Chất lượng Scotch: Sự khác biệt của giáo dục đại học Scotland

Neil Kemp OBE là Nhà Tư vấn và nghiên cứu giáo dục đại học quốc tế, đồng thời là thành viên của Hội đồng Giáo dục trong Khối thịnh vượng chung. Email: neil.kemp@nkeducation.com.

William Lawton là Nhà Tư vấn giáo dục đại học làm việc tại London, Vương quốc Anh. Email: wlawton@btinternet.com.

Tóm tắt: Từ khi Quốc hội Scotland được thành lập vào năm 1999, hệ thống giáo dục đại học Scotland ngày càng thể hiện rõ những nét khác biệt so với Vương quốc Anh và cả phạm vi quốc tế. Scotland đã tạo ra một không gian trong giáo dục đại học phản ánh văn hóa chính trị riêng biệt của mình. Những khía cạnh của sự khác biệt này xoay quanh quan niệm của Scotland về công ích và việc hoạch định chính sách được mặc định là tìm kiếm những giải pháp hợp tác cho các vấn đề địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Ở Scotland, trách nhiệm lập pháp đối với giáo dục hoàn toàn thuộc về quốc hội, và sự khác biệt giữa giáo dục đại học Scotland và phần còn lại của Vương quốc Anh đã tồn tại từ lâu. Một nghiên cứu gần đây của các tác giả (“Phân tích chiến lược về những ưu thế đặc biệt của giáo dục đại học Scotland”, Hội đồng Anh, năm 2021) nhận định rằng những khác biệt này có thể được mô tả là tạo thành một loạt ưu thế đặc biệt. Những ưu thế này không chỉ là sự xuất sắc; ngoài ra, và theo một cách độc đáo, họ tách biệt giáo dục đại học Scotland khỏi những ngành vẫn được so sánh với nó. Bài viết này khám phá những ưu thế này và xem xét một số thách thức ngày càng tăng.

Giáo dục với tư cách là lợi ích công của quốc gia

Trong hoạch định chính sách, lợi ích xã hội – lợi ích công – thường được ưu tiên hơn lợi ích tư nhân. Đây là một khía cạnh cơ bản của giáo dục đại học Scotland. Xu hướng lập pháp vì lợi ích tập thể ở Scotland có nhiều biểu hiện trong giáo dục đại học: chống lại việc thu học phí đối với sinh viên Scotland (và sinh viên EU, cho đến Brexit); một cách tiếp cận toàn ngành để mở rộng sự tham gia vào đại học của những cộng đồng thiểu số; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiếp từ cao đẳng lên đại học; các chương trình chuẩn bị cho việc tiếp cận đại học; mở rộng sự tiếp cận đến cộng đồng; và công nhận quá trình học tập trước đó, bao gồm cả thời gian làm việc. Mỗi trường đại học Scotland hàng năm cập nhật một “Thỏa thuận kết quả đầu ra” với chính phủ bao gồm những mục tiêu nhằm mở rộng đối tượng tuyển sinh.

 

Trong hoạch định chính sách, lợi ích xã hội – lợi ích công – thường được ưu tiên hơn lợi ích tư nhân. Đây là một khía cạnh cơ bản của giáo dục đại học Scotland.

 

Quy mô khiêm tốn của khu vực giáo dục đại học của Scotland cho phép đại diện của tất cả 19 trường đại học có thể và thực sự gặp gỡ nhau. Điều này tạo điều kiện hình thành văn hóa tập thể và sự thống nhất trong mục đích.

Một khía cạnh đáng chú ý của giáo dục đại học Scotland nằm ở mối quan hệ với chính phủ Scotland. Điều đặc biệt, dĩ nhiên là trong bối cảnh Vương quốc Anh, là sự chấp nhận rằng các nhiệm vụ của hai thực thể có sự chồng chéo và các trường đại học có thể và nên thực hiện các ưu tiên của chính phủ. Mặc dù điều này không phải là chưa từng xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, nhưng ở hầu hết những nơi như vậy, các trường đại học hoạt động như các tổ chức của nhà nước, không có quyền tự chủ. Ở Scotland, sự trùng hợp về lợi ích (ít hay nhiều) được chấp nhận dễ dàng.

