Giáo dục đại học châu Âu: Nhìn lại quá khứ, nhìn về tương lai

Andrée Sursock là Cố vấn cấp cao của Hiệp hội Đại học châu Âu. Email: andree.sursock@eua.eu.

Phiên bản đầy đủ của bài báo này đã được xuất bản trong loạt bài Tiếng nói của Chuyên gia trên trang web của Hiệp hội Đại học châu Âu.

Tóm tắt: Cho đến năm 2010, những cải cách ở châu Âu được tiến hành tương đối chặt chẽ nhờ một số tiến trình toàn châu Âu. Tuy nhiên, tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, kết hợp với các xếp hạng quốc tế, dẫn đến bối cảnh chính sách bị phân tán và sự “mất hứng thú” đối với các chính sách của châu Âu. Nếu được thực hiện một cách thận trọng, một sáng kiến ​​mới của châu Âu có khả năng đưa các nước trong châu lục lại gần nhau.

Kể từ năm 1999, các trường đại học châu Âu đã trải qua quá trình chuyển đổi và đổi mới đáng kể. Những chuyển đổi này là phản ứng đáp lại những thay đổi trong môi trường toàn cầu, châu Âu và quốc gia, và là kết quả của sự thay đổi có chủ đích do các tiểu bang, các trường đại học hoặc cả hai phía khởi xướng.

Nhìn lại: 1998–2010

Nhìn lại hai mươi năm qua, những thay đổi sâu sắc ở châu Âu khởi đầu vào năm 1998, khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Allègre mời những người đồng cấp Anh, Đức và Ý đến dự một buổi lễ tại Sorbonne, tại đó họ cam kết cùng nhau khởi xướng những cải cách trong giáo dục đại học. Những quốc gia châu Âu khác tuyên bố tham gia. Quá trình Bologna ra đời, trong bối cảnh tầm quan trọng ngày càng tăng của toàn cầu hóa, nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ thông tin và truyền thông, quốc tế hóa, chất lượng và tinh thần kinh doanh được xác định là những yếu tố chính tạo ra thay đổi.

 

Cải cách diễn ra trong bối cảnh có nhiều chuyển đổi lớn trong bức tranh giáo dục đại học.

 

Sự hưởng ứng đối với những xu hướng này được chuyển thành những cải cách do nhà nước định hướng, mặc dù trong nhiều trường hợp từ sự thúc giục (ít hay nhiều) của các hiệu trưởng. Mặc dù trọng tâm và hình thức của các cải cách phụ thuộc vào từng quốc gia, nhưng “chương trình hiện đại hóa” của Liên minh châu Âu vẫn xác định một số yếu tố chung cho các trường đại học. Bốn cải cách quốc gia hàng đầu liên quan đến đảm bảo chất lượng, chính sách nghiên cứu, tự chủ về thể chế và tài chính. Những thay đổi khác, ít thường xuyên hơn, bao gồm những cải cách về quản trị và những mô hình nghề nghiệp học thuật mới.

Cải cách diễn ra trong bối cảnh có nhiều chuyển đổi lớn trong bức tranh giáo dục đại học. Một số quốc gia – chủ yếu ở Trung và Đông Âu – chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể tỷ lệ tham gia học đại học, nhờ vào sự tăng trưởng nhanh chóng số lượng các tổ chức giáo dục đại học (chủ yếu là tư nhân). Những quốc gia khác – hầu hết nhưng không chỉ ở Tây Âu – chứng kiến ​​sự hợp nhất các trường đại học hoặc thành lập hiệp hội, trong một nỗ lực nhằm tăng tác động quốc gia và quốc tế của các trường đại học. Sự xuất hiện bảng xếp hạng quốc tế đầu tiên vào năm 2003 cho thấy sự vượt trội của các trường đại học Hoa Kỳ so với các trường đại học châu Âu khiến cho điều này càng trở nên cấp thiết.

Không nên đánh giá thấp quy mô của những cuộc cải cách trong thập kỷ đầu tiên đó. Ở nhiều quốc gia, các trường đại học thực hiện nhiều cải cách cùng một lúc, vừa tiến hành những thay đổi lớn theo yêu cầu của Quy trình Bologna, đồng thời đối phó với áp lực ngày càng tăng liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp cao, vừa nỗ lực cải thiện năng lực nghiên cứu và tác động quốc tế của trường.

Những cải cách này đã định hình lại tổ chức bên trong các trường đại học. Ví dụ, việc cải cách chu trình tiến sĩ đã dẫn đến việc thành lập những cấu trúc mới (trường đào tạo tiến sĩ) và những quy trình mới (đồng giám sát). Động lực được tạo ra bởi Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu và Khu vực Nghiên cứu châu Âu đã dẫn đến sự nở rộ quan hệ đối tác giữa các trường đại học và giữa các trường đại học với khu vực tư nhân. Bản chất luôn thay đổi của các chương trình tài trợ nghiên cứu của châu Âu và của mỗi quốc gia, kết hợp với sự chú trọng nhiều hơn vào quốc tế hóa, đã dẫn đến sự phát triển các dịch vụ quản trị điều hành trong các trường đại học, thường là ở cấp trung ương, và sự chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản trị. Quyền tự chủ lớn hơn giúp cải thiện chất lượng của lãnh đạo trường đại học và năng lực chiến lược của các trường đại học trong việc xây dựng hồ sơ thể chế và tăng sức hấp dẫn quốc tế của họ. Việc phát triển các quy trình đảm bảo chất lượng nội bộ được xác định là thay đổi nội bộ quan trọng nhất trong 60% những tổ chức tham gia cuộc khảo sát của châu Âu, đặc biệt là những tổ chức có nguyện vọng quốc tế mạnh mẽ nhất.

