Nền học thuật Trung Quốc bị trúng đòn “thoái triển”

Qiang Zha là PGiáo sư tại Khoa Giáo dục, Trường Đại học York, Toronto, Canada. Email: qzha@edu.yorku.ca.

Tóm tắt: Sự bùng nổ hoạt động nghiên cứu ở Trung Quốc không chuyển hóa thành sức mạnh đổi mới, và quốc gia này đang lâm vào những bế tắc công nghệ quan trọng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Tình trạng “thoái triển” được coi là một yếu tố gây ra nghịch lý này. Trong lĩnh vực học thuật, “thoái triển” ám chỉ tình trạng khi các nhà nghiên cứu tại đại học làm việc chăm chỉ hơn và công bố nhiều nghiên cứu hơn, nhưng sức đổi mới của nền giáo dục đại học Trung Quốc lại tăng không đáng kể.

Năm vừa qua không chỉ chứng kiến cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, mà còn giáng một đòn mạnh vào nền học thuật Trung Quốc. Các bài đánh giá về học thuật trong các trường đại học Trung Quốc đã quay ngược 180 độ. Trong thập kỷ trước Trung Quốc chú trọng vào những nghiên cứu công bố trên những tạp chí trong danh sách Chỉ số Trích dẫn Khoa học (SCI) – là chỉ số trích dẫn mang tính thương mại, theo dõi số lượng trích dẫn các nghiên cứu đăng trên những tạp chí khoa học, y học và công nghệ được đánh chỉ mục. Vì thế những tạp chí đó được coi là tạp chí hàng đầu và tác giả của những nghiên cứu được công bố trên những tạp chí đó không những được trả công xứng đáng, mà còn được ưu tiên khi đánh giá thẩm định, dẫn đến các cơ hội thăng tiến chuyên môn và tham gia chương trình tài năng, từ đó tăng thêm thu nhập cá nhân và nguồn lực nghiên cứu. Một bài báo được đăng trên tạp chí hàng đầu trong danh mục SCI có thể đem lại cho tác giả khoản tiền thưởng lên đến 85 ngàn USD. Do đó, tổng số bài đăng trên những tạp chí được lập chỉ mục SCI đã tăng vọt từ 120 ngàn trong năm 2009 lên đến 450 ngàn trong năm 2019.

 

Nghịch lý là sự bùng nổ sản xuất nghiên cứu của Trung Quốc lại không chuyển hóa thành sức mạnh đổi mới.

 

Nghịch lý là sự bùng nổ sản xuất nghiên cứu của Trung Quốc lại không chuyển hóa thành sức mạnh đổi mới. Điều này bị phơi bày bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, qua đó thấy rằng Trung Quốc đang thiếu kiểm soát nghiêm trọng đối với những công nghệ chủ chốt và sở hữu trí tuệ. Các trường đại học hàng đầu Trung Quốc hiện nay được coi là chưa đạt chuẩn phát triển và chuyển giao công nghệ lớn. Shi Yigong, một nhà khoa học hàng đầu ở Trung Quốc, đã tiết lộ một lý do đáng kinh ngạc đằng sau hậu trường: các trường đại học Trung Quốc không tạo ra nhiều sự đổi mới độc đáo hoặc đột phá. Ông cũng cảnh báo thêm rằng chiến dịch thúc đẩy công bố hiện nay không nhất thiết dẫn tới việc thúc đẩy khoa học và kỹ thuật (S&E). Đúng hơn là, nó có thể tạo ra sự thịnh vượng bề ngoài, chỉ đơn thuần dựa trên quy mô và số lượng công bố nghiên cứu. Kết quả là, vào tháng 2 năm 2020, Bộ Giáo dục và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc phải ban hành một chính sách chính thức chấm dứt sử dụng chỉ số SCI làm tiêu chí chính để đánh giá nghiên cứu, cách làm này vẫn được thừa nhận trước đây. Theo chính sách mới này, những chỉ số liên quan đến SCI (ví dụ như số bài báo được công bố trên các tạp chí được lập chỉ mục SCI, yếu tố tác động của các tạp chí và số lượng trích dẫn của các công bố) không được chấp nhận là bằng chứng trực tiếp về thành tích nghiên cứu, và việc trả tiền thưởng cho các nhà nghiên cứu để đăng bài trên những tạp chí SCI sẽ bị cấm. Tháng 12 năm 2020, Bộ Giáo dục và năm cơ quan trung ương khác (trong đó có Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Cục Quảng cáo Trung ương) đã ban hành hướng dẫn mới liên quan đến việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên đại học, trong đó yêu cầu chấn chỉnh tình trạng “các tạp chí thực hiện việc thẩm định nghiên cứu, và những tạp chí được lập chỉ mục SCI nắm quyền tối cao”.