Nâng cao trải nghiệm của sinh viên

Giáo dục đại học ở Scotland có cách tiếp cận toàn ngành để cải thiện kết quả học tập, sự hài lòng và trải nghiệm học tập của sinh viên. Lợi ích của sinh viên được đặt vào trung tâm khi những biện pháp đảm bảo chất lượng được cân nhắc ở mỗi giai đoạn trong hành trình đại học, từ tiếp xúc ban đầu đến sau khi tốt nghiệp. Trọng tâm của cách tiếp cận này là “Những Chủ đề Nâng cao” do chi nhánh Scotland của Cơ quan Đảm bảo Chất lượng Vương quốc Anh cung cấp, phối hợp với các trường đại học và với cán bộ giảng viên và sinh viên là những bên liên quan. Những sáng kiến ​​xuất phát từ Những Chủ đề Nâng cao bao gồm giải quyết những nhu cầu được hỗ trợ của nghiên cứu sinh; cải thiện trải nghiệm của sinh viên đào tạo từ xa; và nâng cao cơ hội được tuyển dụng cho sinh viên tốt nghiệp.

Sáng kiến nâng cao cơ hội được tuyển dụng sau tốt nghiệp đại học được đưa vào những chương trình đào tạo cấp bằng tại các trường đại học Scotland. Sự hợp tác giữa khu vực giáo dục đại học và các nhà tuyển dụng có nghĩa là 95% sinh viên Scotland có việc làm hoặc được đào tạo trong vòng sáu tháng sau khi tốt nghiệp. Sinh viên có thể tiếp cận các vị trí làm việc, tham gia vào các dự án do ngành dẫn dắt và tiếp cận những chương trình hỗ trợ từ trường đại học của họ nhằm hỗ trợ họ phát triển các công ty mới thành lập. Ví dụ, những người sau này đã đóng góp vào thành công kinh doanh của Scotland, phát triển các công ty công nghệ kỹ thuật số mới ở trung tâm Dundee – Edinburgh – Glasgow. Sinh viên quốc tế cũng tham gia và trở thành những doanh nhân địa phương.

Sự tương tác tích cực của những hoạt động quốc tế và trong nước

Các trường đại học Scotland có truyền thống hợp tác quốc tế lâu đời: 4 trường đã hơn 400 năm tuổi. 10 năm qua đã chứng kiến ​​sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động quốc tế hóa trong tất cả các trường đại học Scotland. Tính theo bình quân đầu người, Scotland chỉ đứng sau Úc về số lượng sinh viên quốc tế. Scotland có 4 trường đại học được xếp hạng trong 200 trường hàng đầu toàn cầu và 7 trường trong top 400 – chỉ đứng sau Thụy Sĩ, tính theo đầu người. Khoảng 36% lực lượng học thuật và nghiên cứu trong các trường đại học Scotland là người quốc tế và tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể trong 5 năm qua.

Thành công của Scotland trong quốc tế hóa là một trong những kết quả của cách tiếp cận liên kết giữa các trường đại học và chính phủ. Một khía cạnh quốc tế của đặc tính công ích được cung cấp thông qua cam kết của chính phủ Scotland với Những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và những điều này là khởi xướng cho những quyết định chính sách liên quan đến giáo dục đại học. Những hoạt động quốc gia và quốc tế liên quan đến nhau một cách linh hoạt: nguồn tài trợ quốc gia dành cho nghiên cứu và giảng dạy đóng góp vào cơ sở hạ tầng cho phép các trường đại học Scotland cạnh tranh và thành công trên toàn cầu. Sự tham gia quốc tế mang lại lợi ích cho xã hội Scotland rộng lớn hơn thông qua đổi mới nghiên cứu, nâng cao chất lượng của các chương trình, xây dựng liên kết kinh doanh, làm giàu văn hóa, tăng việc làm và doanh thu. Các trường đại học tận dụng danh tiếng của Vương quốc Anh như một điểm đến du học quốc tế chất lượng, đồng thời mang đến sự khác biệt của Scotland.

