Yukiko Shimmi là Phó giáo sư cấp cao tại Trung tâm Học tập Toàn cầu, Viện Xuất sắc về Giáo dục Đại học, Đại học Tohoku, Nhật Bản. Email: shimmi@tohoku.ac.jp.
Hiroshi Ota là Giáo sư và là Giám đốc Chương trình Giáo dục Toàn cầu của Đại học Hitotsubashi (HGP), Trung tâm Giáo dục đại cương, Đại học Hitotsubashi. Email: h.ota@r.hit-u.ac.jp.
Akinari Hoshino là Phó Giáo sư và là Cố vấn về du học, Trung tâm Giáo dục và Trao đổi Quốc tế, Đại học Nagoya. Email: hoshino@iee.nagoya-u.ac.jp
Tóm tắt: Những trường đại học Nhật Bản nhận tài trợ của chính phủ để quốc tế hóa đang phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện những kế hoạch ban đầu của họ trước sự bùng nổ của đại dịch. Nhiều trường trong số đó đã bắt đầu sử dụng các công cụ ICT để tiếp tục trao đổi học thuật quốc tế. Bài viết này tìm hiểu những phản ứng, triển vọng và thách thức của những trường đại học Nhật Bản được lựa chọn tham gia hai dự án tài trợ gần đây của chính phủ cho quốc tế hóa: Dự án Trao đổi Liên trường Đại học (IUEP) và Dự án Đại học Toàn cầu Hàng đầu (TGUP).
Từ cuối những năm 2000, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thúc đẩy quá trình quốc tế hóa các trường đại học bằng cách cung cấp những khoản tài trợ cạnh tranh. Những trường đại học được tài trợ đang phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện những kế hoạch ban đầu của họ trong thời kỳ đại dịch, và nhiều trường trong số đó đã bắt đầu sử dụng các công cụ ICT để tiếp tục trao đổi quốc tế trực tuyến. Phản ứng của họ trước đại dịch có những đặc điểm gì, và làm thế nào để các trường đại học nhìn thấy triển vọng giao lưu quốc tế? Bài viết này tìm hiểu những nỗ lực của các trường đại học Nhật Bản được lựa chọn tham gia vào hai dự án tài trợ cạnh tranh gần đây cho quốc tế hóa, đó là Dự án Trao đổi Liên trường Đại học (IUEP) và Dự án Đại học Toàn cầu Hàng đầu (TGUP).
Những dự án gần đây của chính phủ
IUEP được triển khai đầu tiên vào năm 2011. Dự án này nhằm thúc đẩy trao đổi sinh viên hai chiều giữa Nhật Bản và những quốc gia hoặc khu vực được Bộ Giáo dục, Công nghệ và Văn hóa (MEXT) quy định hàng năm. Những trường đại học được lựa chọn sẽ nhận trợ cấp trong 5 năm. Trong những năm gần đây, những quốc gia và khu vực mục tiêu là Đông Á và ASEAN vào năm 2016; Nga và Ấn Độ năm 2017; Hoa Kỳ vào năm 2018; Liên minh châu Âu vào năm 2019; và châu Phi vào năm 2020.
Một dự án tài trợ khác là TGUP bắt đầu vào năm 2014. 37 trường đại học được lựa chọn và sẽ nhận tài trợ trong 10 năm cho đến năm 2023. Một trong những mục tiêu chính của dự án này là cải thiện hình ảnh quốc tế của các trường đại học thông qua các cải cách toàn thể chế và các nỗ lực quốc tế hóa.
50 trường đại học đã được chọn để nhận một hoặc cả hai khoản tài trợ này tính đến năm học 2020–2021. 18 trường đại học nhận được cả tài trợ TGUP và IUEP; 18 trường đại học chỉ nhận được trợ cấp TGUP; và 13 trường đại học chỉ nhận được tài trợ của IUEP. Những trường đại học này được kỳ vọng sẽ dùng những khoản tài trợ này để phát triển những thông lệ tốt về trao đổi trực tuyến quốc tế trong thời gian đại dịch COVID-19. Những trường đại học không nhận được tài trợ như vậy sau này có thể học hỏi từ những cách làm tốt này.
Hơn 90% trường báo cáo rằng họ gặp khó khăn trong việc theo đuổi quốc tế hóa do hàng loạt chương trình trao đổi học thuật và trao đổi sinh viên bị hủy bỏ vì đại dịch.
Phản ứng của các trường đại học đối với COVID-19
Theo khảo sát của MEXT về 50 trường đại học nói trên vào tháng 11 năm 2020, hơn 90% báo cáo rằng họ gặp khó khăn trong việc theo đuổi quốc tế hóa do hàng loạt chương trình trao đổi học thuật và trao đổi sinh viên bị hủy bỏ vì đại dịch. Ngoài ra, 84% trong số đó trả lời rằng họ cần thay đổi chiến lược quốc tế hóa của mình để chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu COVID-19, một nhiệm vụ đầy thách thức.
