Ross Jansen-van Vuuren là Biên tập viên Tạp chí Scientific African, và là Nghiên cứu viên sau tiến sĩ ở Queen’s University, Ontario, Canada. Email: rdjv@queensu.ca và rossvanvuuren@gmail.com.
Alhaji N’jai là Phó Giáo sư tại University of Sierra Leone, là Nhà Sáng lập và Lãnh đạo chiến lược của Project 1808 Inc., Sierra Leone. Email: alhaji.njai@gmail.com.
Tóm tắt: COVID-19 gây ảnh hưởng mạnh đến nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập toàn cầu. Ở những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp của châu Phi, mức độ ảnh hưởng còn sâu sắc hơn do những điều kiện yếu kém hiện hữu như độ phủ Internet kém, sự phụ thuộc vào đối tác quốc tế và thiết bị nước ngoài. Đại dịch cũng mang đến những thách thức mới cho các trường đại học châu Phi, bao gồm việc chuyển hướng đáng kể nguồn lực cho những nhu cầu liên quan đến COVID-19. Những kết quả tích cực bao gồm sự thừa nhận nhu cầu cấp thiết giải quyết những thách thức cơ bản và những nỗ lực đổi mới trong một số trường.
Ngoài những thiệt hại thảm khốc về tính mạng và sức khỏe của con người, COVID-19 còn phá vỡ hoạt động khoa học toàn cầu. Châu Phi cũng không là ngoại lệ, COVID-19 đã định hình lại nghiên cứu khoa học của châu lục này.
COVID-19 thay đổi định hướng nghiên cứu khoa học ở châu Phi
Viện Hàn lâm Khoa học châu Phi đưa ra những ưu tiên nghiên cứu, và những tổ chức, những nhóm nghiên cứu có đủ năng lực và kinh phí đang nỗ lực thực hiện những nghiên cứu này. Ví dụ Viện Pasteur ở Dakar, Senegal công bố Nền tảng xét nghiệm chẩn đoán nhanh COVID-19 (“Diatropix”), trong khi các viện nghiên cứu ở một số quốc gia khác đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng những liệu pháp COVID-19 và vắc-xin trong tổ hợp ANTICOV. Ngoài ra, khoảng 1.200 báo cáo kết quả khoa học liên quan đến COVID-19 (3% tổng sản lượng toàn cầu) đã được xuất bản ở châu Phi (2019–2020).
Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực, đại dịch đặc biệt gây xáo trộn cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu các môn khoa học. Giảng viên và nghiên cứu viên ở những quốc gia thu nhập trung bình và thấp (LMIC – low and middle-income countries) của châu Phi trước đây đã phải đối mặt với những khó khăn, COVID-19 không chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn này mà còn đặt ra những thách thức mới, làm bộc lộ sự chênh lệch rõ rệt giữa các trường trên toàn cầu và trong mỗi quốc gia. Chúng tôi đã lấy ý kiến phản hồi từ giảng viên và cán bộ khoa học tại các trường đại học châu Phi của Ethiopia, Kenya, Nigeria, Sierra Leone, Somalia, Nam Phi, Sudan, Uganda và Zimbabwe để hiểu rõ hơn mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đến nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực, đại dịch đặc biệt gây xáo trộn cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
Trình độ kỹ thuật số thấp và độ phủ Internet hẹp cản trở hội họp và học tập trực tuyến
