến toàn cầu rằng được tuyển dụng (có việc làm) là mục đích trọng tâm của giáo dục đại học, một di sản của lý thuyết về vốn con người, cung cấp cơ sở lý luận cho việc đầu tư đồng tiền của chính phủ và cá nhân vào giáo dục đại học. Đào tạo chuyên gia cho nền kinh tế quốc dân cũng là mục đích đào tạo đại học của Liên Xô. Điều này đã giúp mô hình hai hệ phát triển mạnh mẽ trong khu vực sau khi Liên Xô tan rã.

Hệ thống hai hệ học phí tái tạo sự phân chia văn hóa giữa cung cấp giáo dục đại học theo hướng bình đẳng nhưng mang tính công cụ nghề nghiệp của Liên Xô như một lợi ích công và giáo dục đại học thời hậu Xô Viết như một lợi ích nghề nghiệp cá nhân do sự lựa chọn của người tiêu dùng và bình thường hóa sự bất bình đẳng. Di sản hai hệ học phí của Liên Xô cần được xem xét lại và đánh giá dựa trên những tiêu chí về công bằng xã hội, phúc lợi của xã hội và hiệu quả kinh tế, cũng như những mục đích lớn hơn của giáo dục đại học trong thế kỷ XXI.