Barbara M. Kehm là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Khoa học và Xã hội Leibniz (LCSS), Đại học Leibniz của Hannover, Đức. Email: bmkehm@t-online.de.
Tóm tắt: Bài báo này bàn về vai trò của giáo dục đại học tư thục ở Đức. Nó cung cấp một số thống kê về quy mô của khu vực tư thục so với khu vực công, thảo luận về động cơ thành lập và điều hành một cơ sở giáo dục đại học tư thục, và tập trung vào những cuộc tranh luận và nhận thức của công chúng về khu vực tư nhân.
Ở Đức, mọi bậc giáo dục, bao gồm cả giáo dục đại học, được coi là lợi ích công và do đó miễn phí: không có học phí trong khu vực công. Hệ thống được phân tầng quản lý và 16 bang của Đức chịu trách nhiệm chung về các cơ sở giáo dục công lập trong địa phận của họ. Đức nổi tiếng với hệ thống giáo dục đại học nhị phân do nhà nước tài trợ và chiếm ưu thế, chủ yếu bao gồm hai loại hình tổ chức là trường đại học đa ngành và trường đại học khoa học ứng dụng.
Nước Đức cũng có khu vực giáo dục đại học tư thục. Mức độ hiện diện của nhà nước trong khu vực tư thục giới hạn ở việc chính quyền bang cấp phép thành lập các cơ sở tư thục và kiểm định những chương trình học thuật cấp bằng (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ). Để được bang cấp phép, các cơ sở giáo dục đại học tư thục cần được đánh giá bởi Hội đồng Khoa học (tổ chức trung gian và tư vấn quan trọng trong lĩnh vực lập kế hoạch, tài trợ và chính sách giáo dục đại học) và các chương trình đào tạo được kiểm định bởi những cơ quan có trách nhiệm.
Phần lớn các cơ sở tư thục bị coi là quá nhỏ, quá chuyên biệt và quá tầm thường nên không thu hút nhiều sự chú ý của công chúng.
Động cơ để thành lập một tổ chức tư thục
Phần lớn các cơ sở tư thục bị coi là quá nhỏ, quá chuyên biệt và quá tầm thường nên không thu hút nhiều sự chú ý của công chúng. Do đó, khu vực này không thực sự tạo ra sự cạnh tranh hay mối đe dọa đối với khu vực công, các cuộc tranh luận công khai về giáo dục đại học tư thục ở Đức khá là mờ nhạt.
Các chủ thể phi nhà nước đóng vai trò chính yếu trong khu vực giáo dục đại học tư thục. Trong nghiên cứu năm 2006 về lý do và động cơ thành lập một cơ sở giáo dục đại học tư thục, Sperlich phân biệt sáu nhóm chủ thể: cá nhân, công ty, tổ chức, hiệp hội, giáo hội và thành phố. Những nhóm chủ thể này tham gia thành lập và điều hành các cơ sở giáo dục đại học tư thục vì nhiều lý do.
Sperlich chỉ ra rằng có ba yếu tố đóng vai trò cơ bản trong nền tảng của các cơ sở giáo dục đại học tư thục: khu vực công lập không đủ đáp ứng nhu cầu học tập; thâm hụt do quá tải năng lực trong khu vực công; và một phần do thay đổi nhận thức về giáo dục như một lợi ích công thuần túy. Ngoài ra, Sperlich phân biệt bốn động cơ chính để thành lập một cơ sở giáo dục đại học tư nhân:
- Một số lĩnh vực trong nền kinh tế cần sinh viên tốt nghiệp những chương trình bằng cấp cụ thể, trong những ngành cụ thể (ví dụ: ngân hàng, viễn thông).
- Mong muốn có một hình ảnh tốt hơn và gia tăng uy tín, cũng như cơ hội để ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và xã hội. Động cơ này có thể nhận thấy ở các thành phố và các cá nhân với tư cách là người sáng lập các cơ sở giáo dục đại học tư thục.
- Những lý do kinh tế, có thể dưới hình thức thu được lợi nhuận hoặc cắt giảm lợi nhuận để tiết kiệm thuế hoặc bổ sung cho danh mục đầu tư của công ty cụ thể (ví dụ: công ty xuất bản).
