Vì sao Mỹ Latinh cần phát triển những trường đại học đẳng cấp thế giới

 

Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và là thành viên xuất sắc tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: [email protected]. Jamil Salmi là Chuyên gia giáo dục đại học toàn cầu, Giáo sư danh dự về chính sách giáo dục đại học tại Đại học Diego Portales, Chile, và là thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Tóm tắt: Các trường đại học nghiên cứu của Mỹ Latinh hoạt động kém hiệu quả và khu vực này có rất ít trường đạt đẳng cấp thế giới. Để phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XXI, Mỹ Latinh cần có những trường đại học chất lượng cao. Chúng tôi cho rằng một phần nguyên nhân là “cuộc cách mạng học thuật Cordoba” và những ý tưởng học thuật của nó. Các trường đại học công lập lớn ở Mỹ Latinh cần được cải cách.

Cùng với châu Phi, châu Mỹ Latinh là châu lục có ít trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu đạt chất lượng hàng đầu. Không một trường đại học Mỹ Latinh nào lọt vào tốp 100, và rất ít học giả và nhà khoa học Mỹ Latinh có tên trong số những học giả được trích dẫn nhiều nhất. Châu Mỹ Latinh đại diện cho 8,5% dân số thế giới và đóng góp 8,7% vào GDP của cả hành tinh, nhưng các trường đại học của nó chỉ chiếm 1,6% trong số 500 trường hàng đầu trong bảng xếp hạng Thượng Hải và ít hơn 1,5% trong số 400 trường hàng đầu trong xếp hạng của Times Higher Education. Đây là một khiếm khuyết nghiêm trọng nếu châu lục này muốn tạo ra những nghiên cứu và đổi mới có chất lượng và tham gia vào tiến bộ khoa học của thế kỷ XXI, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch hiện nay.

Một trong những lý do chính là sự kém hiệu quả của những trường đại học công lập lớn xuất hiện từ “cuộc cách mạng giáo dục đại học Cordoba” năm 1918. Cần phân tích vì sao đây là điều kiện tiên quyết cần cải thiện.

Ý tưởng và thực tế về những trường đại học “Cordoba”

Cuộc cách mạng Cordoba, được khởi xướng ở Argentina vào năm 1918 bởi những sinh viên mong muốn dân chủ hóa và hiện đại hóa trường đại học, dẫn đến sự phát triển những trường đại học công lập đa ngành trên khắp lục địa và củng cố thành khuôn mẫu giáo dục đại học công lập cho đến ngày nay, khiến cho việc thay đổi càng khó khăn.

Những nguyên tắc của Cordoba có thể tóm tắt sơ lược như sau. Vai trò của các trường đại học rất quan trọng, bởi vì có thể đào tạo sinh viên tham gia vào việc xây dựng quốc gia và cung cấp nghiên cứu và dịch vụ để đóng góp vào những nỗ lực phát triển quốc gia. Với lý tưởng cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng, các trường đại học không thu học phí và tuyển sinh dựa trên những tiêu chí đại chúng và minh bạch (hoàn thành trung học cơ sở hoặc đạt kỳ thi tuyển sinh đại học cạnh tranh). Để ngăn chặn sự can thiệp của những chế độ độc tài, các trường đại học phải được tự chủ: không chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ, được đảm bảo quyền tự do học thuật, nhưng đồng thời vẫn được nhà nước tài trợ. Trong nội bộ, các trường đại học phải được quản lý một cách dân chủ – bao gồm việc giảng viên, sinh viên và đôi khi là nhân viên hành chính tham gia vào quá trình ra quyết định và bầu ra những lãnh đạo học thuật chủ chốt.

Trên khắp châu Mỹ Latinh, những trường đại học công chịu ảnh hưởng của mô hình Cordoba thống trị nền học thuật và vẫn là những cơ sở giáo dục đại học chủ chốt cho đến nay, hầu như không thay đổi trong thế kỷ qua. Bất chấp xu hướng đại chúng hóa, sự phát triển của khu vực tư nhân (ở nhiều nước Mỹ Latinh, giáo dục đại học tư thục chiếm hơn một nửa tổng số sinh viên), và sự đa dạng hóa thể chế đáng kể, “các trường đại học Cordoba” vẫn là tiêu chuẩn vàng. Một số trong đó trở thành những siêu đại học, và nhiều trường là những nhà sản xuất trong nước nổi bật nhất, thực hiện những nghiên cứu liên quan đến những vấn đề địa phương. Ví dụ, Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), lớn nhất trong khu vực, có 350 ngàn sinh viên, bao gồm học sinh của các trường trung học trực thuộc. Đại học Buenos Aires (UBA) hiện có 309 ngàn sinh viên.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do mức tài trợ công cho giáo dục đại học ở hầu hết các nước Mỹ Latinh thấp, những chính sách giáo dục đại học quốc gia thiếu tính liên tục lâu dài do những bất ổn chính trị, và đôi khi do những quan điểm tiêu cực đối với sứ mệnh khoa học của các trường đại học, như chính sách đối nghịch của chính quyền Bolsonaro ở Brazil là ví dụ.

