Ellen Hazelkorn là giáo sư danh dự và là Trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học, Viện Công nghệ Dublin, Ireland; là đối tác của Hiệp hội BH, Tư vấn Giáo dục; là thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: ellen.hazelkorn@tudublin.ie và info@bhassociates.eu., US. Email: ellen.hazelkorn@tudublin.ie và info@bhassociates.eu.
Tóm tắt: Chúng ta có quan tâm nhiều đến những người không học cao đẳng và đại học như những người được học không? Những giả định rằng đại chúng hóa tự nó sẽ mang lại cơ hội cho tất cả mọi người đang bị hoài nghi. Các trường cao đẳng kỹ thuật và trung cấp dạy nghề ngày càng được thừa nhận là đóng một vai trò không thể thiếu trong giáo dục cho người trên 18 tuổi. Nhiều quốc gia đang tiến xa hơn thế bằng việc xem xét định hình lại chính sách xoay quanh giáo dục đại học, bao gồm học chính quy, không chính quy, “cơ hội thứ hai” và học tập suốt đời.
Những thập kỷ gần đây đã chứng kiến sự thành công đáng kể về chính sách làm tăng số lượng thanh niên theo học và hoàn thành giáo dục đại học. Theo Education at a Glance 2020, trong những quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), 45% số người trong độ tuổi 25 – 34 đã gia nhập giáo dục đại học, so với chỉ 28,4 % của độ tuổi 55 – 64, mặc dù tỷ lệ này khác nhau giữa các quốc gia. Con số này có thể sẽ tăng lên 49% trong những năm tới. Bất chấp việc học tập đòi hỏi chi phí cao, những người có trình độ học vấn cao hơn vẫn thành công hơn trong thị trường lao động và các cơ hội trong cuộc sống về lâu dài. Nhưng 50% còn lại thì sao? Chúng ta đã quan tâm nhiều đến những người không theo học đại học chưa?
Siêu toàn cầu hóa, thay đổi nhân khẩu học, khủng hoảng khí hậu và cuộc cách mạng công nghệ – cộng với những thay đổi do đại dịch COVID-19 – tất cả đều đang định hình lại đáng kể thế giới công việc, cách thức và nơi chúng ta sống. Ngoài câu châm ngôn rằng mọi người sẽ làm những công việc mà hiện nay chúng ta thậm chí không biết đến, bản thân lực lượng lao động sẽ trở nên đa dạng hơn, ở nhiều độ tuổi hơn, nhiều phụ nữ hơn và đa dạng về sắc tộc hơn. Theo Trung tâm Phát triển Đào tạo Nghề của châu Âu (European Centre for the Development of Vocational Training – CEDEFOP), những kỹ năng cao hơn sẽ chiếm 41% tổng số kỹ năng cần có vào năm 2030 và gần 45% các công việc sẽ yêu cầu những kỹ năng ở mức trung bình. Tuy nhiên, tính trung bình ở những nước OECD, gần 39% thanh niên trong độ tuổi 25–29 được phân loại là NEET (neither employed nor in education or training) – không có việc làm cũng như không được giáo dục hoặc đào tạo.
Bất chấp việc học tập đòi hỏi chi phí cao, những người có trình độ học vấn cao hơn vẫn thành công hơn trong thị trường lao động và các cơ hội trong cuộc sống về lâu dài.
Những thay đổi này, cùng với sự gia tăng chủ nghĩa dân túy và bất ổn xã hội, đang buộc các nhà hoạch định chính sách phải tập trung vào những điểm yếu lâu nay trong hệ thống giáo dục và đào tạo của mình. Những giả định rằng quá trình đại chúng hóa tự nó sẽ mang lại cơ hội cho tất cả mọi người bằng những cơ chế hòa nhập xã hội và tính di động – đang bị hoài nghi, và những con đường gia nhập giờ đây được coi là cũng khép lại nhiều cơ hội giáo dục và nghề nghiệp tương đương như mở ra những cơ hội mới. Ngược lại với sự chú trọng quá mức vào các trường đại học nghiên cứu sử dụng nhiều tài nguyên, có vị thế cao – sự chú ý đang chuyển hướng tới những trường bị bỏ lại phía sau. Suy cho cùng, 100 trường đại học hàng đầu được liệt kê trong bảng xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới (2019) chỉ chiếm 1,4% tổng số sinh viên trên toàn thế giới.
Phi đại học/TVET là gì?
