Irene Glendinning
Irene Glendinning là Phó giáo sư tại Phòng Giảng dạy và Học tập, Đại học Coventry, Vương quốc Anh. Email: csx128@coventry.ac.uk.
Tóm tắt: Tham nhũng làm xói mòn cơ sở hoạt động của xã hội dân sự và văn hóa. Tham nhũng trong nghiên cứu và giáo dục đại học dẫn đến sự xói mòn niềm tin vào các bằng cấp học thuật và tuyên bố về những đột phá khoa học. Các tổ chức bên ngoài với nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và kiểm định các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo duy trì những tiêu chuẩn phù hợp. Tuy nhiên, trong nghiên cứu gần đây, phản hồi từ những cơ quan có uy tín trước những lo ngại về tham nhũng không phải lúc nào cũng mang lại sự đảm bảo như mong đợi.
Nếu bạn tin rằng tham nhũng trong giáo dục là một hiện tượng hiếm gặp hoặc điều này chỉ tồn tại ở những quốc gia có thu nhập thấp, thì hãy suy nghĩ lại. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một số hiểu biết có được sau hơn một thập kỷ nghiên cứu về cách nhìn nhận và xử lý sự liêm chính và tham nhũng trong học thuật ở những khu vực khác nhau trên thế giới.
Khảo sát tham nhũng
Từ năm 2010 đến 2018, các đồng nghiệp châu Âu và tôi đã khảo sát các cơ sở giáo dục đại học ở 38 quốc gia châu Âu và Á-Âu, hỏi về những chính sách và thực tiễn liêm chính học thuật của họ. Một dự án do Ủy ban châu Âu tài trợ và hai dự án do Hội đồng châu Âu tài trợ. Mặc dù mối quan tâm ban đầu của chúng tôi là hạn chế tình trạng đạo văn trong sinh viên, chúng tôi đã phát hiện ra những ảnh hưởng phức tạp trong mối quan hệ giữa sinh viên, giảng viên, ban quản trị của trường đại học và những chuẩn mực chính trị, văn hóa và xã hội địa phương. Hối lộ, lừa đảo, lạm quyền và cố ý gian lận đã được báo cáo ở hầu hết những nơi mà chúng tôi tìm hiểu. Mặc dù có sự khác biệt giữa các quốc gia và khu vực về mức độ và tính chất, nhưng tham nhũng trong giáo dục tồn tại rõ ràng ở mọi quốc gia mà chúng tôi nghiên cứu.
Trong suốt năm 2016–2017, tôi và hai đồng nghiệp từ Vương quốc Anh đã thực hiện một nghiên cứu toàn cầu về tham nhũng trong giáo dục đại học cho Nhóm Chất lượng quốc tế của Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CIQG – Council for Higher Education Accreditation’s International Quality Group). CIQG quan tâm đến việc khám phá phản ứng của các cơ quan kiểm định và cơ quan đảm bảo chất lượng (AQAB – Accreditation Agencies and Quality Assurance Bodies) ở những khu vực khác nhau trên thế giới trước những hành vi tham nhũng mà họ gặp phải trong quá trình làm việc. Chúng tôi đã định nghĩa tham nhũng là những hành động cố ý nhằm đạt được lợi thế không công bằng về tài chính hoặc những lợi ích khác. Chúng tôi thực hiện khảo sát bằng bảng câu hỏi trực tuyến, thu được 69 câu trả lời hợp lệ và đã thực hiện 22 cuộc phỏng vấn.
Kết nối việc đảm bảo chất lượng (QA) và tính liêm chính trong học thuật là một động lực quan trọng, đặc biệt đối với giáo dục đại học.
