Trường đại học thuộc sở hữu gia đình: Còn phù hợp không trong thế kỷ 21?

 

Edward Choi là Giảng viên tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc và đã tốt nghiệp tiến sĩ của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE) tại Boston College, Hoa Kỳ. Email: eddie.chae@gmail.com.

Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu, và Hans de Wit là Giáo sư danh dự thuộc CIHE, Boston College. Email: altbach@bc.edu và dewitj@bc.edu.

 Matt R. Allen là Giám đốc giáo vụ tại Viện Doanh nhân Gia đình, và là Giám đốc học thuật của Dự án Thực hành Chuyển đổi Thế hệ Thành công Khởi nghiệp Toàn cầu (STEP). Email: mallen4@babson.edu.

Tóm tắt: Các cơ sở giáo dục đại học do gia đình sở hữu hoặc quản lý (FOMHEI) là một hiện tượng đáng chú ý mặc dù chúng có sự hiện diện toàn cầu nhưng hầu như không được quan tâm tới. FOMHEI có mặt ở mọi lục địa và số lượng lên đến hàng nghìn trường. Nhiều trường được thành lập với sứ mệnh xã hội và phi lợi nhuận, trong khi những trường khác hoạt động vì lợi nhuận và liên kết với doanh nghiệp gia đình. Bất chấp chiều hướng “gia đình” rõ ràng, FOMHEI vẫn giữ được những đặc thù của doanh nghiệp hàn lâm, trong khi có một số điểm khác biệt cơ bản so với những trường không dựa trên nền tảng gia đình.

Các tổ chức giáo dục đại học do gia đình sở hữu hoặc quản lý (Family-Owned or -Managed Higher Education Institution – FOMHEI) là một hiện tượng đáng chú ý và hầu như bị bỏ qua, mặc dù đang hiện diện trên toàn cầu. FOMHEI có mặt ở mọi lục địa và có thể lên tới hàng nghìn trường. Những trường này do các gia đình thành lập, thường là bởi một thành viên có uy tín, và chịu sự kiểm soát của gia đình qua nhiều thế hệ. Mặc dù không có số liệu thống kê liên quan đến quy mô hoạt động của những trường loại này, người ta ước tính rằng các FOMHEI có sự hiện diện đáng kể ở một số quốc gia có khu vực giáo dục tư nhân lớn. Những nhận xét trong bài viết này được lấy từ cuốn Hiện tượng toàn cầu của những trường đại học do gia đình sở hữu hoặc quản lý (2020), do Philip G. Altbach, Edward Choi, Matt R. Allen và Hans de Wit chủ biên (nhà xuất bản Brill Sense).

Các FOMHEI có thể được phân biệt theo một số đặc điểm khác với bức tranh chung về giáo dục đại học, chủ yếu liên quan đến cách thức đưa ra quyết định của những lãnh đạo là thành viên gia đình, những cơ hội và thách thức độc đáo hình thành do sự tham gia quản lý của các thành viên gia đình. Ở hầu hết các quốc gia, liên minh gia đình sở hữu những trường đại học do họ thành lập. Trong nhiều trường hợp, họ sở hữu các tổ chức giáo dục bao gồm cả những loại hình trường học khác, chẳng hạn trường phổ thông.

Đặc điểm chung

FOMHEI vẫn có những đặc điểm tương đồng với những trường không cùng loại trong khu vực giáo dục tư nhân. Ví dụ, cũng phân chia thành hai loại vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. FOMHEI phi lợi nhuận có thể thấy ở những quốc gia như Bangladesh, Colombia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc và ở những quốc gia cấm hoạt động thương mại trong giáo dục đại học. Trái ngược với những quốc gia như Armenia, Brazil, Trung Quốc, Ethiopia và Philippines, nơi FOMHEI kết hợp lợi ích thương mại với sứ mệnh xã hội.

