Ireland: Cảnh báo về chính sách miễn học phí

Ireland: Cảnh báo về chính sách miễn học phí

Arthur M. Hauptman

Arthur M. Hauptman là Nhà tư vấn độc lập trong lĩnh vưc chính sách công, chuyên về các vấn đề tài chính giáo dục đại học. Email: [email protected]. Bài viết này được tóm tắt từ một báo cáo chung của hai tác giả là Jason Delisle và Arthur Hauptman và được phát hành gần đây bởi Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Tóm tắt: Giáo dục đại học Ireland đã trải qua một thực tiễn phức tạp từ năm 1995, khi quốc gia này bắt đầu thực hiện chính sách miễn học phí đối với sinh viên đại học chính quy. Số lượng tuyển sinh đã tăng gấp đôi, tỷ lệ hoàn thành vẫn cao và tỷ lệ đạt mục tiêu học tập tăng gấp ba (mặc dù chủ yếu là ở người lao động nước ngoài có trình độ cao chuyển đến định cư ở Ireland). Tuy nhiên, công bằng vẫn là một vấn đề và sự bùng nổ đầu tư vào nền kinh tế đã góp phần gây ra những lo ngại về chất lượng. Bài học cho những quốc gia đang cân nhắc các hình thức miễn học phí là cần có nguồn tài trợ bền vững để đảm bảo thành công.

Bắt đầu từ năm 1995, Ireland bãi bỏ việc thu học phí đối với sinh viên đại học chính quy; tại thời điểm đó, học phí ở quốc gia này cao hơn 20% so với mức học phí tại các trường hàng đầu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đồng thời, học phí được thay thế bằng hệ thống phí đăng ký áp dụng với tất cả sinh viên; khi đó là 200 USD, nhưng hiện nay là khoảng 3.600 USD, tăng gấp 10 lần tính theo giá trị thực tế. Mức phí này thấp hơn mức học phí trung bình ở Hoa Kỳ, nhưng cao hơn mức học phí hiện nay ở nhiều nước châu Âu. Đồng thời, chính phủ Ireland cũng cấp cho các cơ sở giáo dục những khoản tài-trợ-thay-cho-học-phí, để bù đắp một phần học phí bị mất.

Giống như kỳ vọng của những người hiện nay đang ủng hộ miễn học phí ở những quốc gia khác, Ireland khi đó hy vọng đạt được nhiều mục tiêu: nhiều sinh viên đăng ký vào đại học hơn, cơ hội tiếp cận tốt hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn và nhiều loại bằng cấp hơn dẫn đến lực lượng lao động sẽ có nhiều người có trình độ hơn — đạt được tất cả những thứ đó, trong khi vẫn duy trì được hoặc cải thiện hơn nữa chất lượng của giáo dục đại học.

Ireland đạt được gì từ chế độ miễn học phí?