Trước tình huống chưa từng có do COVID-19 gây ra, hầu hết những trường đại học này bắt đầu sử dụng ICT để tiếp tục trao đổi quốc tế và học tập trực tuyến. Một trong những cách làm phổ biến nhất là khuyến khích sinh viên tham gia những chương trình trực tuyến ngắn hạn, thường kéo dài vài tuần, do các trường đại học ở nước ngoài cung cấp. Trước đại dịch, số lượng sinh viên tham gia những chương trình du học ngắn hạn (trong khoảng một tháng) chiếm hơn 60% sinh viên đại học Nhật Bản du học nước ngoài. Trong đại dịch, xu hướng tương tự cũng diễn ra. Hầu hết những chương trình trực tuyến ngắn hạn này hoàn toàn do các trường đại học ở nước ngoài xây dựng. Ngược lại, một số chương trình khác là kết quả của sự hợp tác giữa các trường đại học Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu cụ thể của sinh viên Nhật Bản, hoặc sự cộng tác của các trường đại học Nhật Bản và trường nước ngoài. Nhiều chương trình ngắn hạn tập trung vào việc học tiếng Anh hoặc những ngoại ngữ khác.
Ngoài ra, những trường đại học được tài trợ còn phát triển những chương trình du học ảo kéo dài một hoặc hai học kỳ. Đây là những lựa chọn thay thế cho những chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường đại học Nhật Bản với các trường đối tác ở nước ngoài. Trong những chương trình du học ảo, sinh viên Nhật Bản không ra nước ngoài nhưng vẫn tham gia những khóa học trực tuyến do các trường đại học đối tác ở nước ngoài cung cấp. Tương tự, sinh viên của những trường đại học đối tác cũng tham gia những khóa học trực tuyến do các trường đại học Nhật Bản cung cấp. Một số trường đại học đã phát triển một hệ thống nền tảng trực tuyến phục vụ chương trình du học ảo, phối hợp với các trường đại học đối tác ở nước ngoài. Một ví dụ là nền tảng “Course Jukebox” của Đại học Tsukuba, tính đến tháng 4 năm 2021 đã cung cấp 2.805 khóa học cho sinh viên của 8 trường đại học đối tác ở nước ngoài. Ngoài ra, các liên hiệp quốc tế của các trường đại học cũng cung cấp những chương trình du học ảo. Khá nhiều trường đại học được tài trợ là thành viên của những hiệp hội đó (ví dụ Hiệp hội các trường đại học Vành đai Thái Bình Dương APRU, University Mobility ở châu Á và Thái Bình Dương UMAP), và cung cấp các khóa học trực tuyến của họ cho hiệp hội, khuyến khích sinh viên của họ đăng ký học trực tuyến những khóa học do những thành viên hiệp hội khác cung cấp.
Trong khi nhiều trường đại học bắt đầu tham gia vào ICT như một cách ứng phó khẩn cấp trong đại dịch, các trường đại học được IUEP lựa chọn vào năm 2018 đã thực hành “Học tập quốc tế trực tuyến hợp tác” (COIL) với các trường đại học Hoa Kỳ trước khi xảy ra đại dịch. Khi COVID-19 bùng nổ, những sáng kiến COIL này đã thu hút sự chú ý như một cách để thúc đẩy học tập quốc tế bền vững và hòa nhập mà không cần di chuyển. Viện Giáo dục Toàn cầu Sáng tạo của Đại học Kansai (IIGE) đóng vai trò hàng đầu trong việc phổ biến phương pháp COIL, cùng với các nguồn tài nguyên và các khóa huấn luyện, cho các trường đại học ở Nhật Bản và những quốc gia khác thông qua Mạng lưới toàn cầu IIGE.
Triển vọng và thách thức
Theo khảo sát của MEXT, 90% những trường đại học được tài trợ trả lời rằng trong tương lai họ sẽ phát triển những chương trình trao đổi sinh viên quốc tế hỗn hợp/kết hợp bao gồm cả du học thực tế và học tập thông qua Internet. Ngoại trừ sáng kiến COIL, trao đổi và du học ảo hiện nay chủ yếu được coi là phản ứng khẩn cấp đối với cuộc khủng hoảng hiện tại và là giải pháp thay thế cho du học quốc tế thực sự. Các nhà giáo dục quốc tế lo ngại rằng phương pháp học tập quốc tế trực tuyến nhiều khả năng sẽ biến mất khi du học thực sự hồi phục ở quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngay cả sau đại dịch, các trường đại học vẫn phải tận dụng những công cụ học tập trực tuyến đã được phát triển mới có thể cung cấp được nền giáo dục hòa nhập quốc tế cho số đông sinh viên không có khả năng du học ở nước ngoài. Bây giờ là lúc để nhìn nhận thực tế rằng chính sách và thực tiễn giáo dục quốc tế đã phụ thuộc quá nhiều vào sự dịch chuyển xuyên biên giới thực sự của sinh viên.
Một trong những thách thức đối với các trường đại học Nhật Bản trong việc thực hiện những chương trình dạy và học trực tuyến là đảm bảo và nâng cao chất lượng. Xét đến tuổi đời non trẻ của học tập trực tuyến và giáo dục từ xa ở Nhật Bản, cả việc xây dựng năng lực và phát triển chuyên môn đều rất quan trọng đối với mục tiêu này. Ngoài ra, một việc cần thiết nữa là đánh giá kết quả học tập của những sinh viên tham gia vào những chương trình trao đổi và du học ảo, nhằm xác định những lợi ích và hạn chế của những chương trình đó và cải thiện chúng. Những nỗ lực này có thể giúp các trường đại học hình dung một cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện đối với việc giảng dạy và học tập quốc tế trong thời kỳ hậu COVID-19. Trạng thái bình thường mới sẽ đòi hỏi các trường đại học phát triển một phương thức quốc tế hóa mới có thể tác động đáng kể đến danh tiếng và sức hấp dẫn của giáo dục đại học nói chung.