Giai đoạn gần đây: 2011–2020

Thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 bắt đầu trong bối cảnh nghiêm trọng của hậu khủng hoảng tài chính năm 2008 và làn sóng dân chủ phi tự do (illiberalism) gia tăng, dẫn đến những hạn chế đối với quyền tự chủ thể chế. Ở một số quốc gia, nhân khẩu học suy giảm khiến khu vực giáo dục đại học tư nhân bị thu hẹp, trong khi dân số già ngày càng đè nặng lên tài chính công. Những chính sách của châu Âu bị suy yếu và ý thức rằng Tiến trình Bologna có lẽ đang đi xuống khiến nhiều quốc gia đưa ra những phương pháp tiếp cận khác nhau, mặc dù vẫn có một số yếu tố chung: thắt chặt ngân sách, tăng khối lượng công việc và áp dụng phổ biến hình thức hợp đồng giảng dạy ngắn hạn; tập trung nhiều hơn vào hoạt động dạy và học và phát triển kỹ năng làm việc. Nhiều công cụ tài trợ đã trở nên phổ biến, trong đó chủ yếu là tài trợ dựa trên hiệu suất.

Tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính, kết hợp với mối quan tâm liên tục đến xếp hạng quốc tế, dẫn đến một số “sáng kiến ​​xuất sắc” cấp quốc gia cung cấp nguồn vốn tập trung cho một số trường đại học chọn lọc.

Tương lai: 2021–2030

Thập kỷ thứ ba bắt đầu dưới một đám mây ảm đạm hơn. Khi tình hình kinh tế bắt đầu được cải thiện, đại dịch COVID-19 tấn công và trở thành một thử thách toàn diện gắt gao với mọi người và mọi tổ chức trên toàn thế giới, bao gồm các trường đại học, sinh viên và cán bộ nhân viên của trường.

COVID-19 không phải là chất gây nhiễu duy nhất. Những động lực thay đổi khác bao gồm vai trò ngày càng tăng của những tác nhân mới (ví dụ như các nhà cung cấp giáo dục bên thứ ba và các công ty EdTech), và những xu hướng mới ảnh hưởng đến cả ba sứ mệnh của trường đại học. Các ví dụ bao gồm chuyển đổi kỹ thuật số và hệ quả của nó đối với các thuộc tính tốt nghiệp và việc tổ chức dạy và học, cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của việc học tập thông qua trải nghiệm, bằng cấp ngắn hạn, chứng chỉ micro và chứng chỉ tích lũy (stackable badges). Những xu hướng đáng chú ý trong nghiên cứu bao gồm phong trào khoa học mở; sự thúc đẩy cũng như sự cản trở hạn chế việc nghiên cứu tiếp cận đổi mới; tầm quan trọng ngày càng tăng của nghiên cứu chuyển tiếp và nghiên cứu liên ngành; và sự chuyển hướng sang phương pháp đánh giá nghiên cứu định tính. Chương trình Các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và cuộc khủng hoảng môi trường đang kích thích các trường đại học tìm cách tích hợp cả ba sứ mệnh thông qua giảng dạy dựa trên thách thức, nghiên cứu và tham gia vào xã hội.

Trong lúc những xu hướng toàn cầu này cần được giải quyết bởi tất cả các trường đại học trên toàn thế giới, tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron vào năm 2017 đã đóng vai trò như một hành động thiết lập lại sự hợp tác đại học châu Âu. “Sáng kiến ​​Đại học châu Âu” tài trợ cho 41 liên minh đại học trên khắp châu Âu có tiềm năng giải quyết những xu hướng toàn cầu này và tạo động lực mới thông qua những phương pháp tiếp cận chính sách nhất quán. Mặc dù gần đây, sáng kiến ​​này đã kích hoạt lại Tiến trình Bologna đang suy yếu bằng cách cho thấy sự cần thiết phải thay đổi các quy định quốc gia để mở ra tiềm năng của những liên minh chiến lược này. Tuy nhiên, sáng kiến ​​này chỉ liên quan đến 5% các trường ở châu Âu đang đào tạo khoảng 20% sinh viên châu Âu (284 trường đại học ở 31 quốc gia). Phần lớn các trường đại học và sinh viên vẫn nằm ngoài chương trình này, và một số quốc gia hoàn toàn không tham gia. Điều quan trọng là tránh để họ ở lại bên lề vào thời điểm mà tất cả đều cần phải có những thay đổi táo bạo.