Những thách thức về quản trị của các trường đại học Cordoba

Trường hợp của Đại học São Paulo, trường đại học hàng đầu của Brazil, là một minh họa rõ ràng về việc những hạn chế trong quản trị khiến nhiều trường đại học công lập ở Mỹ Latinh không thể phát triển nhanh chóng do thiếu tính linh hoạt vốn là đặc trưng của những đại học hàng đầu ở những nơi khác. Đại học São Paulo có số lượng lớn nhất những chương trình sau đại học được xếp hạng cao trong nước, mỗi năm đào tạo ra nhiều tiến sĩ hơn bất kỳ trường đại học nào của Hoa Kỳ, tạo ra những nghiên cứu phù hợp với đất nước và là trường đại học công lập được tài trợ cao nhất ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, khả năng quản lý các nguồn lực của trường bị hạn chế nghiêm ngặt bởi những quy định hành chính công cứng nhắc. Trường có ít mối liên kết với cộng đồng nghiên cứu quốc tế; chỉ 3% sinh viên tốt nghiệp của trường đến từ bên ngoài Brazil, và phần lớn các giáo sư là sinh viên tốt nghiệp USP.

Yếu tố quan trọng còn thiếu là tầm nhìn xuất sắc để thách thức hiện trạng và chuyển đổi trường đại học. Điều này được củng cố bởi một hệ thống bầu cử dân chủ những nhà lãnh đạo đại học thúc đẩy chủ nghĩa khách hàng, và sự thay đổi thường xuyên đội ngũ lãnh đạo – một hội đồng nội bộ lớn của trường đại học – khiến quá trình ra quyết định trở nên khó khăn và một nền văn hóa học thuật bình quân không khuyến khích sự công nhận và khen thưởng những nhà nghiên cứu và giảng viên xuất sắc. Ở Brazil, cũng như ở nhiều quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe (LAC), sự thiếu tham vọng chiến lược nhằm phát triển giáo dục đại học có thể nhận thấy ở cấp chính quyền quốc gia cũng như trong giới lãnh đạo các trường đại học.

Những việc có thể làm

Việc chuyển đổi các trường đại học công lập của châu Mỹ Latinh chắc chắn sẽ đòi hỏi một “cuộc cách mạng Cordoba” thứ hai, cần được thúc đẩy bởi tầm nhìn táo bạo từ cộng đồng học thuật và sự hỗ trợ và nguồn lực đáng kể từ chính phủ. Điều này sẽ liên quan đến những thay đổi sau:

* Tăng nguồn tài trợ công: Hiện nay, tài trợ dành cho nghiên cứu chiếm từ 0,3 đến 1% GDP hàng năm, thấp hơn nhiều so với mức đầu tư ở các nước Bắc Âu và các nước Đông Á.

* Tập trung liên tục vào dịch vụ quốc gia và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc: Một trong những điểm mạnh của “các trường đại học Cordoba” truyền thống là cam kết của họ đối với sự phát triển quốc gia và xã hội. Điều cần thiết là giữ lại truyền thống và tầm nhìn này.

* Thiết lập hệ thống quản trị hiện đại cho phép lựa chọn các nhà lãnh đạo đại học chuyên nghiệp; thật trớ trêu, trên phạm vi quốc tế thực tế này được chấp nhận khi lựa chọn huấn luyện viên cho đội tuyển bóng đá quốc gia nhưng lại bị coi là vi phạm đối với các trường đại học. Các trường đại học là những tổ chức phức tạp đòi hỏi sự cân bằng giữa quản lý chuyên nghiệp, học thuật và lãnh đạo.

* Quyền tự chủ và tự do học thuật, đi đôi với trách nhiệm giải trình trước chính phủ, trước nguồn tài trợ chính và trước xã hội.

* Quy mô trong tầm quản lý: Hầu hết các trường đại học đẳng cấp thế giới có số lượng sinh viên từ 40 ngàn sinh viên trở xuống, và có nhiều chương trình học toàn diện ở cả cấp độ đại học và sau đại học.

* Liên ngành: Các trường đại học hàng đầu có cấu trúc và động lực để khuyến khích và cho phép giảng dạy và nghiên cứu liên ngành. Đáng chú ý là điều này không có ở nhiều trường đại học Mỹ Latinh.

* Quốc tế hóa: Các trường đại học Mỹ Latinh nhìn chung tụt hậu so với các trường đại học toàn cầu về kết nối quốc tế, hợp tác học thuật và nghiên cứu cũng như trao đổi học thuật. Mọi khía cạnh của quốc tế hóa đều quan trọng, bao gồm cả việc thúc đẩy sử dụng tiếng Anh nhằm phục vụ cho du học quốc tế và nghiên cứu hợp tác, trong chừng mực tiếng Anh là phương tiện chính của khoa học và học thuật toàn cầu.

Lập luận của chúng tôi không phải là một bài tập học thuật, mà là lời kêu gọi các chính phủ và các nhà lãnh đạo đại học suy nghĩ về vai trò phát triển của các trường đại học của mình trong thế kỷ XXI. Châu Mỹ Latinh xứng đáng có những trường đại học hạng nhất có thể tham gia vào nền khoa học toàn cầu thông qua nghiên cứu cơ bản và ứng dụng tiên tiến hàng đầu, đào tạo những công dân và chuyên gia có đạo đức và đóng góp vào sự phát triển bền vững của các quốc gia Mỹ Latinh – Caribe. Một điều rõ ràng là, mặc dù đổi mới và thành công từ một thế kỷ trước, mô hình “các trường đại học Cordoba” truyền thống không còn phù hợp và cần được xem xét lại. Cần có một cuộc cách mạng khác, lần này không phải là một khuôn mẫu chung như Cordoba đề xuất, mà là dưới dạng những ý tưởng đổi mới và những sáng kiến ​​táo bạo phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của mỗi quốc gia.