Hội chứng Stockholm của giới học thuật: Vị thế mâu thuẫn của việc xếp hạng giáo dục đại học

Jelena Brankovic là Nghiên cứu viên sau tiến sĩ Khoa Xã hội học, Trường Đại học Bielefeld, Đức. Email: jelena.brankovic@uni-bielefeld.de.

Tóm tắt: Giới học thuật có cách nhìn mâu thuẫn với việc xếp hạng, họ liên tục phàn nàn về các bảng xếp hạng; tuy nhiên, họ cũng luôn tìm cách để “thích ứng” với chúng. Những học giả nghiên cứu xếp hạng giáo dục đại học cũng thường thể hiện thái độ mâu thuẫn tương tự. Tác giả bài viết cho rằng sự mâu thuẫn này góp phần củng cố vị thế của xếp hạng trong tương lai như một thực tiễn trong giáo dục đại học, và kêu gọi tăng thêm đánh giá về tính phản xạ khi nghiên cứu chủ đề này.

Trong nhiều thập kỷ qua, việc xếp hạng các trường đại học đã phổ biến đến mức trở thành một phần được chấp nhận – mặc dù vẫn tiếp tục gây tranh cãi – của bối cảnh học thuật xuyên quốc gia. Ý nghĩ rằng “xếp hạng là cần thiết” được nhiều giảng viên, sinh viên, các nhà quản lý và hoạch định chính sách chấp nhận. Mặc dù có những bằng chứng gia tăng về tác động tiêu cực của việc xếp hạng và những chỉ trích không ngừng từ các phía khác nhau, nhiều người trong lĩnh vực giáo dục đại học vẫn cho rằng xếp hạng là không thể tránh khỏi, hoặc thậm chí là cần thiết. Tại sao lại như vậy?

Vì sao chúng ta tin vào xếp hạng?

Để giải câu đố này, chúng ta cần quan sát kỹ hơn cách mà xếp hạng cộng hưởng với bối cảnh văn hóa và thể chế rộng hơn. Thứ nhất, xếp hạng được thực hiện thông qua việc tạo ra sự cạnh tranh công khai, thúc đẩy các trường đại học coi nhau như đối thủ một cách hiệu quả. Sự giống nhau khá tự nhiên giữa xếp hạng và các diễn văn về việc cạnh tranh toàn cầu có thể là một trong những lý do khiến cho xếp hạng chủ yếu được nhìn nhận như một yếu tố địa chính trị. Hơn nữa, xếp hạng cộng hưởng với một số “huyền thoại được hợp lý hóa” nổi tiếng nhất của giáo dục đại học, như quản trị chiến lược, chỉ số hoạt động, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, quốc tế hóa, sự xuất sắc, và tác động. Bản thân các bảng xếp hạng cũng tỏa ra hào quang về tính hợp lý, nên chúng dễ dàng nổi lên như một công cụ “logic” để nuôi dưỡng những huyền thoại này và đo lường sự tiến bộ xã hội theo hướng đó.

Một điều không kém phần quan trọng là hình dung về giáo dục đại học như một hệ thống các tổ chức được phân tầng – với những trường kiểu như Harvard, Oxford đứng ở trên cùng – trước khi trở thành “bá chủ” của các bảng xếp hạng suốt vài thập kỷ vừa qua. Ví dụ, khi US News và Đại học học Giao thông Thượng Hải đưa ra bảng xếp hạng đầu tiên của mình, họ gần như hoàn toàn xác nhận những trường mà mọi người đều đã “biết” là trường “tốt nhất”. Nếu không phải như vậy, cách tiếp nhận các bảng xếp hạng toàn cầu sau đó có thể đã khác. Một bảng xếp hạng đáng tin cậy cần giới hạn trong một phạm vi hợp lý, đồng thời cho phép cải thiện hiệu suất liên tục. Trên thực tế, mỗi trường đại học đều được kỳ vọng sẽ luôn phấn đấu để cải thiện thứ bậc trong bảng xếp hạng.

