Barbara M. Kehm là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Khoa học và Xã hội Leibniz (LCSS), Leibniz University of Hannover, Đức. Email: bmkehm@t-online.de.
Tóm tắt: Giáo dục đại học của Đức là một hệ thống nhị phân chủ yếu bao gồm các trường đại học và trường đại học khoa học ứng dụng (UAS) – ban đầu được định hình là những tổ chức chỉ giảng dạy những chương trình cấp bằng ứng dụng. Bài báo này tập trung vào lĩnh vực UAS, nhưng cũng cung cấp thông tin về giáo dục và đào tạo nghề (được coi là giáo dục sau trung học, nhưng không mang tính học thuật và không phải là một phần của giáo dục đại học). Nó cho thấy vì sao và theo cách nào mà ranh giới giữa các khu vực khác nhau của giáo dục sau trung học ngày càng trở nên mờ nhạt.
Khu vực phi đại học của giáo dục sau trung học ở Đức là một bối cảnh khá phức tạp bao gồm các loại hình giáo dục đại học khác nhau và một hệ thống giáo dục và đào tạo nghề lớn. Hơn nữa, có sự phân biệt rõ ràng giữa các trường công và tư. Bài viết này mô tả sự sắp xếp này và cung cấp thông tin về một số vấn đề của nó.
Các trường đại học khoa học ứng dụng
Mặc dù có tên tiếng Anh chính thức là đại học (Universities of Applied Sciences), các trường đại học khoa học ứng dụng (UAS, Fachhochschulen) vẫn bị coi là những tổ chức phi đại học. Ra đời vào năm 1972 như một loại hình cơ sở giáo dục đại học mới để tạo ra một sự thay thế cho các trường đại học, UAS cung cấp nơi học tập bổ sung trong giai đoạn mở rộng giáo dục đại học. Ban đầu, UAS được xem như những tổ chức chuyên giảng dạy, không thực hiện nghiên cứu và không được phép cấp bằng tiến sĩ. Học sinh có thể đăng ký vào học tại UAS khi học xong 12 năm ở phổ thông; trong khi để vào một trường đại học cần hoàn thành 13 năm. Các giáo sư tại UAS không bắt buộc phải có bằng habilitation (một dạng bằng tiến sĩ thứ hai), nhưng thay vào đó phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm chuyên môn bên ngoài lĩnh vực giáo dục đại học. Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, các UAS cũng được triển khai ở những bang Đông Đức mới mà trước đây chúng chưa có mặt. Hiện tại, khoảng 40% tổng số sinh viên ở Đức theo học trong các UAS.
Hệ thống giáo dục đại học công lập của Đức bao gồm 121 trường đại học, 218 UAS và 57 cơ sở giáo dục đại học về nghệ thuật và âm nhạc. Trong số 218 UAS, có 30 “UAS dành cho hành chính công”, chuyên đào tạo những ngành nghề khác nhau trong khu vực công. So với các trường đại học, UAS chủ yếu cung cấp các chương trình cấp bằng theo định hướng ứng dụng hoặc thực hành, có nhiều ngành học hơn và chủ yếu cấp bằng cử nhân. Các nhóm ngành học chính có thể thấy tại các UAS là kỹ thuật, quản trị kinh doanh và chăm sóc sức khỏe/công tác xã hội. Theo thời gian, nhiều ngành học khác nhau (ví dụ: du lịch, bất động sản, quản lý khách sạn, v.v…) đã được thêm vào như hệ quả của quá trình học thuật hóa. Nét điển hình của các chương trình cấp bằng tại UAS là bao gồm ít nhất một kỳ thực tập bắt buộc.
Sự khác biệt rõ ràng ban đầu giữa các trường đại học và UAS đã mờ dần đi ở mức độ nào đó. Một số lượng lớn các UAS đã hợp tác thực hiện những nghiên cứu và phát triển thường được áp dụng tại các tổ chức hoặc công ty khu vực tư nhân. Họ cũng cấp bằng thạc sĩ trong ít nhất một số ngành học. Ở một vài bang của Đức, UAS thậm chí còn được quyền cấp bằng tiến sĩ cho những lĩnh vực nghiên cứu mà họ có thế mạnh. Ở những bang khác, sinh viên tốt nghiệp UAS có thể học tiếp lên chương trình tiến sĩ với điều kiện trường của họ có thỏa thuận hợp tác với một trường đại học là trường sẽ cấp bằng. Trong những trường hợp như vậy, sinh viên được hướng dẫn đồng thời bởi một giáo sư đại học và một giáo sư của UAS. Các trường đại học cố gắng bảo vệ và giữ độc quyền trong việc cấp bằng tiến sĩ và hoàn toàn không hài lòng với việc sự khác biệt giữa hai khu vực này đang dần bị xóa mờ.