Đảm bảo chất lượng và sự liêm chính trong học thuật
Kết nối việc đảm bảo chất lượng (QA – quality assurance) và sự liêm chính trong học thuật là một động lực quan trọng, đặc biệt đối với giáo dục đại học. Nhưng QA có thể có ý nghĩa rất khác nhau đối với những người khác nhau. Một chuyên gia QA mà tôi đã phỏng vấn cho nghiên cứu này nói rằng nhiều người thường xuyên sử dụng từ “chất lượng” mà không hiểu đầy đủ ý nghĩa của nó. Tôi tin rằng việc xem xét công tác đảm bảo chất lượng dựa trên các tiêu chuẩn học thuật và sự liêm chính có ý nghĩa hơn là xem xét “chất lượng” một cách riêng lẻ. Những cơ sở giáo dục đại học không đầu tư để đảm bảo sự liêm chính trong học thuật có nguy cơ làm giảm chất lượng và tiêu chuẩn của họ. Tất cả các trường đại học đều cần thực hiện việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn và sự liêm chính một cách có hệ thống để chống lại tham nhũng và sai sót. QA và các tổ chức kiểm định có thể cung cấp thêm những kinh nghiệm bên ngoài để giúp ích cho hoạt động thực tế của nhà trường. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn chia sẻ điều gì với AQAB; tìm kiếm hoặc cung cấp bằng chứng về tham nhũng trong nội bộ nhà trường thường không phải là trách nhiệm của bất kỳ ai.
Trên toàn cầu, các tổ chức bên ngoài thực hiện giám sát thường với mục đích kiểm định hơn là đánh giá QA, nhưng động cơ và phương thức hoạt động (modus operandi) của các cơ quan kiểm định rất khác nhau. Kiểm định có thể được sử dụng để phân bổ tài trợ của chính phủ, trợ cấp sinh viên và các khoản vay; kiểm định có thể do các cơ quan chuyên môn thực hiện nhằm kiểm tra về nội dung học tập và thi cử để đánh giá sinh viên tốt nghiệp; và cấp chứng nhận hoặc vinh danh/ kỷ luật cho một tổ chức. Một số AQAB hoạt động vì mục tiêu thương mại, vì lợi nhuận và không phải tất cả đều quan tâm đến chất lượng và tiêu chuẩn.
Tham nhũng trong giáo dục đại học có hình hài thế nào?
Nghiên cứu của CIQG đã xem xét cách giải quyết tham nhũng trong mọi khía cạnh của giáo dục đại học, bao gồm trách nhiệm của chính phủ, quy trình đảm bảo chất lượng bên ngoài, quản trị nhà trường, vai trò giảng dạy, tuyển sinh và tuyển dụng, học tập và đánh giá của sinh viên, bằng cấp và chứng chỉ, nghiên cứu học thuật và xuất bản.
Trong giáo dục, tham nhũng thường liên quan đến việc mọi người lơ là hoặc coi thường trách nhiệm của mình, lợi dụng những đặc quyền và/hoặc vi phạm lòng tin được đặt vào họ. Những hành vi tham nhũng có thể được khởi xướng bởi bất kỳ người nào tham gia vào quá trình giáo dục, từ các quan chức chính phủ đến sinh viên. Lợi ích tài chính là động cơ phổ biến cho tham nhũng, nhưng nguyên nhân có thể là những lý do cá nhân, học tập, hoặc liên quan đến sự thăng tiến nghề nghiệp hoặc những lý do khác, bao gồm cả quấy rối tình dục. Đôi khi, mọi người bị thuyết phục hoặc bị ép buộc tham gia vào những hoạt động này, với tư cách là nạn nhân và thủ phạm, vì thiếu hiểu biết, vì bị áp lực, bị bắt nạt hoặc quá tuyệt vọng. Một số người có hành vi tham nhũng một cách có ý thức, nhưng những người khác có thể đơn giản là do không có lựa chọn khác hoặc không coi hành vi của họ là tham nhũng.
