Tương tác với Trung Quốc: Thế lưỡng nan trong giáo dục đại học

Philip G. Altbach là Viện sĩ cao cấp,  Giáo sư nghiên cứu, và Hans de Wit là Viện sĩ cao cấp, Giáo sư danh dự tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: altbach@bc.edu và dewitj@bc.edu.

Tóm tắt: Mối quan hệ học thuật với Trung Quốc đã trở thành một chủ đề gay gắt và gây tranh cãi trên toàn cầu. Tất nhiên, “điệu nhảy tango cần có hai người” nhưng nếu Trung Quốc hoặc phía bên kia lại đặt ra những thách thức không thể vượt qua và thực thi những chính sách tiêu cực, thì việc tương tác sẽ trở nên khó khăn, nếu như không muốn nói là không thể. Tuy nhiên, tương tác và cộng tác là mối quan tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là sinh viên và học giả – những nạn nhân chính hiện nay.

Mối quan hệ học thuật với Trung Quốc đã trở thành một chủ đề gay gắt và gây tranh cãi trên toàn cầu. Các diễn biến bên trong Trung Quốc, cuộc khủng hoảng COVID-19 và vai trò của Trung Quốc trong đó, quan hệ thương mại ngày càng khó khăn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy – ở Trung Quốc và những nơi khác – và nhiều vấn đề khác đều khiến gia tăng căng thẳng địa chính trị và thách thức quan hệ hợp tác học thuật trong nghiên cứu và giáo dục giữa Trung Quốc và Úc, Bắc Mỹ và châu Âu. Những vấn đề này được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới với tần suất liên tục, đôi khi thông tin bị phóng đại hoặc thậm chí sai sự thật. Có những diễn biến thực sự liên quan, và mối quan hệ học thuật hiện tại và tương lai giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang chao đảo.

Sau đây là một vài ví dụ minh họa cho tình trạng căng thẳng. Giảng viên và sinh viên trường Đại học Cornell, Hoa Kỳ đang phản đối một chương trình liên kết dự kiến với trường Đại học Bắc Kinh, vì vấn đề tự do học thuật ở Trung Quốc và một số vấn đề khác. Trong báo cáo “Đa số người Mỹ ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong những vấn đề nhân quyền, kinh tế” gần đây, Pew Research Center chỉ ra rằng mặc dù người Mỹ vẫn chào đón sinh viên quốc tế nói chung, nhưng lại ủng hộ việc giới hạn tuyển sinh sinh viên Trung Quốc, cùng với những ý kiến tiêu cực khác ​về một loạt những vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Nhóm Công tác về Quốc tế hóa và Tự do Học thuật, một sáng kiến ​​quốc tế, đã đề xuất bộ “quy tắc ứng xử” để hướng dẫn các mối quan hệ học thuật với Trung Quốc. Một tuyên bố đoàn kết đại diện cho nhóm học giả bị trừng phạt vì những nghiên cứu của họ về Trung Quốc đang được lưu hành và nhận được số lượng lớn chữ ký của các học giả trên khắp thế giới. Các Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ bị đóng cửa ở một số nước phương Tây, vì bị cho rằng thực hiện hoạt động gián điệp, bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát và thiếu tự do học thuật. Hầu như không có tuần nào trôi qua mà các phương tiện truyền thông phương Tây không đề cập đến một số khía cạnh tiêu cực trong chính sách hoặc thực tiễn của Trung Quốc liên quan đến giáo dục đại học – chưa kể đến thương mại hay chính trị.

 

Tương tác với Trung Quốc, có lẽ đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, có tầm quan trọng lớn đối với giáo dục đại học toàn cầu.

 

Cần có sự tương tác

Tương tác với Trung Quốc, có lẽ đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, có tầm quan trọng lớn đối với giáo dục đại học toàn cầu. Tất nhiên, “điệu nhảy tango cần có hai người” – nhưng nếu Trung Quốc hoặc phía bên kia lại đặt ra những thách thức không thể vượt qua và thực thi những chính sách tiêu cực, thì tương tác sẽ trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Đồng thời, các học giả và sinh viên Trung Quốc đang học tập ở nước ngoài cũng như trong nước cảm thấy bị thách thức vì những chính sách và thực tiễn tiêu cực từ phía thế giới của chúng ta. Họ phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19, bị cáo buộc làm gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ, và không được đối xử bình đẳng trong những nỗ lực hợp tác của họ. Đặc biệt, chúng ta đã thấy những cuộc điều tra các nhà nghiên cứu người Trung Quốc tại Hoa Kỳ – một số trong đó hóa ra hoàn toàn thiếu căn cứ.

