Mary-Ellen Boyle là {hó Giáo sư Ngành Quản trị tại Đại học Clark, Worcester, Hoa Kỳ. Email: mboyle@clarku.edu.
Tóm tắt: Bài báo này đưa ra định nghĩa về giáo dục khai phóng toàn cầu, tóm tắt những xu hướng toàn cầu và khu vực, đồng thời đánh giá những vấn đề chính hiện nay bao gồm chính trị hóa và tác động của đại dịch. Có ý kiến cho rằng ảnh hưởng của Hoa Kỳ đến địa chính trị toàn cầu đang dần suy yếu – đã thúc đẩy những nỗ lực bản địa cũng như cách tiếp cận đổi mới để hội nhập toàn cầu.
Giáo dục khai phóng (liberal education – còn được gọi là liberal arts, liberal arts and sciences) mở rộng ra quy mô toàn cầu suốt hai thập kỷ đầu của thế kỷ này, và vẫn tiếp tục thể hiện sự năng động cho đến nay. Các trường học, chương trình vẫn mở ra và đóng lại; mạng lưới chuyên nghiệp hình thành và tan rã; sách báo và hội nghị học thuật vẫn đang cung cấp những phân tích quan trọng cũng như hỗ trợ thực tế. Tính năng động được đặc trưng bởi sự khác biệt và chính trị hóa: Các trường học đều khác biệt với nhau và rời xa mô hình Hoa Kỳ, khi những giá trị phương Tây bị từ chối và những phương pháp tiếp cận mang tính bản địa hình thành.
Giáo dục khai phóng là gì, và có ở đâu?
Cách dễ nhất để xác định giáo dục khai phóng là chỉ ra những thứ không phải là giáo dục khai phóng. Giáo dục khai phóng là một giải pháp thay thế cho giáo dục chuyên ngành và chuyên nghiệp ở bậc sau trung học. Đôi khi bị đánh đồng một cách nhầm lẫn với giáo dục phổ thông, đặc điểm cốt lõi của giáo dục khai phóng bao gồm kiến thức đa ngành toàn diện, cùng với sự bồi dưỡng những phẩm chất trí tuệ như tư duy phản biện, giao tiếp, sáng tạo, tự học, giải quyết vấn đề và trách nhiệm xã hội. Phương pháp sư phạm mang tính tương tác và lấy người học làm trung tâm. Những đặc điểm này phổ biến ở những nền văn hóa, quốc gia và khu vực áp dụng triết lý này, cho thấy có sự thống nhất chung trong việc thực hành cốt lõi. Những đặc điểm này vốn dĩ không bị chính trị hóa, nhưng thuật ngữ “khai phóng” lại có nghĩa là tự do và lựa chọn, là những giá trị không phải được toàn thế giới chấp nhận. Do đó, chúng gây gây ra tranh cãi.
Theo định nghĩa trên, hiện đã xác định được hơn 200 trường học và chương trình khai phóng bên ngoài Hoa Kỳ, so với con số khoảng 100 vào đầu thế kỷ 21. Sự gia tăng này có thể do sự mở rộng tổng thể và sự phân hóa tiếp tục trong lĩnh vực giáo dục đại học, với sự tăng trưởng chủ yếu, nhưng không hoàn toàn, ở châu Á mà dẫn đầu là Trung Quốc. Những nỗ lực cũng bắt đầu ở nhiều nơi khác nhau như Argentina, Đức, Ghana và UAE, với các trường học hoặc chương trình khai phóng hiện diện ở khoảng 60 quốc gia. Phần lớn sự tăng trưởng này rõ ràng là do ảnh hưởng của Hoa Kỳ, trong khi những nỗ lực khác tham chiếu đến truyền thống châu Âu, Hồi giáo hoặc Nho giáo – hoặc tự nhận là những đổi mới hiện đại. Cùng lúc, một số ít trường đã phải đóng cửa hoặc ngừng cung cấp chương trình khai phóng, chủ yếu vì lý do lãnh đạo, chính trị và/hoặc tài chính.
Sự năng động và phát triển trong lĩnh vực này tạo ra sự bùng nổ tài liệu học thuật. Nghiên cứu mới nổi hiện nay giải quyết những câu hỏi hóc búa về mục đích và chính trị, bởi vì giáo dục khai phóng hiện diện cả trong những chế độ phi tự do. Những nghiên cứu so sánh cho thấy bản chất của sự khác biệt giữa và bên trong các quốc gia; còn những nghiên cứu hoạt động trong lớp học đề cập đến cách nuôi dưỡng những phẩm chất trí tuệ liên quan đến giáo dục khai phóng. Khả năng tiếp cận và mức học phí hợp lý vẫn là những chủ đề nghiên cứu và hoạch định chính sách quan trọng.
Mặc dù có sự gia tăng đột biến về số lượng chương trình trong thời gian gần đây, giáo dục khai phóng sẽ không sớm vượt qua được giáo dục đại học chuyên nghiệp.
