Châu Phi: Phức tạp trong việc thu hút cộng đồng học thuật hải ngoại

 

Ayenachew A. Woldegiyorgis là Trợ lý nghiên cứu sau đại học Center for International Higher Education, Boston College, US. Email: woldegiy@bc.edu.

Tóm tắt: Nhiều quốc gia ban hành các chính sách nhằm thu hút trí thức từ cộng đồng hải ngoại thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục đại học. Lâu nay trọng tâm của những chính sách này là bố trí chức vụ, ưu đãi vật chất và thực thi các chiến lược. Tuy nhiên những yếu tố vi mô ảnh hưởng lẫn nhau, hình thành nên động lực cũng như trải nghiệm của các học giả hải ngoại trong sự hợp tác với các trường đại học quê nhà – lại thường không được xem xét kỹ, cả trong nghiên cứu cũng như thực tiễn. Bài viết này đề cập đến một số yếu tố vi mô nổi bật này.

Gần đây, việc thu hút nguồn tri thức từ các cộng đồng hải ngoại trở thành một chủ đề nóng trong những thảo luận chính sách giáo dục đại học. Nhiều quốc gia ở châu Phi và những nơi khác đã phát triển những chính sách nhằm tăng cường thu hút cộng đồng hải ngoại của mình, trong khi các cơ quan chính phủ liên quan và các cơ sở giáo dục đại học cũng xây dựng những chiến lược nhằm thu hút trí thức hải ngoại tham gia vào những hoạt động học thuật, nghiên cứu, phát triển và đổi mới.

Những chính sách và chiến lược nói trên thường chỉ tập trung vào tình huống và yêu cầu của các trường/học viện ở phía tiếp nhận. Cũng như những nghiên cứu về chủ đề này, những chính sách và chiến lược này dường như không tính đến những phức tạp và đặc thù trải nghiệm của cộng đồng học giả hải ngoại, những thứ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành quyết định, bản chất sự tham gia và cam kết lâu dài của họ.

Minh họa bằng những ví dụ về cộng đồng học thuật Ethiopia ở Hoa Kỳ, một nghiên cứu được xuất bản gần đây trên Tạp chí quốc tế về giáo dục đại học châu Phi đã công bố những khám phá về những yếu tố phức tạp nói trên. Nghiên cứu này tác động đến hiểu biết quốc tế rộng hơn về sự tham gia của cộng đồng hải ngoại vào giáo dục đại học, về cách những chương trình thu hút trí thức nên được thiết kế và thực hiện một cách thích hợp, trong những bối cảnh khác nhau.

Cảm giác mắc nợ

Được giáo dục miễn phí ở đất nước nơi họ chào đời, được đặc ân theo đuổi học tập/nghiên cứu và có sự nghiệp thành công trong một hệ thống tiên tiến, nhiều người ở hải ngoại mang trong mình cảm giác mắc nợ và nghĩa vụ phải đền đáp. Những giá trị “tình yêu quê hương” và lòng yêu nước khắc sâu trong tâm trí từ thuở thiếu thời là nền tảng cho tinh thần trách nhiệm này. Những trải nghiệm học tập trong môi trường vô cùng thiếu thốn ở quê nhà, so với điều kiện phong phú tại quốc gia nơi họ đang sống, càng củng cố thêm khát vọng giúp đỡ tạo một môi trường học tập tốt hơn cho thế hệ sinh viên mới ở quê hương. Việc thường xuyên kết nối văn hóa và xã hội với đất nước cũng tạo ra nhiều cơ hội chứng kiến cuộc đấu tranh của nền giáo dục đại học dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố – càng thôi thúc họ đóng góp để cải thiện giáo dục đại học ở quê nhà.

Kết quả của hợp tác

Thành quả của nỗ lực hợp tác và những hứa hẹn thành công trong tương lai cũng tạo nên một tập hợp những yếu tố khác định hình bản chất và tính bền vững của hoạt động hợp tác. Kết quả được thể hiện bằng số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn, số buổi đào tạo và số người được đào tạo, những lớp học được thực hiện, nguồn lực được huy động, số hội nghị – hội thảo được tổ chức thành công; những con số này tạo nền tảng cho cam kết lâu dài, cũng như cung cấp thông tin để cải thiện nỗ lực hợp tác.

Mặt khác, quan điểm cho rằng những nỗ lực hướng về quê hương có ý nghĩa lớn hơn và là vinh dự – là một yếu tố then chốt thúc đẩy cộng đồng hải ngoại xuyên quốc gia đóng góp vào giáo dục đại học quê nhà. Quan niệm này xuất phái không chỉ từ cảm giác hạnh phúc khi hoàn thành những nhiệm vụ nêu trên, mà còn từ suy nghĩ của nhiều người cho rằng, lĩnh vực chuyên môn của họ ở quê hương phần lớn vẫn còn “phôi thai”. Do đó, những nỗ lực nhỏ có thể tạo ra khác biệt đáng kể, so với bối cảnh học thuật tốt hơn ở quốc gia nơi họ đang sống, nơi những đóng góp của họ khó trở thành nổi bật.

 

Quan điểm cho rằng những nỗ lực hướng về quê hương có ý nghĩa lớn hơn và là vinh dự – là một yếu tố then chốt thúc đẩy cộng đồng hải ngoại xuyên quốc gia đóng góp vào giáo dục đại học quê nhà.