Cuối cùng, giống như sự phân loại, đối sánh, tiêu chuẩn và những chỉ số khác nhau liên quan đến hiệu suất, bảng xếp hạng thường được đưa vào danh mục lớn hơn gồm những công cụ chính sách và phương pháp đánh giá. Điều này cũng tạo điều kiện để việc xếp hạng “du hành” sang nhiều lĩnh vực khác. Có một lý do mang tính lịch sử. Những học giả quan tâm đến việc đánh giá công trình của chính họ và của trường đã thử nghiệm những công cụ này trong nhiều thập kỷ, trước khi chúng được các tổ chức phi học thuật vay mượn để áp dụng cho những mục đích xã hội rộng hơn như hiệu quả, trách nhiệm giải trình và minh bạch.

Đặt trong bối cảnh văn hóa và lịch sử này, không có gì lạ khi xếp hạng được coi là đương nhiên. Do được “thừa nhận” trong các diễn thuyết công khai, nên phần lớn những tranh luận về xếp hạng chuyển hướng sang vấn đề “thực hiện thế nào”. Trong khi đó, chính ý tưởng về việc xếp hạng hiếm khi được đề cập tới một cách nghiêm túc, ngay cả trong những nghiên cứu về giáo dục đại học.

Ranh giới mập mờ: Khoa học về xếp hạng

Nghiên cứu về giáo dục đại học luôn có mối quan hệ mơ hồ với xếp hạng. Lĩnh vực giáo dục đại học có sự ràng buộc chặt chẽ với chính sách và thực tiễn, nên phần lớn nghiên cứu trong lĩnh vực này được thực hiện với một mục đích rõ ràng là làm cho giáo dục đại học trở nên công bằng, hiệu quả, có trách nhiệm, v.v…, làm cho nó tốt hơn, bất kể điều này có nghĩa là gì. Ẩn ý của vạch quy chuẩn này là các học giả về giáo dục đại học thường hành động nhân danh mục đích bảo vệ giáo dục đại học khỏi những xu hướng mà họ cho là có hại. Xếp hạng – vì những lý do đã được dẫn chứng rộng rãi trong hàng thập kỷ qua – thường được coi là một xu hướng như vậy.

Kết quả là, phần lớn nghiên cứu về xếp hạng đều mang tính phê phán, ngấm ngầm hoặc dứt khoát. Tuy nhiên, nghịch lý là việc chỉ trích dường như chỉ nửa vời. Tranh cãi học thuật về xếp hạng có chiều hướng xoay quanh phương pháp luận và ảnh hưởng của nó, thường mở rộng ra thành trao đổi về việc làm sao để việc xếp hạng được cải tiến và tốt hơn những cách xếp hạng đã có. Nghiên cứu thường chỉ trích công khai các tổ chức xếp hạng – vẫn bị coi là chủ yếu, nếu không muốn nói là hoàn toàn, được thúc đẩy bởi lợi ích thương mại. Do đó các tổ chức xếp hạng bị gán cho những tiêu chuẩn nhất định về động cơ và hành vi “phù hợp”.

Do đó, thay vì quan sát xếp hạng như một đối tượng nghiên cứu, hướng nghiên cứu này lại đánh giá mức độ “tốt” hoặc “thực chất” của việc xếp hạng như một công cụ về chính sách hoặc về sự minh bạch. Cách lập luận này ngụ ý rằng nếu xếp hạng là những gì quan trọng được đo lường một cách lành mạnh, có phương pháp, được tạo ra vì lợi ích phi thương mại, và được sử dụng một cách có trách nhiệm, thì mọi sự thế nào cũng sẽ tốt hơn. Điều này có thể tạm thời ảnh hưởng đến thứ hạng cụ thể, tuy nhiên về lâu dài, có khả năng củng cố hơn, chứ không làm giảm đi, tính hợp pháp của việc xếp hạng với tư cách là một thực tiễn đánh giá các trường đại học. Có ít nhất hai lý do để cho rằng điều này sẽ xảy ra.

