Trung Quốc: Sinh viên tốt nghiệp đối mặt với thị trường việc làm khó khăn nhất

Ying Lu là Phó Giám đốc bộ phận Quốc tế và là Nghiên cứu viên trong lĩnh vực giáo dục đại học, Đại học Beihang, Trung Quốc. Email: ly@buaa.edu.cn. Yuan Gao là Trưởng ban Đối tác Toàn cầu của Bộ phận Quốc tế và là Ứng viên Tiến sĩ tại Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Beihang, Trung Quốc. Email: gaoyuan@buaa.edu.cn.

Tóm tắt

COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường việc làm và đặt ra những thách thức gay gắt trước những sinh viên tốt nghiệp đại học đang tìm việc. Các quốc gia sẽ đối phó như thế nào để giúp sinh viên mới ra trường gia nhập thị trường việc làm hiện đang rất khắc nghiệt? Trung Quốc đã đưa ra một số sáng kiến để cung cấp các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, và các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải giữ vai trò chủ đạo.

COVID-19 đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu và thị trường việc làm, làm trầm trọng thêm những thách thức mà những người đang tìm việc phải đối mặt. Ở Trung Quốc, trong những năm gần đây sinh viên tốt nghiệp đại học gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc tìm kiếm việc làm, do những yếu tố như số lượng sinh viên đại học tăng lên và suy thoái kinh tế nói chung. Năm 2020, các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc đạt mức kỷ lục 8,74 triệu sinh viên tốt nghiệp, nhiều hơn 400 ngàn so với năm 2019 – dẫn đến sự cạnh tranh giữa họ thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Tình trạng này càng gay gắt hơn do đại dịch COVID-19, khiến số lượng việc làm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ – lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất – bị giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tệ hơn nữa, những hạn chế về du lịch quốc tế (cùng với những chính sách du học và thị thực mới do COVID-19 và do những xích mích chính trị, đặc biệt nhắm vào sinh viên Trung Quốc) đã khiến nhiều người từ bỏ kế hoạch du học và thay vào đó, tìm cách gia nhập thị trường việc làm trong tình hình đầy thách thức này.

Trước viễn cảnh khó khăn như vậy, chính phủ Trung Quốc phối hợp với các tổ chức giáo dục đại học (HEI) đưa ra một số sáng kiến nhằm giảm bớt áp lực việc làm. Những chính sách và biện pháp cứu trợ này bao gồm tăng số lượng tuyển sinh đại học; tổ chức lại các chương trình “bằng cử nhân thứ hai”; phát triển các vị trí trợ lý nghiên cứu; và hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới.

Trước viễn cảnh khó khăn như vậy, chính phủ Trung Quốc phối hợp với các tổ chức giáo dục đại học (HEI) đưa ra một số sáng kiến ​​nhằm giảm bớt áp lực việc làm.

Tăng chỉ tiêu tuyển sinh đại học

Chính sách mở rộng hơn nữa quy mô tuyển sinh đại học được coi là biện pháp hiệu quả nhất nhằm giảm bớt áp lực thị trường việc làm ngay lập tức. Vào đầu tháng 3 năm 2020, Bộ Giáo dục (MOE) đã công bố một tài liệu chính sách mới nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19 đến thị trường việc làm. Theo tài liệu, chỉ tiêu tuyển sinh ở trình độ thạc sĩ dự kiến sẽ thêm 189 ngàn vị trí, tăng 23,5% so với năm trước. Tăng chỉ tiêu tuyển sinh được áp dụng cho một số HEI hàng đầu, ví dụ Đại học Thanh Hoa tuyển 6.110 sinh viên thạc sĩ vào năm 2020, tăng 4,8% so với năm 2019. Tận dụng hạn ngạch được bổ sung, các HEI ở Trung Quốc không chỉ nhận thêm sinh viên mà còn nới lỏng tiêu chí tuyển sinh và áp dụng những phương thức tuyển chọn phi truyền thống. Ví dụ, những sinh viên tốt nghiệp không thực hiện được kế hoạch du học do biên giới bị đóng cửa hoặc do chính sách nhập cư thù địch, được đăng ký thẳng vào chương trình thạc sĩ tại một số trường đại học trong nước, bỏ qua kỳ thi đầu vào bắt buộc.

