David Zweig là Giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuyên quốc gia Trung Quốc, và là Phó Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa. Email: sozweig@ ust.hk. URL: drdavidzweig.com. Zaichao Du là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc. Email: zaichaodu@fudan.edu.cn.
Zweig cảm ơn Yuting Sun và Guochang Zhao của SWUFE, và Zaichao Du đã mời ông tham gia vào dự án của họ. Bài báo chung của họ sẽ được xuất bản trên tờ The China Quarterly.
Tóm tắt
Xem xét hiện tượng “di cư ngược” của sinh viên Trung Quốc, các nhà phân tích phần lớn bỏ qua những sinh viên MA ngắn hạn, những người chiếm gần 70% tổng số những du học sinh trở về nước sau khi tốt nghiệp, cho rằng họ ít quan trọng hơn. Dựa trên các cuộc khảo sát trong 15 năm qua, bài viết này đưa ra bốn nhận xét: Tỷ trọng của các MA trở về trong thị trường việc làm trong nước là rất lớn; những MA có kế hoạch tốt khi đi du học thường thành công sau khi về nước; việc trở về vì lý do “gia đình” có vấn đề; và tình trạng MA từ nước ngoài về nhận được 20% “tiền lương phụ trội” vẫn tồn tại.
Khi bàn về hiện tượng “di cư ngược”, các nhà phân tích thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những người tài có bằng tiến sĩ nước ngoài, những người tham gia vào những nghiên cứu tiên tiến nhằm nâng cao sức mạnh quốc gia. Nhưng hàng triệu người ra nước ngoài để lấy bằng thạc sĩ ngắn hạn thì sao?
So với những học viên Trung quốc du học được nhà nước tài trợ, những học viên thạc sĩ tự túc (MA) thường bị coi là kém năng lực hơn. Trong khi những người có bằng cấp cao trở về được gọi là “hải gui” hoặc “rùa biển trở về”, thì những người từ “nước ngoài” (hải) về, đang “chờ” (dai) để tìm việc – lần đầu tiên, vào năm 2005 – được dán nhãn là “hải dai”, từ đồng âm với “rong biển”. Liệu “rùa biển” vinh quang có biến thành “rong biển” đáng sợ không? Sự tăng trưởng “tỷ lệ bão hòa thạc sĩ”- số lượng các MA trở về chia cho tổng số các MA trở về cộng với các MA trong nước – cho thấy một quá trình như vậy có thể đang xảy ra. Năm 2011, tỷ lệ bão hòa thạc sĩ là 27,2%; tăng lên 36% vào năm 2012 và đạt 45% vào năm 2017, với 480.900 học viên sau đại học trở về gia nhập với 578.045 học viên tốt nghiệp trong nước. Ngay cả khi những người trẻ này rời khỏi Hoa Kỳ do môi trường không thuận lợi vì chính trị và vì COVID-19, tỷ lệ di cư ngược của họ vẫn khá cao.
Dòng chảy ngược lại của MA từ năm 2005 đã khiến các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách và các nhà báo đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đang tạo ra một lượng “rong biển” sẽ lấp đầy hàng ngũ những người làm công ăn lương bất mãn hoặc thất nghiệp ở quê nhà hay không. Tuy nhiên, trong một bài báo năm 2007, Han Donglin (Đại học Renmin) và Zweig lập luận rằng những lo ngại về “rong biển” đã bị phóng đại quá mức, khi 70% những người trở về tìm được việc làm trong vòng 3 tháng, trong khi 90% có việc làm trong vòng 6 tháng. Chúng tôi cũng tìm thấy những thông tin về “mức lương cao hơn” so với MA tốt nghiệp trong nước.
