Làn sóng giáo dục khai phóng ở Ấn Độ

Dr. Pushkar là Giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc tế Goa (ICG), Dona Paula, Goa, Ấn Độ. Email: pushkar@incentgoa.com. Bài viết này phản ánh quan điểm cá nhân của ông.

Tóm tắt: Giáo dục đại học Ấn độ thập kỷ 2020 đang chứng kiến một làn sóng giáo dục khai phóng. Chính sách giáo dục quốc gia 2020 chú trọng vào phát triển giáo dục đa ngành. Chính sách này cũng kỳ vọng tăng cường tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra nếu không có một loạt cải cách trong toàn bộ ngành giáo dục đại học – trong các lĩnh vực như quản trị, cơ cấu quy định, quyền tự chủ về thể chế và các lĩnh vực khác – để nâng cao chất lượng tổng thể của giáo dục đại học.

Nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy làn sóng giáo dục đại học khai phóng sẽ xuất hiện ở Ấn Độ trong thập kỷ 2020. Điều này thể hiện rõ qua sự thành công của những trường đại học như Đại học Ashoka và sự xuất hiện của một số cơ sở tư nhân tương tự khác tập trung vào giáo dục khai phóng và thậm chí cung cấp bằng cử nhân giáo dục khai phóng. Những dấu hiệu này cũng có thể nhìn thấy trong những sáng kiến ​​gần đây của một số trường công hàng đầu đất nước như Học viện CNTT Ấn Độ (IIIT), Học viện Quản trị Ấn Độ (IIM) – để công bố chương trình đào tạo mới là sự kết hợp nội dung cốt lõi trước đây (CNTT/Quản trị) với giáo dục khai phóng.

Học viện CNTT-Bombay vừa công bố chương trình đào tạo khác biệt – khai phóng, khoa học, và công nghệ (LASE – liberal arts, science and engineering). Học viện CNTT-Dehli tung ra chương trình đào tạo cử nhân công nghệ chuyên ngành Khoa học Máy tính và Khoa học Xã hội. Mặc dù tất cả những sáng kiến này báo hiệu sự xuất hiện của làn sóng giáo dục khai phóng, Chính sách Giáo dục Quốc gia (NEP – National Education Policy) 2020 không có đề xuất đáng kể nào ngoài những khuyến nghị  hợp pháp hoá xu hướng khai phóng. Mặc dù NEP 2020 không diễn đạt tường minh như vậy, nhưng từ phiên bản dự thảo năm 2019 có thể thấy rõ các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ đang hy vọng rằng nếu chú trọng nhiều hơn đến giáo dục khai phóng – được hiểu chủ yếu là giáo dục đa ngành – tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ được cải thiện.

NEP 2020 và giáo dục khai phóng

Theo truyền thống, các trường đại học Ấn Độ đào tạo đại học theo chương trình ba năm chuyên sâu vào một ngành, sinh viên không có cơ hội học đầy đủ và đa dạng các môn bên ngoài chuyên ngành đào tạo. Điều này có nghĩa là khi tốt nghiệp đại học, sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu trong một ngành và hầu như không có kiến thức trong những lĩnh vực khác nếu không tự học. NEP 2020 hướng đến thay thế hệ thống hiện tại bằng một nền giáo dục đa ngành kéo dài 4 năm.

 

NEP 2020 khẳng định rằng cần có “một nền giáo dục toàn diện và đa ngành” để “đưa đất nước bước vào thế kỷ 21 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

 

Trong phần về giáo dục đại học, NEP 2020 xác định “sự tách biệt cứng nhắc các ngành học, với sự chuyên môn hóa sớm và phân luồng sinh viên vào những lĩnh vực nghiên cứu hẹp” là một trong những vấn đề chính của giáo dục đại học. Như một giải pháp, NEP 2020 “hình dung một cuộc đại tu hoàn toàn và tái tạo năng lượng cho hệ thống giáo dục đại học” bao gồm “hướng tới một nền giáo dục đại học đa ngành hơn”. Biện hộ cho sự thay đổi này, NEP 2020 trích dẫn ví dụ về những trường đại học cổ Ấn Độ, chẳng hạn như Takshashila, Nalanda, và những tài liệu mang tính liên ngành rộng. Theo đó, nhấn mạnh rằng “học vấn rộng, hoặc được gọi trong thời hiện đại là ‘giáo dục khai phóng’ (một khái niệm tự do về học vấn) phải được đưa trở lại nền giáo dục Ấn Độ”.

Ngoài ra, NEP 2020 khẳng định rằng cần có “một nền giáo dục toàn diện và đa ngành” để “đưa đất nước bước vào thế kỷ 21 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đồng thời kêu gọi tất cả các cơ sở giáo dục đại học trở thành đa ngành vào năm 2040 – để sinh viên kỹ thuật được học nhiều hơn các môn khai phóng, còn sinh viên nghệ thuật và xã hội nhân văn được học thêm về khoa học.

Do NEP 2020 được chính phủ phê duyệt trong giai đoạn đang xảy ra đại dịch COVID-19, chính quyền trung ương và các tiểu bang phải mất một thời gian mới bắt đầu thực hiện những khuyến nghị của NEP 2020, bao gồm giáo dục đa ngành. Ví dụ, một đội đặc nhiệm gồm 18 thành viên do bang Maharashtra  thành lập, dưới sự dẫn dắt của nhà khoa học nổi tiếng Tiến sĩ R. A. Mashelkar, gần đây mới đệ trình kế hoạch của mình, bao gồm những mốc thời gian để thực hiện một số khuyến nghị của NEP 2020.

