Philip G. Altbach là Giáo sư Nghiên cứu và là Distinguished Fellow thuộc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Ông cũng là Thành viên của Hội đồng Quốc tế 5-100. Email: philip.altbach@bc.edu.
Phiên bản ngắn hơn của bài báo này đã được đăng trong Times Higher Education.
Tóm tắt
Dự án xuất sắc của Nga, được gọi là Chương trình 5-100, sắp kết thúc. Mặc dù không thực hiện được mục tiêu đưa một số trường đại học Nga vào Top 100 của bảng xếp hạng đại học toàn cầu, dự án đã đạt được một số mục tiêu quan trọng, bao gồm quốc tế hóa, cải thiện quản lý, củng cố cơ sở hạ tầng nghiên cứu và tăng năng suất. Chính phủ Nga hiện đang xem xét một chương trình mới để cải thiện các trường đại học.
Năm 2013, Chính phủ Nga thành lập Dự án Học thuật Xuất sắc của Nga, thường được gọi là “Dự án 5-100” vì một trong những mục tiêu của dự án là đưa 5 trường đại học của Nga vào Top 100 của bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu chính là chuyển đổi một số trường đại học hàng đầu của Nga thành các trường đại học nghiên cứu cạnh tranh toàn cầu và khuyến khích quốc tế hóa. Dự án này, hiện vẫn đang tiếp tục, dù không đạt được thứ hạng mong muốn, đã hoàn thành nhiều mục tiêu khác. 21 trường đại học của Nga đã được một hội đồng quốc tế lựa chọn từ một nhóm ứng viên lớn hơn và 2,3 tỷ USD đã được đầu tư vào những cơ sở này trong bảy năm, chiếm trung bình khoảng 9% ngân sách hàng năm của các trường đại học. Chính phủ hiện đang thảo luận về một sáng kiến mới để cải thiện hơn nữa các trường đại học của Nga. Rất đáng để xem xét một số thành công và thất bại của dự án 5-100.
Bối cảnh của Nga
Hệ thống giáo dục đại học của Nga rất lớn và đa dạng, với một quá khứ phức tạp và đầy khó khăn trước những thách thức đương đại mới. Hiện có 4 triệu sinh viên đang theo học trong 724 trường đại học của Nga – một trong những hệ thống học thuật lớn nhất thế giới – với 73% học sinh tốt nghiệp trung học tiếp tục học lên đại học. Trong khi nhiều trường đại học hàng đầu tập trung ở Moscow và St. Petersburg, các trường đại học xuất sắc cũng nằm rải rác khắp vùng nội địa rộng lớn của đất nước. Lịch sử phức tạp của Nga tiếp tục ám ảnh thực tế hiện tại. Trong thời kỳ Xô Viết, giáo dục đại học được khai thác để phục vụ nhu cầu của nhà nước, không có quyền tự chủ và phụ thuộc về mặt tư tưởng. Hầu hết các trường đại học đa ngành truyền thống được chia thành các cơ sở nhỏ hơn, tập trung phục vụ các bộ ngành cụ thể. Các trường đại học hầu như chỉ tập trung vào giảng dạy trong khi nghiên cứu được tiến hành riêng biệt tại các viện do Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô quản lý; phần lớn các trường chấm dứt truyền thống kết hợp giảng dạy và nghiên cứu (có vài ngoại lệ: một số trường đại học được thành lập trong thời kỳ chiến tranh lạnh chuyên sâu vào nghiên cứu). Giáo dục đại học được liên kết chặt chẽ với bộ máy kế hoạch kinh tế. Không có gì ngạc nhiên khi toàn bộ hệ thống học thuật và khoa học trở nên quan liêu. Hơn nữa, liên kết học thuật với phần còn lại của thế giới rất ít ỏi – giới học thuật của Liên Xô hoạt động trong vũ trụ biệt lập của mình. Bất chấp những hạn chế nghiêm trọng, một số trường đại học và viện nghiên cứu, đặc biệt trong những lĩnh vực như vật lý và toán học, đều ở đẳng cấp thế giới; và hệ thống, tuy có sai sót, vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ trong phạm vi ảnh hưởng toàn cầu rộng lớn hơn của Liên Xô. Hơn nữa, đã có nhiều thành tựu đáng kể trong những lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật và quân sự.
Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, chính trị và kinh tế bước vào một thập kỷ bất ổn nghiêm trọng. Các trường đại học và viện nghiên cứu mất hầu hết nguồn tài trợ của chính phủ, và trừ một số trường hợp ngoại lệ, các tiêu chuẩn bị sụp đổ và cơ sở hạ tầng xuống cấp. Lần đầu tiên sau 70 năm, các học giả và sinh viên được tiếp xúc với phần còn lại của thế giới và nhiều người đã chọn ra đi không bao giờ trở lại. Tham nhũng – vẫn luôn là một phần của hệ thống Xô Viết – phát triển mạnh mẽ, khi các tổ chức và các học giả tìm cách để tồn tại trong bối cảnh kinh tế hạn chế và bất ổn chính trị.
Các yếu tố của hệ thống Xô Viết tiếp tục đè nặng lên nền giáo dục đại học và khoa học của Nga, bao gồm sự quan liêu ở mức độ cao và sự tách rời giữa giảng dạy và nghiên cứu – bất chấp những nỗ lực đáng kể và một số thành công trong cải cách.
Sự thức tỉnh
Đến năm 2000, chính phủ và xã hội Nga nhận ra rằng giới học thuật và nghiên cứu đang gặp khủng hoảng. Cùng lúc đó, xã hội phần nào đã được khôi phục và doanh thu từ dầu mỏ cũng như sự hồi sinh của ngành công nghiệp có thể cung cấp những nguồn lực mới. Tham nhũng cũng được kiềm chế ở một mức độ nào đó. Ví dụ, hệ thống tuyển sinh với tình trạng tham nhũng vượt tầm kiểm soát đã được thay thế bằng Hệ thống Thi đầu vào Thống nhất Toàn quốc vào năm 2009 và nó đã hoạt động tốt. Một số viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (Russian Academy of Sciences – RAS) trước đây cho các công ty tư nhân thuê địa điểm – một hoạt động đáng ngờ và có lẽ là bất hợp pháp, đến nay việc này đã chấm dứt. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn tồn tại. Những báo cáo gần đây về các chính trị gia cấp tỉnh mua luận án tiến sĩ là một ví dụ.
Ngân sách cho các trường đại học và các viện RAS đã được cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Hoạt động nghiên cứu được coi trọng hơn. Dựa trên các cuộc thi quốc gia, 29 trong số các trường đại học tốt nhất đã được nâng cấp thành “trường đại học nghiên cứu quốc gia” và được cấp thêm kinh phí. Chính phủ hỗ trợ những phòng thí nghiệm quốc tế trong các trường đại học Nga do những nhà nghiên cứu toàn cầu nổi tiếng làm việc ở Nga đứng đầu. Một số viện sĩ nổi tiếng của Nga di cư trước đây, nay hồi hương để lãnh đạo các phòng thí nghiệm. Chính phủ cung cấp những hướng dẫn hiện đại hóa quản lý học thuật; và lương của giảng viên, vốn sụt giảm trầm trọng sau năm 1991, nay đã tăng lên, mặc dù vẫn chưa đạt mức theo tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả của tất cả những thay đổi này là năng suất nghiên cứu tăng lên.
Những thành tựu của chương trình 5-100 là rất đáng kể, đặc biệt nếu xét đến những thách thức trong việc cải thiện các trường đại học ở bất cứ quốc gia nào, và đặc biệt trong bối cảnh của Nga.