Bài viết này dựa trên một số cuộc khảo sát. Ba khảo sát do Bộ Giáo dục thực hiện vào năm 2006, đã nhận được phản hồi từ những người trở về từ Nhật Bản, Canada và Hồng Kông. Một khảo sát quốc gia, cũng vào năm 2006, cho phép Zweig so sánh các MA nội địa với các MA từ nước ngoài trở về nói trên. Một cuộc khảo sát vào năm 2016 trên một trang web dành cho những người từ nước ngoài trở về độc thân đang tìm kiếm những người trở về khác, đã cung cấp một bộ dữ liệu bổ sung. Năm 2016, Zhaopin, một chuyên gia săn đầu người Trung Quốc, nhận được 1.589 câu trả lời hữu ích trên trang web của mình theo một bảng câu hỏi do Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa soạn thảo. Cuối cùng, dựa trên Khảo sát Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc năm 2015 do Đại học Kinh tế và Tài chính Tây Nam thực hiện đã so sánh 482 học viên được đào tạo trong nước và 482 học viên tốt nghiệp ở nước ngoài trở về, bằng cách ghép các cặp có hoàn cảnh giống nhau.
Dòng chảy ngược lại của MA từ năm 2005 đã khiến các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách và các nhà báo đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đang tạo ra một lượng “rong biển” sẽ lấp đầy hàng ngũ những người làm công ăn lương bất mãn hoặc thất nghiệp ở quê nhà hay không.
Vì sao sinh viên tốt nghiệp trở về nước
“Bị đẩy về”, “bị kéo về” hay vì gia đình? Để đánh giá lý do du học sinh về nước, Zweig lật ngược quan điểm “đẩy-kéo” vẫn được sử dụng khi phân tích tình trạng chảy máu chất xám để xem liệu việc “thất bại” hoặc bị “đẩy ra” khỏi phương Tây, hoặc được “kéo” về nước bởi các cơ hội – có ảnh hưởng đến việc họ trở về hay không. Zweig cũng xem xét cả lựa chọn trở về vì lý do “gia đình”, và sau đó đối chiếu ba lý do này với bảy hệ quả, bao gồm (1) thời gian tìm kiếm việc làm, (2) mức độ hài lòng với công việc, (3) hài lòng với cuộc sống sau khi trở về, (4) so sánh lợi ích nhận được và chi phí cho việc học tập ở nước ngoài, (5) ước tính thời gian cần thiết để bù đắp những chi phí đó, (6) thu nhập thực tế và (7) thu nhập ước tính.
Những câu trả lời cuộc khảo sát năm 2016 của Zhaopin cho thấy một nghịch lý thú vị. Dựa trên những nội dung có câu trả lời đạt mức 5% trở lên cho phép đưa ra một nhận xét tích cực: Những người được “kéo” về nước mất ít thời gian hơn để tìm việc, có được công việc tốt hơn và hài lòng với cuộc sống hơn, họ nhận thấy lợi ích của việc đi nước ngoài lớn hơn chi phí, và kiếm được thu nhập cao hơn. Những người “bị đẩy ra” khỏi phương Tây và cảm thấy bị buộc phải trở về, gặp nhiều khó khăn trong việc “bù đắp chi phí đã bỏ ra”. Tuy nhiên, những người trở về vì lý do “gia đình” mất nhiều thời gian hơn để tìm việc và để bù đắp chi phí đi nước ngoài, và họ có điểm số âm trong “công việc” và “sự hài lòng trong cuộc sống”. Do đó, thông điệp gửi đến những người trẻ trong nền văn hóa hướng về gia đình mạnh mẽ này là: “đừng về nhà để làm hài lòng cha mẹ, nếu không bạn sẽ khốn khổ.”
