Dana Abdrasheva là thành viên, Diana Morales là Nhà phân tích chính sách cấp cơ sở và Emma Sabzalieva là Nhà phân tích chính sách cấp cao tại Viện Giáo dục Đại học Quốc tế của UNESCO ở Mỹ Latinh và Caribe (IESALC). Email: d.abdrasheva@unesco.org; d.morales@unesco.org; e.sabzalieva@unesco.org.
UNESCO – IESALC đã cùng với nhóm Tương lai của Học tập và Đổi mới tại Trụ sở UNESCO phân tích dữ liệu của nhóm trọng điểm, và mong muốn ghi nhận những đóng góp và hỗ trợ của Keith Holmes, Tioluwani Aderibigbe, Leanne Davey và Cory Richardson.
Tóm tắt: Sinh viên ngày nay hình dung thế nào về trường đại học trong tương lai? Họ hy vọng và lo sợ điều gì khi nghĩ đến năm 2050? Dựa vào những cuộc tham vấn nhóm trọng điểm đã được thực hiện như một phần của sáng kiến Giáo dục Tương lai của UNESCO, những chủ đề chính được xác định bao gồm: công nghệ làm thay đổi trải nghiệm học tập tại trường; chuyển đổi mô hình từ dịch chuyển sang hòa nhập; môi trường học tập đồng sáng tạo; lo ngại về biến đổi khí hậu; sự kết nối giữa giáo dục đại học và thị trường lao động; và tác động của trí tuệ nhân tạo đối với việc làm.
Sinh viên ngày nay hình dung thế nào về trường đại học của tương lai? Họ hy vọng và lo sợ điều gì khi nghĩ đến những viễn cảnh có thể đến với giáo dục đại học vào năm 2050? Bài báo này giới thiệu ý kiến của một số trong số 741 người từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia vào 1 trong 55 cuộc tham vấn nhóm trọng điểm được thực hiện trong giai đoạn 2020–2021 như một phần ưu tiên của UNESCO nhằm xem xét tương lai giáo dục .
Liên quan đến sáng kiến toàn cầu này, giáo dục đại học trở thành nội dung trọng điểm trong Hội nghị Giáo dục Đại học Thế giới của UNESCO 2022 cũng như trong dự án có quy mô lớn về tương lai của giáo dục đại học do Viện Giáo dục Đại học Quốc tế của UNESCO ở châu Mỹ Latinh và vùng lãnh thổ Caribe (IESALC – International Institute for Higher Education in Latin America and the Caribbean) thực hiện. Dự án này gồm một cuộc tham vấn toàn cầu với các chuyên gia giáo dục đại học, được xuất bản với tựa đề Thinking Higher and Beyond: Perspectives on the Futures of Higher Education to 2050 (Suy nghĩ cao hơn và xa hơn: Những viễn cảnh tương lai của giáo dục đại học đến năm 2025), và một cuộc tham vấn cộng đồng với sự tham gia của hơn 1200 người từ 100 quốc gia trong năm 2021.
Người tham gia nhóm trọng điểm
Những người tham gia vào nhóm trọng điểm, trong đó 502 là sinh viên và 239 người hoạt động trong những lĩnh vực liên quan đến giáo dục đại học (ví dụ như chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, học viện), thừa nhận đại dịch gây ra những tác động bất lợi đồng thời cũng tạo ra những cơ hội đối với quá trình giáo dục đại học. Một số chủ đề chính mà các nhóm trọng điểm nêu ra được trình bày dưới đây.
Trải nghiệm học tập tại trường sẽ thay đổi
Khuôn viên trường, hiện vẫn là nơi diễn ra hầu hết những trải nghiệm giáo dục đại học của sinh viên, sẽ được bổ sung nhưng không thay thế bằng cách tích hợp công nghệ vào dạy và học. Như một người tham gia nhóm trọng điểm đã nhận định, “cần đạt đến mức cân bằng để sinh viên vẫn có thể học bằng những trải nghiệm thực tế, bằng tương tác với con người và biểu đạt thể chất, mà không phụ thuộc quá nhiều vào, hoặc chỉ giới hạn bởi những công cụ kỹ thuật số”.