Gần đây, ngày 21 tháng 5 năm 2021, lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một hướng dẫn nhằm chấn chỉnh cơ chế thẩm định các kết quả khoa học và công nghệ. Tài liệu này chỉ ra những vấn đề bất cập của việc đơn giản hóa các chỉ số, định lượng tiêu chí và chạy theo xu hướng một cách mù quáng, và chủ nghĩa vị lợi trong thực tiễn thẩm định hiện nay. Hướng dẫn này cũng yêu cầu một hệ thống đánh giá nhiều chiều với cách đánh giá theo thị trường và đánh giá từ trung hạn đến dài hạn cũng như xem xét lại sau khi có hiệu lực. Hướng dẫn này cho thấy sự cấp thiết của việc sửa đổi quy trình thẩm định nghiên cứu ở Trung Quốc.

 “Thoái triển” là nguyên nhân

Tình trạng “thoái triển” bị coi là một yếu tố tạo ra nghịch lý này. Khái niệm này khởi nguồn được dùng bởi các nhà nhân chủng học để mô tả tình trạng gia tăng dân số ở một số xã hội nông nghiệp đi đôi với sự sụt giảm tài sản bình quân đầu người. Điều này hiện đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nơi mà hầu hết mọi người làm việc chăm chỉ hơn nhưng ít thăng tiến hơn về mặt xã hội. Trong lĩnh vực chuyên môn học thuật, “thoái triển” đề cập đến một tình huống nghịch lý, khi hầu hết các nhà nghiên cứu trong các trường đại học làm việc chăm chỉ hơn và công bố nhiều hơn, nhưng sức mạnh đổi mới của nền giáo dục đại học Trung Quốc lại tăng không đáng kể. Nghịch lý này được thực tế chứng minh một cách sinh động, đó là, một mặt, ngày càng nhiều trường đại học Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng toàn cầu nhờ số lượng những công bố nghiên cứu và trích dẫn chúng; tuy nhiên, mặt khác, Hoa Kỳ có thể dễ dàng tận dụng những điểm bế tắc về công nghệ của Trung Quốc và kìm hãm Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại song phương. Cụ thể hơn, các cơ sở dữ liệu về công bố nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ về số lượng công bố trong những lĩnh vực như khoa học vật liệu, khoa học máy tính, kỹ thuật, hóa học, toán học và vật lý. Tuy nhiên, đa số lĩnh vực này nằm trong số 35 lĩnh vực công nghệ quan trọng đang bị siết lại được chỉ ra trong Nhật báo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Làm thế nào mà tình trạng “thoái triển” lại dẫn đến một hiệu ứng như vậy? Sự khan hiếm nguồn lực được cho là nguyên nhân dẫn đến một xã hội “thoái triển”. Trong một xã hội nhất định, khi những nguồn lực cần thiết trở nên khan hiếm, các thể chế khác nhau có thể phát triển nhằm theo đuổi và và chia sẻ càng nhiều càng tốt những nguồn lực thiếu hụt; những thể chế đó càng tiến hóa phức tạp, xã hội càng bị thoái triển. Trong bối cảnh giáo dục đại học Trung Quốc, trong hai thập kỷ qua, nhà nước đã đầu tư vào một số chương trình xuất sắc với mục đích tạo ra những trường đại học đẳng cấp thế giới (đó là Dự án 211, 985 và “Đại học hạng nhất kép”) hoặc khen thưởng tài năng đẳng cấp cao (chẳng hạn như Kế hoạch hàng ngàn nhân tài và Giải thưởng Học bổng Trường Giang). Những chương trình này kéo theo và tập trung một nguồn tài nguyên khổng lồ. Nhiều tỉnh cũng bắt chước cách làm như vậy và khởi động những chương trình xuất sắc ở địa phương. Những chương trình này không chỉ tập trung nguồn lực mà còn nhúng những tiêu chí lựa chọn (và chú trọng hơn) vào những nghiên cứu được công bố trên những tạp chí có tác động cao (những tạp chí được lập chỉ mục trong SCI, đại diện cho một phần nhỏ các tạp chí khoa học & kỹ thuật), điều này thực sự tạo ra tình trạng khan hiếm.

