Cơ hội bị bỏ lỡ và tầm nhìn hạn chế về quốc tế hóa

 

Hans de Wit là Giáo sư danh dự và là Thành viên xuất sắc tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Elspeth Jones là Giáo sư danh dự về quốc tế hóa giáo dục đại học tại Leeds Beckett University, Vương quốc Anh. Email: [email protected].

Bài báo này là phiên bản cập nhật của một bài báo được đăng trên University World News.

Tóm tắt: Tuyên bố chung về Hỗ trợ Giáo dục Quốc tế và Dịch chuyển Học thuật, được các tổ chức giáo dục quốc tế của 9 quốc gia phương Tây ban hành gần đây như kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh năm 2021, là một cơ hội bị bỏ lỡ. Tuyên bố không bao gồm quan điểm của những khu vực khác trên thế giới, và thúc đẩy sự dịch chuyển vật lý, trái ngược với động lực đặt ra cho những sáng kiến dịch chuyển ảo toàn diện hơn trong đại dịch COVID-19.

Vào ngày 21 tháng 10 năm 2021, các tổ chức giáo dục quốc tế của 9 quốc gia phương Tây (Cục Giáo dục Quốc tế Canada (Canadian Bureau for International Education – CBIE); Cơ quan Giáo dục Quốc gia Phần Lan (Finnish National Agency for Education – EDUFI); Học xá Pháp (Campus France); Dịch vụ Trao đổi Học thuật Đức (German Academic Exchange Service – DAAD); Trung tâm khuyến học và định hướng học tập tại Ý (Centre for the Academic Promotion and Study Orientation in Italy – Uni-Italia); Tổ chức Quốc tế hóa giáo dục của Hà Lan (Dutch Organisation for Internationalisation in Education – Nuffic); Tổng cục Giáo dục Đại học và Kỹ năng Na Uy (Norwegian Directorate for Higher Education and Skills); Hội đồng Anh (British Council); và Viện Giáo dục Quốc tế (Institute of International Education – IIE) tại Hoa Kỳ – đã công bố Tuyên bố chung về Hỗ trợ Giáo dục Quốc tế và Dịch chuyển Học thuật. Đây là kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục quốc tế năm 2021. Tuyên bố này được đính kèm với các báo cáo quốc gia ngắn gọn từ 9 tổ chức (trong trường hợp của Hoa Kỳ, đó là báo cáo của các tổ chức US Department of State, US Department of Education và Education USA).

Một bước tiến, hai bước lùi

Tiêu đề của hội nghị thượng đỉnh và tài liệu “Những gì phía trước: Xây dựng một thế giới bình đẳng, bền vững và hòa bình hơn thông qua trao đổi quốc tế trong một thế giới hậu đại dịchthoạt nhìn có vẻ khá tiên tiến và hứa hẹn là một phương pháp tiếp cận toàn diện và hòa nhập với giáo dục quốc tế cho tương lai. Cả trong tiêu đề này, xuyên suốt bản tuyên bố và các báo cáo quốc gia, những đề cập đến tính toàn diện, công bằng và bền vững cho thấy sự chú trọng đến những nội dung chắc chắn đã trở thành đường lối hành động chính của quốc tế hóa giáo dục đại học trước đại dịch, và thậm chí còn mạnh mẽ hơn kể từ khi đó. Những chính sách và sáng kiến ​​của 9 tổ chức này, chẳng hạn như Quỹ Cứu trợ Học giả, công tác hỗ trợ người tị nạn tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao năng lực và hợp tác với những khu vực khác, quốc tế hóa trong nước và quốc tế hóa xã hội – được đề cập đến trong hầu hết các báo cáo quốc gia của 9 tổ chức. Khía cạnh tích cực là những tổ chức này đặt ra những mục tiêu cho tương lai của giáo dục quốc tế và dịch chuyển học thuật.

Thật không may, bản tuyên bố ngắn gọn này cùng lắm chỉ có thể được mô tả là một bước tiến và hai bước lùi trong việc thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục.

Định hướng phương Tây

Vào năm 2014, chúng tôi lập luận rằng không nên tiếp tục xem quốc tế hóa là mô hình phương Tây hóa – chủ yếu theo hướng Anglo-Saxon và nói tiếng Anh. Nhiều học giả và cố vấn chính sách khác đã tranh luận về cách tiếp cận quốc tế hóa toàn diện hơn và ít mang tính tinh hoa hơn, so với những gì mà hoạt động trao đổi quốc tế và dịch chuyển học thuật có thể mang lại. Những lời kêu gọi phi thực dân hóa chương trình giảng dạy và bớt nhấn mạnh vào xu hướng Anglo-Saxon và sự thống trị của phương Tây – ngày càng lớn, và những bài báo về những chủ đề này thường xuyên xuất hiện trên các bản tin cũng như trên các tạp chí được bình duyệt. Khi sự kiện Đối thoại Vịnh Toàn cầu Nelson Mandela được tổ chức vào năm 2014, thành phần tham gia là các hiệp hội từ tất cả các khu vực trên thế giới. Và kết quả là bản Tuyên bố về Tương lai của Quốc tế hóa Giáo dục đại học, trong đó nêu rõ “quốc tế hóa phải dựa trên cơ sở cùng có lợi và phát triển cho các thực thể, cá nhân ở các nước phát triển, các nước mới nổi và các nước đang phát triển”. Có phải chúng ta đã trở nên lạc hậu kể từ năm 2014 không? Vì sao một Hội nghị Thượng đỉnh và Tuyên bố chung chỉ gồm 9 tổ chức vốn đại diện cho thế giới phát triển phương Tây, thay vì những quan điểm và lập trường tích cực có liên quan của những khu vực khác?