Như ở hầu hết các nước phương Tây, sự bùng phát COVID-19 ở nhiều nước châu Phi dẫn đến hàng loạt vụ phong toả diện rộng, ngừng hoạt động giảng dạy trực tiếp trên lớp và nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, nhiều sinh viên và giảng viên rời trường để về nhà ở các vùng nông thôn. Trong khi các cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới cố gắng khai thác những nền tảng học tập trực tuyến, thì ở các LMIC châu Phi việc dạy và học trực tuyến trở nên vô cùng khó khăn đối với sinh viên và giảng viên do cơ sở hạ tầng công nghệ kém, độ phủ Internet hẹp và trình độ kỹ thuật số thấp. Ví dụ chỉ có 33% dân số Zimbabwe sử dụng Internet và mặc dù dữ liệu di động thuộc loại rẻ nhất ở châu Phi, nhưng lạm phát (322% vào tháng 2 năm 2021) đã khiến chi phí gần như cao ngất ngưởng. Ngược lại, một giảng viên đã mô tả Internet ở Kenya rẻ và phủ rộng, nhiều sinh viên được hỗ trợ gói dữ liệu miễn phí. Tuy nhiên, các giảng viên từ Kenya (và một giáo sư người Nigeria) cho biết độ ổn định của Internet phụ thuộc vào vị trí cụ thể, cả ở nông thôn và thành thị. Một điểm đáng khích lệ là một giáo sư Nam Phi khen ngợi các nhà mạng điện thoại di động và nhà cung cấp dịch vụ online đã hào phóng tặng dữ liệu và thiết bị cho các trường đại học hỗ trợ sinh viên nghèo. Nhìn chung, học tập trực tuyến dường như gây bất lợi đối với chất lượng học tập và khả năng duy trì học tập của sinh viên. Trong một số trường hợp, sinh viên phải bỏ học hoặc bị cho thôi học do mất khả năng đóng học phí. Nigeria đang đối mặt với việc ngày càng nhiều sinh viên rảnh rỗi tham gia vào các nhóm chính trị bạo lực. Hoạt động hợp tác quốc tế cũng bị ảnh hưởng do sinh viên không thể tham gia các chương trình trao đổi quốc tế; và cơ hội kết nối/cộng tác (dành cho sinh viên và giảng viên) gặp trở ngại nghiêm trọng do các hội nghị/sự kiện quốc tế không được tổ chức, hoặc do thiếu hỗ trợ kỹ thuật số cho các sự kiện trực tuyến. Ngoài ra, sinh viên ít nhận được hỗ trợ từ người hướng dẫn/giảng viên do không được tiếp xúc trực tiếp (và do những trở ngại Internet nói trên). Vì văn hóa châu Phi chủ yếu dựa vào việc gặp mặt trực tiếp để phát triển lòng tin cá nhân, nên sự thay đổi này kéo theo sự thay đổi tư duy đáng kể.
Trở ngại đối với nghiên cứu thực nghiệm
Môi trường trực tuyến không thể hỗ trợ công việc/nghiên cứu thực tế trong khoa học thực nghiệm. Cũng như nhiều trường đại học trên toàn cầu, các phòng thí nghiệm bị đóng cửa, gây mất mát, thiệt hại cho nghiên cứu (thời gian và công việc thử nghiệm/mẫu) và nghiên cứu thực địa bị đình trệ. Do những hạn chế tồn tại từ trước về thiết bị khoa học và chuyên môn, giảng viên ở các quốc gia châu Phi cho biết nghiên cứu của họ bị cản trở vì họ không thể gửi mẫu đi thử nghiệm và phân tích, không mua được tài liệu hoặc sửa chữa thiết bị nghiên cứu do phụ thuộc vào nguồn lực và chuyên môn nước ngoài. Hơn nữa, nhiều hoá chất phải nhập khẩu, việc phong toả vào tháng 3 năm 2020 và sau đó là hạn chế đi lại khiến nguồn cung cấp ngày càng cạn kiệt. Một số nhà cung cấp đóng cửa vô thời hạn. Trong khi đó, nhu cầu tăng mạnh đối với những hóa chất cần thiết cho việc sản xuất nước sát khuẩn và những chất khác liên quan đến COVID-19. Ngay cả những vấn đề như giảm công suất phương tiện (giao thông công cộng) cũng ảnh hưởng đến nghiên cứu, vì những nhân viên và sinh viên làm việc tại phòng thí nghiệm mất nhiều thời gian đi lại hơn, giảm thời gian cho công việc.