Nghiên cứu đẳng cấp thế giới mang lại lợi ích cho địa phương

Kết quả nghiên cứu của Scotland phụ thuộc nhiều vào các trường đại học. Sự khác biệt của Scotland nằm ở sự kết hợp của sự xuất sắc với một chiến lược nghiên cứu quốc gia được phối hợp trong toàn ngành. Thành công có thể nhìn thấy rõ ràng từ những chỉ số quốc tế ấn tượng về tác động của nghiên cứu Scotland, bao gồm số lượng ấn phẩm tính theo mỗi nhà nghiên cứu; số lượng ấn phẩm đồng xuất bản với các cộng tác viên quốc tế (hơn một nửa); và số lượng trích dẫn tính theo mỗi nhà nghiên cứu. Nếu tính bình quân đầu người, Scotland vượt trội so với phần còn lại của Vương quốc Anh và hầu hết những quốc gia khác về những chỉ số này. Việc Scotland định hướng nghiên cứu hướng ra bên ngoài đặt quốc gia này vào nhóm những nhà lãnh đạo toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thú y và khoa học y tế; trái đất, khoa học môi trường và biển; kinh tế học; khảo cổ học; và triết học. Các trường đại học Scotland đã thành công đáng kể trong cuộc cạnh tranh để nhận tài trợ từ quỹ nghiên cứu quốc gia của Vương quốc Anh và quỹ Horizon 2020 của Liên minh châu Âu.

Việc đầu tư gần đây vào các “Trung tâm đổi mới” liên ngành do ngành công nghiệp dẫn dắt là một minh họa cho cách văn hóa chính trị Scotland khởi xướng việc hoạch định chính sách. Những lĩnh vực trọng tâm của những trung tâm này bao gồm từ biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản, và tài trợ được gắn với việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nâng cao hiệu quả kinh tế quốc gia và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Những trung tâm này thể hiện sự cân bằng phức tạp giữa lợi ích công và tư, cũng như nỗ lực tạo ra sự bình đẳng trong việc cân nhắc giữa sự phát triển của khu vực, lợi ích công cộng quốc gia và những yêu cầu thương mại.

Thách thức phía trước

Các trường đại học đang chịu áp lực tài chính rất lớn. Tài trợ của chính phủ Scotland thực tế đang giảm dần trong 5 năm qua và các cơ sở giáo dục Scotland hiện nhận được ít tài trợ công hơn cho mỗi sinh viên so với những nơi khác ở Vương quốc Anh. Điều này dẫn đến việc tăng thêm số lượng sinh viên trả học phí (chủ yếu là quốc tế) để bù đắp vào sự thiếu hụt. Điều này cũng dẫn đến việc Scotland dễ bị tổn thương hơn khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Mặc dù tình cảm ủng hộ EU rất mạnh mẽ ở Scotland, các trường đại học Scotland vẫn phải chịu hậu quả tương tự từ Brexit giống như những trường khác ở Vương quốc Anh, bao gồm sự sụt giảm số lượng sinh viên EU, giảm trao đổi sinh viên sau khi rút khỏi chương trình Erasmus, giảm số lượng các nhà nghiên cứu và lực lượng học thuật EU, và sự không chắc chắn về nguồn tài trợ cho nghiên cứu.

Đại dịch vẫn chưa tác động rộng khắp lên giáo dục đại học, nhưng có thể thấy rõ tác động của nó trong năm qua đến số lượng sinh viên quốc tế, khi số lượng tuyển sinh mới thấp hơn và các trường đại học bị thiệt hại về doanh thu. Đại dịch cũng hạn chế đáng kể việc đi lại của các nhà nghiên cứu và các học giả. Nhưng, từ một khía cạnh tích cực hơn, nó đã giải phóng một nguồn năng lượng, khi các trường đại học thể hiện trí tưởng tượng và sự đổi mới trong phương pháp sư phạm, trong việc đánh giá và hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, chính phủ Scotland đã cung cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu, và các trường đại học đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu vắc-xin và thử nghiệm cũng như phổ biến kiến thức cho công chúng.