Thiên tài đơn lẻ hay trí tuệ tập thể: Những huyền thoại về sự tài trợ dành cho các viện nghiên cứu của Đức

Justin J.W. Powell là Giáo sư Ngành Xã hội học giáo dục tại Đại học Luxembourg. Email: [email protected].

David P. Baker là Giáo sư Môn Xã hội học, Giáo dục và Nhân khẩu học tại Đại học bang Pennsylvania và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Luxembourg. Email: [email protected].

Tóm tắt: Nhiều quốc gia trên thế giới đang mô phỏng theo mô hình trường đại học của Đức – giảng dạy tích hợp nghiên cứu. Mô hình viện nghiên cứu độc lập, nằm ngoài trường đại học do những nhà khoa học “thiên tài” hàng đầu lãnh đạo cũng được phát triển ở Đức. Trong những thập kỷ gần đây, ngân sách nghiên cứu và hệ thống khoa học của Đức tiếp tục được phân chia giữa các trường đại học của nước này, vốn được cung cấp tương đối ít, và các viện được hưởng sự ưu đãi và nguồn tài trợ đáng kể. Chúng tôi cho rằng Đức có thể đạt hiệu quả cao hơn nếu hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các trường đại học nghiên cứu.

Các nhà khoa học ở Đức có nhiều công bố trên các tạp chí hàng đầu hơn bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng không giống như ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, cộng đồng khoa học của Đức bị chia rẽ đáng kể giữa một bên là các trường đại học – có danh tiếng tương đương trong khi thiếu kinh phí triền miên và bên kia là các viện nghiên cứu độc lập, được dẫn dắt bởi những “thiên tài” cá nhân được lựa chọn và được nhận tài trợ nhiều hơn đáng kể. Theo cách tiếp cận chính sách trụ cột kép này, các trường đại học được cho là có nhiệm vụ đào tạo thế hệ các nhà khoa học tiếp theo, trong khi nghiên cứu tiên tiến được cho là lĩnh vực dành riêng cho hàng trăm viện nghiên cứu độc lập nổi tiếng và có nguồn lực tốt hơn nhiều.

Các viện nghiên cứu của Đức được bảo trợ bởi những hiệp hội lớn: Hiệp hội Max Planck (1948), Hiệp hội Fraunhofer (1949), Hiệp hội Leibniz (1990) và Hiệp hội Helmholtz (2001), mỗi viện có hàng chục nghìn nhân viên khoa học, và rất ít nghĩa vụ giảng dạy. Năm 2017, Đức đã chi 3% GDP đáng kể của mình cho R&D và do đó đã đạt được mục tiêu do Liên minh châu Âu đề xuất, và là một trong số vài quốc gia có tỷ lệ chi cho R&D cao nhất trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, các trường đại học của Đức chỉ nhận được 17% số tiền này; một phần lớn hơn đáng kể thuộc về các viện, thường được tài trợ bởi chính phủ liên bang và tiểu bang (các bang). Do đó, chính sách trụ cột kép này cho thấy một trường hợp phản thực tế giải thích cho tầm quan trọng tương đối của các trường đại học trong việc sản xuất khoa học, được bàn đến trong cuốn sách chúng tôi sắp xuất bản Global Mega-Science: Các trường đại học Khoa học Thế giới (Nhà xuất bản Đại học Stanford).

Huyền thoại về chính sách nghiên cứu hai trụ cột

Mặc dù chỉ nhận được mức tài trợ bình quân đầu người khiêm tốn hơn và môi trường nghiên cứu không tối ưu bằng – chưa kể đến trách nhiệm giảng dạy và đào tạo ngày càng tăng, khi tỷ lệ sinh viên tham gia học đại học tăng lên ồ ạt – thành tích xuất sắc của các trường đại học xóa tan ảo tưởng rằng các viện nghiên cứu đang thực hiện gần như tất cả các nghiên cứu khoa học quan trọng của Đức. Trong thực tế, các trường đại học tạo ra phần lớn những nghiên cứu khoa học và công nghệ mới của Đức. Gần đây, sau khi phân tích hơn 176 ngàn bài báo trên tạp chí STEM+ có ít nhất một tác giả là người Đức kể từ năm 1950, chúng tôi nhận thấy rằng mỗi khi các viện nghiên cứu công bố được một khám phá mới, thì các trường đại học xuất bản được ba bài báo.

