Rui Yang là Giáo sư nghiên cứu, Phó Khoa Giáo dục, Đại học Hồng Kông. Email: yangrui@hku.hk.
Tóm tắt: Những trường đại học của giai đoạn đầu thời kỳ hiện đại (đầu thế kỷ 20) ở Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc tích hợp những ý tưởng học tập đại học của Tây phương và Trung Quốc. Điều này chứng tỏ rằng, mặc dù hết sức khó khăn, các nhà giáo dục Trung Quốc có thể điều chỉnh mô hình đại học phương Tây phù hợp với điều kiện của Trung Quốc. Phản ánh một khía cạnh của lịch sử Trung Quốc hiện đại, những thành quả này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển đại học ngày nay, và xứng đáng được nghiên cứu sâu hơn.
Vài thập kỷ gần đây chứng kiến khát vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy những trường đại học tốt nhất của họ vươn lên những vị trí dẫn đầu trong xếp hạng thế giới. Đúng một thế kỷ trước, những đại học mới thành lập ở Trung Quốc đã có được danh tiếng toàn cầu là những trường đẳng cấp thế giới.
Mặc dù giai đoạn đầu của thời kỳ hiện đại là thảm họa đối với Trung Quốc, nhưng lại là thời kỳ vàng son cho việc hiện đại hoá giáo dục đại học. Trong quan niệm của phương Tây, trường đại học phát triển thông qua sự tích lũy kinh nghiệm thực tế; trái lại, sự hiểu biết của người Trung Quốc về đại học hiện đại đã có trước thực tiễn và nhanh chóng đạt được sự trưởng thành trong cuộc cải cách cuối nhà Thanh (1901–1912). Thành quả học hỏi phương Tây của thời kỳ này tỏ ra vượt trội hơn tất cả những thể chế sau đó – cộng sản Lục địa, dân quốc Đài Loan hay thuộc địa Hồng Kông.
Đại học truyền giáo của phương Tây
Từ đầu thế kỷ XX, các trường đại học truyền giáo được thành lập ở Trung Quốc và nhanh chóng vươn lên tầm quốc tế. Đối đầu với nền văn hóa hàng thiên niên kỷ của Trung Quốc và truyền thống trí tuệ sắc sảo, họ quyết liệt theo đuổi cuộc chinh phục văn hóa và đóng vai trò là một đường dẫn đến những giá trị và kiến thức cốt lõi của phương Tây. Thành lập năm 1882, Trường Đại học Tengchow là cơ sở giáo dục đại học Cơ đốc giáo sớm nhất. Đến đầu những năm 1940, 13 cơ sở đại học Tin lành và 3 cơ sở đại học Công giáo La Mã đã được thành lập ở Trung Quốc. Thành lập bởi Methodist Episcopal Church South vào năm 1901 và được coi là trường đại học hoàn toàn theo phong cách phương Tây đầu tiên ở Trung Quốc, Đại học Soochow đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ảnh hưởng của Mỹ vào giai đoạn phát triển giáo dục đại học hiện đại sớm nhất của Trung Quốc. Đại học St. John’s cũng là trường đã đưa mô hình giáo dục đại học Mỹ vào Trung Quốc.
Có ảnh hưởng lịch sử đến sự phát triển ban đầu của giáo dục đại học Trung Quốc, các trường đại học truyền giáo đã thiết lập một mô hình giáo dục chuẩn mực trong những khía cạnh thiết yếu, bao gồm mục đích và lý tưởng của trường đại học. Cả những sinh viên Trung Quốc từng học tập và sống tại những trường truyền giáo này và những nhà giáo dục nước ngoài giảng dạy và quản lý ở đó – đều đạt đến mức độ tinh tế tích hợp văn hóa truyền thống trí tuệ Trung Quốc và phương Tây. Một số đại học trở thành những trung tâm nổi tiếng nghiên cứu về Trung Quốc, bao gồm Đại học Yenching, Shantung Christian University và St. John’s University. Bằng cách kết hợp truyền thống Trung Quốc vào chương trình giảng dạy của phương Tây, họ đã phát triển một tầm nhìn toàn cầu về học thuật và một mô hình giáo dục độc đáo.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học truyền giáo đã trở thành trụ cột quốc gia trong nửa đầu thế kỷ XX. Nhờ sự xuất sắc trong học thuật, nhiều trường trong số này đã đạt được danh tiếng ở đẳng cấp thế giới và được quốc tế công nhận. Họ đã xây dựng những chương trình học đầu tiên của Trung Quốc, như nhân chủng học, kinh tế học, báo chí, luật và xã hội học. Đại học Yenching được xếp hạng là một trong hai trường đại học tốt nhất ở châu Á theo đánh giá quốc tế do Đại học California thực hiện vào năm 1928, cho phép sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện học tiếp sau đại học tại Hoa Kỳ. Họ đã tiến hành những nghiên cứu tiên tiến, trong những lĩnh vực như nông nghiệp tại Đại học Nam Kinh, lịch sử văn hóa tại Đại học Shantung Christian, văn hóa dân gian, nghệ thuật dân gian và âm nhạc tại Đại học Cơ đốc giáo Fukien, và nghiên cứu bảo tàng tại Đại học West China Union.