Giáo dục sau trung học được mô tả hoặc định nghĩa bằng những thuật ngữ khác nhau. Các chính phủ thường cho phép thị trường tự do hoặc hệ thống nhị phân kết hợp của họ tạo ra những loại hình đào tạo khác biệt, và mỗi loại hình đào tạo ra sinh viên tốt nghiệp cho những mục tiêu nghề nghiệp khác nhau. Vào những năm 1970, UNESCO đã phát triển bảng Phân loại Giáo dục Tiêu chuẩn Quốc tế (International Standard Classifcation of Education – ISCED) như một khuôn khổ để phân biệt những chương trình lý thuyết dài hơn với những chương trình thực hành kỹ thuật ngắn hơn tập trung vào kỹ thuật hoặc kỹ năng nghề nghiệp. ISCED sau đó được sửa đổi vào năm 1997 và một lần nữa vào năm 2011.
Giáo dục đại học (ISCED 6–8) được phân định rõ ràng bởi những bằng cấp được quốc tế công nhận (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) chủ yếu do các trường đại học cung cấp. Ngược lại, việc cung cấp đào tạo và thái độ đối với khu vực “phi đại học” khác nhau đáng kể. Bản thân tên gọi này minh họa cho mức độ mà những phát ngôn và chính sách công vẫn đóng khung những tổ chức này và sinh viên của họ là “những tổ chức khác”.
Có nhiều loại chứng chỉ khác nhau được liên kết với ISCED cấp 4 và 5, thường ít được công nhận bên ngoài quốc gia của họ. Loại hình đào tạo này được cung cấp ở nhiều quốc gia, từ những quốc gia có mức độ tiêu chuẩn hóa cao, có sự phân hóa trình độ mạnh mẽ và có mối liên kết giữa giáo dục và thị trường lao động, đến những quốc gia ít có sự phân hóa trình độ và có mối liên kết yếu giữa trường học và thị trường việc làm.
Ví dụ, Đức nhấn mạnh đến sự ngang bằng giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục học thuật. Tại Úc và Ireland, các cơ sở đào tạo hai bậc được thành lập để cung cấp giáo dục nghề nghiệp/chuyên môn từ ISCED 5 đến 8. Các trường cao đẳng cộng đồng ở Hoa Kỳ tập trung vào việc đào tạo lực lượng lao động, đào tạo nghề nghiệp đầu tiên cho sinh viên hoặc đào tạo lại, nâng bậc, hỗ trợ chủ sở hữu những doanh nghiệp nhỏ, hoặc giúp cộng đồng lập kế hoạch phát triển kinh tế. Ở những khu vực như Vương quốc Anh, giáo dục sau trung học phổ thông chủ yếu được coi là nguồn cung cho các trường đại học, dẫn đến tình trạng tranh giành giữa các trường đại học và cao đẳng.
Các cơ sở đào tạo Phi đại học/TVET (giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề) cung cấp lộ trình dẫn đến sự nghiệp có thu nhập cao cũng như đầu vào những cấp độ giáo dục cao hơn cho những người muốn học cao hơn. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, những yếu tố văn hóa xã hội và chính sách lại mặc định rằng những tổ chức này có vị thế tương đối thấp và được cấp kinh phí và nguồn lực ít hơn đáng kể so với các trường đại học.
Định hình lại giáo dục sau trung học (postsecondary) thành giáo dục đại học (tertiary)
Hoạt động dưới những tên gọi khác nhau, các trường cao đẳng TVET, trường bách khoa và những cơ sở tương tự ngày càng được thừa nhận là đóng một vai trò không thể thiếu trong giáo dục cho người từ 18 tuổi. Nhiều quốc gia đang tiến xa hơn bằng việc xem xét định hình lại chính sách xoay quanh giáo dục đại học, bao gồm học chính quy, không chính quy, “cơ hội thứ hai” và học tập suốt đời. Mục tiêu là hướng đến một tập hợp các lộ trình học tập tích hợp hơn và mạng lưới các trường cao đẳng, đại học cung cấp cả kiến thức, kỹ năng phù hợp hơn với thị trường lao động, nhấn mạnh vào việc học tập dựa trên công việc và dựa trên sự hiểu biết công việc.
