Giáo dục đại học miễn phí: Bị kéo đẩy theo làn sóng chính trị

Ariane de Gayardon là Nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học (CHEPS), Đại học Twente, Hà Lan. Email: a.degayardon@utwente.nl.

Tóm tắt: Bài viết này cung cấp những thông tin cập nhật về trào lưu quốc tế miễn học phí tính đến năm 2020. Thông qua những ví dụ về Hoa Kỳ và New Zealand, tác giả cho thấy miễn học phí là một chủ đề bị chính trị hóa cao được sử dụng bởi các nhà hoạch định chính sách, những người muốn nắm quyền. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 sẽ khiến một chính sách mở rộng như vậy không khả thi trong ngắn hạn, nhưng có thể là cơ hội để phát triển chính sách miễn học phí dựa trên thu nhập.

Chứng kiến tất cả những gì xảy ra vào năm 2020, không có gì ngạc nhiên khi các cuộc tranh luận về chi phí giáo dục đại học đã giảm bớt. Phong trào miễn học phí phát triển từ năm 2016 đến năm 2019 đã chững lại, đây là kết quả hợp lý sau một năm khó khăn về sức khỏe và kinh tế. Và năm 2020 chắc chắn sẽ có những tác động kinh tế lên giáo dục đại học trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, năm 2020 cũng là năm bầu cử, mang theo những hứa hẹn và thất vọng về chủ đề giáo dục đại học miễn học phí.

Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, miễn học phí là một chủ đề quan trọng trong thời kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Hai người đi đầu, Bernie Sanders và Elizabeth Warren, ủng hộ mạnh mẽ việc miễn học phí cho tất cả mọi người. Năm 2020, Joe Biden được chọn là ứng cử viên đảng Dân chủ – một ứng cử viên với quan điểm về học phí ít được quan tâm hơn. Tuy nhiên, nền tảng tranh cử của ông bao gồm việc cung cấp chương trình cao đẳng cộng đồng miễn phí cho tất cả sinh viên, cũng như hỗ trợ giáo dục đại học bốn năm miễn phí cho sinh viên có thu nhập thấp. Cấp phó của ông – bà Kamala Harris – không phải là người ủng hộ chính sách miễn học phí. Tuy nhiên, nền tảng tranh cử của bà bao gồm kế hoạch để việc học tại các cơ sở đào tạo đại học bốn năm không bị mắc nợ, và với tư cách là Thượng nghị sĩ, bà ủng hộ Đạo luật trường đại học không nợ.

Chủ đề học phí nổi lên khi đại dịch COVID-19 chấm dứt việc giảng dạy trong khuôn viên trường vào học kỳ Xuân năm 2020. Sinh viên phản đối ý tưởng trả toàn bộ học phí cho các khóa học trực tuyến mà họ cho là chất lượng thấp hơn và ít hiệu quả. Ngay cả khi hoạt động giảng dạy được tiếp tục trong khuôn viên trường, cuộc khủng hoảng kinh tế dài hạn được dự đoán sẽ nối tiếp đại dịch khiến vấn đề học phí xuất hiện trong chương trình nghị sự chính trị. Câu hỏi về khả năng chi trả học phí cho những chương trình đào tạo đại học bốn năm sẽ được đặt ra một lần nữa, vì những gia đình bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sẽ có ít nguồn tài chính hơn, khiến mô hình tuyển sinh và sự lựa chọn trường đại học của sinh viên phải thay đổi.

Trong bối cảnh cụ thể này, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ chính sách miễn học phí tại các trường cao đẳng cộng đồng và miễn học phí chương trình đào tạo 4 năm cho sinh viên thuộc những gia đình có thu nhập dưới 125 ngàn USD sẽ là một cải tiến đáng hoan nghênh đối với hệ thống hiện tại, đảm bảo rằng sinh viên có thu nhập thấp, bao gồm những người có gia đình bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, được tiếp cận với giáo dục đại học. Trong khi chờ đợi một số cải tiến, chẳng hạn như cắt một khoản nhất định từ thu nhập của phụ huynh để xoá dần nợ (fade-out rule), Biden có thể đảm bảo một chiến thắng chính trị quan trọng cho đảng Dân chủ.

