Giáo dục đại học tư thục ở Ai Cập: Từ tệ nạn trở thành được tôn vinh

 

Ghada Barsoum là PGiáo sư tại Đại học Mỹ ở Cairo, Ai Cập. Email: [email protected].

Tóm tắt: Bài viết này xem xét sự thay đổi vai trò của các cơ sở giáo dục đại học tư nhân ở Ai Cập, nơi mà khu vực công lập thống lĩnh giáo dục đại học. Cho đến đầu những năm 1990, các tổ chức tư thục hiện diện rất ít, chủ yếu được coi là phương án cuối cùng cho những người không thành đạt. Họ đã thay đổi vai trò để trở thành nhân tố có vị thế cao được giao nhiệm vụ nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học.

Ai Cập là một trường hợp thú vị cho thấy sự thay đổi ngoạn mục vai trò của các trường tư thục trong việc cung cấp giáo dục đại học. Hệ thống giáo dục đại học tại đây đã và đang tiếp tục là hệ thống công lập. Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Đại học, các cơ sở tư thục chiếm 26% trong tổng số 2,9 triệu sinh viên của Ai Cập vào năm 2019. Điều này đánh dấu sự phát triển đáng kể về quy mô của đội ngũ sinh viên trong các cơ sở giáo dục này.

Một phần lịch sử luôn có liên quan khi thảo luận về Ai Cập. Trường đại học hiện đại đầu tiên ở Ai Cập được thành lập thông qua những nỗ lực từ thiện của giới tinh hoa Ai Cập vào năm 1908. Thí điểm sơ khai này sau đó được sáp nhập vào một dự án đại học công lập quốc gia vào năm 1923, để tạo thành “Đại học Ai Cập” – hay còn gọi là Đại học Cairo. Tuy nhiên, việc mở rộng hệ thống sau đó chỉ dựa vào các tổ chức công. Giáo dục đại học được hiểu là một loại hoạt động công ích và được hiến pháp quy định là một quyền tự do vào năm 1962. Các cơ sở tư thục vẫn là ngoại vi. Bài viết này nhằm mục đích liên hệ vai trò ngày càng tăng của họ với sự tiến triển của những tranh cãi xung quanh.

Trải nghiệm ban đầu của các tổ chức tư thục

Trong những năm đầu của hệ thống giáo dục đại học, rất ít cơ sở tư thục tồn tại trong cơ cấu chủ yếu là công lập này. Đại học Hoa Kỳ ở Cairo được thành lập vào năm 1919 và chỉ thu hút một bộ phận sinh viên tương đối nhỏ và ưu tú. Ngoài ra, một số học viện tư thục được thành lập vào những năm 1950 bởi các hiệp hội nghề nghiệp.

Các học viện tư nhân đào tạo chương trình hai năm và bốn năm phi đại học bắt đầu xuất hiện vào những năm 1970, khi đất nước áp dụng những chính sách tự do hóa kinh tế. Những học viện tư nhân thu phí này được thành lập để giảm bớt áp lực cho các trường đại học công lập. Chúng được đưa vào hệ thống dành cho những học sinh không qua được kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và do đó, không được coi là xứng đáng với đặc quyền giáo dục đại học miễn phí. Thế hệ những cơ sở tư thục thu phí đầu tiên này từng là những tổ chức ít uy tín cung cấp giải pháp cuối cùng. Hiện nay họ vẫn tiếp tục cung cấp một tỷ lệ đáng kể giáo dục đại học tư nhân trong nước.

 

Thế hệ những cơ sở giáo dục đại học tư nhân này bị coi là một loại tệ nạn, cần phải được kiểm soát và quản lý chặt chẽ.