Trách nhiệm cơ bản trong tương tác là thuộc về các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực học thuật – các giáo sư, các nhà nghiên cứu và sinh viên. Mỗi tổ chức và cá nhân đều có “chính sách quốc tế hóa” của riêng mình, và những giá trị, chiến lược và lợi ích của tổ chức và cá nhân đều góp phần tạo ra những chính sách đó. Sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng học thuật là cơ sở cho sự hợp tác và trao đổi hiệu quả, cũng như cho tự do học thuật. Cần có sự minh bạch từ tất cả các bên. Nhưng không may là bằng chứng cho thấy những chính sách và hành động của các chính phủ lại đang cản trở những nỗ lực hoạt động độc lập của giới học thuật.

Tầm quan trọng của Trung Quốc

Quan hệ Trung Quốc – toàn cầu là rất quan trọng. Trung Quốc đã nổi lên như một thế lực lớn trong giới học thuật toàn thế giới. Trung Quốc có hệ thống học thuật lớn nhất và là nơi sản sinh các kết quả nghiên cứu lớn thứ hai. Nhờ đầu tư mạnh mẽ vào các trường đại học nghiên cứu, Trung Quốc đã tăng bậc đáng kể trong các bảng xếp hạng. Trong lĩnh vực du học quốc tế, Trung Quốc là quốc gia gửi sinh viên đi du học nhiều nhất, với 662 ngàn sinh viên đang học tập ở nước ngoài. Trung Quốc cũng là điểm đến du học lớn, với 500 ngàn sinh viên quốc tế, chủ yếu đến từ các nước đang phát triển. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào “ngoại giao giáo dục” thông qua chương trình Viện Khổng Tử, với hơn 500 Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” và nhiều chương trình khác.

Thế giới ngày càng trở nên phụ thuộc vào giáo dục đại học của Trung Quốc. Một số quốc gia, đặc biệt là Úc, phụ thuộc vào sinh viên quốc tế, trong đó số lượng lớn nhất là từ Trung Quốc, để có thu nhập đáng kể. Một số tổ chức học thuật ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và những nơi khác cũng dựa vào việc tuyển sinh từ Trung Quốc. Ở vài nước, một số chương trình sau đại học về STEM đã trở nên phụ thuộc vào các nghiên cứu sinh và thực tập sinh người Trung Quốc.

Trong gần nửa thế kỷ gần đây, các trường đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ đầu tư đáng kể vào Trung Quốc vì nhiều lý do. Các cơ sở phân hiệu, chương trình cấp bằng chung, các loại trung tâm nghiên cứu hợp tác, và các chương trình nghiên cứu về Trung Quốc chỉ là một vài ví dụ. Những sáng kiến ​​này cho phép các tổ chức phương Tây tìm hiểu về nền kinh tế số hai và cũng là một trong những nền văn minh vĩ đại của thế giới, và trong nhiều trường hợp có được doanh thu – động lực chính của nhiều chương trình.

Trong tất cả những điều này, phương Tây dường như đã quên rằng hợp tác học thuật nói chung, hợp tác với các học giả và trường đại học Trung Quốc nói riêng, là điều cần thiết để hiểu biết lẫn nhau và giải quyết các nhu cầu xã hội toàn cầu, ví dụ những nhu cầu được xác định trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Những xung đột khác nhau liên quan đến nguồn gốc của COVID-19 và phát triển vắc xin là những ví dụ cho thấy chính trị và sự hiểu lầm có thể đã tác động tiêu cực và làm trì hoãn việc đối phó khủng hoảng.

Các vấn đề

Ít nhất có hai chủ đề “nóng” chính hiện nay là việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) và tác động của luật an ninh ở Hồng Kông (ví dụ xem trong bài đóng góp quý giá của Carsten Holz trong Tạp chí Giáo dục Đại học Quốc tế, số 106). Sự căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn, có liên quan đến Đài Loan và Đông Á nói chung, là mối quan tâm của nhiều người – và là những vấn đề gây ra sự căng thẳng quốc tế nghiêm trọng. Tất nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đàn áp nhân quyền, nhưng với tầm quan trọng của mình, dễ hiểu là nước này nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Ngoài ra còn có một loạt vấn đề liên quan đến giáo dục đại học khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo lắng. Việc trộm cắp tài sản trí tuệ, mối quan tâm lớn của các công ty và chính phủ, ảnh hưởng đến các trường đại học, cũng như việc “thu hẹp” không gian trí tuệ ở Trung Quốc và giới hạn truy cập thông tin bằng “Bức tường lửa lớn của Trung Quốc”, hạn chế nghiêm trọng tự do học thuật, và “vũ khí hóa” việc sử dụng mạng xã hội của sinh viên khiến những giáo sư hoặc sinh viên bày tỏ quan điểm “chống chế độ” dễ bị quấy rối và gây phiền phức – là những vấn đề rất đáng lo ngại. Danh sách này còn dài hơn nữa. Rõ ràng là, không gian trí thức ở Trung Quốc nhìn chung đang dần bị bóp nghẹt. Những chính sách này của chính phủ Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác học thuật và cần được giải quyết, tương tự như tác động tiêu cực của những hành động của những chính phủ khác, như chính sách và luận điệu của Chính quyền Trump ở Hoa Kỳ trong giai đoạn 2016–2020.