Chuyển hướng nguồn lực sang nhu cầu liên quan COVID-19
Nhiều trường đại học ở châu Phi vốn đã rất khó khăn về ngân sách và nguồn lực, nay đại dịch càng khiến tình trạng này thêm trầm trọng. Chính phủ đang ưu tiên tập trung nguồn ngân sách hạn hẹp cho những nhu cầu liên quan đến COVID-19, hơn là cho nghiên cứu và giáo dục. Sinh viên và giảng viên ngày càng khó tiếp cận học bổng và ngân sách nghiên cứu, ngay cả những chương trình đã được cấp ngân sách cũng bị kết thúc sớm mà không cần chờ kết quả. Ngoài ra, khi các hạn chế được dỡ bỏ, giảng viên ở nhiều quốc gia châu Phi cho biết họ cần kinh phí để thực hiện những biện pháp phòng ngừa COVID-19, như khẩu trang, chất khử trùng, máy theo dõi nhiệt độ, phương tiện rửa tay và vệ sinh – đặc biệt ở những quốc gia có nguồn cung cấp nước hạn chế – cũng như đào tạo nhân viên về các biện pháp phòng ngừa cũng như về đào tạo trực tuyến. Phòng học và phòng thí nghiệm vốn đã đông đúc càng thêm khó khăn do những yêu cầu giãn cách xã hội, một số tòa nhà đại học thậm chí còn bị trưng dụng làm cơ sở cách ly (ví dụ như ở Ethiopia), khiến nguồn lực càng hạn chế.
Gia tăng lạm phát ở một số quốc gia châu Phi làm tăng áp lực lên nhân viên/giảng viên và sinh viên, nhiều người vốn đã khó khăn bởi thu nhập thấp hoặc kinh phí hỗ trợ kém, và khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn thêm do những người vốn đã thiệt thòi lại bị ảnh hưởng nhiều hơn. Lạm phát cũng làm tăng chi phí giao thông, khiến việc đi lại để làm công việc thực địa ngày càng khó khăn, đặc biệt là về các vùng nông thôn; và như một giáo sư người Uganda đã đề cập, cần bồi hoàn chi phí đi lại cho những người tham gia nghiên cứu. Một số giảng viên và nhân viên dùng quyền đình công trong nghiệp đoàn, yêu cầu các điều kiện tốt hơn, đáp ứng chi phí sinh hoạt đang tăng; tuy nhiên, việc này khiến cho tình hình tồi tệ thêm, làm gián đoạn hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.
Bối cảnh quốc gia đóng vai trò quyết định
Trong nhiều nước LMIC, hệ thống y tế vốn đã thiếu thốn và quá tải, lãnh đạo không đủ năng lực và việc phổ biến thông tin kém càng làm tăng thêm rủi ro và thách thức trong đại dịch. Các trường đại học châu Phi bị ảnh hưởng tiêu cực đáng kể bởi những yếu tố này, bao gồm tỷ lệ tử vong trong cộng đồng đại học (như cái chết của các giáo sư nổi tiếng), sự sợ hãi chính đáng của cán bộ, giảng viên và sinh viên về rủi lo lây nhiễm và những bất ổn. COVID-19 đã làm gián đoạn các lớp học và nghiên cứu, làm giảm chất lượng học tập và làm chậm quá trình tốt nghiệp của sinh viên, gây ra những hậu quả bất lợi lâu dài cho cá nhân và quốc gia.
Những tia hy vọng
Bất chấp những thách thức to lớn các đại học phải đối mặt, vẫn có những tia hy vọng le lói. Ví dụ, tỷ lệ hiểu biết kỹ thuật số kém ở vùng nông thôn Ethiopia đã thúc đẩy sự hợp tác của Viện hàn lâm không biên giới với Đại học Injibara để phát triển kỹ năng kỹ thuật số cơ bản trong giảng viên, nhân viên và sinh viên. Sự cần thiết luôn là “mẹ đẻ của phát minh”, dẫn đến những đổi mới hàng đầu tại địa phương, chẳng hạn như bộ dụng cụ xét nghiệm do Viện Nghiên cứu Y tế Nigeria phát triển (rẻ hơn và hiệu quả hơn so với xét nghiệm PCR phổ biến nhất). Thật yên tâm nhìn thấy các trường đại học châu Phi tiến lên đối mặt với thách thức COVID-19; tuy nhiên, quan hệ đối tác quốc tế là rất quan trọng để giải quyết một số bất bình đẳng sâu xa đã bộc lộ trong cuộc khủng hoảng này.