FOMHEI còn giống loại hình trường tư không thuộc sở hữu gia đình ở chỗ hoạt động tự chủ với những mức độ khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Ở những quốc gia mà sự giám sát của chính phủ phân biệt không đáng kể giữa khu vực công và tư, như Armenia, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc – FOMHEI có ít quyền tự chủ hơn. Ở những quốc gia này, FOMHEI có thể được hiểu là những thực thể bán công và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ liên quan đến những vấn đề của trường đại học. Tuy nhiên, mô hình ở những nơi khác trên thế giới không giống như vậy. Chính phủ của những quốc gia như Brazil, Ethiopia, Ấn Độ và Mexico thực thi những chính sách quản lý đại học tư thục tương đối lỏng lẻo.

FOMHEI còn có một số khía cạnh khác nữa tương đồng với những trường tư không thuộc sở hữu gia đình. Đó là định hướng ưu tiên và vai trò xã hội của trường; năng lực tuyển sinh; ngành đào tạo, định hướng trọng tâm và công tác nghiên cứu; chất lượng giáo dục; và mô hình tài trợ.

Những đặc điểm mang tính “gia đình”

Các FOMHEI ít nhiều đều có những đặc điểm của một doanh nghiệp học thuật. Tuy nhiên, điều khiến họ khác xa những trường không thuộc sở hữu gia đình là có nhiều điểm tương đồng với những doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình. Ví dụ, FOMHEI sở hữu loại tài sản cảm-xúc-xã-hội (socioemotional), được hiểu như một nguồn vốn phi tài chính. Bao gồm danh tính chung của gia đình với trường đại học ràng buộc những quan hệ xã hội hoặc tài sản của các thành viên, và sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Mối quan hệ xã hội bền chặt – bắt nguồn từ lòng trung thành, sự tương hỗ và tin cậy – hình thành nên một thứ văn hóa gắn kết giống như gia đình, trong đó cả thành viên gia đình và nhân viên không thuộc gia đình đều có tư cách thành viên. Tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình cũng có thể thấy được trong những biểu hiện tích cực như niềm tự hào và tình yêu, và trong những biểu hiện tiêu cực như chán chường, thất vọng hoặc tức giận.

Tài sản cảm-xúc-xã-hội còn bao gồm những ảnh hưởng mang tính gia đình và sự kế tục, hoặc tính kế thừa dựa trên quan hệ gia đình. Những hình thức duy trì tài sản này thường được bảo vệ và theo đuổi trong quá trình ra quyết định của tổ chức. Những quyết định liên quan đến việc bổ nhiệm nhân viên và đề bạt nhân viên mới là một trong những ví dụ như vậy. Các gia đình thường ưu ái người nhà so với những nhân viên có trình độ chuyên môn cao hơn. Tại một số FOMHEI nơi mà việc ra quyết định được thực hiện công khai, các gia đình thường hiện diện đa số trong hội đồng quản trị và duy trì quyền kiểm soát của gia đình bằng cách chọn những người kế nhiệm hội đồng quản trị từ nhóm người ruột thịt, thường là con trai hoặc con gái của họ. Cũng có những trường hợp một thành viên gia đình kiêm nhiều vị trí lãnh đạo trong cùng một trường đại học (ví dụ thành viên hội đồng quản trị và chủ tịch) và/hoặc trong vài loại hình trường khác nhau cũng do gia đình kiểm soát.

 

Tài sản cảm-xúc-xã-hội còn bao gồm những ảnh hưởng mang tính gia đình và sự kế tục, hoặc tính kế thừa dựa trên quan hệ gia đình.

 

Những thách thức và điểm yếu

Có vô số thách thức và điểm yếu liên quan đến việc duy trì và củng cố giá trị tài sản cảm-xúc-xã-hội và quyền lực gia đình. Ví dụ như mong muốn bảo vệ ảnh hưởng của gia đình và chi phối hội đồng quản trị trong việc ra quyết định thường gây bất lợi cho thông lệ quản trị chung.

Một thách thức khác liên quan đến việc củng cố ảnh hưởng của gia đình là sự trả giá bằng những cơ hội kiếm lợi về kinh tế có thể bị bỏ qua. Những gia đình sở hữu doanh nghiệp thường hạn chế đầu tư theo chiến lược đa dạng hóa để phát triển doanh nghiệp. Đa dạng hóa doanh nghiệp có thể dẫn đến yêu cầu để những cán bộ quản lý không thuộc gia đình được quyền ra quyết định, điều này bị coi là đe dọa đến vị trí quản lý thống trị của gia đình.

