Kenya: Sự lệch pha giữa đại học và thị trường lao động

 

Ishmael I. Munene là Giáo sư khoa Educational Leadership, Northern Arizona University, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Tóm tắt: Tỷ lệ thất nghiệp sau đại học ở châu Phi là một vấn đề chính sách nhức nhối gây lo ngại cho các bên liên quan. Ở Kenya, những rào cản nội tại cũng như thất bại cải tổ là nguyên nhân dẫn đến sự lệch pha giữa các chương trình đào tạo đại học thị trường lao động. Tuy nhiên, một số cải tổ khiêm tốn cùng với những con đường thay thế cho giáo dục sau phổ thông vẫn đem lại chút hy vọng.

Về lý thuyết, giáo dục đại học và việc làm có mối liên hệ chặt chẽ, nhưng ở châu Phi thất nghiệp là một quả bom hẹn giờ, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp dài hạn lên tới 50%. Điều này đặt ra câu hỏi về bản chất của giáo dục đại học và nhu cầu của thị trường lao động ở lục địa châu Phi. Mặc dù bài viết này tập trung vào Kenya, vấn đề được nêu ra và những đề xuất cải cách có liên quan đến giáo dục đại học và việc làm ở châu Phi nói chung.

Mới đây, Hội đồng tuyển dụng giáo viên công lập (Teaching Service Commission – TSC) tuyên bố ngừng tuyển dụng những cử nhân tốt nghiệp đại học sư phạm. Trong khi đó, các trường đại học mở mới chương trình đào tạo giáo viên, theo đó sinh viên hoàn thành chương trình cử nhân trong những lĩnh vực chuyên môn khác, sau đó học thêm một năm để lấy chứng chỉ sư phạm sau đại học. Vài tuần sau, Ủy ban Giáo dục Đại học chỉ đạo các hiệp hội nghề nghiệp tuân theo lệnh của toà án, ngừng công nhận những chương trình đào tạo giáo viên của các trường đại học. Những hành động này thể hiện sự phản ứng của thị trường lao động về những khiếm khuyết của sinh viên tốt nghiệp đại học.

Đại học không đồng hành với thị trường lao động

Về đại thể, thất nghiệp gắn liền với hoạt động kinh tế. Suy thoái kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp những chương trình tập trung đào tạo kỹ năng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Kenya với hoạt động kinh tế tương đối tốt, thất nghiệp bị cho là có nguyên nhân từ sự yếu kém nội tại của giáo dục đại học, đặt ra bài toán nan giải về việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học.

Cục Thống kê Quốc gia Kenya năm 2020 báo cáo tỷ lệ thất nghiệp trên 32,4% trong thanh niên độ tuổi từ 20 đến 29, nhóm tuổi của sinh viên tốt nghiệp đại học, trong đó thất nghiệp dài hạn chiếm 7,9%. Thời đại mà sinh viên tốt nghiệp đại học được đảm bảo việc làm đã suy tàn trong hai thập kỷ qua, khi tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp gia tăng trong nhiều năm. Ngay cả những ngành chuyên môn có nhu cầu cao như khoa học y tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh doanh cũng không tránh khỏi vấn nạn này.

Các bên liên quan cho rằng nguồn gốc của vấn đề là sự thiếu phù hợp của các chương trình đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Sự lệch pha này được cho là do ba nguyên nhân chính: quá trình phát triển chương trình tập trung quá nhiều vào học thuật hơn là vào yêu cầu của nghề nghiệp; chỉ chú trọng đáp ứng nguồn tuyển dụng của chính phủ; không xem xét một cách đầy đủ vai trò của các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp.

Mặc dù chính phủ đặt tiền đề cho phát triển giáo dục đại học – công và tư – là đáp ứng nhu cầu nhân lực, các trường lại tập trung vào những yêu cầu học thuật. Ngoại trừ 5 trường đại học công lập hàng đầu (Đại học Nairobi, Đại học Kenyatta, Đại học Moi, Đại học Nông nghiệp & Công nghệ Jomo Kenyatta, và Đại học Egerton) được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của chính phủ, 72 trường đại học công và tư còn lại được thành lập mà không có bất kỳ đánh giá nào về nhu cầu thị trường lao động của nền kinh tế quốc dân. Chính trị và liên minh tôn giáo là động lực chính khiến giáo dục đại học mở rộng. Chỉ trong vòng một năm 2012-2013, 23 trong số 38 trường đại học công lập đã được thành lập để đáp ứng yêu cầu chính trị liên quan đến những nhóm dân tộc khác nhau. Ngày nay, gần như tất cả những hệ phái tôn giáo lớn đều có trường đại học; đây là động lực chính thúc đẩy khu vực đại học tư thục phát triển. Đặc điểm chung của những trường đại học mới thành lập gần đây là chương trình đào tạo hầu như không đáp ứng trực tiếp cho nhu cầu việc làm, họ tập trung vào khoa học nhân văn, khoa học xã hội, khoa học cơ bản và truyền thông.

Di sản lâu đời của chính phủ với tư cách là nhà tuyển dụng chính ngấm sâu trong hầu hết các chương trình đào tạo đại học.

