Vishal Jamkar là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Công vụ Humphrey, Đại học Minnesota, Hoa Kỳ. E-mail: jamka003@umn.edu. Christopher John- stone là Phó Giáo sư tại Khoa Lãnh đạo Tổ chức, Chính sách và Phát triển, Trường Cao đẳng Giáo dục và Phát triển Con người, Đại học Minnesota. Email: johnstone@umn.edu.
Tóm tắt
Đại chúng hóa giáo dục đại học Ấn Độ đi kèm với sự gia tăng về số lượng các trường đại học tư thục. Việc nới lỏng một số chính sách quốc gia làm giảm tỷ lệ sinh viên xuất thân từ những nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội, đồng thời duy trì sự thống trị của những sinh viên thuộc những đẳng cấp xã hội cao hơn và thuộc nhóm đa số theo đạo Hindu. Để thực hiện quá trình tư nhân hóa, Ấn Độ cần có những chính sách công bằng mạnh mẽ hơn để tránh duy trì đặc quyền và địa vị của những nhóm ưu tú và quyền lực.
Ấn Độ là hệ thống giáo dục đại học lớn thứ hai trên thế giới, với khoảng 800 trường đại học và gần 40 ngàn trường cao đẳng với 35 triệu sinh viên theo học. Ấn Độ mất hơn 55 năm để chuyển từ mô hình giáo dục đại học ưu tú sang mô hình đại chúng và tốc độ tăng trưởng này không có dấu hiệu chậm lại. Ví dụ, tổng tỷ lệ nhập học thô (GER) của Ấn Độ đã tăng từ 1,5% năm 1961 lên 5,9% năm 1991 và tiếp theo lên 27% vào năm 2017. Khi giáo dục đại học của Ấn Độ tiếp tục đại chúng hóa, một số đặc điểm chính đang xuất hiện rõ nét: đa dạng hơn trong việc cung cấp khóa học, đặc biệt các trường cao đẳng kỹ thuật và học viện bách khoa bắt đầu cung cấp nhiều khóa học khoa học ứng dụng hơn; sự xuất hiện của các trường đại học và cao đẳng tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng; và tăng thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên từ những nhóm theo truyền thống vẫn bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc những nhóm thiểu số ở Ấn Độ, chẳng hạn như những nhóm được dán nhãn Đẳng cấp Xác định (Scheduled Caste – SC) (còn được gọi là Dalit, trước đây là “Những người không có quyền lợi”), Bộ lạc Xác định (Scheduled Tribes – ST), Tầng lớp Lạc hậu khác (Other Backward Class – OBC), cũng như từ những cộng đồng Hồi giáo là nhóm tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ. Tuy nhiên, dù cơ hội tiếp cận tăng lên, giáo dục đại học vẫn bị chi phối bởi sinh viên thuộc những tầng lớp cao hơn và sinh viên thuộc nhóm đa số theo đạo Hindu.
Tư nhân hóa và hòa nhập
Trong giáo dục đại học đương đại của Ấn Độ, hai câu chuyện và hai cách tiếp cận chính đã xuất hiện trong vài thập kỷ qua. Trong những năm 1970 và 1980, giáo dục đại học bao gồm đại diện của mọi tầng lớp kinh tế xã hội. Các trường đại học công lập và những trường tư thục được chính phủ hỗ trợ đều đưa ra mức học phí hợp lý, cung cấp ký túc xá, học bổng, sách, miễn học phí và dành riêng chỉ tiêu tuyển sinh cho một số đối tượng mục tiêu là sinh viên từ các nhóm SC, ST và OBC, cũng như cho phụ nữ.
Tuy nhiên, từ đầu những năm 1980, chính phủ Ấn Độ giảm dần những chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo như miễn học phí và miễn phí ký túc xá, và học bổng cũng bị giảm dần, đồng thời chính phủ cũng ngừng hỗ trợ các trường đại học công và những học viện tư trước đây vẫn nhận trợ giúp từ chính phủ. Cả chính quyền trung ương và tiểu bang đều ban hành chính sách trao quyền tự chủ tài chính cho các trường tư để huy động các nguồn lực mà không cần chính phủ bảo lãnh, đồng thời cho phép tự chủ về chính sách. Tư nhân hóa tiếp tục gia tăng trong những năm 2000. Vào thời điểm đó, cơ quan tư pháp Ấn Độ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép các trường tư nhân tự huy động vốn và loại bỏ hạn ngạch chỉ tiêu nhằm tăng cường tuyển sinh từ SC, ST và OBC.