  • Kinh phí và nguồn lực: Kể từ khi học phí bị loại bỏ vào giữa những năm 1990, tài trợ cho giáo dục đại học ở Ireland đã trải qua một mô hình bùng nổ và phá sản. Nguồn lực của chính phủ có xu hướng tăng lên khi nền kinh tế phát triển vượt bậc, nhưng lại cạn kiệt trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Nguồn thu từ học phí của một số sinh viên, và phí đăng ký của tất cả sinh viên thường không thể theo kịp với việc cắt giảm tài trợ của chính phủ. Trong suốt 25 năm, mức chi tiêu cho mỗi sinh viên tăng nhẹ khi được điều chỉnh theo lạm phát. Tuy nhiên, những nguồn lực dành cho giáo dục đại học của Ireland tăng rất chậm so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kết quả là chi tiêu cho giáo dục đại học tính theo tỷ trọng GDP, từ trước vốn đã thấp theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp tục giảm từ năm 1995 đến năm 2015; trong khi ở nhiều nước công nghiệp phát triển khác chi tiêu cho giáo dục đại học tính theo tỷ trọng GDP đang tăng lên.
  • Tỷ lệ tham gia vào giáo dục đại học: Số lượng đăng ký vào giáo dục đại học ở Ireland đã tăng gấp đôi kể từ khi chính phủ ban hành chế độ miễn học phí, được thúc đẩy bởi hai yếu tố: Ireland là một trong những quốc gia có dân số phát triển nhanh nhất ở châu Âu và sự gia tăng tỷ lệ vào đại học từ 1/3 trong những năm 1990 lên hơn 1/2 trong những năm gần đây. Khi dân số trong độ tuổi đại học ngày càng tăng, nhu cầu học đại học hiển nhiên sẽ tăng lên, nhưng miễn học phí có thể là một yếu tố góp phần quan trọng vào việc tăng tỷ lệ vào đại học ở Ireland.
  • Bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học: Cải thiện cơ hội tiếp cận cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là động lực chính để Ireland thực hiện miễn học phí. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ ra rằng mặt này đạt được rất ít tiến bộ. Chắc chắn là so với hai thập kỷ trước, sinh viên từ những gia đình có thu nhập thấp ở Ireland tham gia vào giáo dục đại học nhiều hơn, nhưng số lượng nhập học của đối tượng này vẫn thấp hơn nhiều so với sinh viên từ những gia đình giàu có, đặc biệt trong những trường đại học chọn lọc nhất.
  • Tỷ lệ hoàn thành các chương trình bằng cấp: Số lượng bằng đại học được cấp đã tăng khoảng 2/3 kể từ khi bắt đầu chế độ miễn học phí – kết quả của sự gia tăng tỷ lệ vào đại học và duy trì tỷ lệ hoàn thành chương trình học cao hơn 80%. Ireland có thể duy trì tỷ lệ hoàn thành cao trong khi cơ hội tiếp cận đại học tăng mạnh, ít nhất một phần nhờ vào quy trình tuyển sinh chọn lọc tập trung của quốc gia này.
  • Đạt mục tiêu học tập: Thành tựu đáng chú ý nhất của Ireland kể từ khi bãi bỏ học phí là tỷ lệ đạt mục tiêu học tập tăng gấp ba lần – tỷ lệ người lao động có trình độ đại học/cao đẳng. Do đó, Ireland hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ đạt mục tiêu học tập cao nhất trên thế giới và do đó, được coi là một trong những câu chuyện thành công lớn trong giáo dục đại học quốc tế trong 1/4 thế kỷ qua. Nhưng sự bùng nổ tỷ lệ đạt mục tiêu học tập ở Ireland là do tác động của mô hình nhập cư nhiều hơn là của bất kỳ sự đầu tư nào vào giáo dục đại học. Từ trước tới nay, thanh niên Ireland có xu hướng di cư sang những nước khác trong những thời kỳ kinh tế khó khăn. Nhưng trong giai đoạn Celtic Tiger, vào cuối thế kỷ XX và vào đầu thế kỷ XXI, những công ty công nghệ cao và thâm dụng tri thức đã trở thành động lực chính của nền kinh tế Ireland và thu hút một số lượng lớn nhân lực được đào tạo bài bản từ những nước khác. Do đó, trong lực lượng lao động ở Ireland hiện nay lao động sinh ra ở nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn hơn và có trình độ cao hơn nhiều so với lao động sinh ra ở bản xứ. Điều này trái ngược với nhiều quốc gia OECD khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, nơi lao động bản xứ chiếm tỷ lệ lớn hơn trong lực lượng lao động và thường có trình độ chuyên môn cao hơn lao động sinh ra ở nước ngoài.
  • Chất lượng giáo dục: hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao của Ireland ghi nhận những kỷ lục trái ngược. Chương trình đảm bảo chất lượng trường đại học và khung trình độ được đánh giá cao trong các cuộc thảo luận quốc tế. Nhưng nguồn lực khiêm tốn và chậm tăng trưởng, kết hợp với số lượng tuyển sinh có mức tăng trưởng nhanh hơn nhiều – theo thời gian đã đè nặng lên hệ thống, góp phần làm tăng tỷ lệ sinh viên/giảng viên và làm xuống cấp cơ sở vật chất và thiết bị. Do rất khó đo lường chất lượng giáo dục đại học ở bất kỳ quốc gia nào, nhiều nhà quan sát tin rằng chất lượng giáo dục đại học của Ireland bị ảnh hưởng đáng kể theo một số cách, kể từ khi áp dụng chính sách miễn học phí.