Tái kích hoạt chương trình “Bằng cử nhân thứ hai”

Với sự phát triển nhanh chóng của giáo dục sau đại học tại Trung Quốc trong những năm gần đây, chương trình “bằng cử nhân thứ hai” (second bachelor’s degree – SBD) được đưa ra lần đầu tiên vào những năm 1980 nhằm cho phép sinh viên theo học bằng cử nhân thứ hai sau khi lấy được bằng đại học đầu tiên – đã không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, vào cuối tháng 5 năm 2020, không lâu sau khi thông báo tháng 7 năm 2019 về việc hủy bỏ chương trình, MOE lại ban hành Thông báo cho phép các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục tuyển sinh vào chương trình văn bằng Cử nhân thứ hai, theo sau là một danh sách dài 3400 chương trình SBD được công nhận trong khoảng 500 HEI. Việc tái kích hoạt chương trình này vào năm 2020 được hiểu là một dấu hiệu cho thấy chính quyền có ý định tạo điều kiện cho lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2020 thoát khỏi một số áp lực tìm kiếm việc làm tức thì mà họ sẽ phải đối mặt. Sinh viên được nhận vào các chương trình SBD không chỉ có cơ hội tìm kiếm bằng cử nhân thứ hai, họ còn được tài trợ thêm hai năm cuộc sống trong khuôn viên trường để chuẩn bị cho việc theo đuổi học tập và cho nghề nghiệp trong tương lai.

Phát triển các vị trí trợ lý nghiên cứu

Vào tháng 6 năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD&ĐT và bốn bộ khác đã cùng ban hành văn bản chính sách khuyến khích các cơ sở thực hiện các dự án nghiên cứu để tạo ra các vị trí trợ lý nghiên cứu (RA) cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Tài liệu chỉ rõ rằng những trường đại học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp thực hiện những dự án nghiên cứu quốc gia cần phát triển các vị trí RA để cung cấp cho sinh viên tốt nghiệp HE. Mục đích là những vị trí làm việc theo hợp đồng này (thường chỉ mang tính chất tạm thời) sẽ cung cấp thu nhập cho những người đang tìm việc, đồng thời cho họ cơ hội làm quen với hệ thống nghiên cứu của Trung Quốc và chuẩn bị cho những nghiên cứu học thuật cao hơn. Điều đáng chú ý là tài liệu nói rõ rằng “số lượng vị trí được tạo ra và số lượng sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng sẽ được tính như kết quả hoạt động được giám sát theo những chỉ số của Dự án “Đẳng cấp thế giới kép”, nhằm tạo áp lực để 137 trường đại học đẳng cấp thuộc dự án “Đẳng cấp thế giới kép” phải thực hiện. Ví dụ, Đại học Beihang, một trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở Bắc Kinh, đã tạo ra 119 vị trí RA. Tương tự, hai trường Đại học Phúc Đán và Đại học Thượng Hải đã tạo ra 150 vị trí RA.

Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới

Trong 5 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt hướng dẫn việc thúc đẩy “khởi nghiệp hàng loạt và đổi mới”, như một phương tiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện đại. Nội dung giáo dục khởi nghiệp – một nội dung đào tạo quan trọng để nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh – đã phát triển nhanh chóng trong các HEI của Trung Quốc. Báo cáo năm 2019 của Đại học Renmin về khởi nghiệp của sinh viên kết luận rằng giáo dục khởi nghiệp tại các HEI Trung Quốc có tác động tích cực đến động lực thành lập doanh nghiệp của sinh viên và hiệu quả hoạt động khởi nghiệp của họ. Trong những tháng gần đây, chính phủ nhấn mạnh lại tầm quan trọng của “khởi nghiệp hàng loạt và đổi mới” và vai trò của các trường đại học trong các sáng kiến khác nhau. Tuy nhiên, do hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn chưa được phát triển đúng mức và niềm tin bị lung lay bởi việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trên khắp đất nước, nên khó có thể dự đoán sau COVID có bao nhiêu người sẵn sàng đương đầu với những thách thức của việc khởi nghiệp.

Những sáng kiến này – một số trong đó chỉ có thể trì hoãn các vấn đề hoặc có tác động tạm thời – là những nỗ lực ban đầu nhằm giải quyết những gì đang tạo thành “mùa đông lạnh nhất” đối với những người tìm việc. Mặc dù các trường đại học có thể đóng góp vào việc cung cấp các giải pháp tạm thời, nhưng những thách thức hiện tại đóng vai trò như một lời nhắc nhở nghiêm túc đối với các trường đại học ở Trung Quốc và rộng hơn là cần phải suy nghĩ lại cách chuẩn bị hiệu quả để sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng cho một thế giới hậu COVID và giúp họ kết nối tốt hơn với thị trường việc làm mới.