Đóng cửa Đại học Yale-NUS: Lý do không rõ ràng, nhưng hàm ý thì rõ

Hoe Yeong Loke là Biên tập viên của Higher Education in Southeast Asia and Beyond (HESB). Email: hoeyeong@gmail.com.

Những ý kiến được trình bày trong bài viết này không thể hiện quan điểm của bất kỳ tổ chức nào liên quan đến tác giả.

Tóm tắt: Nhiều người nghĩ rằng lý do đóng cửa trường Yale-NUS cơ sở giáo dục khai phóng được ca ngợi nhiều của Singapore – liên quan đến vấn đề tự do học thuật và sự bền vững tài chính, nhưng điều này không chính xác. Sự việc tương tự xảy ra với một trường đại học khác từng gây xôn xao ở Singapore vào năm 1980 có thể soi sáng vấn đề, nếu xem xét những gì xảy ra sau đó.

Cuối tháng 8-2021, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thông báo về việc Yale-NUS College sẽ được hợp nhất với Chương trình Học giả Đại học của NUS – là chương trình đào tạo bậc đại học giống một hệ đặc biệt (Honors College) ở Hoa Kỳ – để thành lập một đại học mới vào năm 2025. Hầu như mọi người đều hiểu trên thực tế đây là việc đóng cửa trường đại học khai phóng đầu tiên và duy nhất của Singapore, không chỉ là việc Đại học Yale rút khỏi toàn bộ liên doanh. Vụ việc này tỏ ra thiếu minh bạch và gây ngạc nhiên.

Ba điều gây kinh ngạc

Đầu tiên là cú sốc vì sao một tổ chức thành công như vậy phải sớm chấm dứt hoạt động. Mọi số liệu đo lường đều cho thấy sự thành công của trường Yale-NUS, từ sắp xếp việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đến tỷ lệ ủng hộ khiến các đại học khai phóng có tuổi đời hàng trăm năm ở Hoa Kỳ phải ghen tị. Đây là một ví dụ đáng chú ý về “sự tự thiêu” như nhận định của một nhà quan sát.

 

Không một lời giải thích có sức thuyết phục nào về việc đóng cửa trường được công bố.

 

Điều thứ hai khiến kinh ngạc là việc đóng cửa được thông báo một cách gấp gáp và gây hỗn loạn. Chủ tịch Đại học Yale-NUS nói ông đã “vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt” khi quyết định đóng cửa được thông báo vào phút chót, đặt ông vào sự đã rồi. Phản ứng từ giới sinh viên dữ dội hơn những gì mọi người dự đoán. Họ thất vọng vì không được tham khảo ý kiến, thậm chí không có bất kỳ sự báo trước nào về việc đóng cửa trường đại học. Nhiều người trong số đó cảm thấy bị sốc, vì đã từ bỏ những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài để chuyển sang Yale-NUS. Họ sẽ phải ghi vào CV của mình tên một trường đại học không còn tồn tại, khi xin việc làm. Toàn bộ sự việc là hoàn toàn không thể chấp nhận theo thông lệ kiểm soát và trật tự kiểu Singapore, bất kể từ quan điểm của phe phái chính trị Singapore nào.

Gây kinh ngạc nhất có lẽ là không một lời giải thích có sức thuyết phục nào về việc đóng cửa trường được công bố. Chắc chắn, đã xuất hiện những lo ngại về sự thiếu tự do học thuật ở Singapore. Người ta cũng nói nhiều đến tính bền vững tài chính của một hình thức giáo dục ưu tú có tỷ lệ học sinh trên giảng viên thấp.

Những lời giải thích này khiến người ta phải tin rằng các nhà chức trách biết-tuốt của Singapore đã không hiểu gì về giáo dục khai phóng, khi họ bắt tay vào dự án hợp tác với Đại học Yale. Cũng khó mà tin rằng họ sẽ cho phép dự án phục hồi ngoạn mục như cũ. Scott Anthony của Đại học Công nghệ Nanyang, trong bài báo đăng ở Times Higher Education ngày 10 tháng 9 năm 2021, cho rằng “củng cố đế chế quản lý” của bộ máy NUS là lý do hợp lý nhất đằng sau những tranh luận.

Tự do học thuật, phong trào sinh viên có phải là lý do?

Vào năm 2019, khóa học tại Yale-NUS về bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận do một nhà viết kịch người Singapore dẫn dắt – đã bị hủy bỏ, với lý do thiếu “tính nghiêm ngặt về mặt học thuật” và gây ra “rủi ro pháp lý” cho sinh viên. Khóa học của ông bị coi là khuyến khích sinh viên chống đối. Những người cho rằng tự do học thuật là lý do khiến Yale-NUS bị đóng cửa thường viện dẫn sự việc này. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện qua Skype với nhà hoạt động dân quyền Hong Kong Joshua Wong, trong khuôn khổ một sự kiện do sinh viên tổ chức tại trường vào năm 2017, đã diễn ra suôn sẻ – và được cho là gây tranh cãi hơn nhiều so với bất kỳ khóa học nào trong trường về bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận. Một cuộc trò chuyện tương tự qua Skype với Wong do một nhà hoạt động người Singapore thực hiện trong khuôn khổ một hội nghị công cộng (bên ngoài trường Yale-NUS) đã khiến người này phải ra tòa với tội danh tổ chức “hội họp công cộng” mà không có giấy phép.