Xu hướng trái ngược: Hội tụ và phân hóa
Mặc dù có sự gia tăng đột biến về số lượng chương trình trong thời gian gần đây, giáo dục khai phóng sẽ không sớm vượt qua được giáo dục đại học chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy đủ số liệu và trực quan để phân tích tác động. Bằng việc bổ sung giáo dục khai phóng vào chương trình sau trung học cơ sở, các hệ thống quốc gia trở nên giống nhau hơn, tức là đang hội tụ với nhau. Nhiều nghiên cứu điển hình đã được công bố cho thấy giáo dục khai phóng không chỉ tồn tại trên danh nghĩa – giảng viên mô tả những nỗ lực thực sự để giảng dạy một cách khác biệt, học hỏi kinh nghiệm từ những nhà giáo dục ở nơi khác và hướng sinh viên đạt tới thành công, theo nghĩa rộng. Ở cấp độ toàn thế giới, sự hội tụ được tăng cường nhờ những nỗ lực tạo ra liên minh toàn cầu hoặc mạng lưới quốc tế các trường nghệ thuật khai phóng. Tuy nhiên, sự hội tụ và phân hóa trong khu vực đang dần thay thế những liên minh toàn cầu này.
Các học giả và các nhà thực hành sử dụng thuật ngữ địa chính trị để phân biệt những cách diễn giải khác nhau về giáo dục khai phóng trên toàn cầu. Ba khu vực, được định nghĩa rộng, chiếm ưu thế trong cuộc đàm luận này: châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ. Những đặc tả địa chính trị này được tìm thấy trong các tiêu đề sách báo, cũng như trong tên gọi của các hiệp hội nghề nghiệp, mạng lưới và blog được đặt tên theo khu vực. Sự hội tụ khu vực có thể được mô tả như sau:
- “Sự hồi sinh” của châu Âu phục vụ giới tinh hoa, với mục tiêu xuất sắc và truyền thống. Thường là định hướng nghiên cứu và đa ngôn ngữ. Chương trình Erasmus đã xuất bản tài liệu hướng dẫn.
- Cách tiếp cận của châu Á mang tính thực dụng và quốc tế, phục vụ những nền kinh tế cần đến tư duy doanh nghiệp, sự sáng tạo và khả năng thích ứng toàn cầu. Nghiên cứu về những đổi mới này đang nở rộ.
- Hoa Kỳ diễn giải giáo dục khai phóng theo hướng dân chủ và toàn diện, với những yếu tố cấu thành như phản biện, sự gắn kết và tính đa dạng. Những tuyên bố về sự suy giảm đang gây nhiều tranh cãi.
Đáng chú ý là cách diễn giải của châu Âu và châu Á chỉ giới hạn bên trong những vùng địa lý đó. Ngược lại, giáo dục khai phóng “kiểu Mỹ” tồn tại cả bên trong và bên ngoài Hoa Kỳ. Những trường học kiểu Mỹ bên ngoài Hoa Kỳ này rõ ràng là trường xuất khẩu- sự cố gắng tái tạo nền giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ, được hỗ trợ bởi các cấu trúc Hoa Kỳ (kiểm định, thỏa thuận hợp tác, tài trợ) và được thiết kế để thúc đẩy những lý tưởng Hoa Kỳ. Những trường như vậy thuộc một số loại hình: những trường đại học và cao đẳng tự đặt tên là “Mỹ” ở 50 quốc gia; những trường có kiểm định của Hoa Kỳ; những phân hiệu/đối tác danh tiếng. Một số tiền đồn như vậy của Mỹ đã trở thành điểm nóng chính trị, như được mô tả dưới đây.
Dù chịu ảnh hưởng của Mỹ hay không, và ở bất kể vùng địa lý nào, giáo dục khai phóng trên toàn cầu đang phát triển ngày càng khác biệt ở cấp độ từng trường học/chương trình. Sự đa dạng dường như vô tận và có thể phản ánh những ưu tiên quốc gia, khát vọng của những người sáng lập hoặc kinh nghiệm trước đây của đội ngũ giảng viên, nhân viên và/hoặc gia đình sinh viên. Một minh họa nữa cho sự đa dạng sắc thái này là giáo dục khai phóng được tích hợp vào những trường đại học nghiên cứu toàn diện (Hồng Kông, Hà Lan), nổi lên như một dự án thí điểm trong các hệ thống nhà nước hiện nay (Argentina, Trung Quốc), tách khỏi những truyền thống tôn giáo (Indonesia, Israel), hoặc khởi đầu hoàn toàn độc lập (Ghana, Ý). Giáo trình tài liệu khai phóng cũng rất đa dạng – ví dụ, từ vô số sách đến nghiên cứu về biến đổi khí hậu, giáo trình về các ngôn ngữ và các nền văn hóa toàn cầu, về sự lãnh đạo có đạo đức, v.v… Sự đa dạng này minh họa cho tính mềm dẻo của giáo dục khai phóng trong thực tiễn, trên cơ sở chia sẻ những đặc tính cốt lõi.
