Đến để ở lại: Vị trí của Hoa Kỳ trong cuộc đua quốc tế tìm kiếm tài năng STEM

Jack Corrigan là NPhân tích nghiên cứu tại Trung tâm Bảo mật và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown, DC, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Remco Zwetsloot là Thành viên quản trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington DC, Hoa Kỳ. Twitter: @r_zwetsloot.

Tóm tắt: Ngày nay, Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu thu hút sinh viên quốc tế theo học bậc tiến sĩ trong các lĩnh vực STEM. Trái ngược với một số tuyên bố, đại đa số những sinh viên này chọn ở lại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp. Khả năng thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu này mang lại cho Hoa Kỳ một lợi thế đáng kể. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có nguy cơ đánh mất lợi thế này nếu không cải cách quy trình nhập cư để theo kịp những nước khác.

Sinh viên quốc tế tốt nghiệp là những người di cư có kỹ năng cao và dịch chuyển nhiều nhất trên thế giới, và nhu cầu đối với chuyên môn của họ đang tăng lên khi những công nghệ mới nổi định hình lại bối cảnh kinh tế và an ninh toàn cầu. Hoa Kỳ vẫn là điểm đến hàng đầu thu hút những học giả này, khi mỗi năm trao hàng chục nghìn bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực STEM cho các công dân nước ngoài.

Trái ngược với lo ngại về tình trạng “chảy máu chất xám ngược”, nghiên cứu cho thấy phần lớn những sinh viên này ở lại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp, thành lập những công ty triển vọng, củng cố hệ sinh thái đổi mới trong nước và đóng góp cho xã hội nói chung. Tuy nhiên, nếu không có những cải cách đối với hệ thống nhập cư của mình, Hoa Kỳ có nguy cơ để mất nhiều hơn những chuyên gia này vào tay những nước khác trong tương lai.

Tiến sĩ quốc tế ngành STEM ở Hoa Kỳ

Những quốc gia hy vọng dẫn đầu trong các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), vi điện tử và sinh học tổng hợp nhất thiết phải tiếp cận được lực lượng lao động mạnh mẽ và được đào tạo bài bản. Các tiến sĩ đại diện cho một phần nhỏ nhưng quan trọng của đội ngũ nhân tài đang dẫn đầu những nỗ lực nghiên cứu nhằm mở rộng ranh giới của những lĩnh vực tương ứng của họ và đào tạo thế hệ các nhà khoa học, nhà công nghệ và doanh nhân tiếp theo.

Ngày nay, nhiều tiến sĩ tiềm năng giỏi nhất và sáng giá nhất từ ​​khắp nơi trên thế giới đổ về các trường đại học của Hoa Kỳ, nơi họ chiếm một phần đáng kể trong số những người nhận bằng tiến sĩ của đất nước. Từ năm 2000 đến 2017, khoảng 208 ngàn công dân nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học Hoa Kỳ với bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực STEM (khoa học đời sống, khoa học vật lý, khoa học y tế, khoa học máy tính, toán học và kỹ thuật), chiếm khoảng 42% số tiến sĩ STEM đã tốt nghiệp trong giai đoạn đó. Khoảng 2/3 số sinh viên quốc tế này đến từ 5 quốc gia và khu vực: Trung Quốc (36%), Ấn Độ (14%), Iran (6%), Hàn Quốc (5%) và Liên minh châu Âu (5%).

Sinh viên nước ngoài có xu hướng theo đuổi các bằng cấp STEM nhiều hơn so với các đồng môn người Mỹ: khoảng 70% sinh viên tiến sĩ quốc tế theo học STEM so với chỉ 34% sinh viên trong nước. Trong một số lĩnh vực nhất định – chẳng hạn như khoa học máy tính, kỹ thuật và toán học – sinh viên nước ngoài luôn chiếm phần lớn trong lứa tốt nghiệp toàn quốc.