Những trường đại học do người Trung Quốc thành lập
Từ năm 1895, khi Trung Quốc thua cuộc trong chiến tranh với Nhật Bản, việc thành lập những cơ sở giáo dục đại học hiện đại để học hỏi từ phương Tây càng trở nên cấp thiết nhằm tái thiết đất nước. Những trường đại học được thành lập bởi giới tinh hoa trong quan chức chính phủ và quý tộc cung cấp chương trình đào tạo về khoa học và công nghệ phương Tây. Trong khoảng thời gian từ năm 1862 đến năm 1898, những người theo chủ nghĩa cải cách đã thành lập 44 học viện/đại học, lần đầu tiên ở Trung Quốc đào tạo những khoá học của phương Tây, bao gồm ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và kỹ thuật ứng dụng. Trường đầu tiên là Tongwen Guan thành lập năm 1862 đào tạo thông dịch viên các ngôn ngữ phương Tây. Khoa toán học và thiên văn học được mở vào năm 1866 để giảng dạy khoa học phương Tây. Sau đó, trường này được sáp nhập vào Đại học Cố đô thành lập vào năm 1902.
Một trường nổi bật trong lịch sử là Đại học Imperial Tientsin thành lập năm 1895. Theo hình mẫu Harvard và Yale rồi sau được điều chỉnh theo Đại học Hoàng gia Nhật Bản, đây là trường đại học hiện đại “hợp thời” đầu tiên của Trung Quốc, nơi đào tạo kiến thức phương Tây một cách toàn diện và có hệ thống. Đây cũng là trường đại học hiện đại đầu tiên ở Trung Quốc do chính phủ điều hành, áp dụng hoàn toàn mô hình giáo dục đại học phương Tây để đào tạo kỹ sư theo cách ngày nay vẫn làm. Với một bản điều lệ nêu rõ sứ mệnh, tầm nhìn và nền tảng – bản điều lệ đầu tiên ở Trung Quốc – trường này thể hiện một quan điểm sâu sắc về trường đại học trong tất cả những khía cạnh thiết yếu.
Những cơ sở giáo dục đại học hiện đại đầu tiên của Trung Quốc được thành lập để du nhập phương pháp đào tạo của phương Tây nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách thống nhất quốc gia và tiến bộ kinh tế, chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa đế quốc ngày càng hung hăng. Đưa phương pháp phương Tây vào Trung Quốc một cách thành công và toàn diện, họ đào tạo ra những chuyên gia để tái thiết một xã hội đổ nát, và thực hiện những nghiên cứu tiên phong trong tất cả các lĩnh vực. Khi ngọn lửa chiến tranh bùng lên ở hầu hết các vùng của Trung Quốc, thật đáng kinh ngạc khi họ vẫn kiên tâm duy trì những tiêu chuẩn học thuật cao của mình. Joseph Needham ca ngợi Đại học Chiết Giang là “Cambridge của phương Đông.” Huyền thoại hơn nữa là Đại học Liên kết Tây Nam, trường này đã đạt được chất lượng học thuật cao trong tất cả các ngành đào tạo.
Những trường đại học hiện đại đầu tiên của Trung Quốc đặt ra mục tiêu là thận trọng kết hợp phương pháp luận phương Tây với đặc thù tư tưởng, trí tuệ, văn hóa và giáo dục của người Trung Quốc.
Bài học lịch sử quý giá
Đối phó với khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước, những trường đại học hiện đại đầu tiên của Trung Quốc đặt ra mục tiêu là thận trọng kết hợp phương pháp luận phương Tây với đặc thù tư tưởng, trí tuệ, văn hóa và giáo dục của người Trung Quốc. Sự phát triển của họ trong thời kỳ đầu hiện đại có đặc trưng nổi bật là những nỗ lực cho mục tiêu khôn ngoan này, với sự tinh tế ở cấp độ cá nhân, nhà trường và toàn hệ thống, thể hiện qua sự quản lý quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây trong hoạt động giáo dục, học thuật và vận hành đại học. Họ đã nhanh chóng đạt được những thành tựu này sau khi du nhập khái niệm đại học phương Tây vào Trung Quốc. Ngay từ đầu họ đã đặt ra những mục tiêu cao, cao hơn cả những mục tiêu ngày nay.
Do thiếu một chính quyền trung ương mạnh, giai đoạn hiện đại ban đầu của Trung Quốc là một thời kỳ hỗn loạn đáng sợ, nhưng đã ghi nhận những nỗ lực thực sự để thành lập một “trường đại học” theo đúng nghĩa với những giá trị về quyền tự chủ và tự do học thuật. Sự thật không vui là không trường nào vượt qua được những thành tựu như vậy trong nửa thế kỷ sau đó – không chỉ ở Trung Quốc Đại lục, mà cả Đài Loan, cũng như Hồng Kông. Sự tắc nghẽn, cũng như gián đoạn nguồn lực gây tổn hại cho sự phát triển bền vững. Nguyên nhân sâu xa không phải là tài chính hay hệ tư tưởng, vấn đề mấu chốt là văn hóa. Trung Quốc có nhiều điều cần học hỏi từ lịch sử của chính mình, đặc biệt là từ giai đoạn đầu của thời kỳ hiện đại, khi diễn ra cuộc gặp gỡ ban đầu giữa truyền thống Trung Quốc và phương Tây.