Mặc dù trong vài thập kỷ qua, mức hỗ trợ công dành cho những cộng đồng bị thiệt thòi và thiểu số đã giảm đi, quá trình tư nhân hóa vẫn khiến tỷ lệ nhập học gộp tăng lên. Dữ liệu từ Điều tra Mẫu Quốc gia cho thấy, từ năm 1995 đến năm 2014, tỷ lệ học sinh sau trung học trong những học viện tư nhân không được chính phủ trợ giúp đã tăng hơn bốn lần, từ 7,1% lên 32,7%, trong khi tỷ lệ đăng ký vào các cơ sở công lập giảm đáng kể, từ 57,5% xuống 41,4%. Theo Khảo sát Giáo dục Đại học Toàn Ấn Độ (All India Survey of Higher Education – AISHE), năm 2015 Ấn độ có hơn 35 ngàn trường cao đẳng, trong đó hơn 22 ngàn trường tư thục không được tài trợ, 5 ngàn trường nhận tài trợ tư nhân và gần 8 ngàn trường được chính phủ tài trợ. Hiện tại, gần 78% các trường cao đẳng là tư thục, và những trường cao đẳng này thu nhận 67% sinh viên Ấn Độ.
Tư nhân hóa và công bằng
Đại chúng hóa giáo dục đại học ở Ấn Độ được thực hiện chủ yếu thông qua sự gia tăng số lượng những cơ sở tư nhân không nhận tài trợ. Trong giai đoạn này, học sinh SC, ST và OBC bị ảnh hưởng trong hai trường hợp.
Thứ nhất, phán quyết của tòa án tối cao rằng những cơ sở này không cần tuân theo hạn ngạch tuyển sinh đã dẫn đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan về công bằng khi lĩnh vực giáo dục đại học tiếp tục phát triển: Những chính sách khuyến khích của Ấn Độ nhằm giải quyết những bất công trong lịch sử hiện chỉ áp dụng cho một số ít các cơ sở giáo dục. Thứ hai, việc thay đổi dần những chính sách học bổng, miễn học phí, miễn phí ký túc xá, và những chính sách cho vay – làm hạn chế những lựa chọn của sinh viên có thu nhập thấp hơn, làm giảm cơ hội của họ gia nhập giáo dục tư nhân với chi phí phải chăng.
Đại chúng hóa giáo dục đại học ở Ấn Độ được thực hiện chủ yếu thông qua sự gia tăng số lượng những cơ sở tư nhân không nhận tài trợ.
Đại chúng hóa và tư nhân hóa dường như đã khiến tăng tỷ lệ nhập học ở tất cả các nhóm, nhưng chủ yếu là ở những nhóm cao hơn. Những trường đại học tư nhân không được chính phủ tài trợ, nằm ở những thành phố cấp 1 và cấp 2 của Ấn Độ đang dần hướng đến việc cung cấp giáo dục cho sinh viên thành thị và giàu có và không bị bắt buộc đưa ra mức học phí phù hợp với những sinh viên có hoàn cảnh nghèo khó hơn, cũng như không bị bắt buộc tuân thủ các chính sách khuyến khích. Hơn nữa, dưới sự bảo trợ của Bộ Phát triển nguồn nhân lực, các học viện công hàng đầu như Học viện Quản lý Ấn Độ được phép né tránh thực hiện hạn ngạch chỉ tiêu tuyển sinh vào các chương trình tiến sĩ, bằng cách vận dụng những lập luận về dân chủ và “chất lượng giáo dục”. Cũng trong những cơ sở này, nhân khẩu học của giảng viên củng cố thêm sự phân tầng trong cơ hội tiếp cận và tính di động. Theo báo cáo AISHE năm 2017 – 2018 do Bộ công bố, 56,8% giảng viên thuộc nhóm “phổ biến” (đa số), 8,6% được dán nhãn SC (so với 15% dân số nói chung), và chỉ có 2,27 % các vị trí giảng viên được nắm giữ bởi những người được dán nhãn ST (so với 7,5 % của tổng dân số). Những chênh lệch này có thể có tác động nhân rộng đối với việc tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục và có thể ảnh hưởng đến cách nhìn về sự công bằng trong các chương trình học.
Kết luận
Đại chúng hóa và tư nhân hóa các trường đại học và cao đẳng ở Ấn Độ nói chung đã tạo ra nhiều lựa chọn hơn trong giáo dục đại học. Trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ nhập học gộp đã tăng lên đối với nhiều nhóm khác nhau, tuy nhiên sự chênh lệch về số lượng tuyển sinh vẫn tồn tại. Đại chúng hóa tạo ra nhiều lựa chọn, nhưng theo cách không được kiểm soát. Việc bỏ mức trần học phí, việc chính phủ ngừng cấp các khoản hỗ trợ (học phí và ký túc xá), và thiếu các biện pháp duy trì những chính sách khuyến khích trong các trường đại học tư nhân đều có nghĩa là sự chênh lệch trong tuyển sinh có thể tăng lên. Vị trí địa lý và cơ cấu học phí của các trường đại học và cao đẳng tư thục làm tăng thêm cơ hội cho sinh viên giàu có và thuộc những đẳng cấp cao hơn.