 

Số lượng bằng đại học được cấp đã tăng khoảng hai phần ba kể từ khi bắt đầu chế độ miễn học phí.

Bài học cho những quốc gia đang cân nhắc dự kiến miễn học phí

Kinh nghiệm của Ireland trong việc thực hiện miễn học phí đúc kết thành một số bài học cho những quốc gia đang tích cực tìm kiếm những lựa chọn giáo dục đại học miễn phí. Để thành công, đại học miễn phí đòi hỏi mức đầu tư cao của chính phủ để thay thế cho học phí mà sinh viên đáng lẽ phải trả, và để có nguồn lực lớn hơn mức đó. Nếu không có một cam kết tài chính bền vững như vậy, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi số lượng tuyển sinh tăng nhanh.

Kinh nghiệm của Ireland cũng cho thấy việc bãi bỏ học phí không đảm bảo để tiếp cận đại học bình đẳng hơn. Nếu không có những biện pháp bổ sung như trợ giúp chi phí sinh hoạt cho sinh viên nghèo và nhiều dịch vụ tư vấn hơn, sự phân tầng sẽ tiếp tục, vì sinh viên từ những gia đình giàu có đăng ký vào những cơ sở chọn lọc nhất sẽ vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn.

Không thu học phí không có nghĩa là sinh viên không phải trả bất cứ khoản phí nào khi vào đại học. Khi học phí được loại bỏ vào những năm 1990, Ireland đặt ra mức lệ phí đăng ký khiêm tốn; đó dường như là một cách hợp lý để đảm bảo rằng sinh viên vẫn phải trả một số phí. Nhưng lệ phí đăng ký này tăng lên nhanh chóng theo thời gian có nghĩa là nó đã thay thế cho phần lớn khoản kinh phí đáng lẽ là học phí. Như vậy, giáo dục đại học của Ireland hiện nay không còn là miễn phí. Về vấn đề này, Ireland cũng giống như một số quốc gia khác và các bang của Mỹ như California, nơi không thu học phí nhưng lệ phí có thể khá cao.

Tỷ lệ người lao động có bằng đại học ở Ireland tăng đáng kể từ khi chính sách miễn học phí được áp dụng đã đóng vai trò quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế và xu hướng nhập cư hơn bất kỳ khoản đầu tư nào — đúng hơn là khi thiếu sự đầu tư— vào hệ thống giáo dục đại học.

Cuối cùng, việc đặt ra một loại phí do chính phủ trả cho các cơ sở giáo dục để thay thế một số khoản phí mà sinh viên đáng lẽ phải trả là một ý tưởng hay. Nhưng tổng số tiền tài trợ thay thế cho những khoản phí này đã bị giới hạn ngay từ khi chương trình được đưa ra, có nghĩa là khi số lượng đăng ký học tăng lên, mức tài trợ cho mỗi sinh viên sẽ giảm xuống, khiến những trường đang phát triển bị hạn chế dòng tiền. Sẽ là một cách tiếp cận tốt hơn nhiều nếu mức tài trợ tính theo đầu sinh viên vẫn không đổi dù số lượng đăng ký tăng lên.

Nhưng nhìn chung, trải nghiệm của Ireland với chính sách miễn học phí trong 1/4 thế kỷ qua chứa đựng một số bài học quan trọng đối với những quốc gia đang cân nhắc các đề xuất đại học miễn phí.