Bất chấp những lo ngại về khoảng cách số trên toàn cầu, những người tham gia nhóm trọng điểm cho rằng công nghệ có thể tác động tích cực đến khả năng hòa nhập và tiếp cận. Ví dụ, một người tham gia đã nói “việc số hóa các lớp học sẽ cho phép những người trước đây bị bỏ rơi vì lý do địa lý hoặc lý do khác – tiếp cận được những cơ sở giáo dục hàng đầu. Sinh viên ở vùng nông thôn California có thể tham gia học trực tuyến với các trường hàng đầu ở San Francisco hoặc Los Angeles. Bất kỳ sinh viên nào trên khắp thế giới, bất kể vị trí của họ ở đâu, đều có thể tiếp cận giáo dục đại học”.
Mặc dù sinh viên lạc quan về vai trò của công nghệ trong việc mở rộng giáo dục đại học, họ cũng cảm thấy tương lai có thể chứa đựng nhiều “đặc điểm thị trường” hơn. Họ có cảm giác rằng sự cạnh tranh này rốt cuộc sẽ thúc đẩy chất lượng trong các trường đại học và cao đẳng, nhưng đồng thời cũng dẫn đến sự phân tầng lớn hơn trong toàn xã hội về mặt giáo dục.
Mô hình học thuật thay đổi từ du học sang hòa nhập
Những người tham gia đồng ý rằng “du học sẽ thay đổi thành kết nối”, trong tương lai, việc đi du học nước ngoài không phải lúc nào cũng là cần thiết, bởi vì sinh viên sẽ học cách hòa nhập với cộng đồng toàn cầu theo những cách khác nhau. Sinh viên nghĩ rằng trường đại học tương lai của họ sẽ đáp ứng những nhu cầu trong nước bằng cách giải quyết mọi vấn đề bất bình đẳng, đồng thời vẫn tham gia hợp tác quốc tế.
Những người tham gia tin rằng công nghệ sẽ đóng vai trò như một công cụ cân bằng giữa các quốc gia trong tương lai, rằng “cơ hội du học sẽ mở rộng đến những quốc gia khác và mang tính quốc tế hơn”. Sinh viên và các nhà giáo dục cũng nói về việc cấu trúc lại bằng cấp đại học, do đó sẽ dẫn đến những thay đổi trong nội dung chương trình giảng dạy cũng như hình thức dịch chuyển học thuật. Sinh viên tin rằng các hình thức du học ảo sẽ mang lại lợi ích như nhau cho việc trao đổi và hiểu biết các nền văn hóa.
Đồng sáng tạo môi trường học tập
Những người tham gia dự báo “những hình thức mới trong xây dựng kiến thức, dựa trên quan hệ hợp tác và cộng tác giữa giảng viên với sinh viên và sinh viên với sinh viên. Để làm điều này, cần định hình lại vai trò của giảng viên: ngoài việc duy trì vai trò của mình như một chuyên gia, dự kiến giảng viên cần đảm nhận cả vai trò gia sư, người hòa giải, người hỗ trợ và người cổ vũ động viên”. Trong tương lai này, sinh viên sẽ chủ động hơn trong những điều họ cần và mong muốn tùy vào thực tế và hoàn cảnh của họ. Họ sẽ là người đồng sáng tạo trong quá trình giáo dục đại học của họ, bao gồm cả việc tham gia cụ thể hóa lộ trình học tập của bản thân.