New Zealand

Ngược lại, kế hoạch miễn học phí mới của New Zealand đã thành công vào năm 2020, mặc dù đây là năm bầu cử và bất chấp sự quản lý kiểu mẫu của chính phủ đối với đại dịch. Vào năm 2017, chính phủ đảng Lao động của New Zealand đã giới thiệu một chương trình “miễn học phí” cho sinh viên năm thứ nhất, với ý định mở rộng biện pháp này cho sinh viên năm thứ hai vào năm 2020 và cho sinh viên năm thứ ba vào năm 2024. Tuy nhiên, việc mở rộng cho sinh viên năm thứ hai đã không được nhắc đến trong Cương lĩnh chính trị năm 2020 của đảng Lao động.

Một số lý do có thể giải thích cho sự thay đổi này. Thứ nhất, nhờ vào việc kiểm soát thành công đại dịch, đảng Lao động đã được đảm bảo chiến thắng và có lẽ không cần tìm kiếm thêm sự ủng hộ bằng những lời hứa miễn học phí. Thứ hai, chính sách miễn học phí cho sinh viên năm thứ nhất bị đánh giá là có kết quả đáng thất vọng, bao gồm việc đem lại lợi ích nhiều hơn cho sinh viên giàu có và thất bại trong việc thúc đẩy tuyển sinh. Thứ ba, đảng Lao động đã thay thế dự định mở rộng miễn học phí cho sinh viên năm thứ hai bằng một chương trình học nghề “miễn phí”, có hiệu lực là nhắm đến những sinh viên có thu nhập thấp thông qua đào tạo nghề sau trung học.

Trường hợp của New Zealand cũng cho thấy mặc dù có sức hấp dẫn ban đầu, những lời hứa về miễn học phí thường không thành hiện thực và là một chính sách đắt đỏ.

Chính trị của việc miễn học phí

Nổi bật trong bài báo của Gayardon và Bernasconi trên Tạp chí Giáo dục Đại học Quốc tế, số 100, là thực tế phong trào miễn học phí trên hết là chính trị, với những lời hứa hẹn miễn học phí xuất hiện trong các chiến dịch tranh cử hoặc khi ứng cử viên có khả năng bị loại. Điều này được chứng minh trong hai ví dụ đã dẫn ở trên: Giáo dục đại học miễn phí xuất hiện trong chương trình nghị sự ở Hoa Kỳ khi có tranh cấp bầu cử, trong khi nó không còn vị trí trong cương lĩnh của đảng Lao động ở New Zealand khi chiến thắng đã chắc chắn.

Trường hợp của New Zealand cũng cho thấy mặc dù có sức hấp dẫn ban đầu, những lời hứa về miễn học phí thường không thành hiện thực và là một chính sách đắt đỏ. Đây là thực tế diễn ra ở nhiều nước. Trước những hạn chế về ngân sách và không còn thấy lợi ích chính trị, Chile không mở rộng chính sách miễn học phí cho nhiều sinh viên hoặc nhiều cơ sở hơn. Tương tự, trong nỗ lực cắt giảm thâm hụt, Ontario đã chấm dứt chương trình miễn học phí dành cho sinh viên có thu nhập thấp. Những ví dụ này cho thấy chi phí của giáo dục đại học miễn phí khó có thể biện minh được khi xét đến những lợi ích hạn chế của nó, dẫn đến những chính sách ngắn hạn hoặc chỉ ở phạm vi hẹp. Phong trào miễn học phí bắt đầu vào năm 2016 ở Chile và đã đưa một số quốc gia tham gia vào cuộc chơi trong ba năm sau đó đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

Tương lai của việc miễn học phí

Hiện tại khó có thể nhìn thấy tương lai của phong trào miễn học phí ở đâu. Mặc dù nó vẫn là một công cụ dự phòng mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo chính trị, cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi đại dịch nhiều khả năng hạn chế nghiêm trọng ngân sách dành cho giáo dục đại học. Giáo dục đại học chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ, và trong những năm tới việc phục hồi kinh tế và chăm sóc sức khỏe chắc chắn sẽ được chú trọng nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Miễn học phí cho tất cả mọi người dường như không phải là một chính sách khả thi trong bối cảnh này.

Tuy nhiên, với việc những hộ gia đình có thu nhập thấp là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt kinh tế, lúc này có thể là thời điểm thích hợp để các chính phủ xem xét miễn học phí có mục tiêu. Đây là điều mà Tổng thống Mỹ Biden đề xuất thông qua việc miễn học phí tại các trường cao đẳng cộng đồng cho sinh viên có thu nhập thấp – theo gương của Ý, New Brunswick và Nhật Bản. Miễn học phí có mục tiêu sẽ là cách sử dụng hiệu quả những nguồn lực eo hẹp dành cho giáo dục đại học, điều này có thể tỏ ra đặc biệt hữu ích trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.