Nhu cầu giữ trường đại học trong phạm vi gia đình là một ví dụ về việc những ưu tiên của gia đình có thể mâu thuẫn với nhu cầu của tổ chức. Những phương thức tuyển dụng và đề bạt lấy gia đình làm trung tâm, được trình bày ở trên, có thể dẫn đến xung đột tổ chức, và trong một số trường hợp, làm bùng nổ cuộc tranh đấu giữa các thành viên thuộc gia đình và ngoài gia đình. Những thành viên ngoài gia đình, đặc biệt là những người trong giới học thuật, có thể chống lại những quy tắc truyền thống và chuẩn mực của sự kế thừa dựa trên gia đình, đặc biệt khi nó liên quan đến việc tuyển dụng và đề bạt những cá nhân rõ ràng không đủ tiêu chuẩn.

Cơ hội và thế mạnh

Các trường FOMHEI có nhiều cơ hội và thế mạnh độc đáo. Lãnh đạo là thành viên gia đình có lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với những người đồng cấp không thuộc gia đình trong những lĩnh vực liên quan đến việc ra quyết định và thay đổi tổ chức. Thông thường, việc ra quyết định tại các FOMHEI là một quá trình thống nhất, hiệu quả, trong đó các thành viên trong gia đình hội tụ vào một tầm nhìn duy nhất. Điều này thực sự có thể có lợi trong bối cảnh hầu hết những cơ sở giáo dục đại học khác thường mất nhiều thời gian và phản ứng chậm trước những áp lực và nhu cầu môi trường đang phát triển nhanh chóng.

Một thế mạnh khác liên quan đến việc chiếm giữ những vị trí lãnh đạo lâu dài. Không có gì lạ khi các thành viên gia đình đảm nhiệm những vị trí quyền lực (ví dụ chủ tịch hoặc thành viên hội đồng quản trị), trong khoảng thời gian 20 hoặc 30 năm, đôi khi lâu hơn. Sự lãnh đạo liên tục, không bị gián đoạn mang lại lợi thế chính là sự ổn định về phương hướng chiến lược.

Ngoài ra, còn có giá trị của danh tính và danh tiếng mà các gia đình và trường đại học của họ cùng chia sẻ. Nhiều liên minh gia đình có phần đầu tư lớn hơn trong những trường đại học của họ, cả về mặt tinh thần và tài chính, điều này có thể thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của tổ chức và nâng cao vị thế xã hội của gia đình họ trong cộng đồng.

Mô hình kết hợp

Do tính hai mặt của những đặc điểm được thảo luận ở trên, FOMHEI là một dạng tổ chức lai (hybrid). Họ vừa là những doanh nghiệp học thuật vừa là những tổ chức đậm tính “gia đình”. Tính chất gia đình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và hiệu suất của tổ chức cũng như những mối quan hệ trong tổ chức – và có khả năng dẫn đến tham nhũng. Việc chiếm dụng vốn của trường đại học để trục lợi là một vấn nạn phổ biến ở nhiều FOMHEI. Tuy nhiên, những tình trạng này được cân bằng bởi ví dụ về những FOMHEI mà ở đó sự thịnh vượng, niềm tin và ưu tiên xã hội của gia đình phù hợp với nhu cầu của cộng đồng học thuật. Những liên minh gia đình có niềm tin giáo dục mạnh mẽ và hệ thống giá trị tích cực thường tiếp cận những phương pháp quản lý và đào tạo những người kế thừa có độ nhạy cao trước nhu cầu của cộng đồng học thuật. Những gia đình như vậy đóng góp vào danh tiếng xuất sắc của một số FOMHEI trên toàn cầu. Một số được xếp hạng quốc gia và trong một số trường hợp, được xếp hạng quốc tế.

Cuối cùng, danh tiếng của các FOMHEI phụ thuộc vào những giá trị, truyền thống, niềm tin và tầm nhìn mà liên minh gia đình mang lại cho việc quản trị nhà trường. Hơn nữa, so với những trường không thuộc sở hữu gia đình, ban lãnh đạo tại các FOMHEI thường có tác động lớn hơn đến văn hóa tổ chức nhờ sự gắn bó sâu sắc của họ.