Sinh viên quốc tế tốt nghiệp STEM có xu hướng ở lại Hoa Kỳ

Trong những năm gần đây, số lượng lớn sinh viên quốc tế trong hệ thống các trường đại học Hoa Kỳ đã khiến một số nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng đất nước đang phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám ngược”. Ngày nay, họ tin rằng, nhiều sinh viên tốt nghiệp người nước ngoài – đặc biệt là công dân Trung Quốc – sẽ về nước và sử dụng những kỹ năng của họ để hỗ trợ những nỗ lực gây nguy hại cho lợi ích kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi và những đồng nghiệp tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET – Center for Security and Emerging Technology) của Đại học Georgetown, cùng những người khác, nhận thấy phần lớn sinh viên quốc tế ở lại Hoa Kỳ rất lâu sau khi lấy được bằng cấp. Trên thực tế, sinh viên STEM đến từ Trung Quốc nhiều khả năng ở lại hơn so với hầu hết sinh viên từ những nước khác.

Nói chung, có hai cách để đo lường “tỷ lệ ở lại” của sinh viên nước ngoài: Tỷ lệ có dự định ở lại, đo lường số sinh viên dự định ở lại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp và tỷ lệ ở lại dài hạn, tính những sinh viên tốt nghiệp tiếp tục sống tại Mỹ sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên, bất kể theo số liệu nào, tỷ lệ ở lại của những tiến sĩ STEM quốc tế ở Hoa Kỳ đều cao.

Xem xét dữ liệu mới nhất từ ​​Khảo sát số tiến sĩ được trả lương (SED – Survey
of Earned Doctorates) của Quỹ Khoa học Quốc gia (NFS – National Science Foundation), chúng tôi nhận thấy rằng từ năm 2012 đến 2017, tỷ lệ dự định ở lại của sinh viên nước ngoài chuyên về STEM là 82% (so với 72% tổng sinh viên tốt nghiệp quốc tế của tất cả các ngành). Trong tất cả các lĩnh vực STEM, tỷ lệ có dự định ở lại hoặc giữ ổn định hoặc tăng kể từ năm 2000.

 

Khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp đến từ Trung Quốc và Ấn Độ dự định ở lại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp.

 

Dữ liệu về tỷ lệ ở lại dài hạn cho thấy hành vi thực tế của sinh viên tốt nghiệp người nước ngoài nhất quán với ý định của họ. CSET phân tích dữ liệu từ Cuộc khảo sát năm 2017 của NSF về những người nhận bằng tiến sĩ (SDR – Survey of Doctorate Recipients), và thấy rằng khoảng 76% công dân nước ngoài lấy bằng tiến sĩ STEM tại các trường đại học Hoa Kỳ từ năm 1998 đến năm 2015 đang sống ở nước này vào tháng 2 năm 2017. Trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp gần đây nhiều khả năng định cư tại Hoa Kỳ, tỷ lệ ở lại trong số những người đã tốt nghiệp trên 10 năm trước khi cuộc khảo sát này được thực hiện – vẫn là khoảng 75% (một phân tích ban đầu những phản hồi đối với SDR 2019 cho thấy không có sự thay đổi đáng kể nào về tỷ lệ ở lại – một báo cáo CSET sắp tới sẽ tiếp tục xem xét thêm dữ liệu này). Sử dụng tập dữ liệu khác về những sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ chuyên về trí tuệ nhân tạo, một nghiên cứu khác của CSET cho thấy tỷ lệ lưu trú với thời hạn 5 năm cao hơn 80%.

Tỷ lệ ở lại khác nhau đáng kể tính theo quốc gia. Khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp đến từ Trung Quốc và Ấn Độ dự định ở lại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp, so với khoảng 65 đến 75% những người từ Liên minh châu Âu, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và những nơi khác. Tỷ lệ ở lại dài hạn của sinh viên tốt nghiệp đến từ Trung Quốc và Ấn Độ cũng cao hơn mức trung bình: Hơn 90% công dân Trung Quốc và 86% công dân Ấn Độ tốt nghiệp chương trình tiến sĩ STEM từ năm 1998 đến 2015 đang sinh sống tại nước này vào tháng 2 năm 2017. Phân tích ban đầu của dữ liệu SDR năm 2019 cũng cho thấy xu hướng tương tự.