 

Khung pháp lý điều chỉnh những thể chế này, được ban hành vào năm 1970 (Luật 52) ​​và vẫn còn hiệu lực, gắn chặt những thể chế này với hệ thống công. Cơ cấu học phí, ngành học, nội dung khóa học, chỉ tiêu tuyển sinh và tuyển dụng giảng viên đều cần có sự chấp thuận của các văn phòng ở bộ trung ương. Trong những nghiên cứu của mình tôi đã có ghi chép về thứ văn hóa thiếu sự tin tưởng đối với những tổ chức này. Theo một nghĩa nhất định, thế hệ những cơ sở giáo dục đại học tư nhân này bị coi là một loại tệ nạn, cần phải được kiểm soát và quản lý chặt chẽ.

Sự thay đổi

Những năm 1990 báo trước một sự thay đổi quan trọng trong sự hình dung vai trò kiểu mẫu của các nhà cung cấp tư nhân phi nhà nước và những tranh luận xung quanh họ. Năm 1992, luật mới, được sửa đổi bổ sung vào năm 2009, cho phép thành lập các trường đại học tư thục ưu tú và bán ưu tú. Đến năm 2019, hệ thống đã bao gồm 23 trường đại học tư thục và 168 cơ sở tư thục dưới đại học. Khung pháp lý quản lý các trường đại học tư thục cho thấy sự linh hoạt hơn nhiều so với thế hệ trước của các học viện tư nhân dưới đại học. Nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy nghiên cứu là những nhiệm vụ được quy định đối với những yếu tố tư nhân mới này, được thể hiện trong khung pháp lý quản lý giáo dục đại học tư thục (Luật 12 ban hành 2009). Tính cạnh tranh, phù hợp với thị trường lao động và chất lượng là những từ khóa xác định nội dung chính của cuộc tranh luận xung quanh những cơ sở phi nhà nước này, đồng thời phản ánh vai trò của các nhà tài trợ quốc tế trong việc phát triển bộ thuật ngữ của cuộc tranh luận.

Gần đây, các phân hiệu quốc tế (IBC) bắt đầu được thành lập tại Ai Cập. Thế hệ những tổ chức tư thục mới này được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều hơn những thách thức trong tiếp cận giáo dục đại học. Tập trung vào chất lượng, quốc tế hóa và sự tiến bộ của nghiên cứu trong nước là trọng tâm của tầm nhìn đối với những tổ chức tư thục mới này, như được quy định trong khuôn khổ pháp lý quản lý họ. Những cuộc thảo luận xung quanh IBC rất được hoan nghênh, với sự tán thành và ủng hộ của giới lãnh đạo đất nước. Khung pháp lý đối với IBC cũng thể hiện một bước đột phá trong việc tập trung vào những vấn đề tự chủ về học thuật và quy trình (xem thêm bài Nhập khẩu phân hiệu đại học quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển Ai cập, của Jason E. Lane, trong IHE #95).

“Tư thục”, thuật ngữ hiện đang lưu hành rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục đại học, được áp dụng mở rộng cho cả những trường đại học công lập hiện có. Trong khi họ vẫn cung cấp giáo dục đại học với mức học phí danh nghĩa, ngày càng nhiều những chương trình mới (thường được gọi là “các phân đoạn”) được cung cấp với mức học phí cao hơn nhiều trong cùng một cơ sở công lập. Những chương trình loại này cung cấp song song các văn bằng ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp), hoặc cung cấp chương trình giáo dục có thu phí cho những sinh viên không đủ điểm để vào hệ chính quy.

Giáo dục đại học tiếp tục được coi là một lợi ích công ở Ai Cập. Trên thực tế, báo cáo Tầm nhìn 2030 của chính phủ nêu bật nhiệm vụ tăng tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học từ 31% hiện tại lên 45% vào năm 2030. Báo cáo Tầm nhìn cũng minh họa các chỉ số về cải tiến chất lượng, quốc tế hóa và năng suất nghiên cứu. Gánh nặng của việc tăng cường tiếp cận và tiếp tục đại chúng hóa vẫn được chia sẻ bởi các nhà cung cấp công lập và các nhà cung cấp tư thục. Các cơ sở tư thục, từng bị coi là một loại tệ nạn, ngày càng chiếm giữ vị trí trung tâm trong tầm nhìn nâng cao chất lượng giáo dục đại học và quốc tế hóa giáo dục đại học.