Richard Garrett là Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Eduventures (Encoura), Hoa Kỳ. Email: rgarrett@eduventures.com.
Tóm tắt: Câu chuyện về giáo dục đại học vì lợi nhuận ở nước Mỹ thế kỷ XXI mở ra những chương mới về khả năng và giới hạn của khu vực vì lợi nhuận trong những hệ thống giáo dục đại học đã trưởng thành. Bài báo này tóm tắt sự tăng trưởng ấn tượng số lượng ghi danh vào các trường vì lợi nhuận ở Mỹ trong những năm 2000, tiếp đến là sự cản trở của các quy định, sự thất vọng của người tiêu dùng và sự sụt giảm rõ rệt. Bài viết cũng nêu ra bốn kịch bản tương lai của khu vực vì lợi nhuận.
Ở một số quốc gia, điển hình là những nước giàu có trên thế giới, giáo dục đại học vì lợi nhuận bị coi là phản cảm: Động cơ lợi nhuận được đánh giá là không phù hợp với phẩm chất sư phạm và phúc lợi của sinh viên. Giáo dục đại học công lập là tiêu chuẩn. Các tổ chức vì lợi nhuận, nếu được phép hoạt động, thường ít về số lượng, là ngoại vi và chuyên biệt. Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế mới nổi, những tổ chức thu được lợi nhuận thường dẫn đầu trong việc mở rộng tuyển sinh giáo dục đại học, xây dựng năng lực cao hơn mức trung bình của các trường công và các trường phi lợi nhuận. Hoa Kỳ, quê hương của hệ thống giáo dục đại học xuất sắc dành cho những nước giàu, đã đưa ra một nghiên cứu điển hình thú vị. Trong thế kỷ XXI, khu vực vì lợi nhuận đã có thời kỳ tăng trưởng mạnh, tiếp đến suy thoái và giờ đây đang trong quá trình tái tạo.
Năm 2000, các tổ chức giáo dục đại học vì lợi nhuận ở Mỹ, chủ yếu được chi phối bởi các đối tác nhỏ cung cấp nhiều chương trình nghề nghiệp ngắn hạn không cấp bằng – chiếm 6% tổng số sinh viên đại học của cả nước. Đến năm 2010, số sinh viên trong các cơ sở vì lợi nhuận đã tăng hơn gấp ba lần lên khoảng 2,1 triệu sinh viên, trong đó nhiều người đăng ký vào những chương trình cử nhân.
Điều gì đã thay đổi?
Các tổ chức vì lợi nhuận phát hiện ra những nhóm dân cư không được đào tạo – những người trưởng thành đã đi làm gặp áp lực về kinh tế và xã hội vì thiếu bằng cấp – và tìm cách thu hút họ bằng những chương trình thuận tiện, định hướng nghề nghiệp. Nhiều trường cao đẳng và đại học thông thường cũng cung cấp những chương trình đào tạo cho đối tượng này, nhưng thường như một hoạt động bên lề so với chương trình chính quy dành cho sinh viên truyền thống. Các tổ chức vì lợi nhuận, chi tiêu gấp nhiều lần hơn so với các tổ chức phi lợi nhuận cho việc tiếp thị và áp dụng những chiến thuật bán hàng đôi khi tạo áp lực cao, đã thành công trong việc hình thành những cơ sở và lớp học chuyên dụng vào buổi tối và cuối tuần, và rất nhanh chóng nhận ra tiềm năng của hình thức học trực tuyến. Những tổ chức vì lợi nhuận nhiều tham vọng nhất cũng chuyển sang đào tạo sau đại học, cung cấp các bằng thạc sĩ và tiến sĩ linh hoạt cho những chuyên gia đầy tham vọng trong những lĩnh vực ít ràng buộc hơn theo truyền thống như kinh doanh, CNTT, giáo dục và điều dưỡng.
Sự hợp nhất đã tạo ra những tập đoàn hàng tỷ đô la – một số được giao dịch công khai như Apollo và DeVry – và tạo ra lợi nhuận đáng kể. Việc dỡ bỏ lệnh cấm hỗ trợ tài chính cho sinh viên liên bang trong những cơ sở đào tạo hoàn toàn từ xa và nới lỏng những quy định nghiêm ngặt về mức hoa hồng cho các đại lý tuyển sinh đã giải phóng năng lượng thương mại. Các trường vì lợi nhuận lợi dụng việc quy định hỗ trợ sinh viên không áp dụng cho các tập đoàn khổng lồ, và lỗ hổng này đã thu hút một số tác nhân xấu. Thực tế rằng sinh viên, chứ không phải các tổ chức, chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản vay hỗ trợ học tập từ liên bang – giúp những tổ chức vì lợi nhuận tránh được những rủi ro có thể của việc nhập học những sinh viên dưới chuẩn.
