Dorothea Ruland là Tổng Thư ký của Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD), Đức. Email: rueland@daad.de.
Bài báo này ban đầu được xuất bản dưới dạng một bài nói chuyện của Tiến sĩ ”Ruland trong bài giảng “Quốc tế hóa trong kỷ nguyên số: Điều gì là khác biệt và như vậy thì sao?” do Trường Đại học Trier tổ chức qua Zoom vào tháng 1 năm 2021.
Tóm tắt
Số hóa giáo dục đại học vẫn là một vấn đề nghị sự cấp bách trong một thời gian khá dài và có lý do chính đáng. Giáo dục đại học sẽ khác hẳn sau đại dịch COVID-19: thay đổi về kỹ thuật số không đơn thuần chỉ là tiến bộ công nghệ, mà là sự đổi mới về tổ chức và hệ thống – điều đó ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của giáo dục đại học và hệ thống giáo dục. Trường đại học trong tương lai sẽ là trường đại học quốc tế về mọi mặt, mặt vật lý cũng như ở trên mạng.
Chuyển đổi số là một vấn đề nghị sự cấp bách trong một thời gian khá dài và có lý do chính đáng. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt: COVID-19 đang đẩy nhanh nhiều quy trình, các lá bài
đang được xáo trộn lại. Chúng ta bỗng thấy mình đang trong một quá trình chuyển đổi sâu rộng sẽ làm thay đổi không chỉ giới học thuật của các trường đại học, mà cả môi trường làm việc và cuộc sống của chúng ta nói chung.
COVID-19 tác động đến giáo dục đại học quốc tế
Sau COVID-19, các trường đại học, lĩnh vực giáo dục đại học quốc tế và hợp tác nghiên cứu quốc tế sẽ khác đi khá nhiều, vì một số lý do. Khoa học chưa bao giờ quan trọng như ngày nay. Chúng ta cần mạng lưới liên kết chặt chẽ để đối mặt với những chủ đề lớn toàn cầu như Các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, vì không một quốc gia nào có thể tự mình vượt qua những thách thức này. Cuộc chiến chống lại COVID-19 là minh chứng cho điều đó. Hợp tác nghiên cứu quốc tế đã được chứng minh là khá hiệu quả và bền bỉ trong cuộc khủng hoảng này. Có nhiều công bố quốc tế hơn so với cùng kỳ trước COVID-19, đặc biệt trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng và với những lý do hoàn toàn xác đáng: các đối tác nghiên cứu hiểu rõ nhau, có sự tin tưởng và hiểu biết chung ở tất cả các bên, chuyển sang chế độ kỹ thuật số dễ dàng. Vì thế, hợp tác khoa học sẽ là chìa khóa để quốc tế hóa thành công trong tương lai.
Vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Nhưng chuyển đổi số đóng vai trò gì trong những xu hướng này? Chuyển đổi số giúp chúng ta ít bị phụ thuộc vào thời gian và không gian hơn. Chất xúc tác lớn nhất trong quá trình này là COVID-19. Việc đi lại đã bị dừng vào tháng 3 năm 2020 và chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Chỉ sau một ngày, các trường đại học trên toàn thế giới đã chuyển thành những phòng học ảo. Mọi trường đại học trên thế giới đều phải tìm những phương pháp giảng dạy và nghiên cứu mới. Nếu chúng ta nhìn lại tổng thể những tháng qua, sự thay đổi này diễn ra khá tốt.
Thế giới học thuật sắp tới có trở thành số hóa hoàn toàn hay không?
Vậy mọi thứ có ổn không và liệu thế giới học thuật sắp tới có trở thành số hóa hoàn toàn hay không? Nhiều khả năng là không nhưng tương lai sẽ như thế nào? Vai trò của du học vật lý và du học kỹ thuật số chắc chắn sẽ thay đổi. Như đã đề cập ở trên, việc hợp tác chuyển đổi sang hình thức kỹ thuật số diễn ra khá tốt vì các nhà nghiên cứu đã biết nhau, đã gặp nhau trước đó và đã quen làm việc cùng nhau.
Sinh viên và thế giới học thuật mới
Trong khi đó, tình hình có vẻ rất khác đối với sinh viên. Thế hệ trẻ xứng đáng có cơ hội tìm hiểu lẫn nhau, xây dựng những kỹ năng giao thoa văn hóa, gặp gỡ mọi người ở nước ngoài, học hỏi những quan điểm khác nhau, xây dựng niềm tin và mạng lưới liên hệ và mọi lợi ích có được từ việc du học thật. Vì vậy, từ góc độ này, du học vẫn tiếp tục giữ vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, chuyển đổi số có thể là một công cụ hữu ích để chuẩn bị và đi kèm với du học thật.