Những lời kêu gọi phi thực dân hóa chương trình giảng dạy và bớt nhấn mạnh vào xu hướng Anglo-Saxon và sự thống trị của phương Tây – ngày càng lớn.

Tập trung vào dịch chuyển vật lý

Có lẽ điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là bản Tuyên bố chung đưa ra lời kêu gọi khá rõ ràng về việc duy trì mức độ dịch chuyển và trao đổi học thuật giữa 9 quốc gia này. Tuyên bố chung yêu cầu “các nhà lãnh đạo ở mọi cấp hỗ trợ những biện pháp nhằm cho phép nhiều hơn nữa sinh viên trên khắp thế giới được đào tạo một phần ở những quốc gia khác, và giữ cho cánh cửa học tập của chúng ta rộng mở để đón nhận sinh viên nước ngoài”. Và mặc dù theo sau đó là lời kêu gọi hỗ trợ nhu cầu của người tị nạn, ấn tượng mà bản Tuyên bố chung tạo ra là hành động quan trọng nhất sau đại dịch là hỗ trợ dịch chuyển học thuật trong nội bộ 9 quốc gia.

Điều này đặc biệt kỳ lạ, vì mỗi quốc gia trong số 9 quốc gia nói trên phải đối mặt với những thách thức tuyển sinh rất khác nhau. Một mặt, Hà Lan có mức tăng trưởng vượt bậc về số lượng sinh viên. Do đó, sinh viên quốc tế hiện đang chiếm 23% tổng số sinh viên – khiến các trường đại học Hà Lan phải thúc giục chính phủ đưa ra những lựa chọn pháp lý để hạn chế số lượng sinh viên. Ngược lại, số lượng sinh viên đại học ở Hoa Kỳ sụt giảm đáng kể. Do đó, các trường đại học Hoa Kỳ – đặc biệt những trường có mức giảm lớn nhất – được khuyến khích tích cực tuyển sinh viên quốc tế và sử dụng các đại lý để làm việc này.

Các báo cáo riêng lẻ của các tổ chức châu Âu và Canada đề xuất một cách tiếp cận toàn diện và bao trùm hơn, nhưng đáng tiếc đã không được phản ánh đầy đủ trong Tuyên bố chung, cũng như trong báo cáo của Hoa Kỳ. Trọng tâm quốc gia trong tài liệu đó của Hoa Kỳ khá rõ ràng, với tuyên bố sau: “Chúng tôi công nhận rằng chính phủ Hoa Kỳ có vai trò duy nhất trong giáo dục quốc tế bởi vì trách nhiệm đối với người dân Hoa Kỳ; quan điểm riêng về những vấn đề đối ngoại, an ninh quốc gia, và chính sách kinh tế và biên giới; năng lực lãnh đạo quốc gia và toàn cầu; và vai trò ảnh hưởng đến hình ảnh của Hoa Kỳ trên toàn cầu”.

Tuyên bố chung rõ ràng cũng thúc đẩy sự dịch chuyển và trao đổi học thuật vật lý, là những hoạt động mà cho đến nay vẫn chỉ được lựa chọn bởi một tỷ lệ rất nhỏ sinh viên toàn cầu. Bản tuyên bố không đề cập đến dịch chuyển và trao đổi ảo, học tập quốc tế hợp tác trực tuyến hoặc vị trí làm việc ảo. Tất cả những lựa chọn thay thế cho sự dịch chuyển vật lý này đã có thêm động lực trong giai đoạn đại dịch, mặc dù từ trước đó nhiều tổ chức đã bắt đầu phát triển những cách tiếp cận sáng tạo cho những sáng kiến như vậy. Sức mạnh của những giải pháp thay thế này trong việc cung cấp những hình thức tham gia quốc tế toàn diện và bền vững hơn ngày càng được thừa nhận, cho phép nhiều sinh viên tham gia hơn so với chỉ dịch chuyển vật lý.

Một cơ hội bị bỏ lỡ

Các báo cáo quốc gia thường xuyên đề cập đến tầm quan trọng của quá trình số hóa quốc tế hóa, nhưng đáng ngạc nhiên là trong Tuyên bố chung điều này lại không được nhắc đến. Ngoài ra, Tuyên bố chung cũng thiếu vắng một số nội dung khác như vai trò quan trọng của quốc tế hóa chương trình giảng dạy quốc nội, tác động xã hội của quá trình quốc tế hóa (quốc tế hóa đối với xã hội), và học tập toàn cầu cho mọi sinh viên. Ấn tượng chung là bản tuyên bố chung nói về cách tiếp cận giáo dục quốc tế theo kiểu phương Tây, tập trung vào hoạt động dịch chuyển vật lý, là thứ có thể phù hợp trong quá khứ, nhưng ít phù hợp với hiện tại và tương lai.

Cần phải nói rằng, đây là một cơ hội bị bỏ lỡ và dường như không phản ánh những gì mà một số tổ chức liên quan đang vận động. Có lẽ các đối tác ở Nam bán cầu vẫn tiếp tục băn khoăn về việc cần làm gì để tiếng nói của họ được lắng nghe trong cuộc tranh luận quốc tế hóa.