Khi thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 kết thúc, giữa cuộc Đại suy thoái, khu vực vì lợi nhuận đạt được đà phát triển. Được ủng hộ bởi một số chuyên gia và những quan chức tin rằng giáo dục đại học truyền thống cần thay đổi, khu vực vì lợi nhuận tự định vị là phù hợp và đáp ứng xu thế này trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Đến năm 2010, khu vực này tăng vọt lên chiếm 13% tổng số ghi danh vào giáo dục đại học Hoa Kỳ. Các trường vì lợi nhuận dường như đã sẵn sàng để tăng trưởng hơn nữa, và nhiều tổ chức phi lợi nhuận lo ngại bị giảm doanh thu và thị phần của mình.
Tuy nhiên, đến năm 2019, giáo dục đại học vì lợi nhuận của Hoa Kỳ chỉ còn là cái bóng của chính họ trước đây.
Suy thoái
Tuy nhiên, đến năm 2019, giáo dục đại học vì lợi nhuận của Hoa Kỳ chỉ còn là cái bóng của chính họ trước đây. Lời hứa của họ – kết quả học tập cao và nghề nghiệp tốt cho những sinh viên phi truyền thống và bị áp lực về thời gian – bắt đầu sáng tỏ khi số lượng tuyển sinh cao chuyển thành tỷ lệ rơi rụng cao, chất lượng đào tạo có vấn đề và sự hoài nghi của nhà tuyển dụng. Nhiều sinh viên trong số đối tượng dễ bị tổn thương, chủ yếu thuộc những nhóm cư dân thiểu số, không có nhiều thứ để khoe ra ngoài những tín chỉ khó chuyển đổi và một đống nợ. Những trường hợp gian lận bị phát hiện.
Phản ứng của các cơ quan quản lý liên bang dưới thời chính quyền Obama đã làm gia tăng mức độ suy thoái, khi thắt chặt hơn những quy tắc hỗ trợ sinh viên, làm phức tạp hóa những mô hình kinh doanh vì lợi nhuận và đặt ra ngưỡng cao hơn đối với kết quả đầu ra vốn vẫn mờ nhạt. Liên bang kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Tổ chức từng kiểm định những trường vì lợi nhuận lớn nhất, dễ bốc hơi nhất. Một số tập đoàn vì lợi nhuận lớn, bao gồm Corinthian College, ITT và Education Management Corporation sụp đổ trước áp lực, khiến cảm tình của người tiêu dùng và giới truyền thông suy giảm, đồng thời làm hoen ố thương hiệu giáo dục đại học vì lợi nhuận.
Sự phục hồi kinh tế kỷ lục giữa giai đoạn cuối của Đại suy thoái và đại dịch COVID-19, đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong lịch sử – đã thổi bay một phần thị trường đại học dành cho người lớn. Tỷ lệ nhập học đại học của người lớn giảm 20% trong vòng chưa đầy một thập kỷ mặc dù dân số cơ bản ổn định.
Các tổ chức vì lợi nhuận phải đối mặt với nhiều cạnh tranh phi lợi nhuận hơn. Ghen tị với thành công của các trường vì lợi nhuận, và nhận thức rằng nguồn sinh viên truyền thống đang cạn dần do tỷ lệ sinh giảm, nhiều trường cao đẳng và đại học phi lợi nhuận đã đưa vào áp dụng vài khía cạnh của kịch bản vì lợi nhuận. Những gì từng là dấu ấn của chủ nghĩa ngoại lệ vì lợi nhuận – chính sách cho sinh viên lớn tuổi, tiếp thị kỹ thuật số, bằng cấp trực tuyến – đã trở thành xu hướng chủ đạo. Đến cuối những năm 2010, những tổ chức trực tuyến lớn nhất hướng đến người lớn không còn là Đại học Phoenix và Đại học Ashford vì lợi nhuận nữa mà là hai tổ chức phi lợi nhuận: Đại học Western Governors và Đại học Southern New Hampshire.
Mảng đào tạo văn bằng cử nhân của khu vực vì lợi nhuận đã chứng kiến số lượng sinh viên đăng ký đại học giảm một nửa, xuống dưới 600 ngàn; và mảng đào tạo trình độ thấp hơn giảm xuống dưới 200 ngàn sinh viên. Tỷ lệ đăng ký học sau đại học tại các cơ sở vì lợi nhuận cũng giảm, nhưng ở mức thấp hơn. Những tổ chức vì lợi nhuận có số lượng lớn sinh viên sau đại học ít liên quan đến việc tuyển sinh vượt mức và những vấn đề về uy tín mà nhiều nhà cung cấp dịch vụ đào tạo bậc đại học lớn nhất lâm vào.
Tiếp theo là gì?