- Ý định cải thiện hệ thống giáo dục đại học hiện có bằng cách tuyên bố cơ sở tư thục là một mô hình có triển vọng tốt hơn để khắc phục những vấn đề tồn tại trong khu vực công, cơ hội tốt hơn để thực hiện cải cách; hoặc bằng cách phát triển một hồ sơ giáo dục cụ thể do thực tế là thể chế tư thục có nhiều quyền tự do hơn trong việc định hình cấu trúc và cách tiếp cận của riêng mình và ít bị gánh nặng bởi bộ máy quan liêu.
Trên thực tế, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học tư nhân đều cố gắng xây dựng hình ảnh của mình với đặc điểm là có thể hoạt động như những mô hình cải cách và thực hiện tốt hơn công việc dạy và học so với các cơ sở thuộc khu vực công.
Tranh luận công khai về giáo dục đại học tư thục
Nếu vẫn có những tranh luận xung quanh giáo dục đại học tư thục thì đó là về ưu và nhược điểm. Giáo dục đại học tư thục được khen ngợi vì mối quan hệ chặt chẽ cùng thực hành nghề nghiệp và cơ hội xây dựng mạng lưới tốt với các nhà tuyển dụng tiềm năng ngay trong quá trình đào tạo; vì được tổ chức và có cơ sở hạ tầng tốt, các nhóm thảo luận ít người và sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc cá nhân với giảng viên; vì tỷ lệ bỏ học thấp, triển vọng việc làm tốt, và tạo được điều kiện chuyển đổi dễ dàng sang thị trường lao động.
Giáo dục đại học tư thục bị chỉ trích vì học phí cao cùng với cáo buộc là theo chủ nghĩa tinh hoa; vì quá trình đăng ký và tuyển sinh phức tạp và phiền toái; vì phạm vi hẹp của các môn học và vì các chương trình học được quản lý chặt chẽ và nghiêm ngặt; và vì cung cấp một chương trình đào tạo mà phần lớn không dựa trên nghiên cứu và chịu nhiều ảnh hưởng của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Một số thống kê
Trong năm 2018-2019, Đức có 117 cơ sở giáo dục đại học tư thục, trong đó 19 trường đại học đa ngành và 92 trường đại học khoa học ứng dụng. Ngoài ra, có ba cơ sở giáo dục đại học tư thục liên quan đến tín ngưỡng và ba trường cao đẳng nghệ thuật tư nhân. Trong khi đó, khu vực nhà nước bao gồm 107 trường đại học đa ngành và 243 trường đại học khoa học ứng dụng. Thông thường, các trường đại học tư thục cấp bằng cử nhân và thạc sĩ, nhưng có 15 trường đại học tư thục được phép cấp bằng tiến sĩ. Các trường đại học tư thục về khoa học ứng dụng hầu hết chỉ cấp bằng cử nhân.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức tuyên bố rằng trong năm 2017 khu vực giáo dục đại học công có 2,9 triệu sinh viên, còn tại các trường đại học tư thục có 247 ngàn sinh viên (8,5% tổng số sinh viên) theo học. Nhìn chung, có lý do để nói rằng mặc dù số lượng các cơ sở giáo dục đại học tư thục ở Đức dường như đáng kể, nhưng hầu hết những cơ sở này đều tương đối nhỏ, mỗi cơ sở chỉ có từ vài trăm đến tối đa 5 ngàn đến 6 ngàn sinh viên.
Hầu hết các cơ sở tư thục là các trường đại học khoa học ứng dụng và phần lớn cấp bằng quản trị kinh doanh, thường đi kèm với khoa học truyền thông. Các chương trình học được thiết kế với sự hợp tác chặt chẽ với các công ty tư nhân và thường một số giờ giảng dạy được thực hiện bởi những chuyên gia có công việc chính trong khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Trong nghiên cứu vào năm 2016 về khu vực giáo dục đại học tư thục ở Đức, Buschle và Haider chỉ ra rằng nguồn thu nhập chính của các cơ sở tư thục là học phí, điều không được phép trong khu vực công. Mức học phí thay đổi tùy theo tổ chức và đối tượng. Trung bình, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học tư thục phải trả từ 6240 EUR đến 14 ngàn EUR mỗi năm cho chương trình cử nhân ba năm và trung bình 15.5 ngàn EUR mỗi năm cho chương trình thạc sĩ hai năm. Ngoài ra, tài trợ và đóng góp giữ vai trò quan trọng trong nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học tư thục. Trung bình, hơn 2/3 tổng chi phí của trường được trang trải bởi học phí.