Nhìn về tương lai: Tỷ lệ ở lại sẽ giảm?

Nhưng không có gì đảm bảo là tỷ lệ ở lại của các tiến sĩ STEM quốc tế sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay. Quyết định của một cá nhân về việc ở lại hoặc rời khỏi đất nước, nơi họ nhận bằng cấp – bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm sức khỏe của nền kinh tế và những mối quan hệ xã hội và văn hóa với đất nước quê hương của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại của Hoa Kỳ, có hai yếu tố có khả năng làm giảm tỷ lệ ở lại trong những năm tới: hạn chế nhập cư và sự cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng nhằm thu hút những tài năng STEM.

Sinh viên tốt nghiệp nhiều khả năng rời khỏi những quốc gia đặt ra rào cản nhập cư cao, và ở Hoa Kỳ, ngay cả những người có kỹ năng có nhu cầu cao cũng có thể gặp khó khăn khi cư trú dài hạn. Một cuộc khảo sát năm 2020 của CSET đối với các tiến sĩ AI quốc tế cho thấy hơn một nửa số người rời đi sau khi tốt nghiệp cho rằng những vấn đề nhập cư là “cực kỳ” hoặc “phần nào” liên quan đến quyết định của họ. Ngay cả trong số những người ở lại, 60% cho biết đang gặp phải những khó khăn đáng kể với hệ thống nhập cư của Hoa Kỳ. Những thách thức này càng trở nên trầm trọng hơn đối với công dân Trung Quốc và Ấn Độ – chiếm khoảng một nửa số tiến sĩ STEM quốc tế – do quy định mức trần nhập cư với mỗi quốc gia và số lượng hồ sơ tồn đọng chờ xét duyệt rất lớn.

Những quốc gia khác đã tận dụng những điểm kém hiệu quả này trong quá trình nhập cư của Hoa Kỳ. Ví dụ, Canada đã nỗ lực phối hợp để thu hút nhân tài nhập cư qua biên giới, và nỗ lực của họ dường như đã thành công. Tương tự, các nhà quan sát Trung Quốc nói rằng những chính sách nhập cư của Mỹ “đã tạo cơ hội cho Trung Quốc nâng cao đội ngũ nhân tài cao cấp của mình”. Với danh sách chờ xét duyệt nhập cư tồn đọng và những vấn đề khác đang ngày càng làm hệ thống nhập cư Mỹ sa lầy trong khi những quốc gia khác đầu tư cho việc tuyển dụng nhân tài, có khả năng nhiều tiến sĩ STEM được đào tạo tại Hoa Kỳ sẽ mang tài năng của họ sang nước khác trong tương lai.

Do công nghệ làm thay đổi bối cảnh địa chính trị và kinh tế, các nhà lãnh đạo trên toàn cầu coi nhân tài STEM là tài sản quốc gia quan trọng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi đây là “nguồn lực đầu tiên” cho “sự đổi mới độc lập”, và chính quyền Biden nói rằng “chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm nhân tài” là cần thiết để “thành công trong một thế giới cạnh tranh”. Ngày nay, một trong những lợi thế lớn nhất của Hoa Kỳ trong cuộc đua đó là hàng nghìn sinh viên đến đây mỗi năm để theo đuổi các bằng tiến sĩ STEM, hầu hết trong số họ ở lại nước này rất lâu sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, giữa những tranh luận sôi nổi về cải cách nhập cư, vẫn còn phải xem liệu Hoa Kỳ sẽ duy trì hay mất đi lợi thế đó.