Bất chấp logic của đào tạo là đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực, những chương trình hiện hành trong các trường đại học hiếm khi phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Cho dù cuộc tranh luận có ngã ngũ về việc đại học nên chú trọng đào tạo ra sinh viên tốt nghiệp phù hợp với công việc hay nên truyền tải kiến thức, thực tế cuộc sống sau khi tốt nghiệp đòi hỏi tập trung vào một số kỹ năng mà những nhà tuyển dụng tiềm năng mong muốn. Nhà tuyển dụng ở Kenya phàn nàn về việc sinh viên mới tốt nghiệp thiếu kỹ năng trong công việc. Khảo sát của Liên đoàn Nhà tuyển dụng Kenya năm 2018 ghi nhận rằng 64% sinh viên tốt nghiệp đại học thiếu những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần, bao gồm tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, sáng tạo, làm việc nhóm, giao tiếp và kỹ năng viết. Khả năng tạo ra việc làm của sinh viên tốt nghiệp cũng là một vấn đề quan trọng đối với các bên liên quan, tuy nhiên tinh thần khởi nghiệp hầu như không có trong các chương trình đào tạo, khiến mục tiêu này không thể đạt được.

Di sản lâu đời của chính phủ với tư cách là nhà tuyển dụng chính ngấm sâu trong hầu hết các chương trình đào tạo đại học. Nông nghiệp, thú y, lâm nghiệp, hành chính công, kinh tế và giáo dục là những ngành được thiết kế để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nhà nước vào những năm 1960. Từ 20 năm nay, nhà nước không còn là nhà tuyển dụng chính đối với sinh viên tốt nghiệp, nhưng nội dung các chương trình đào tạo không phản ánh thực tế này. TSC là cơ quan chính phủ tuyển dụng giáo viên cho các trường công lập, có quy mô tuyển dụng 100 ngàn giáo viên. Tuy nhiên, vào năm 2020, hạn chế về ngân sách chỉ cho phép họ tuyển 12 ngàn giáo viên. Họ chỉ tuyển những giáo viên tốt nghiệp vào năm 2015. Mặc dù 56 (74%) trong số 77 trường đại học đang có chương trình đào tạo giáo viên.

Dịch vụ tư vấn nghề nghiệp hỗ trợ triển vọng được tuyển dụng bằng cách trang bị cho sinh viên kiến thức thực tế và nền tảng vững chắc để tham gia thị trường việc làm. Bên cạnh việc cung cấp cơ hội thực tập, các trung tâm nghề nghiệp cần có đội ngũ nhân viên tốt để hỗ trợ sinh viên chuẩn bị cho phỏng vấn, chuẩn bị hồ sơ cá nhân cũng như cải thiện kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường đại học của Kenya hiện không có những dịch vụ nghề nghiệp mạnh mẽ và chuyên gia về nghề nghiệp. Văn phòng Dịch vụ Nghề nghiệp tại Đại học Nairobi, trường đại học hàng đầu của đất nước, chỉ có hai nhân viên chuyên nghiệp cho 77 ngàn sinh viên.

Những cải cách chưa từng diễn ra

Đã có những cải cách giáo dục để giải quyết vấn đề thất nghiệp, nhưng những cải cách này không đặt ra mục tiêu chuyển đổi giáo dục đại học. Ủy ban Giáo dục Ominde năm 1964 – Ủy ban giáo dục đầu tiên sau khi Kenya giành độc lập – đã đưa ra những khuyến nghị tập trung vào sự thống nhất quốc gia, tăng cường nguồn nhân lực và tạo ra của cải. Ủy ban McKay năm 1985 đưa ra những cải cách 8–4–4 tập trung vào việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng thực tế trong nông nghiệp, thương mại và nghệ thuật sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Cải cách chương trình giảng dạy dựa trên năng lực năm 2017 đã đổi mới chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở để phát triển năng lực của học sinh trong việc nắm vững nội dung, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề phức tạp, v.v…, giúp cho học sinh chủ động hơn.

Chính phủ đã làm mọi việc cần thiết để những cải cách cơ cấu và chương trình giảng dạy trong hệ thống phổ thông đạt được những khuyến nghị của Ủy ban. Những quy định về quyền tự chủ và tự do học thuật cho phép các trường đại học có thể cải cách chương trình giảng dạy của họ theo khuyến nghị của chính sách cũng như quyết định riêng của họ. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Các trường đại học chỉ sửa đổi số năm học ở bậc đại học, mà vẫn giữ nguyên chương trình giảng dạy.

Vẫn chưa mất hết

Các nhà quản lý giáo dục đại học và hoạch định chính sách đã nhận thấy cần cải thiện tình hình này. Các trường đại học đã bắt đầu tìm kiếm những biện pháp khắc phục mặc dù đang theo những cách hạn chế. Có thể tìm thấy trên trang web của các trường đại học những bảng liệt kê triển vọng nghề nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp của mỗi ngành học và danh sách những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực đó. Một số trường đại học cung cấp chương trình đào tạo khởi nghiệp nhằm nhấn mạnh thông điệp tạo việc làm khi tốt nghiệp. Những trường đại học mới thành lập gần đây cung cấp những chương trình đào tạo mới tập trung vào thị trường lao động như du lịch, quản lý nhà hàng và nghiên cứu chính sách.

Nhờ nhà nước đưa ra những biện pháp khuyến khích tạo ra triển vọng việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hệ Kỹ thuật, Dạy nghề và Đào tạo (TVET), các trường cao đẳng TVET trở nên có sức thu hút lớn. Gần như tất cả sinh viên tốt nghiệp cao đẳng TVET đều có việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp của riêng họ. Cơ quan chủ quản TVET đặt ra chính sách, công nhận các trường cao đẳng và giám sát quy chế để đảm bảo chất lượng của các chương trình đào tạo. Ngoài ra, sinh viên đăng ký vào những trường này đủ điều kiện để xin hỗ trợ tài chính của chính phủ thông qua Hội đồng Tín dụng Đại học. Chương trình TVET thành công đến mức được 10% học sinh đầu vào đại học lựa chọn. Những trường đại học lâu đời trước đây vẫn được coi là điểm khởi đầu của con đường đảm bảo việc làm – đang mất dần danh tiếng.