Tranh cãi và chính trị hóa ngày càng cao
Giáo dục khai phóng mang tính triết lý nhiều hơn là một mô hình đào tạo, lý tưởng giáo dục khai phóng từ lâu đã gắn liền với phương Tây, nhất là niềm tin về tự do học thuật và sự tham gia dân chủ vốn phổ biến ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi giáo dục khai phóng nở rộ và cán cân quyền lực toàn cầu chuyển dịch, những giá trị này của phương Tây đang bị thách thức. Một số thay đổi quan trọng gần đây đã thu hút sự chú ý toàn cầu vào lĩnh vực này: quan hệ đối tác Yale-NUS bất ngờ chấm dứt (được mô tả trong bài báo của Hoe Yeong Loke cũng trong số này), Nga trục xuất chương trình của trường Bard College (Hoa Kỳ), Đại học Trung Âu chuyển từ Hungary sang Vienna, và Đại học Mỹ của Afghanistan đóng cửa đột ngột. Việc thu hẹp không gian Trung Quốc liên quan tới các chương trình trao đổi Fulbright và các Viện Khổng Tử cũng gây ra lo ngại và tranh cãi, không chỉ giới hạn ở giáo dục khai phóng. Khi các chế độ chính trị độc tài bị lung lay, giáo dục khai phóng càng nở rộ.
Tuy nhiên, mặc dù những vụ chấm dứt quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ này rất đáng chú ý, chúng không phải là phổ biến. NYU Abu Dhabi đang hân hoan kỷ niệm 10 năm thành lập, quan hệ đối tác Duke Kunshan ở Trung Quốc vẫn bền chặt, và Đại học Fulbright ở Việt Nam do Harvard hỗ trợ dường như rất cần thiết. Những hoạt động khởi nghiệp vẫn tiếp tục, đặc biệt là ở Nepal và Sicily, và được tư vấn bởi các chuyên gia từ các trường đại học Mỹ và các cựu chiến binh trong những nỗ lực toàn cầu khác. Khi ảnh hưởng của Hoa Kỳ ngày càng suy yếu, ý định điều chỉnh giáo dục khai phóng kiểu Mỹ cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương ngày càng được thừa nhận rộng rãi. Một số người ủng hộ toàn cầu hóa muốn tạo ra thuật ngữ mới (tránh dùng từ “khai phóng”) vì cả nội hàm chính trị lẫn sự thiếu rõ ràng của nó. Nhà từ thiện George Soros dùng cách tiếp cận tương tự, khi tài trợ cho Mạng lưới Đại học Xã hội Mở với trường Bard và những đối tác giáo dục khai phóng quốc tế của nó, với mục tiêu rõ ràng là “chống lại sự phân cực bằng cách thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong nghiên cứu và giáo dục để xem xét các vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau.”
Sự tiến hóa như vậy trong cách diễn giải và thuật ngữ đã được lường trước trong những học thuyết chuyển giao giáo dục khẳng định rằng mọi nền văn hóa cuối cùng đều chấp nhận (và đồng hóa) những ý tưởng và thực tiễn vay mượn từ bên ngoài. Hơn nữa, sự phát triển này cho thấy nói chung lĩnh vực này có khả năng phục hồi: Nó có thể thích ứng một cách sáng tạo và tương đối nhanh chóng. Đồng thời, có lẽ không thể tránh khỏi phản ứng chính trị, do chủ nghĩa chuyên chế đang gia tăng trên khắp thế giới và làm suy yếu sức mạnh của Hoa Kỳ.
Tranh cãi gia tăng và chính trị hóa không phải là những thách thức duy nhất mà giáo dục khai phóng toàn cầu phải đối mặt. Để đánh giá đầy đủ cần tính đến đại dịch COVID-19: Khi khả năng di chuyển của sinh viên bị hạn chế nghiêm trọng, những chương trình phụ thuộc vào sinh viên quốc tế, đặc biệt là du học, bị mất doanh thu và phải ngừng hoạt động. Hạn chế đi lại kích thích sinh viên quan tâm đến những lựa chọn tại chỗ, dẫn đến sự gia tăng số lượng tuyển sinh không lường trước được ở một số vùng nhất định. Khả năng thích ứng với đại dịch cũng khiến hình thức học trực tuyến và học kết hợp được đánh giá cao, do đó là phép thử đối với những trường và những chương trình được thiết kế tách rời với trải nghiệm học tập trực tiếp.
Tóm lại, giáo dục khai phóng được xác lập vững chắc như một hiện tượng toàn cầu được đầu tư liên tục, được giới học giả quan tâm và luôn đổi mới. Một vài trường có danh tiếng phải đóng cửa không đủ để phá vỡ toàn bộ lĩnh vực này, vì các trường và các chương trình khai phóng trên toàn cầu phân tán, biến đổi và liên kết với nhau. Sự kháng cự trước những thay đổi là điều không tránh khỏi — và cung cấp nhiều thông tin hữu ích, giúp tất cả chúng ta nhận thức được mối nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc mới và cái bóng quá lớn của Trung Quốc.