 

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng ngoài những chi phí không nhỏ, các học giả hải ngoại có thể phải trả giá rất lớn về mặt tình cảm và xã hội vì những nỗ lực của họ. Một ví dụ điển hình là trường hợp về những học giả đã làm mọi cách huy động đồng nghiệp trong tổ chức và mạng lưới của mình để tổ chức một loạt hoạt động như hội thảo nghiên cứu và thảo luận hội đồng, cuối cùng chỉ có một người đến dự, khiến họ xấu hổ về mặt nghề nghiệp và xã hội. Tương tự, không có gì lạ khi những mối quan hệ hợp tác là nguồn gốc của căng thẳng và thậm chí là xung đột. Những kết quả tích cực và tiêu cực như thế có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công, tính liên tục, hoặc chấm dứt quan hệ hợp tác.

Vấn đề chủng tộc trong các đại học quê nhà

Dù thể hiện dưới hình thức những hành động phân biệt đối xử trắng trợn hoặc vi phạm tinh vi, thì môi trường phân biệt chủng tộc khó chịu trong những cơ sở các học giả hải ngoại làm việc đều ảnh hưởng đến sự tham gia của họ theo một trong hai cách.

Một số học giả nói rằng năng lực của họ bị xem nhẹ và thường xuyên bị nghi ngờ, vì vậy họ phải nhiều lần tự chứng minh bản thân. Điều này buộc họ phải nỗ lực hơn nhiều so với đồng nghiệp để đạt được điều tương tự trong sự nghiệp. Gánh nặng vất vả của công việc ngoài giờ và những tổn thương tình cảm khiến họ không còn thời gian và năng lượng để đóng góp sáng tạo cho quê hương và nhà trường.

Những người khác cho rằng môi trường phân biệt chủng tộc trong nhà trường đầy rẫy những lời bóng gió rằng họ không thuộc về nơi này. Những tín hiệu xa lánh đó đẩy họ tìm nơi ẩn náu tình cảm trong mối quan hệ với chính quê hương mình. Điều này, và những điều khác nữa, thể hiện trong việc tăng cường mối quan hệ của họ với các đồng nghiệp và tổ chức ở quốc gia hải ngoại, do đó đóng góp tích cực vào hoạt động hợp tác chuyên môn của họ ở quê nhà. Tình cảm này trở nên phổ biến khi chủ nghĩa dân tộc bài trừ ngày càng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.

Hoàn cảnh cá nhân

Hoàn cảnh cá nhân đóng vai trò quan trọng trong số những yếu tố then chốt hình thành và dự báo sự thành công, sự hợp tác liên tục của các học giả ngoại kiều trong hoạt động học thuật xuyên quốc gia. Ví dụ, con cái còn học phổ thông là một trong những yếu tố nổi bật nhất quyết định thời gian và sự linh hoạt, đặc biệt khi các học giả muốn về nước để trực tiếp tham gia hợp tác. Những người có con trong độ tuổi đi học thường có xu hướng đi lại trong phạm vi gần. Tất nhiên, một yếu tố khác làm tăng/giảm tầm quan trọng của vấn đề này là tính chất công việc của người vợ hoặc chồng.

Tuy nhiên, đáng chú ý là với xu hướng gia tăng tương tác ảo gần đây, những yếu tố này đang trở nên ít quan trọng hơn trước. Những hoạt động như hướng dẫn nghiên cứu sinh hoặc thỉnh thoảng tham gia hội thảo được ưu tiên vì tính linh hoạt của chúng, so với những hoạt động có cấu trúc hơn như giảng dạy trọn khóa học hoặc thực hiện những dự án nghiên cứu lớn.

Sự ổn định về tài chính và chi phí cơ hội của khoảng thời gian mà lẽ ra có thể dành cho những hoạt động tạo thu nhập khác, như tìm kiếm tài trợ, cũng đóng một vai trò quan trọng. Tìm kiếm tài trợ trên thực tế được đánh giá là đem lại lợi ích kép – cả về tài chính và sự nghiệp. Do đó, đặc biệt đối với những nhà nghiên cứu và học giả mới bắt đầu sự nghiệp, cộng tác học thuật với quê nhà có thể phải cạnh tranh với những hoạt động tạo thu nhập kiểu này. Một cách tiếp cận mạnh mẽ bao gồm những yếu tố nói trên có thể giúp dễ dàng giải quyết tình trạng khó khăn trong việc thu hút sự hợp tác của các học giả ngoại kiều.

Mặt khác, những yếu tố như triết lý và chiến lược của các trường/học viện về sự hợp tác của các học giả quốc tế; khả năng hỗ trợ, nguồn lực ở cấp khoa/trường; và gánh nặng trách nhiệm quản trị cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ tham gia hiệu quả và bền vững.

Lập kế hoạch linh hoạt

Cân nhắc kỹ lưỡng những yếu tố và tác động qua lại phức tạp giữa chúng là chìa khóa để khai thác nguồn tài nguyên trí tuệ trong cộng đồng hải ngoại. Cân bằng hợp lý giữa một bên là tính linh hoạt và bên kia là cách quản lý có trách nhiệm và hiệu quả – là điều quan trọng trong việc thiết lập những chính sách và tổ chức hoạt động của nhà trường/học viện. Việc lập kế hoạch cần chú ý đến những sắc thái trong kinh nghiệm và hoàn cảnh (cá nhân, gia đình và nhà trường ở nước ngoài) của các học giả hải ngoại, cùng mức với những yếu tố chung khác như sự khác biệt về chương trình và lịch học.