Những thay đổi cũng đang ảnh hưởng đến giáo dục nghề nghiệp, theo truyền thống vẫn được cung cấp trong các trường kỹ thuật ở cấp trung học. Được thiết kế lại cho thế kỷ XXI, nó vẫn giữ nguyên mô hình “vừa học vừa làm” nhưng giờ đây bao gồm cả những ngành công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, sản xuất tiên tiến, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, v.v…, ngoài những lĩnh vực truyền thống như xây dựng, ô tô, v.v… Nhiều nước đang áp dụng những cách tiếp cận khác nhau, nhưng điều rõ ràng là giáo dục “phi đại học” sau trung học đang chiếm vị trí trung tâm. Là quốc gia đi đầu trong việc đổi mới, New Zealand đã thành lập Ủy ban Cố vấn Giáo dục Đại học (Tertiary Education Advisory Commission – TEAC) vào năm 2000. Ủy ban này đã thông qua một định nghĩa rộng về giáo dục đại học, đưa tất cả các cơ sở đào tạo tư nhân và công lập, giáo dục doanh nghiệp, đào tạo công nghiệp và mọi loại hình học tập suốt đời sau phổ thông trung học – về dưới sự quản lý của Ủy ban Giáo dục Đại học (Tertiary Education Commission – TEC). Wales cũng đang đi theo hướng này với việc soạn thảo luật để thành lập Ủy ban Nghiên cứu và Giáo dục Đại học (Commission for Tertiary Education and Research – CTER). Ireland đã đưa giáo dục sau trung học và giáo dục đại học về cùng một bộ chuyên trách.
Cơ quan Kỹ năng Tương lai của Singapore (Singapore’s Skills Future) cung cấp một bộ chương trình giáo dục và đào tạo phổ quát cho sinh viên, cho công nhân viên chức ở ba mức thâm niên khác nhau, và cho người sử dụng lao động; bộ chương trình này được xây dựng như một phần của Khung Kỹ năng Singapore. Nó liên quan đến một loạt các nhà cung cấp giáo dục sau trung học, bao gồm cả các trường bách khoa Polytechnic. Mạng lưới liên bang gồm các tổ chức giáo dục nghề nghiệp, khoa học và công nghệ của Brazil tập hợp hơn 40 trường khác nhau. Ethiopia đã xác định TVET là ưu tiên quốc gia đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế quốc tế hóa năng động, được dẫn dắt bởi ngành công nghiệp. Tổng thống Hoa Kỳ Obama, và bây giờ là Tổng thống Biden, đề xuất miễn học phí cho hai năm cao đẳng cộng đồng.
Liên minh châu Âu đã khởi động sáng kiến Trung tâm dạy nghề xuất sắc (Centres of Vocational Excellence initiative), đặt giáo dục nghề nghiệp vào trung tâm của hệ sinh thái kỹ năng góp phần vào sự phát triển và đổi mới của khu vực, kinh tế và xã hội. Tại Vương quốc Anh, Ủy ban về Trường Cao đẳng của Tương lai (Commission on the College of the Future) đã công bố một số báo cáo, đề ra một chương trình tương tự cho các trường cao đẳng sau trung học. Ở cấp độ quốc tế, có Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ thuật và Dạy nghề Quốc tế của UNESCO (UNESCO International Centre for Technical and Vocational Education and Training – UNEVOC) và CEDEFOP.
Thay đổi nhận thức về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo
Thường xuyên bị gạt sang một bên hoặc bị coi nhẹ trong cơn sốt phổ cập giáo dục đại học, hoặc bị coi là một lựa chọn rẻ tiền, giáo dục nghề nghiệp sau trung học/TVET hiện được công nhận là một thành phần thiết yếu của hệ thống giáo dục (đại học) và hệ sinh thái rộng hơn. Bởi vì giáo dục sau trung học đã bao gồm cả phát triển kỹ năng cũng như phổ biến đổi mới và nghiên cứu ứng dụng – những yếu tố khi kết hợp cùng nhau có thể tác động trực tiếp hơn đến tăng trưởng kinh tế, văn hóa và xã hội bền vững, đặc biệt là ở những khu vực kém phát triển hơn. Nó đáp ứng những nhu cầu về đào tạo lại và nâng cao kỹ năng và có thể góp phần giải quyết những thách thức về nhân khẩu học — ngoài vai trò mạnh mẽ và trách nhiệm xã hội của nó đối với những cộng đồng thiệt thòi và thiểu số. Mục tiêu của việc tạo ra một hệ thống đại học thống nhất, bao gồm những nhà cung cấp giáo dục khác nhau cùng hợp tác, mỗi nhà cung cấp đều hướng tới mục tiêu trở thành tốt nhất trong loại hình của mình – là một ý tưởng đúng thời điểm.