Giảm ghi danh vào các trường cao đẳng cộng đồng: Chia rẽ kinh tế ở Mỹ

 

Anthony P. Carnevale là Giám đốc và là Giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục và Lực lượng Lao động của Đại học Georgetown, Washington, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Tóm tắt: Số lượng sinh viên ghi danh vào các trường cao đẳng cộng đồng của Hoa Kỳ đã giảm xuống trong đại dịch COVID-19. Sự sụt giảm này là một bất lợi đặc biệt nghiêm trọng đối với người lao động, vì trình độ học vấn sau trung học đã trở nên giá trị hơn trên thị trường lao động Hoa Kỳ. Điều này làm nổi bật khoảng cách ngày càng tăng giữa những người được và không được đào tạo sau trung học ở Hoa Kỳ.

Thị trường lao động Hoa Kỳ đang trải qua một thời kỳ thay đổi sâu sắc, khi nhiều công việc hơn đòi hỏi trình độ học vấn sau trung học và người lao động phải tìm mọi cách để điều chỉnh. Trong khi những cuộc suy thoái trước đây khiến người lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm đổ xô đến các trường cao đẳng cộng đồng để nâng cao kỹ năng hoặc đào tạo lại, thì điều đó lại không diễn ra trong cuộc suy thoái COVID-19. Tỷ lệ ghi danh vào các trường cao đẳng công lập hệ hai năm giảm 10% vào mùa Thu năm 2020 và 9,5% vào mùa Xuân năm 2021 so với những năm trước.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự thay đổi này tác động mạnh nhất đến những cá nhân thuộc những hộ gia đình có thu nhập thấp và những người đang có kế hoạch theo đuổi chứng chỉ hoặc bằng cấp cao đẳng/đại học. Những hộ gia đình có người dự định ghi danh vào những chương trình chứng chỉ hoặc bằng cấp liên kết nhiều khả năng phải hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch học tập của họ. Lý do có thể là chương trình họ dự định theo học không chuyển sang môi trường ảo. Một số chương trình chứng chỉ và bằng cấp liên kết yêu cầu thời gian thực hành nên không thể đào tạo trực tuyến. Trong những trường hợp khác, việc tiếp cận công nghệ ở nhà có thể là một thách thức đối với những sinh viên bất ngờ phải chuyển sang hình thức học tập ảo. Ngoài ra, mất việc làm và những khó khăn tài chính khác do suy thoái kinh tế gây ra có thể khiến sinh viên khó theo đuổi việc học tập như kế hoạch, vì nhiều người vẫn phải làm việc trong thời gian theo học để trang trải học phí và những chi phí khác.

  • Những thay đổi này càng làm trầm trọng thêm sự phân chia theo chủng tộc và giai cấp trong giáo dục đại học Hoa Kỳ.

Sự chia rẽ ngày càng tăng

Sự sụt giảm số lượng ghi danh vào các trường cao đẳng cộng đồng là một bất lợi đặc biệt nghiêm trọng đối với người lao động vì giáo dục sau trung học đã trở nên rất có giá trên thị trường lao động Hoa Kỳ. Mặc dù thu nhập khác nhau tùy theo chương trình học, nhưng nhìn chung, người lao động có thể mong đợi kiếm được nhiều tiền hơn sau mỗi cấp học bổ sung. Những người có bằng cử nhân kiếm được nhiều hơn trung bình 74% trong suốt cuộc đời của họ so với những người chỉ tốt nghiệp trung học.

Những thay đổi này càng làm trầm trọng thêm sự phân chia theo chủng tộc và giai cấp trong giáo dục đại học Hoa Kỳ. Những hộ gia đình có thu nhập cao hơn và những gia đình có sinh viên theo học các chương trình cử nhân hoặc sau đại học thường hiếm khi thay đổi kế hoạch của họ, và khi thay đổi, đa số cho biết họ tham gia các lớp học theo một hình thức khác thay vì hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch học tập.

Hệ thống giáo dục đại học của Hoa Kỳ vốn đã có hai con đường riêng biệt và bất bình đẳng từ trước đại dịch COVID-19: một là những chương trình đào tạo đại học bốn năm được tài trợ tốt, có xu hướng tuyển sinh viên da trắng giàu có, và con đường kia là những chương trình hai năm, tuyển sinh rộng rãi, đông sinh viên và thiếu tài chính, mà hầu hết là trong các trường cao đẳng cộng đồng (ghi danh vào các trường cao đẳng cộng đồng chủ yếu là sinh viên da đen và Mỹ Latinh, cũng như sinh viên da trắng có thu nhập thấp). Do có vai trò ngày càng tăng đối với thành công kinh tế của các cá nhân, hệ thống giáo dục sau trung học của Hoa Kỳ hiện là một bánh răng trong cỗ máy bất bình đẳng giai cấp và chủng tộc của đất nước. Các trường đại học chọn lọc hệ bốn năm chi cho việc hỗ trợ giảng dạy và học tập nhiều gấp ba lần so với các trường cao đẳng cộng đồng, nên không có gì lạ khi các trường đại học chọn lọc có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao hơn. Giáo dục đại học đang lặp lại và khuếch đại sự bất bình đẳng được thừa hưởng từ hệ thống giáo dục Pre-K-12 (Hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ: từ nhà trẻ mẫu giáo đến lớp 12), sau đó lan truyền sự bất bình đẳng này vào thị trường lao động, truyền những đặc quyền chủng tộc và giai cấp qua các thế hệ.