Mục tiêu của giáo dục khai phóng là gì?

Một trong những thách thức chính của giáo dục đại học Ấn Độ ngày nay là đáp ứng nhu cầu giáo dục đại trà với chất lượng hợp lý cho số lượng sinh viên lớn và ngày càng tăng, đảm bảo để họ đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Số lượng sinh viên đại học đã tăng từ 30,2 triệu năm học 2012–2013 lên 38,5 triệu vào 2019–2020, và điều đáng lo ngại là tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn thấp hơn 50%.

Mặc dù NEP 2020 không thừa nhận một trong những lý do chính của khuyến nghị giáo dục đa ngành là nhằm cải thiện tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, nhưng phiên bản dự thảo chi tiết và dài hơn vào năm 2019 của tài liệu này đã vài lần đề cập nội dung này. Ví dụ: Mục đích của giáo dục khai phóng không chỉ đơn giản đào tạo sinh viên cho công việc đầu tiên của họ, mà còn cho công việc thứ hai, thứ ba và sau đó nữa. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và bối cảnh việc làm thay đổi nhanh chóng, giáo dục khai phóng trở nên quan trọng và hữu ích để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng hơn bao giờ hết”.

Báo cáo Kỹ năng Ấn Độ năm 2021 cung cấp những thông tin chi tiết thú vị về tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học trong hệ thống hiện tại. Chỉ 45,9% sinh viên tốt nghiệp đại học được coi là có việc làm, trong đó sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật được tuyển dụng nhiều nhất với 46,8%, tiếp theo là sinh viên tốt nghiệp MBA với 46,6%. Tuy nhiên, sinh viên theo học ngành kỹ thuật và công nghệ chỉ chiếm 12,6% tổng số. Điều thú vị là sinh viên tốt nghiệp các ngành nghệ thuật không hề thua kém những người có bằng kỹ sư hoặc kinh doanh. 40,3% sinh viên tốt nghiệp các ngành nghệ thuật có việc làm, nhiều hơn nhiều so với 30% sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học được tuyển dụng. Những con số này có tầm quan trọng bởi vì sinh viên đại học theo học các ngành nghệ thuật/nhân văn/khoa học xã hội chiếm tới 32,7% tổng số, so với sinh viên ngành khoa học chiếm 16% và sinh viên thương mại chiếm 14,9%.

Tỷ lệ có việc làm cao hơn của sinh viên tốt nghiệp các ngành nghệ thuật là tín hiệu tốt cho dân số trẻ của Ấn Độ và sẽ càng tốt hơn nếu tỷ lệ này tiếp tục được cải thiện. Đồng thời, dường như sinh viên, đặc biệt là sinh viên khoa học, sẽ được lợi nhiều hơn từ việc học thêm các môn khai phóng.

Tuy nhiên, nhìn chung, với dưới 50% sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm, Ấn Độ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Mặc dù số liệu về tỷ lệ có việc làm có tăng vài phần trăm từ 37,2% năm 2015 lên gần 50% hiện nay, nhưng vẫn không đáp ứng kỳ vọng.

Thách thức thực sự: nâng cao chất lượng giáo dục

Vấn đề trọng tâm của giáo dục đại học Ấn Độ không phải là liệu giáo dục khai phóng có thể cải thiện khả năng được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp hay dẫn dắt Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI hay không, mà là liệu các trường đại học của Ấn Độ có thực hiện được những bước cụ thể để cải thiện chất lượng giáo dục trên diện rộng hay không, nhờ đó chắc chắn cải thiện khả năng được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp. Bởi vì, khá phi lý khi nghĩ rằng cơ hội có việc làm của 70% sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học (đang được coi là thất nghiệp) sẽ tăng lên đáng kể nếu họ học thêm một số môn khai phóng.

Mặc dù sự chuyển hướng sang giáo dục đa ngành thật đáng tán thưởng, nhưng vẫn không khiến tỷ lệ có việc làm gia tăng đáng kể. Sự đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng chỉ được cải thiện với một loạt thay đổi bao gồm quản trị đại học tốt hơn, cải cách cơ cấu quản lý, quyền tự chủ, tuyển dụng giảng viên có trình độ tốt hơn, v.v… Tất nhiên, những cải cách như vậy đã được khuyến nghị trong NEP 2020. Ví dụ: “Hội đồng Quản trị nhà trường sẽ được trao quyền điều hành mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, có toàn quyền bổ nhiệm, bao gồm cả người đứng đầu, và các quyết định liên quan đến quản trị”. Tuy nhiên, bất cứ ai lâu nay quen thuộc với thực tế vận hành và quản trị của các trường đại học công lập đều biết rằng việc bổ nhiệm hiệu trưởng mà không bị can thiệp chính trị là điều gần như không thể xảy ra. Không nên ảo tưởng mọi thứ sẽ thay đổi nhờ NEP 2020.

Trong trường hợp không diễn ra những thay đổi sâu sắc và cơ bản về cách thức điều hành đại học, làn sóng giáo dục khai phóng có nhiều hứa hẹn nhưng không mang lại nhiều hiệu quả cho sinh viên đại học Ấn Độ.