Tessa DeLaquil là Trợ lý nghiên cứu và Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: tessa.delaquil@bc.edu. Phần này là phiên bản rút gọn của một bài báo đã xuất bản trước đây trên University World News, ngày 24 tháng 7 năm 2021.
Tóm tắt: Bình đẳng giới trong giáo dục đại học chưa phát triển đồng đều, đặc biệt ở các vị trí lãnh đạo và ra quyết định. Nó có thể được coi là “chưa hoàn thiện” hoặc chỉ đạt “phần nào” ở cấp độ quốc gia/khu vực, lịch sử và văn hóa – xã hội, và cá nhân; và do đó đòi hỏi nỗ lực phối hợp để đảm bảo có sự hỗ trợ ở từng cấp độ.
Giáo dục đại học chưa đạt được sự phát triển đồng đều trong quyền bình đẳng giới, đặc biệt tụt hậu ở các vị trí lãnh đạo và ra quyết định. Bình đẳng giới trong lãnh đạo giáo dục đại học có thể được coi là “chưa hoàn thiện” hoặc chỉ đạt “phần nào” ở các cấp độ quốc gia/khu vực, cấp lịch sử/văn hóa-xã hội, và cấp cá nhân. Do đó, giải quyết vấn đề này và hành động để đạt được mục tiêu này đòi hỏi những nỗ lực phối hợp để đảm bảo sự hỗ trợ ở từng cấp độ.
Báo cáo Quốc tế Tóm tắt về Lãnh đạo Giáo dục Đại học từ Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ (ACE – American Council on Education) và Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE – Center for International Higher Education), có tiêu đề là “Đại diện phụ nữ trong lãnh đạo giáo dục đại học trên toàn thế giới” – cho thấy mặc dù tỷ lệ nữ sinh tiếp cận giáo dục đại học nói chung đã tăng lên ở một số vùng nhưng không phải tất cả (đôi khi có vùng nữ chiếm tỷ lệ cao hơn), sự phát triển này không đồng đều và nói chung là không tương đương ở các vị trí lãnh đạo và ra quyết định.
Báo cáo cho thấy tình trạng “chưa hoàn thiện” về bình đẳng giới ở cấp độ cá nhân, tổ chức, quốc gia và quốc tế. Thật vậy, tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong những quốc gia được khảo sát dao động từ mức không đáng kể tại các cơ sở giáo dục đại học ở Ghana (Adu-Yeboah và cộng sự) hoặc đại học công ở Hồng Kông (Chelan Li & Chui Ping Kam), đến một số vị trí ít ỏi tại các đại học Hồi giáo và đại học công ở Indonesia (Ferary), chỉ chiếm 10% ở Malaysia (Azman), 19.5% ở Nam Phi (Moodly), 24% ở Kazakhstan (Kuzhabekova) và 28% ở vị trí hiệu trưởng ở đại học Úc (Di Iorio).
Mặc dù những rào cản và sự hỗ trợ liên quan đến sự thành đạt của nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học là khác nhau tùy theo bối cảnh xã hội và lịch sử, vẫn có một số điểm chung dễ nhận ra trong những quốc gia tham gia khảo sát giúp hiểu rõ tính chất chưa hoàn thiện của dự án thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo giáo dục đại học.
Hiểu biết về những yếu tố của vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong giáo dục đại học
Xem xét từ khía cạnh đại diện phụ nữ trong vai trò lãnh đạo nói chung và trong giáo dục đại học nói riêng, tính chất chưa hoàn thiện của việc thực hiện quyền bình đẳng giới có thể được hiểu là sự định kiến ở cả ba cấp độ: bối cảnh quốc gia/ khu vực, ảnh hưởng lịch sử và nền tảng văn hóa-xã hội, cấp độ cá nhân và sự phức tạp của bản sắc cá nhân, bao gồm cả những yếu tố khiến phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Ví dụ, có thể thấy tỷ lệ nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học là không đáng kể ngay cả ở một số quốc gia nơi tỷ lệ phụ nữ tham gia (trong các chương trình đại học và sau đại học) đang đạt mức ngang bằng. Hiện tượng này thay đổi theo bối cảnh khu vực và quốc gia, theo loại hình trường học (ví dụ theo xếp hạng và phân loại trường đại học), và theo văn hóa – xã hội, truyền thống và những kỳ vọng văn hóa – xã hội liên quan áp đặt lên phụ nữ. Sự kết hợp của nhiều yếu tố cũng có tính quyết định, vì những dấu hiệu khác của tình trạng bị gạt ra ngoài lề cũng khiến phụ nữ bị hạn chế tham gia vào các vị trí lãnh đạo giáo dục đại học.
Những rào cản đối với thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo giáo dục đại học
Những rào cản đối với thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo giáo dục đại học hiện diện ở tất cả các cấp độ (quốc gia hoặc thể chế, văn hóa và cá nhân), do đó sự hỗ trợ hiệu quả và việc thay đổi cơ cấu cũng cần đáp ứng theo từng cấp độ. Từ những ví dụ nêu ra trong Báo cáo Tóm tắt, chúng ta thấy rằng khi thiếu sự hỗ trợ ở bất kỳ cấp độ nào, dự án tổng thể nhằm đạt được bình đẳng giới trong giáo dục đại học cũng sẽ bị trì trệ hoặc không trở thành hiện thực.
Mặc dù chúng ta không thể giải quyết mọi nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính trong lãnh đạo, nhưng cộng đồng học thuật không phải là bất lực. Cái gọi là trần kính đang được duy trì ít nhất một phần nhờ vào sự tự mãn với cấu trúc và văn hóa trong các tổ chức và cộng đồng học thuật của chúng ta.