Tương lai của các trường cao đẳng cộng đồng

Sự sụt giảm bất ngờ số lượng ghi danh vào các trường đại học cộng đồng trong đại dịch COVID-19 báo trước cuộc khủng hoảng tuyển sinh đại học trong tương lai. Số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ tăng từ khoảng 3,8 triệu học sinh năm 2020 lên khoảng 3,9 triệu học sinh năm 2025, sau đó giảm xuống còn 3,5 triệu học sinh vào năm 2037. Xu hướng này sẽ củng cố sự phân chia giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Đối với các trường cao đẳng cộng đồng và các trường đại học không chọn lọc khác, sự thu hẹp dân số trong độ tuổi đại học sẽ dẫn đến giảm tỷ lệ nhập học. Tuy nhiên, đối với các trường đại học chọn lọc, sự gia tăng số lượng những gia đình có cha mẹ có bằng cử nhân – và sự giàu có đi kèm với trình độ đại học – sẽ làm tăng quy mô của nhóm ứng viên. Cuối cùng, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến sự giảm quy mô, sáp nhập và đóng cửa các trường đại học không chọn lọc, trong khi các trường chọn lọc tiếp tục phát triển mạnh.

Hai đề xuất chính sách lớn cũng ảnh hưởng đến tương lai của các trường cao đẳng cộng đồng Hoa Kỳ và sinh viên của họ: kế hoạch việc làm cơ sở hạ tầng liên bang, và trường đại học cộng đồng miễn phí. Hiện chưa rõ liệu những đề xuất này sẽ được ban hành hay không và nếu có thì những điều khoản nào sẽ được đưa vào. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo rằng những đề xuất chính sách lớn này không dẫn đến những hình thức mới của sự phân biệt chủng tộc, giai cấp và giới tính.

Hơn một nửa trong số 15 triệu công việc giản đơn được tạo ra theo Kế hoạch Việc làm Hoa Kỳ trong hơn 10 năm sẽ dành cho những người lao động có bằng tốt nghiệp trung học trở xuống, những người có thể chỉ cần đào tạo ngắn hạn để thực hiện những công việc đó. Chúng tôi kỳ vọng rằng dự luật cơ sở hạ tầng sẽ hướng phần lớn nam thanh niên- những người thường làm những công việc giản đơn – đến những chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng cộng đồng. Tuy nhiên, khi chương trình cơ sở hạ tầng cuối cùng kết thúc, nhiều người trong số những công nhân này có thể bị thay thế, ít nhất là trong ngắn hạn.

Nếu một chương trình cao đẳng cộng đồng miễn phí được triển khai ở Hoa Kỳ, những sinh viên có thu nhập thấp hoặc thuộc những nhóm chủng tộc và sắc tộc khó khăn có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào những trường cao đẳng này. Trong khi đó, sinh viên da trắng giàu có sẽ tiếp tục ghi danh vào những chương trình đại học bốn năm, nơi họ có nhiều khả năng lấy được bằng cử nhân hơn và kèm theo là thu nhập cao hơn.

Khuyến nghị về chính sách

Chúng ta có thể hành động để giúp thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng này giữa những người có và không có trình độ đại học. Bằng cách tạo thêm những con đường từ trung học đến cao đẳng cộng đồng và từ cao đẳng cộng đồng đến bằng cử nhân, chúng ta có thể đảm bảo rằng nhiều sinh viên hơn có thể tiếp cận tấm vé đáng tin cậy nhất để gia nhập tầng lớp trung lưu. Những chính sách cải thiện cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo cử nhân, chẳng hạn như cho phép các trường đại học cộng đồng cấp bằng cử nhân, đã được thực hiện ở khoảng một nửa số tiểu bang ở Hoa Kỳ. Một số bang cũng quy định tỷ lệ chuyển tiếp cao hơn từ các trường cao đẳng cộng đồng sang các trường đại học công lập hệ 4 năm. Những thay đổi như thế rất quan trọng để giúp những sinh viên thiểu số có thu nhập thấp và thiệt thòi đạt được bằng cử nhân, thay vì bị dẫn dắt vào những chương trình sau trung học trong khi họ không có đủ nguồn lực để thành công.

Trong khi đó, thách thức cấp bách nhất là giúp những học sinh đã hủy bỏ kế hoạch học tập cao hơn của họ trong thời gian đại dịch – trở lại đúng hướng. Những dấu hiệu ban đầu cho học kỳ mùa Thu này không có nhiều hứa hẹn, bất chấp những cải thiện về sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Vào tháng Bảy, số lượt người hoàn thành FAFSA – biểu mẫu hỗ trợ tài chính liên bang của Hoa Kỳ – giảm gần 5% so với năm ngoái, báo hiệu sự sụt giảm ghi danh có thể vẫn tiếp tục trong năm học này. Không rõ liệu những thách thức liên tục về tài chính, những lo ngại về sức khỏe, hoặc thậm chí là những biện pháp khuyến khích trở lại làm việc có khiến những sinh viên tiềm năng miễn cưỡng bắt đầu hoặc tiếp tục việc học tập của họ hay không.

Thực tế đáng tiếc là người sử dụng lao động vẫn sẽ không thay đổi xu hướng đề cao người lao động có trình độ sau trung học hơn người không có trình độ. Những sinh viên bỏ học từ các trường cao đẳng cộng đồng giữa đại dịch COVID-19 có thể được tăng lương trong ngắn hạn trong bối cảnh thiếu nhân công hiện nay, nhưng họ có nguy cơ bị tụt hậu trong dài hạn khi lực lượng lao động ngày càng cạnh tranh.