Có thể thấy bốn kịch bản nổi bật. Thứ nhất là sự chuyển đổi thành phi lợi nhuận. Một số tổ chức vì lợi nhuận lớn nhất đã quyết định rằng vị thế hoạt động vì lợi nhuận là một điểm yếu cố hữu. Trong một số trường hợp, đáng chú ý nhất là Đại học Grand Canyon, tổ chức vì lợi nhuận được tách thành một tổ chức phi lợi nhuận và một công ty dịch vụ vì lợi nhuận. Những trường hợp khác, chẳng hạn như trước đây là Đại học Kaplan và hiện nay là Purdue Global, tổ chức vì lợi nhuận được bán với một khoản phí danh nghĩa cho một trường đại học công lập lớn trong khi vẫn duy trì hoạt động theo một hợp đồng dịch vụ dài hạn. Thời gian sẽ trả lời liệu các nhà quản lý hay sinh viên có hoàn toàn chấp nhận những thay đổi đó hay không và mức độ chuyển đổi của thương hiệu chính.
Kịch bản thứ hai là xoay vòng vốn tư nhân vào hoạt động kinh doanh quản lý chương trình trực tuyến (OPM – The Online Program Management). Các công ty OPM, chẳng hạn như 2U và Wiley, hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận để xây dựng và cung cấp các chương trình cấp bằng trực tuyến. Sự kết hợp của các thương hiệu đại học chính thống và các hoạt động thương mại, theo mô hình chia sẻ doanh thu, mang lại cho các nhà đầu tư một vị trí trong thị trường giáo dục đại học mà không cần ra mặt tuyển sinh.
Kịch bản thứ ba, một biến thể của mô hình OPM, là sự chuyển hướng khỏi những chương trình đào tạo cấp bằng của các tổ chức vì lợi nhuận và OPM sang đào tạo những chương trình không cấp bằng. Coursera, và bây giờ là edX thuộc 2U, những nền tảng MOOC lớn của Hoa Kỳ, đang thiết lập một loại hình dịch vụ giúp các trường đại học phi lợi nhuận hàng đầu xây dựng, tiếp thị và cung cấp các chương trình bằng cấp trực tuyến phi tín chỉ không tốn kém. Phạm vi tiếp cận toàn cầu bù đắp cho tỷ suất lợi nhuận thấp. Lộ trình tín chỉ là một nỗ lực để liên kết xu hướng đào tạo không cấp bằng với các chương trình cấp bằng tại các trường đại học đối tác.
Kịch bản cuối cùng kém rõ ràng nhất: Sự tái tạo trực-tiếp-đến-người-dùng của các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận. Sự hợp nhất tiếp theo diễn ra, chẳng hạn như sự kết hợp của Đại học Capella và Đại học Strayer hoặc vụ Adtalem Global Education mua lại Đại học Walden. Học tập dựa trên năng lực, hệ thống hóa kiến thức trước kỳ đánh giá và cá nhân hóa phát triển năng lực của sinh viên đã tạo ra sức hút đối với một số tổ chức, làm tăng gấp đôi giá trị của câu thần chú về tốc độ, giá trị và dịch vụ khách hàng. Đại học Chamberlain, hiện là trường đào tạo điều dưỡng lớn nhất quốc gia và cũng là một phần của Adtalem, đang nỗ lực kết hợp số lượng với chất lượng, thể hiện qua tỷ lệ đạt cao hơn mức trung bình trong kỳ thi điều dưỡng quốc gia. Một số trường vì lợi nhuận vẫn đang thảo luận về những phương pháp lai ghép giữa học tập trực tiếp và trực tuyến.
Vào năm 2020, khi đại dịch khiến việc học trực tuyến trở thành mặc định đối với hầu hết sinh viên, các trường vì lợi nhuận của Hoa Kỳ lần đầu tiên có số lượng tuyển sinh tăng lên sau gần một thập kỷ. Kinh nghiệm trong không gian trực tuyến của các trường vì lợi nhuận bỗng nhiên trở thành tài sản, trong khi nhiều tổ chức phi lợi nhuận phải vật lộn với “phương pháp học từ xa khẩn cấp”. Mức tăng này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng điều rõ ràng là những nhân tố thương mại trong giáo dục đại học Hoa Kỳ sẽ vẫn tồn tại. Chừng nào cơ hội tiếp cận, chi phí và chất lượng – những thách thức đối với những hệ thống giáo dục đại học từ-đại-chúng- chuyển-sang-phổ-cập trên toàn thế giới – vẫn là những hạt sạn trong hệ thống của Hoa Kỳ, động cơ lợi nhuận tiếp tục là nguồn cung cấp những ý tưởng mới – cả tốt, xấu lẫn vô thưởng vô phạt. Liệu năm 2010 sẽ tiếp tục là đỉnh cao của giáo dục đại học vì lợi nhuận ở Hoa Kỳ hay không, về mặt tuyển sinh và thị phần – chúng ta vẫn cần chờ xem.