Francis Vérillaud là Cố vấn đặc biệt tại Institut Montaigne, và Manon Guyot là Trưởng Phòng Nội dung Thương hiệu, Tiếp thị và Truyền thông, Institut Montaigne, Paris, Pháp. Email: francis.verillaud@gmail.com và mguyot@institutmontaigne.org.
Tóm tắt: Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang thách thức hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu của Pháp. Chính phủ cần phải thực hiện những cải cách hợp lý nhằm củng cố hệ thống bền vững về lâu dài. Thách thức lớn nhất là tìm ra điểm bắt đầu và xác định những cơ chế đang được áp dụng và cách thức thay đổi chúng.
Đại dịch COVID-19 khiến các trường đại học phải đối mặt với thử thách. Hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu (HER – higher education and research) của Pháp vốn đang gặp khó khăn: thiếu nguồn vốn nghiêm trọng, đầu vào giảm do nhân khẩu giảm và thiếu sự hấp dẫn – đấy mới chỉ là một vài ví dụ. Tất cả những điều này thậm chí còn trở nên đậm nét hơn khi xảy ra đại dịch. Sự căng thẳng đang bao trùm các trường đại học Pháp, từ sự thất vọng của sinh viên đến sự mệt mỏi của cán bộ, giảng viên. Nếu có bất kỳ điểm tích cực nào lúc này, thì đó là COVID-19 đã khơi lại cuộc tranh luận về việc các trường đại học nên dạy những gì và dạy cho ai. Nó cũng cho thấy rằng HER của Pháp đang suy yếu đáng kể.
Cuộc đấu tranh để tạo nên dấu ấn của nước Pháp
Nước Pháp đã và đang mất dần sự hiện diện toàn cầu trong cả khía cạnh thu hút và giữ chân sinh viên quốc tế trên đất Pháp cũng như công bố các nghiên cứu quốc tế. Năm 2000, Pháp đứng thứ 5 về số lượng công bố khoa học và kỹ thuật, sau đó rớt xuống thứ 8 vào năm 2016. Với 30 trường của Pháp có tên trong bảng xếp hạng Thượng Hải 2020, Pháp chỉ đứng thứ 10, sau Hoa Kỳ (206 trường được xếp hạng), Trung Quốc (144), Vương quốc Anh (65) và Đức (49).
Nước Pháp đã và đang mất dần sự hiện diện toàn cầu trong cả khía cạnh thu hút và giữ chân sinh viên quốc tế trên đất Pháp cũng như công bố các nghiên cứu quốc tế.
Những kết quả khá khiêm tốn này cho thấy Pháp đang phải vật lộn để cạnh tranh quốc tế và cần trở nên hấp dẫn hơn đối với cả sinh viên và giảng viên trên toàn thế giới. Điều kiện làm việc tốt hơn ở nước ngoài – chưa kể đến tiền lương – đã khiến những nhà nghiên cứu Pháp giỏi nhất, và thường là những sinh viên giỏi nhất, rời khỏi đất nước. Tình trạng chảy máu chất xám như vậy một phần có thể được giải thích là do nguồn tài chính thiếu kinh niên mà các HER của Pháp đang phải gánh chịu. Mô hình kinh tế HER của Pháp đã chạm đến điểm đứt gãy.
Cần một mô hình kinh tế mới
Pháp cần mở rộng chi tiêu công cho giáo dục đại học và nghiên cứu. Cụ thể, Pháp nên dành 2% GDP của mình cho giáo dục đại học (so với 1,5% cho đến nay) và 3% cho nghiên cứu (so với chưa đến 2% cho đến nay). Cụ thể điều đó có nghĩa là tương ứng 10 tỷ EUR và 20 tỷ EUR. Nhìn chung, các chỉ số của Pháp vẫn dưới mức trung bình của OECD. Để so sánh, Đức dành 3,1% GDP của mình cho nghiên cứu và Nhật Bản là 3,2%.
Nhưng những khoản chi tiêu như vậy không thể chỉ dựa vào các cấp chính quyền, bởi vì phương tiện ngân sách ngày càng bị hạn chế hơn sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Việc tăng nguồn tài trợ tư nhân cũng là cần thiết – thông qua việc tăng học phí vừa phải cho các chương trình cử nhân và thạc sĩ (và không bao gồm tiến sĩ). Tại Pháp, học phí đào tạo cử nhân và thạc sĩ lần lượt vào khoảng 170 EUR và 243 EUR mỗi năm học. Trong khi đó, học phí đại học hàng năm ở Tây Ban Nha vào khoảng 1.500 EUR; 1.600 EUR ở Ý; và 2.000 EUR ở Hà Lan – chưa kể Canada (4.600 EUR), cũng như Hoa Kỳ (7.400 EUR). Tăng dần học phí đại học ở Pháp theo lộ trình để đạt mức 1.000 EUR mỗi năm học về bản chất sẽ thay đổi mô hình kinh tế HER của Pháp.