Ta biết rằng ít nhất 50% sinh viên ở Đức không bao giờ ra nước ngoài vì một số lý do, ví dụ như kinh phí hoặc gia đình. Ở đây một lần nữa, chuyển đổi số có thể hỗ trợ cho quốc tế hóa trong nước theo nhiều cách. Một lợi thế nữa của chuyển đổi số là nó cho phép tạo ra sự đa dạng mới. Chuyển đổi số có thể là một trong những chất xúc tác chính để tiếp cận những nhóm đối tượng mục tiêu mới, mang lại cơ hội bình đẳng, đa dạng hóa đội ngũ sinh viên và cho phép mở rộng phạm vi tiếp cận hơn.
Chất lượng nghiên cứu có thể được cải thiện hơn bởi vì việc đưa các nhà khoa học nổi tiếng nhất cùng đến một không gian ảo dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều so với việc họ phải dịch chuyển. Nhưng không nên quên rằng nhiều thứ phụ thuộc vào nền tảng số. Chúng ta cần lưu ý điều này bất cứ khi nào nghĩ về hợp tác số. Vẫn có những nơi trên thế giới truy cập Internet chưa được coi là quyền mặc định. Và chúng ta cũng không nên làm tăng thêm khoảng cách số vẫn đang tồn tại. Trở lại với các cá nhân, có thể nhận thấy rằng lợi ích của các hình thức du học số tăng lên tùy thuộc vào mức độ mở rộng việc học tập nghiên cứu của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, môi trường học thuật 100% kỹ thuật số khó có thể trở thành hiện thực đối với đa số sinh viên trên thế giới. Nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực này cho biết hiện tại, chỉ 10% số sinh viên quan tâm đến quốc tế hóa lựa chọn những chương trình học qua mạng như một giải pháp thay thế. Ta có thể thấy một bức tranh khác nếu tập trung vào việc học tập suốt đời và xem xét cả những chứng chỉ ngắn hạn, bên cạnh những chương trình học dài hạn.
Nhìn xa hơn quá trình số hóa du học
Do đó, trong tương lai, câu hỏi cần đặt ra là chúng ta kỳ vọng du học mang lại những tác động và kết quả gì, để sau đó có thể quyết định hình thức du học nào: du học thật hay du học ảo là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này.
Đây chỉ là một khía cạnh của chuyển đổi số và vai trò của nó đối với quốc tế hóa. Tuy nhiên, quốc tế hóa không đơn thuần chỉ là du học. Để tiếp tục luồng suy nghĩ này, có thể cần nghĩ lại không chỉ về quốc tế hóa, mà về các trường đại học nói chung. Các trường đại học châu Âu và mạng lưới của mỗi trường đã phải chuyển sang số hóa để duy trì sự hợp tác đa phương. Như đã đề cập ở trên, chuyển đổi số khiến chúng ta trở nên độc lập và linh hoạt hơn. Vì sao các trường đại học đều cung cấp các khóa học giống nhau? Sẽ hợp lý hơn nếu các trường hợp lực và cùng nhau xây dựng chương trình học, như cách các trường đại học ở Đức đang làm trong một số ngành học.
Một khía cạnh khác là số hóa hành trình của sinh viên và lĩnh vực quản trị trong trường đại học. Sinh viên sẽ được hỗ trợ riêng theo nhu cầu và sở thích của họ và được hướng dẫn trong suốt hành trình tới đất nước mà họ chọn, tới trường đại học mà họ có thể quyết định theo học. Tất cả điều này có thể được tổ chức một cách thuận tiện và hiệu quả thông qua chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo. Đây không phải là một thế giới mới dũng cảm, mà nó đã trở thành hiện thực ở Đức dưới dạng những khái niệm được cá thể hóa thông qua một nền tảng có tên MyGuide hỗ trợ và hướng dẫn cho sinh viên tương lai trên chặng đường từ quê nhà đến trường đại học mà họ chọn ở những quốc gia khác.
Kết luận
Nhìn chung, thay đổi số không chỉ đơn thuần là tiến bộ công nghệ, mà là đổi mới về tổ chức và hệ thống. Điều này ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của giáo dục đại học và hệ thống giáo dục. Chúng ta nên tránh những giải pháp đơn lẻ, có thể là sai lầm của quá khứ. Tất cả các bộ phận của trường đại học sẽ bị ảnh hưởng, gồm cả nội dung giảng dạy, bởi vì trong những môi trường chưa từng được biết như thế sinh viên sẽ cần những kỹ năng mới. Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, sự phát triển này đòi hỏi một cách quản trị mới. Chúng ta cần có cách tiếp cận chiến lược toàn diện. Điều này mang đến chất lượng hoàn toàn mới cho quá trình quốc tế hóa. Trường đại học trong tương lai sẽ là trường đại học quốc tế về mọi mặt, cả ở mặt vật lý cũng như trên mạng.