Dữ liệu Zhaopin năm 2016 cũng mô tả hai nhóm người trở về: những người “hài lòng” và những người “không hài lòng”. Nhóm đầu thành công bởi vì họ hiểu thị trường trong nước, họ hoạch định sự nghiệp của mình và học tập những kỹ năng mà thị trường cần. Một số trong nhóm thứ hai ra nước ngoài du học vì họ không vào được những trường đại học tốt của Trung Quốc, một vấn đề mà họ thường mắc phải khi bỏ qua nhu cầu của thị trường việc làm trong nước và lập kế hoạch nghề nghiệp kém là chọn sai ngành học khi ra nước ngoài. Những sinh viên tầm thường bị “đẩy” về Trung Quốc này được dành cho những nghề nghiệp tầm thường ở quê nhà, ở đó, dù bỏ ra nhiều thời gian tìm việc, họ vẫn không hài lòng với những lựa chọn công việc và dễ dàng biến thành “rong biển”.
Du học có làm tăng thu nhập của người trở về không?
Tiền lương trả cho những người trở về vào năm 2006 là một khoản đáng kể. So sánh thu nhập của những người trở về từ Nhật Bản, Hồng Kông và Canada với 6.000 cư dân thành thị từ khắp Trung Quốc cho thấy những người tốt nghiệp MA trở về kiếm được nhiều hơn 83% so với những người dân địa phương có bằng cấp học vấn tương tự.
Tuy nhiên, giai tầng xã hội của cha mẹ có thể làm lu mờ lợi ích về thu nhập từ việc học tập ở nước ngoài. Vì sao lại nói điều này? Mô hình hồi quy của cuộc khảo sát Haigui Zhixin năm 2016 cho thấy bằng cấp ở nước ngoài làm tăng đáng kể thu nhập của những người trở về. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa thu nhập của gia đình vào mô hình, và cho dù cha hoặc mẹ họ từng là quan chức hay không, thì tác động của việc du học không còn đáng kể về mặt thống kê; thay vào đó, thu nhập của gia đình, và việc cha hoặc mẹ có phải là quan chức hay không, trở nên đáng kể. Vì vậy, mặc dù du học nước ngoài có thể mang lại lợi ích cho nhiều người trẻ tuổi, nó không nhất thiết giúp ích cho con cái của giới thượng lưu. Cuộc khảo sát năm 2014 được phân tích bởi Du và các đồng nghiệp của ông tại SWUFE thậm chí còn xác thực hơn nhờ cách phân tích “cặp đôi phù hợp” của họ. Xem xét những nội dung đạt mức 5% cho thấy những người trở về có bằng trên đại học kiếm được nhiều hơn 19,3% so với những người học trong nước có cùng bằng cấp, trong khi không có sự khác biệt về thu nhập giữa những người trở về và những học trong nước có bằng cử nhân. Họ cũng thử nghiệm hiệu ứng “vốn con người”, trong đó những người trở về nhận được mức lương cao hơn do năng lực của họ, so với “hiệu ứng dấu hiệu”, khi người sử dụng lao động trả cho những người trở về mức lương cao hơn chỉ vì họ từng học ở nước ngoài. Khảo sát này phát hiện rằng những người trở về làm việc trong một công ty càng lâu thì khoảng cách về lương với người học trong nước càng lớn, cho thấy việc du học đem lại lợi tức, theo đó người sử dụng lao động trả mức lương cao hơn cho những người trở về sau khi nhận thấy họ làm việc hiệu quả hơn.
Trung Quốc vẫn đang duy trì những mối quan hệ xuyên quốc gia, những người nước ngoài nên an tâm khi biết rằng những chuyên gia trẻ mà họ đang tương tác – cho dù thuộc công ty nước ngoài hay trong nước, tổ chức phi chính phủ, trường đại học hay văn phòng chính phủ – nhiều khả năng đã từng được đào tạo ở nước ngoài. Nhóm những cá nhân tài năng này, mặc dù bị gọi là “rong biển”, nhưng cũng chính là những người sẽ cho phép Trung Quốc duy trì vị trí hàng đầu như một thành viên ưu việt của “thế giới đang phát triển” và theo cách riêng của họ, sẽ đóng góp vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và hội nhập sâu hơn với hệ thống toàn cầu.