Tình trạng khan hiếm do chế độ “chủ nghĩa SCI” tạo ra này thúc đẩy các trường đại học và các nhà nghiên cứu Trung Quốc tập trung và nỗ lực giải quyết tình trạng khan hiếm trước mắt, tức là tìm cách giành quyền tiếp cận sâu tới những chương trình xuất sắc đó. Tình trạng này thường dẫn đến việc tăng năng suất bằng cách nhanh chóng quay vòng công việc. Một số nơi thậm chí còn triển khai những hành động chiến thuật nhắm đến mục tiêu công bố vì lợi ích của việc công bố trên các tạp chí SCI.

Tệ hơn nữa, sự khan hiếm nguồn tài nguyên làm cản trở chức năng nhận thức và hiệu suất của chúng ta. Sự khan hiếm có khả năng đẩy chúng ta vào tình huống khoan hầm (tunneling), nghĩa là dành toàn bộ tài nguyên và cơ hội vào mục tiêu ngắn hạn – thường phải trả giá bằng việc phí phạm băng thông, tức không gian nhận thức nơi ta suy ngẫm. Việc thiếu băng thông sẽ hạn chế trí thông minh mềm, do đó cản trở khả năng hình dung vấn đề lớn và đạt được mục tiêu dài hạn, đồng thời dẫn đến những công việc tầm trung hơn là đổi mới. Như vậy, khái niệm khan hiếm có thể giải thích rõ ràng cách thức tình trạng “thoái triển” xảy ra trong giới học thuật Trung Quốc, và quan trọng hơn, có thể dự báo những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Tình hình tương lai

Những biện pháp chính sách nói trên thể hiện nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm phá vỡ vòng tròn thoái triển mà trong đó việc sản xuất tri thức của đất nước dường như bị mắc kẹt, và thể hiện sự cam kết khôi phục việc thực hiện những nghiên cứu đổi mới và có tác động cao. Tuy nhiên, kết quả có thể phụ thuộc hoặc bị ràng buộc bởi một số điều kiện bên trong và bên ngoài.

Về nội bộ, Trung Quốc là một quốc gia có quy mô khổng lồ, và do đó luôn khan hiếm tài nguyên. Ví dụ, ngay cả trong 100 trường đại học hàng đầu của nước này, mức độ chênh lệch về thu nhập có thể lên tới ba mươi lần. Chế độ khan hiếm là một chính sách lựa chọn tự nhiên, và đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc theo đuổi những mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Người ta có thể cho rằng, sự khan hiếm mang lại “nguồn lợi tập trung” – tức là tình huống khi một người làm việc tăng năng suất nhờ tập trung cao vào một mục tiêu duy nhất. Hiệu ứng của nguồn lợi tập trung thỏa mãn nhu cầu vượt qua những nước khác trong các cuộc cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc. Nếu không thể thay thể bằng một chính sách khác cũng hoạt động hiệu quả, thì sự trì trệ do phụ thuộc vào lối mòn có thể trở lại. Thật vậy, mặc dù cấm sử dụng các chỉ số liên quan đến SCI, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa phê chuẩn bất kỳ một cơ chế thẩm định thay thế nào.

Về bên ngoài, sự thống trị của chủ nghĩa tư bản học thuật mang những đặc điểm của chế độ khan hiếm, vốn ủng hộ việc tập trung đầu tư vào những trường và những nhà nghiên cứu hàng đầu – thông qua lựa chọn thường xuyên và nghiêm ngặt – để tối đa hoá lợi ích từ nghiên cứu. Do đó, các nhà nghiên cứu được thúc đẩy công bố càng nhiều và càng nhanh càng tốt trên những tạp chí có hệ số tác động cao, do đó tạo ra hiệu suất trích dẫn tốt; các trường đại học của họ được hưởng lợi rất nhiều từ những trích dẫn như vậy khi tham gia vào các bảng xếp hạng học thuật. Nếu kết quả xếp hạng của các trường đại học Trung Quốc bị cản trở trong môi trường chính sách mới này, chính phủ (và cả các trường đại học) có thể sẽ muốn quay lại những quy tắc cũ.