Thứ nhất, những lý lẽ đề cập đến khía cạnh “thực hiện thế nào”, gồm cả “sửa chữa” việc xếp hạng, về cơ bản khẳng định ý tưởng rằng giáo dục đại học được thúc đẩy nhờ việc xếp hạng – điều này vượt khỏi phạm vi phương pháp luận, lợi ích, hoặc cách thức sử dụng bảng xếp hạng. Theo đó, giáo dục đại học được hình dung như một trật tự phân tầng có tổng bằng 0 được tạo thành từ những trường đại học luôn phấn đấu để vượt qua những trường khác, trong đó tất cả được kỳ vọng luôn luôn cạnh tranh với nhau. Những bảng xếp hạng quốc tế có ít nhiều ảnh hưởng hiện nay đều quảng bá cho ý tưởng rằng giáo dục đại học như một trật tự cạnh tranh có tổng bằng 0 này là “tự nhiên” và thậm chí là “vượt trội” so với những quan niệm khác.

 

Các tổ chức xếp hạng đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo để bảng xếp hạng của họ trông giống như một ngành “khoa học vững chắc” và được cộng đồng khoa học đối xử với tư cách như vậy.

 

Thứ hai, nghiên cứu đánh giá về xếp hạng mang lại cho nó tính chính thống cần thiết về mặt khoa học. Các tổ chức xếp hạng đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo để bảng xếp hạng của họ trông giống như một ngành “khoa học vững chắc” và được cộng đồng khoa học đối xử với tư cách như vậy. Người ta cho rằng, những công bố học thuật đề xuất cải tiến phương pháp luận và tác động của xếp hạng coi những tổ chức này như đối tác trong cuộc thảo luận về học thuật. Việc này có nguy cơ sử dụng tính tin cậy về mặt khoa học để hậu thuẫn cho các hệ tư tưởng khác nhau và các chương trình nghị sự về chính sách. Nguy cơ tương tự cũng tồn tại khi các học giả có chân trong các ủy ban và hội đồng của các tổ chức xếp hạng, tham gia vào sự kiện của họ, hoặc thực hiện khảo sát của họ. Dựa vào uy thế văn hóa của khoa học (thông qua kênh chuyên môn học thuật này) có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với các tổ chức xếp hạng, bởi vì, giống như công việc của các nhà khoa học, họ cũng đang công bố sự thật về những gì và những gì không phải là trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Tầm quan trọng của tính phản xạ

Điều này không có nghĩa là các nghiên cứu về giáo dục đại học không nên phê phán, mà hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, không phải mọi phê phán đều giống nhau. Vì lý do này hay lý do khác, điều cơ bản là cần tiếp tục nghiên cứu “bức tranh lớn”, cùng với vai trò và vị trí của chính chúng ta trong đó.

Theo một cách thực tiễn, chúng ta nên bắt đầu xem xét xếp hạng và những tổ chức xếp hạng, đầu tiên và trước hết, như một đối tượng nghiên cứu. Thay vì coi xếp hạng như một hiện tượng giáo dục đại học đã được thừa nhận, hoặc coi các tổ chức xếp hạng như những đối tác trong mục tiêu của các doanh nghiệp học thuật, chúng ta có thể đơn giản coi đó như những hiện trường điều tra thực nghiệm hoặc dữ liệu, nếu muốn. Nếu chúng ta phê phán dữ liệu của mình, điều này có thể làm cho mọi người nghi ngờ về năng lực đánh giá minh bạch của chúng ta. Nếu chúng ta kỳ vọng về cách thức dữ liệu của chúng ta vận hành, hoặc cố gắng ép các chuẩn mực và kỳ vọng theo dữ liệu của chúng ta bằng bất cứ cách nào, thì uy tín của chúng ta với tư cách là học giả có thể bị hoài nghi. Lưu tâm tới những rủi ro này hết sức quan trọng đối với tính xác thực của sự quan sát. (Nghĩa là, việc coi xếp hạng và các tổ chức xếp hạng là đối tượng nghiên cứu đòi hỏi chúng ta xem xét những điều này một cách khách quan và phân tích các hiện tượng một cách phù hợp).

Thật thiển cận nếu cứ khăng khăng một điều nào đó là đương nhiên. Nếu có điều gì chúng ta học được từ lịch sử thì đó là mọi thứ đều thay đổi. Có lẽ điều nguy hiểm nhất trong câu thần chú khét tiếng “không có lựa chọn khác” là càng lặp lại nó, thì lời tiên tri càng sớm ứng nghiệm. Xét cho cùng, thách thức tính đương nhiên của những “sự thật” do xã hội tạo ra và tìm cách phơi bày những tiền đề tư tưởng của chúng là nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là các học giả.