Các tổ chức giáo dục đại học kép
Giáo dục sau trung học của Đức còn có hai loại tổ chức phi đại học khác nữa: UAS dành cho hành chính công (đã đề cập ở trên) và, ở một số bang còn được gọi là “tổ chức giáo dục đại học kép – dual higher education institutions”. Có 30 UAS dành cho quản lý công trong hệ thống giáo dục đại học của Đức, với hơn 57 ngàn sinh viên. Chúng tạo thành một loại hình đặc biệt hoặc loại hình phụ trong khu vực UAS. Sinh viên trong những cơ sở này là những người làm công tác quản lý nhà nước, thường là công chức, được người sử dụng lao động cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn và để có đủ điều kiện thăng tiến trong công vụ. Sau khi tốt nghiệp, họ trở lại nơi làm việc cũ hoặc đến nơi làm việc khác cũng trong khu vực dịch vụ công.
Đức có tổng cộng 41 cơ sở giáo dục đại học kép, hầu hết ở các bang Baden – Wuerttemberg và Thuringia. Trong khi ở bang Baden – Wuerttemberg những cơ sở loại này thuộc khu vực giáo dục đại học, thì ở bang Thuringia chúng là một phần của giáo dục và đào tạo nghề sau trung học. Những học sinh có chứng chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở và có hợp đồng giáo dục và đào tạo nghề với một công ty/doanh nghiệp có thể học ở những cơ sở này trong ba năm và tốt nghiệp với bằng cử nhân ứng dụng, đồng thời được đào tạo thực hành ở công ty/doanh nghiệp đã ký hợp đồng. Các chương trình cấp bằng kép hiện cũng được cung cấp tại các trường đại học và UAS; đây cũng là một hình thức xóa mờ sự khác biệt giữa 2 khu vực.
Đức nổi tiếng là nơi có khu vực giáo dục và đào tạo nghề (sau trung học) lớn và rất thành công, nhưng lại không được coi là một phần của giáo dục đại học.
Giáo dục và đào tạo nghề sau trung học
Đức nổi tiếng là nơi có khu vực giáo dục và đào tạo nghề (sau trung học) lớn và rất thành công, nhưng lại không được coi là một phần của giáo dục đại học. Để nhận được bằng cấp nghề nghiệp trong khu vực này cần khoảng ba đến ba năm rưỡi. Nhìn chung, khu vực này đào tạo 325 ngành nghề khác nhau. Phần giáo dục được thực hiện trong các trường chuyên nghiệp và cung cấp kiến thức lý thuyết khung của một nghề nhất định. Phần đào tạo được thực hiện trong các công ty, doanh nghiệp, khu vực công và do các thợ lành nghề hướng dẫn. Quá trình đào tạo nghề đòi hỏi sự tham gia hướng dẫn của một nghệ nhân bậc thầy.
Giáo dục và đào tạo nghề được chia thành sáu lĩnh vực ngành nghề lớn: công thương (bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, ăn uống và vận tải và giao thông); nghề thủ công; nông nghiệp; dịch vụ công cộng; các ngành nghề độc lập; và kinh tế gia đình. Bằng cấp bao gồm nhiều bậc như công nhân lành nghề hoặc kỹ thuật viên, thợ thủ công, và thợ thủ công bậc thầy. Năm 2019, có gần 1,33 triệu học viên (với 35% là nữ) đăng ký vào khu vực giáo dục và đào tạo nghề, nhiều hơn số sinh viên đang theo học tại các UAS. Bởi vì các học viên cũng tham gia vào quá trình sản xuất tại công ty/doanh nghiệp mà họ đang được đào tạo, họ sẽ được nhận một mức lương khiêm tốn tính từ ngày đầu tiên gia nhập, mức lương này tăng lên hàng năm.
Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với một kiểu xóa nhòa ranh giới khác, đó là ngày càng nhiều ngành nghề và nghề thủ công đang chuyển sang khu vực giáo dục đại học (UAS hoặc các cơ sở giáo dục đại học kép). Nhưng trường hợp xóa nhòa sự khác biệt và quá trình học thuật hóa này khiến cho các tổ chức ở cả hai khu vực đều không hài lòng. Các chuyên gia giáo dục đã dự đoán những diễn biến này từ khá lâu. Những chuyển đổi này chủ yếu được coi là do sự ra đời của hệ thống hai bậc bằng cử nhân và thạc sĩ thông qua việc thực hiện Tiến trình Bologna, và sự phát triển toàn cầu do sự trỗi dậy của các xã hội tri thức và nền kinh tế.