Tham nhũng trong giáo dục có nghĩa là ai đó đạt được lợi thế không công bằng gây bất lợi cho người khác. Trong những trường hợp cực đoan, tham nhũng có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến an toàn công cộng, chẳng hạn như khi một kỹ sư hoặc bác sĩ có bằng cấp nhưng chưa đạt về kỹ năng chuyên môn phải chịu trách nhiệm về những quyết định quan trọng liên quan đến tính mạng con người.
Ở những quốc gia, nơi lòng trung thành với gia đình và bạn bè là những yêu cầu văn hóa, sự lạm quyền và bỏ qua xung đột lợi ích thường được bình thường hóa và không bị coi là hành vi tham nhũng. Ngược lại, ở những quốc gia có độ tin cậy cao như New Zealand, hoặc ở Scandinavia hiếm khi có chuyện bàn bạc công khai để tham nhũng, và những gợi ý thực hiện hành vi tham nhũng thường bị từ chối.
Những tài liệu mà chúng tôi nghiên cứu cho thấy có nhiều hình thức tham nhũng ở mọi quốc gia và hệ thống giáo dục. Một số hình thức tham nhũng được thúc đẩy bởi những điều kiện và bối cảnh địa phương. Ví dụ, mức lương thấp hoặc công việc không ổn định của các giáo sư hoặc nhân viên tuyển sinh khiến cho những nỗ lực hối lộ dễ thành công, nhằm được nâng điểm, được bỏ qua gian lận hoặc đảm bảo trúng tuyển.
Kết luận
Phát hiện của chúng tôi cho thấy rất ít người trong số những người từ AQAB được hỏi từng lo ngại về những hành vi tham nhũng được nói đến trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội; và thậm chí còn ít hơn nữa số lượng những tổ chức này đang hành động để giải quyết những nguyên nhân cơ bản của tham nhũng trong giáo dục và nghiên cứu. Những AQAB đang hành động, chủ yếu ở những nước nói tiếng Anh, đặc biệt là Úc, Ireland, New Zealand và Vương quốc Anh, đã góp phần nâng cao quyền lập pháp quốc gia chống lại các xưởng sản xuất luận văn và các trường đại học giả mạo. Họ đã xây dựng bộ hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục, nâng cao nhận thức và giúp các cơ sở xây dựng những chính sách hiệu quả.
Những AQAB tích cực hơn, cùng với các chính phủ và tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu và các cơ quan quốc tế, đang chủ động điều tra và chia sẻ kiến thức để cung cấp hướng dẫn, đào tạo, những dịch vụ hiệu quả và sự hỗ trợ. Chúng tôi cũng biết ơn báo chí điều tra vì đã cung cấp những bằng chứng quan trọng về tham nhũng trong giáo dục mà khó có thể khám phá ra thông qua nghiên cứu học thuật.
Vào tháng 8 năm 2018, CIQG đã xuất bản “Mục lục những câu hỏi chính dành cho Các Tổ chức Đảm bảo Chất lượng và Kiểm định” dựa trên những đề xuất của chúng tôi, ấn bản này cùng với báo cáo từ nghiên cứu của chúng tôi có thể tải xuống miễn phí từ trang web của CIQG.
Hiểu rõ những mối đe dọa và nguyên nhân cơ bản sẽ giúp đảm bảo để những hành động thích hợp được thực hiện chống lại tham nhũng. Những người có quyền ra quyết định và thẩm quyền cũng như trách nhiệm hành động đều cần đến phương pháp tiếp cận chủ động và tiếp cận phản ứng, cả hai phương pháp này đều nhằm xử lý tận gốc tham nhũng và phản ứng khi có bằng chứng. Ở những nơi tham nhũng đã đạt đến bản chất và quy mô toàn cầu, sự hợp tác quốc tế là cần thiết. Xuất phát điểm là nhận thức rằng cần phải làm gì đó đối với mọi hình thức tham nhũng trong giáo dục. Việc truyền lửa cho thế hệ chuyên gia tiếp theo trong suốt quá trình đào tạo họ là một phần quan trọng của phản ứng rộng hơn chống lại tham nhũng trong xã hội.