Những đóng góp trong Báo cáo Tóm tắt đã chỉ ra những rào cản nhất định đang xuất hiện trở lại ở cả cấp độ trường đại học và xã hội. Ở những cấp độ này, rào cản bao gồm vai trò giới do văn hóa và xã hội xác định, những tiêu chuẩn văn hóa cố hữu hình thành do tôn giáo và lịch sử, sự phân công lao động trong gia đình không công bằng và thiếu nhận thức về tác động của nhiều yếu tố kết hợp với nhau. Cũng ở cấp độ trường đại học và xã hội, rào cản bao gồm mức lương khác biệt theo giới, định kiến liên quan đến năng lực lãnh đạo của phụ nữ, thất thoát trên con đường nghề nghiệp đầy khó khăn, và hiện tại ở các vị trí lãnh đạo có quá ít đại diện nữ. Việc dữ liệu không được tách riêng theo giới nói chung càng hạn chế hiệu quả của quá trình xây dựng quyết sách.
Những xu hướng và rào cản này gia tăng trong đại dịch COVID-19 càng cho thấy rõ sự bấp bênh của những lợi ích đã đạt được trong bình đẳng giới. Ví dụ, sự cố chấp của vấn đề bình đẳng giới liên quan đến công việc nội trợ và chăm sóc gia đình có thể thấy rõ qua sự sụt giảm số lượng những bản thảo học thuật của các tác giả nữ trong thời kỳ đại dịch. Ý tưởng về “vách kính” (rằng có quá nhiều đại diện nữ giữ vai trò lãnh đạo trong thời kỳ khủng hoảng) cho thấy rằng việc đảm nhận những vị trí lãnh đạo bấp bênh có thể không khuyến khích những phụ nữ khác theo đuổi sự thăng tiến lên vị trí lãnh đạo học thuật trong tương lai.
Hỗ trợ đạt được bình đẳng giới trong lãnh đạo giáo dục đại học
Do đó, để hỗ trợ được hiệu quả cần giải quyết những rào cản ở cả ba cấp độ quốc gia hoặc cấp trường, xã hội và văn hóa, và cấp cá nhân. Chính sách chung ở cấp quốc gia nhằm mục tiêu hỗ trợ bình đẳng giới có thể khuyến khích thay đổi cơ cấu và văn hóa. Chính sách ở cấp trường là cần thiết để đảm bảo công bằng về chế độ quyền lợi, ví dụ, nghỉ phép để chăm sóc con cái, yêu cầu về khối lượng công việc, và tuyển dụng, hợp đồng làm việc, và thăng chức. Cần thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu tách riêng theo giới cả trong các cơ sở giáo dục đại học và hệ thống giáo dục đại học toàn quốc nhằm hỗ trợ việc ra quyết định chính sách ở từng cấp độ.
Hỗ trợ và khuyến khích các cá nhân phụ nữ đạt được mục tiêu nghề nghiệp của họ có thể là cách làm hiệu quả, nhưng nhìn chung sẽ hữu ích nhất nếu những biện pháp này được các trường đại học và quốc gia định hướng và quy hoạch.
Ở cấp độ cá nhân, chương trình mục tiêu phát triển năng lực lãnh đạo và các hình thức của chương trình cố vấn đã được áp dụng ở một số quốc gia. Ngoài ra, nhiều mạng lưới giáo dục đại học, cả bên trong và bên ngoài cơ cấu tổ chức hoặc quốc gia, bao gồm các chương trình tìm kiếm, cố vấn và đào tạo phụ nữ trong giáo dục đại học dường như là một cơ chế hiệu quả cao hỗ trợ vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong giáo dục đại học.
Tuy nhiên, nếu chỉ hỗ trợ các cá nhân phụ nữ trong việc điều hướng những cơ cấu có sự hiện diện của phụ nữ là không đủ. Bất công về cơ cấu phải được giải quyết bằng sự công bằng hệ thống thông qua những chính sách cấp quốc gia và đại học. Những thay đổi về văn hóa cũng có thể bắt đầu trong các trường đại học như những không gian phản biện văn hóa, như được chứng minh bằng đóng góp của Renn trong Báo cáo Tóm tắt về vai trò lãnh đạo tại các trường đại học dành cho phụ nữ. Như vậy, công bằng có thể đạt được thông qua sự thay đổi văn hóa trong cách tiếp cận của chúng ta đối với phụ nữ làm lãnh đạo, ví dụ thông qua những thay đổi về chính sách của nhà trường do lãnh đạo có tiếng nói ủng hộ.
Hỗ trợ và khuyến khích các cá nhân phụ nữ đạt được mục tiêu nghề nghiệp của họ có thể là cách làm hiệu quả, nhưng nhìn chung sẽ hữu ích nhất nếu những biện pháp này được các trường đại học và quốc gia định hướng và quy hoạch. Thật vậy, như Regulska khẳng định trong Báo cáo Tóm tắt nói trên, để đảm bảo quyền bình đẳng giới của con người được đáp ứng đòi hỏi cả cá nhân và tập thể phải hành động.
Cuối cùng, mọi ý kiến đóng góp cho Báo cáo Tóm tắt đều ngụ ý rằng rào cản quan trọng nhất đối với sự bình đẳng của phụ nữ trong giáo dục đại học là sự tự mãn bền bỉ trong cộng đồng học thuật của chúng ta. Chúng ta có trong tay những công cụ cần thiết để thực hiện thay đổi ban đầu. Điều cần thiết bây giờ là ý chí nỗ lực để đạt được bình đẳng giới thực sự trong các cộng đồng học thuật và các tổ chức, với hy vọng rằng những bước đi này sẽ hướng đến việc thực hiện quyền bình đẳng giới bên ngoài các trường đại học, trong các quốc gia và trên toàn thế giới của chúng ta.