Ngoài ra, lý lẽ cốt lõi của huyền thoại về các viện là niềm tin rằng việc giảm bớt trách nhiệm điều hành và giảng dạy cho các nhà nghiên cứu nhất thiết sẽ tăng hiệu quả nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể tạo ra một lợi thế khiêm tốn. Mặc dù các nhà khoa học của viện có năng suất cao hơn các nhà khoa học ở trường đại học, nhưng ước tính năng suất trung bình mỗi người chỉ cao hơn tương đương 1/4 tổng số bài báo. Thực tế, để đạt được sản lượng nghiên cứu tổng hợp khổng lồ như các trường đại học, chi tiêu vốn đã cao của Đức cho các viện sẽ cần phải tăng thêm 2/3, một đề xuất không thực tế.

 

Lý lẽ cốt lõi của huyền thoại về các viện là niềm tin rằng việc giảm bớt trách nhiệm điều hành và giảng dạy cho các nhà nghiên cứu nhất thiết sẽ tăng hiệu quả nghiên cứu.

 

Một huyền thoại phổ biến khác là các nhà khoa học của viện sẽ sử dụng môi trường nghiên cứu được tài trợ tốt hơn của họ để cộng tác với các đồng nghiệp đại học bận rộn hơn. Tuy nhiên, mặc dù có một số sáng kiến, điều này diễn ra rất chậm chạp, vì số lượng hợp tác giữa các viện/trường đại học chỉ tăng từ 3% lên 12% tổng số các ấn phẩm từ năm 2000 đến 2010. Hơn nữa, những cầu nối đã được lên kế hoạch giữa hai khu vực này, chẳng hạn như các chương trình chung sau đại học và tiến sĩ được chia sẻ bởi cả hai hình thức tổ chức, mới chỉ được xây dựng một phần. Ngay cả trong thời đại hợp tác, giao tiếp giữa các nhà khoa học từ hai loại hình tổ chức khác nhau của đất nước vẫn bị cản trở bởi sự phân biệt tổ chức và sự khác biệt lớn về uy tín.

Có lẽ tất cả mọi người đều sẵn sàng tin vào tính ưu việt của khoa học được sản xuất trong các viện. Tuy nhiên, trong khi các nhà nghiên cứu ở viện, thường tập trung toàn bộ sức lực vào những lĩnh vực chuyên môn, tạo ra nhiều bài báo có tác động cao, thì các trường đại học có số lượng công bố trên các tạp chí hàng đầu nhiều gấp đôi, và thường cộng tác với các nhà nghiên cứu từ những hình thức tổ chức sản xuất khoa học khác. Và trong khi các viện mở rộng tìm tòi khoa học, đóng vai trò như chất xúc tác cho hệ thống khoa học nói chung và cộng tác với các nhà khoa học hàng đầu trên toàn thế giới, thì các trường đại học thực hiện nghiên cứu hàng loạt chủ đề khoa học và cộng tác chặt chẽ hơn thông qua việc nhúng vào những mạng lưới giáo dục và khoa học đa dạng. Ngoài ra, các nhà khoa học từ cả hai khu vực đều giành được những giải thưởng khoa học lớn như Nobel.

Từ một góc độ khác, điều này không gây ngạc nhiên. Rốt cuộc, tổng số các nhà khoa học trong các học viện ít hơn nhiều; nhân lực khoa học trong các viện chỉ bằng khoảng một phần sáu nhân lực đại học. Nhưng thành tích của các trường đại học rất đáng chú ý, là vì mức tài trợ họ nhận được không theo kịp sự gia tăng đáng kể số lượng sinh viên và họ không có cơ sở hạ tầng nghiên cứu chuyên dụng mà các viện được hưởng. Đầu tư nhiều vào mô hình thiên tài đơn lẻ có thể không còn hoàn toàn hợp lý trong một thế giới khoa học toàn cầu, khi mà đầu tư vào cộng đồng lớn nhất các nhà khoa học cộng tác với nhau có thể là chìa khóa. Nếu chính sách đi theo hướng này, các trường đại học Đức có thể còn làm được nhiều hơn thế.