Cơ cấu ba hành động cho sinh viên
Mức tăng học phí như vậy, mặc dù vừa phải, chắc chắn sẽ khó được chấp nhận bởi các hiệp hội sinh viên, nơi tập hợp khoảng 2,7 triệu sinh viên trong năm 2019–2020. Tại Pháp, cứ năm sinh viên thì có một sinh viên không tốt nghiệp đại học do bỏ học giữa chừng – tức khoảng 75 ngàn sinh viên mỗi năm. Và chỉ 30% lấy được bằng cử nhân trong 3 năm và 40% trong 4 năm. Những con số đáng báo động này đòi hỏi một cách tiếp cận học phí mới theo định hướng sinh viên. Cốt lõi của cách tiếp cận đó có thể là một hệ thống cho vay dễ dàng tiếp cận được dựa trên tiềm năng thu nhập (ICL – income contingent loans), cho phép trang trải không chỉ học phí mà còn cả chi phí sinh hoạt. ICL nhằm mục đích dân chủ hóa giáo dục bằng cách cung cấp cho mọi sinh viên phương tiện tài chính để học tập, như đang được thực hiện ở Úc, New Zealand hoặc Vương quốc Anh. Nhưng điều này chỉ có thể được chấp nhận và chính đáng nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định. Pháp phải mở rộng hỗ trợ tài chính hiện tại cho những người thực sự cần. Khoảng 222 ngàn sinh viên hiện đang được hưởng lợi từ các chương trình trợ cấp xã hội của Pháp. Đó là một con số quá nhỏ. Điều cuối cùng cần được lưu ý: để ngăn chặn số dư khoản vay của sinh viên vượt khỏi tầm kiểm soát, tiểu bang phải có cam kết bền vững đối với HER. Chính phủ Pháp có thể thông qua luật hỗ trợ đa kỳ cho giáo dục đại học, tương tự như luật đã có dành cho nghiên cứu.
Nhu cầu cải tổ quản trị
Giáo dục đại học ở Pháp có thể được định nghĩa là một hệ thống sui generis (độc nhất). Bối cảnh phân mảnh và phân tầng của nó giữa các cơ quan quản lý khác nhau, các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu độc lập và các đơn vị nghiên cứu hỗn hợp đặt ra những vấn đề về trách nhiệm pháp lý và quản trị.
So sánh mô hình của Pháp với các ví dụ nước ngoài cho thấy mức độ không rõ ràng của mô hình quản trị của các trường đại học Pháp. Thực tế là việc các thành viên của hội đồng quản trị (conseil d’administration) về cơ bản được lựa chọn bởi nhân viên, sinh viên và giảng viên là rất không điển hình. Tương tự như vậy, việc bầu chủ tịch – một cách chỉ định gián tiếp của nhân viên, sinh viên và giảng viên – là khá bất thường. Mặc dù cách thức bổ nhiệm như vậy có một vài điểm tích cực, nhưng chúng cũng có thể làm trầm trọng thêm những cuộc tranh cãi nội bộ hoặc ngăn cản cách suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn mẫu. Hội đồng quản trị của các trường đại học Pháp cần được cải tổ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (số lượng thành viên hạn chế, đa số là thành viên bên ngoài). Nhìn chung, có vẻ khá hợp lý khi chọn một chủ tịch vì những kỹ năng quản lý và khả năng lãnh đạo của ông ta hoặc bà ta, và không nhất thiết phải trong số các giảng viên của trường.
Các trường đại học Pháp phải giải trình trách nhiệm – nhưng với ai?
Ở Pháp, mối quan hệ phức tạp giữa nhà nước và các trường đại học minh họa mức độ phụ thuộc của cái sau vào cái trước. Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới (Ministère de l’Enseignement supérieur, de la Recherche et de l’Innovation) giám sát mọi thứ từ quy trình tuyển dụng đến tài trợ, bao gồm cả việc trao bằng cấp. Trong 15 năm qua, các trường đại học Pháp đã trải qua một loạt cải cách lớn nhằm nâng cao hoặc giảm bớt tính tự chủ của các trường. Việc trao một mức độ tự chủ thích hợp cho các tổ chức giáo dục của Pháp sẽ thúc đẩy đáng kể hoạt động của họ.
Để đạt được mục tiêu này, Institut Montaigne đã công bố một báo cáo đưa ra một số khuyến nghị, một trong số đó là: Giảm giám sát và tăng trách nhiệm đối với các trường đại học. Phù hợp với cách tiếp cận được đề xuất trong báo cáo, một cơ quan tài trợ sẽ chịu trách nhiệm cụ thể trong việc phân bổ các nguồn lực tùy thuộc vào dự án và chiến lược của từng cơ sở giáo dục, và căn cứ vào hiệu quả hoạt động của cơ sở đó. Cơ quan này sẽ dựa vào một ủy ban quốc gia chuyên đánh giá nghiên cứu và giáo dục, được hiện đại hóa, áp dụng những phương pháp đánh giá quốc tế. Không phải thực hiện những công việc như vậy với các trường đại học, Bộ có thể tập trung vào các sứ mệnh chiến lược của mình và để các trường đại học thực hiện việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên và tuyển dụng giảng viên (ví dụ theo nhiệm kỳ).
Kết luận
Pháp không thể trì hoãn lâu hơn nữa việc cải tổ hệ thống HER của mình. Chính phủ cần phải hành động nếu họ thực sự muốn tạo ra tác động tích cực đến giáo dục. Một phương thức quản trị mới phải được trao cho các trường đại học, những trường này sẽ trở thành những nhân tố thúc đẩy HER ở Pháp. Sự kiểm soát có giới hạn của nhà nước đối với các trường đại học, cùng với mức tài trợ công tăng lên đáng kể, sẽ cho phép các cơ sở giáo dục của Pháp thực sự phát huy được tiềm năng của mình. Thông qua hệ thống ICL, sinh viên có thể tự chủ thay vì phải phụ thuộc vào gia đình.