Kể từ đó, nỗi sợ hãi bị kìm hãm tự do học thuật, và tự do ngôn luận nói chung, đã tạo nên một dư luận mạnh mẽ. Khoảng một tháng sau khi công bố đóng cửa Đại học Yale-NUS, đạo luật về Can thiệp Nước ngoài (Những biện pháp đối phó) – quy định phạt nặng và bỏ tù những người bị phát hiện là “lừa dối người Singapore về vấn đề chính trị” – đã được phe đa số trong quốc hội thông qua. Nhiều người trong cộng đồng học thuật đã nêu ra lo ngại rằng luật mới được diễn đạt chung chung đến mức có thể ảnh hưởng đến những hoạt động học thuật vô hại như trình bày nghiên cứu tại hội nghị nước ngoài.

Cho đến khi trường bị đóng cửa, sinh viên đại học tại Yale-NUS vẫn được phép tham gia vào các hoạt động chính trị nhiều hơn so với các đồng môn trong NUS, như một cách hiện thực hóa lý tưởng tự do tìm hiểu nội tại của nền giáo dục khai phóng. Nhưng cũng diễn ra sự giằng co rõ rệt giữa những thế lực ủng hộ/chống đối quyền tự do và hoạt động xã hội của sinh viên tại Đại học Yale-NUS.

Bền vững về tài chính có phải là lý do đóng cửa?

Chủ tịch NUS và bộ trưởng giáo dục đưa ra lời giải thích chính thức về lý do đóng cửa/ sáp nhập Yale-NUS là vì sự bền vững tài chính, không nhằm kìm hãm tự do học thuật. NUS cũng đưa ra lý do tạo thêm cơ hội tiếp cận giáo dục khai phóng cho nhiều sinh viên hơn và tăng cường đào tạo liên ngành. Những lập luận này đã bị sinh viên lật tẩy. Sinh viên cho rằng, nếu những điều đó là hết sức quan trọng, thì tại sao lãnh đạo NUS không nỗ lực xây dựng những thỏa thuận tài chính hoặc một chính sách tuyển sinh khác cho trường đại học mới – thay thế Yale-NUS?

Tất cả những lời giải thích này mâu thuẫn với những diễn biến trong giáo dục đại học Singapore, chẳng hạn như việc công bố, vào đầu năm, thành lập trường đại học nghệ thuật – một trường tư được chính phủ hỗ trợ, hình thành từ hai trường nghệ thuật đã có từ trước. Trường này thiếu bền vững về tài chính hơn nhiều so với một đại học khai phóng hàng đầu được hỗ trợ bởi hai trường đại học hàng đầu thế giới.

Ký ức về Đại học Nanyang

Việc đóng cửa Đại học Yale-NUS gợi lại những ký ức về một sự kiện kỳ lạ tương tự trong biên niên sử của giáo dục đại học Singapore, sự việc có thể cho chúng ta một số gợi ý.

Năm 1980, Đại học Nanyang bị sáp nhập vào đại học Singapore, sinh viên và cựu sinh viên Nanyang coi đó là một hành động nhục nhã của chính phủ. Việc đóng cửa đại học Nanyang đã gây ra phản ứng dữ dội về mặt chính trị, do tính biểu tượng của trường này đối với cộng đồng gốc Hoa ở Singapore, khi đó đa số là thiên tả, có mâu thuẫn chính trị với chính phủ. Sự kiện năm 1980 được cho là có động lực quan trọng từ sự tham gia chính trị – gia nhập quốc hội Singapore – của lãnh đạo tiền nhiệm của phe đối lập, một trong những sinh viên tốt nghiệp cuối cùng của Đại học Nanyang.

So sánh với sự kiện đóng cửa Đại học Nanyang trong lịch sử có lẽ hơi quá lãng mạn. Đại học Nanyang đại diện cho một cộng đồng và khu vực bầu cử chính trị trong cả nước, trong khi cộng đồng Đại học Yale-NUS khá nhỏ. Nhưng nó cho thấy một tiền lệ, và đáng để ngoại suy ý nghĩa của nó cho trường hợp Yale-NUS.

Không lâu sau khi đóng cửa Đại học Nanyang, chính phủ đã thành lập một trường hoàn toàn mới, trong chính khuôn viên đó. Trong giai đoạn đầu, chính phủ đã không chuẩn bị nguồn lực hoặc có bất kỳ nỗ lực nào để phát triển tổ chức mới này như một học viện kỹ thuật. Về cơ bản, đây là một dự án chính trị để biện minh cho việc đóng cửa Đại học Nanyang, bởi vì trước đó họ tuyên bố rằng sinh viên tốt nghiệp bằng tiếng Trung của Đại học Nanyang sẽ khó tìm được việc làm trong tương lai. Học viện đó hiện nay là Đại học Công nghệ Nanyang, được cả thế giới tôn vinh, dẫn đầu các bảng xếp hạng đại học khu vực và toàn cầu, tất cả những điều này đều đạt được trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ. Trong khi bên ngoài Singapore ít được nghe nói đến Đại học Nanyang “nguyên bản”. Tương tự như vậy, không khó để thấy trước rằng Đại học Yale-NUS sẽ sớm bị lãng quên, và ngôi trường kế thừa sẽ được ca ngợi nhờ những thành tựu sau này của nó.

Bài học lớn nhất ở đây không phải là việc đóng cửa trường đại học sẽ luôn gây xôn xao. Mà là, sự xáo trộn có lẽ sẽ chỉ chuyện rất nhỏ trong một bức tranh chính trị lớn hơn – thật không may, đối với đông đảo công chúng, một số yếu tố trong giáo dục đại học lại quan trọng hơn nhiều so với tự do học thuật hay bản sắc của nhà trường.