Tuy nhiên, chính sách nghiên cứu vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến việc tăng nguồn lực cho các viện – trong khi các nhà khoa học ở các trường đại học buộc phải tham gia vào cuộc đua tìm kiếm những chương trình tài trợ cạnh tranh. Và bởi vì nguồn thu học phí hầu như không có, nên các trường đại học khó có thể dùng học phí để trợ cấp cho nghiên cứu như cách làm của các đối tác Mỹ.

Kể từ những năm 1960 và đặc biệt là trong thập kỷ qua, tình trạng thiếu kinh phí liên tục và số lượng tuyển sinh ngày càng tăng đã buộc các trường đại học Đức phải chi phần lớn kinh phí được phân bổ cho hoạt động giảng dạy thay vì nghiên cứu, và các giáo sư phải thực hiện khối lượng công việc giảng dạy lớn hơn. Nguồn tài trợ dành cho nghiên cứu ngày càng khan hiếm chỉ đủ để duy trì cơ sở hạ tầng của trường đại học – và hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ. Ví dụ, để được tài trợ từ chương trình Sáng kiến ​​Xuất sắc Quốc gia, các trường đại học phải tham gia vào một số vòng đua; điều này cho thấy tính cạnh tranh rất lớn, nhưng chỉ những trường đại học thắng cuộc được cấp khoản hỗ trợ khá khiêm tốn, và có thời hạn. Trái lại, ngân sách cấp cho các viện nghiên cứu vẫn tăng đều – và họ còn được phép cạnh tranh để có thêm quỹ nghiên cứu. Trong khi các viện cung cấp những điều kiện nghiên cứu lý tưởng cho các nhà khoa học trẻ tuổi, các trường đại học vẫn phải thực hiện những chương trình đào tạo cấp bằng và chứng chỉ.

Mô hình trường đại học “Humboldtian”: được mô phỏng thành công hơn ở nước ngoài

Ở những nơi khác, hết quốc gia này đến quốc gia khác đã mô phỏng theo mô hình “Humboldtian” của Đức về trường đại học định hướng nghiên cứu tích hợp giảng dạy. Hoa Kỳ, quốc gia dẫn đầu về khoa học và những cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với những nước khác, đã tăng cường năng lực khoa học của mình một cách nhanh chóng và ồ ạt bằng cách tập trung nỗ lực nghiên cứu vào việc phát triển hệ thống giáo dục đại học nói chung để trở thành những tổ chức cộng tác thành công – mà không chỉ phát triển một số trường đại học nổi tiếng. Sự hỗ trợ chung của nhà nước cho tất cả các trường đại học, sau Thế chiến II, là chìa khóa để xây dựng lại nền khoa học Đức. Và đó là bí quyết đằng sau sự tăng trưởng phi thường và bền vững theo cấp số nhân của những khám phá mới trong “thế kỷ khoa học”.

Trên toàn thế giới, các nhà khoa học tại các trường đại học hiện đóng góp từ 80 đến 90% trong số hơn 2 triệu nghiên cứu được công bố hàng năm. Do đó, thật trớ trêu là trong khi Đức đưa ra mô hình trường đại học nghiên cứu cho thế giới, trong những thập kỷ gần đây, quốc gia này lại không hỗ trợ năng lực nghiên cứu cho các trường đại học ở đẳng cấp thế giới. Đức nên sớm sửa chữa sai lầm này bằng cách tăng nguồn tài trợ tổng thể (không chỉ cho những chương trình có tính cạnh tranh cao với tỷ lệ thành công khiêm tốn như “Sáng kiến ​​xuất sắc”, mà cần rộng hơn). Trong khi các trường đại học trên toàn thế giới cung cấp nền tảng thiết yếu nhất để các nhà khoa học thuộc mọi hình thức tổ chức có thể trao đổi khoa học, chính sách cũng cần tạo điều kiện hiệu quả hơn cho các hoạt động hợp tác giữa các viện và các trường đại học. Làm như vậy, quốc gia sẽ sử dụng tối ưu hơn ngân sách R&D lớn của mình. Điều này sẽ giúp Đức giữ được lợi thế của mình trong thời đại cạnh tranh khoa học toàn cầu ngày càng sâu rộng.