Biến đổi khí hậu, mối quan tâm phổ biến
Đối với tất cả những người tham gia, biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn, đặc biệt khi nội dung này không có trong các chương trình giáo dục đại học ngày nay. Những người tham gia nhóm trọng điểm nêu rõ việc dạy và học cần phải dễ tiếp cận và mang tính liên ngành nhiều hơn. Điều này nên kết hợp với biến đổi khí hậu: “Những chủ đề như tính bền vững và hướng dẫn tập trung vào những nguyên nhân xã hội – sẽ được đưa vào chương trình và được thảo luận nhiều hơn”.
Một người tham gia khác nêu ý kiến “biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến nhiều loại bệnh khác nhau, nhưng có rất ít liên hệ cụ thể trong quá trình giáo dục của chúng ta. Chúng ta cần kết nối những nội dung này và đưa tác động của biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy”.
Trong tương lai, sự kết nối giữa giáo dục đại học và thị trường lao động vẫn là chủ đề quan trọng đối với sinh viên.
Liên kết giữa giáo dục đại học và thị trường lao động
Trong tương lai, sự kết nối giữa giáo dục đại học và thị trường lao động vẫn là chủ đề quan trọng đối với sinh viên. Trong khi thị trường việc làm thay đổi, trên thực tế sinh viên vẫn nghĩ rằng tấm bằng đại học sẽ giúp nâng cao địa vị kinh tế và xã hội của họ. Thất nghiệp được coi là một mối đe dọa lớn trong tương lai, và dạy để sinh viên “sẵn sàng thích nghi với thị trường” vẫn tiếp tục là vai trò quan trọng của trường đại học.
Tuy nhiên, ngoài lợi ích tài chính do công việc mang lại, những người tham gia cũng mong muốn có được sự toại nguyện và tưởng thưởng từ lĩnh vực công việc mà họ chọn. Như một người tham gia đã nhận xét, “những phương án linh hoạt của việc học tập suốt đời” mang lại nhiều cơ hội để tăng trưởng và phát triển liên tục bên ngoài “bốn bức tường lớp học”. Sinh viên nhận thức được sự cần thiết của việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để duy trì việc làm ổn định.
Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với việc làm
Tự động hóa và rô-bốt hóa sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến sự tương tác của con người và đặc biệt sẽ xuất hiện trong lĩnh vực dịch vụ khi “ô tô tự lái, việc mua sắm tách khỏi các cửa hàng vật lý và dẫn đến lối sống tiện lợi hơn”. Tuy nhiên, những người tham gia cũng bày tỏ mối lo ngại của họ về tác động xã hội của sự thay đổi đó và dự đoán những biến động, rối loạn xã hội khác nhau.
Tính kết nối
Nếu phải tóm tắt những phát hiện từ sự tham vấn những nhóm trọng điểm rất đa dạng này bằng một từ, thì đó sẽ là tính kết nối. Những người tham gia không còn cho rằng giáo dục đại học sẽ hoàn toàn do các trường đại học hay học viện tạo ra, họ nghĩ rằng sẽ có sự kết nối giữa trường với sinh viên trong việc đồng sáng tạo lộ trình học tập. Ngoài ra, những tiến trình toàn cầu cũng nên được kết nối với các cộng đồng trong nước.
Sinh viên muốn trở thành những người giao tiếp và cộng tác tốt hơn để phát triển mạnh mẽ trong một thế giới được liên kết bằng công nghệ, ở đó việc học tập sẽ kéo dài suốt cuộc đời của họ. Các cá nhân sẽ liên tục nâng cấp kỹ năng của mình để phù hợp và gắn kết trong thị trường lao động linh hoạt. Những người tham gia thừa nhận vai trò của họ trong các cấu trúc giáo dục đại học vì họ muốn trở thành người học tốt hơn và phục vụ cộng đồng trong nước và toàn cầu tốt nhất trong khả năng của mình.
Những nhóm trọng điểm này đã nói lên những hy vọng và mối quan tâm của sinh viên, khi họ hình dung về năm 2050. Câu hỏi lớn tiếp theo là: Các trường đại học đã sẵn sàng chia sẻ tầm nhìn của sinh viên về tương lai của giáo dục đại học hay chưa?