Cần phải làm gì?

Mặc dù các chính sách và thực tiễn cụ thể sẽ thay đổi tùy theo hoàn cảnh, điều kiện và lợi ích cục bộ, nhưng những hướng dẫn chung sau đây có thể phù hợp trên quy mô toàn cầu.

  • “Tin tưởng nhưng vẫn phải kiểm chứng” – như Ronald Reagan từng nói khi đề cập đến việc đàm phán với Liên Xô. Tương tác với các đối tác Trung Quốc nên dựa trên cơ sở những mục tiêu và thực tiễn được xác định rõ ràng (xem “Quan hệ đối tác Đức-Trung trong tương lai về giáo dục đại học ” của Marijke Wahlers trong Giáo dục đại học quốc tế, số 105).
  • Tầm quan trọng của tính minh bạch – mọi người và mọi thứ nên được thảo luận cởi mở và thống nhất để tất cả đối tác hiểu rõ các thỏa thuận và mục tiêu.
  • Tuyển sinh và trao đổi sinh viên quốc tế cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi. Tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc vẫn có nhu cầu du học ở nước ngoài, cũng như sinh viên những nước khác vẫn quan tâm tới việc học tập tại Trung Quốc. Du học quốc tế là lợi thế đáng kể cho tất cả các bên và không nên được thúc đẩy chủ yếu bởi quyền lực mềm hoặc thị trường, mà bởi sự phù hợp về mặt học thuật và xã hội.
  • Hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc, giữa các học giả và các trường, vốn đã là một động lực quan trọng của khoa học toàn cầu, cần được khuyến khích, nhưng với những biện pháp bảo vệ phù hợp để ngăn chặn việc bóc lột con người hoặc tài sản trí tuệ.
  • Theo những tiêu chí này, hợp tác học thuật nên được giao cho các tổ chức, học giả và sinh viên và không bị kiểm soát bởi chính phủ.

Kết luận

Không nghi ngờ gì nữa, mọi quan hệ học thuật giữa thế giới với Trung Quốc đang rất mong manh. Đang và sẽ có áp lực lớn từ mọi phía nhằm hạn chế hoặc thậm chí chấm dứt các hoạt động tương tác. Bất chấp những vấn đề và thách thức, chúng ta cần cố gắng hết sức để chống lại những áp lực này. Chúng ta cần duy trì cái nhìn thực tế.

Cần lưu ý rằng bài báo này không nói nhiều về tự do học thuật. Quan điểm của chúng tôi là việc tương tác với Trung Quốc cần đảm bảo có được một chút tự do học thuật trong mỗi dự án hay thỏa thuận hợp tác. Tuy nhiên, thật không thực tế khi kỳ vọng rằng giáo dục đại học Trung Quốc sẽ được phép phản ánh những chuẩn mực quốc tế về tự do học thuật hoặc quyền tự chủ, cũng như sẽ không thực tế khi kỳ vọng rằng tư tưởng chống châu Á, nghi ngờ về hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ, và những lo ngại xung quanh các Viện Khổng Tử như những nơi xuất khẩu hệ tư tưởng Trung Quốc – sẽ sớm biến mất (lưu ý rằng những chương trình tương tự do Pháp, Đức và Vương quốc Anh tài trợ cũng phổ biến văn hóa và ngôn ngữ vì mục đích chính sách đối ngoại). Thật ra, xu hướng ở Trung Quốc và những nơi khác đang đi theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, việc tương tác và cộng tác trong lĩnh vực học thuật và nghiên cứu khoa học, ở mức độ lớn nhất có thể, là mối quan tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là của các sinh viên và học giả, những người ở cả hai phía đều đang là nạn nhân chính của sự căng thẳng địa chính trị này.