Sáng kiến 5-100 và cải cách giáo dục đại học
Những thành tựu của chương trình 5-100 là rất đáng kể, đặc biệt nếu xét đến những thách thức trong việc cải thiện các trường đại học ở bất cứ quốc gia nào, và đặc biệt trong bối cảnh của Nga. Có lẽ ý nghĩa quan trọng nhất của dự án 5-100 là cho thấy nước Nga coi việc có được những trường đại học định hướng nghiên cứu đẳng cấp thế giới là một mục tiêu quốc gia quan trọng. Ngân sách được phân bổ rất lớn, mặc dù không đồng nghĩa là tạo ra được những thay đổi đáng kể. Kinh phí được phân bổ trên cơ sở kế hoạch học thuật cụ thể và kết quả hoạt động được giám sát cẩn thận – các trường đại học buộc phải cân nhắc chiến lược và sau đó được đánh giá. Các trường đại học được yêu cầu sử dụng ngân quỹ từ dự án 5-100 cho những dự án phát triển cụ thể. Sau một thời gian, cách lập kế hoạch quen thuộc từ nhiều năm trước với những mục tiêu mơ hồ và phi thực tế đã được thay thế bằng việc đặt ra những mục tiêu thực tế và thực dụng hơn. Khi chương trình được phát triển, những trường đại học thành công nhất được nhận thêm kinh phí, trong khi một số trường khác nhận được ít hơn. Các hội thảo về cải thiện quản lý, tăng cường quốc tế hóa và tạo ra các ý tưởng mới được tổ chức dành cho các nhà lãnh đạo trường đại học và những nhà quản trị. Các quản lý cấp cao và lực lượng học thuật chủ chốt từ những trường đại học tham gia dự án đã gặp nhau để thảo luận về những vấn đề chung, và một bầu không khí cạnh tranh thân thiện được phát triển.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy năng suất tăng lên ở những trường đại học của dự án 5 – 100 và cả những trường đại học khác – khoản đầu tư đang mang lại hiệu quả, như nghiên cứu ngày càng tốt hơn, hoàn thành các mục tiêu chiến lược và hiện đại hóa ban lãnh đạo trường đại học. Những trường đại học Nga khác đang tìm cách nâng cao uy tín và phát triển nghiên cứu đều đối chiếu với tiêu chuẩn của các trường trong dự án 5-100.
Những thành tựu có hạn nhưng đáng chú ý
Chương trình 5 – 100 được giới hạn ở 21 trường đại học được coi là có tiềm năng phát triển tốt nhất thành những trường đại học nghiên cứu cạnh tranh quốc tế. Theo các thước đo khách quan, tất cả đều đạt được một số tiến bộ, nhưng kết quả của ít nhất một phần ba nhóm vẫn còn khiêm tốn. Một số trường cố gắng “đánh lừa hệ thống” hơn là tạo ra kết quả có thể đo lường được. Tuy nhiên, những trường đại học hàng đầu đã tiến bộ nhanh chóng để gia nhập hàng ngũ những trường đại học nghiên cứu trọng điểm trên toàn thế giới. Mặc dù một số trường đại học có mối liên hệ cấu trúc với các viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhưng nhìn chung phần lớn các viện thuộc RAS không bị ảnh hưởng bởi cải cách và vẫn bị giam cầm trong quá khứ của Liên Xô.
Mặc dù không trường nào trong số các trường của dự án 5 – 100 đạt được vị trí cao trong các bảng xếp hạng toàn cầu – dù sao thì những bảng xếp hạng này và các chỉ số của chúng cũng được chú trọng quá mức – một số cải tiến đã được thực hiện và một số trường trong dự án 5 – 100 đã thành công ở một số bảng xếp hạng theo chủ đề. Nga sẽ cần phải nghiêm túc quan tâm đến phần còn lại của hệ thống giáo dục đại học rộng lớn của mình, phần lớn trong số đó vẫn có chất lượng khá thấp. Về mặt này, Nga cũng giống với hầu hết các nền kinh tế mới nổi khác. Các trường đại học nghiên cứu hàng đầu tất nhiên là quan trọng, nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống giáo dục đại học phức tạp, còn phức tạp hơn nữa do những thách thức của một đất nước rộng lớn về mặt địa lý, với các trường yếu kém ở nhiều tỉnh thành phố. Điều quan trọng cần nhớ là các trường đại học Nga chỉ mới tái gia nhập không gian giáo dục đại học toàn cầu trong vài thập kỷ qua, và thậm chí đến nay các liên kết và hợp tác quốc tế vẫn còn hạn chế. Đây là một yêu cầu bắt buộc nếu vẫn hy vọng, dù chút ít, rằng Nga có thể xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới.
Điều rõ ràng là Nga là một trong những hệ thống giáo dục đại học chính của thế giới, với nguồn nhân tài hàng đầu khổng lồ. Nếu Nga muốn tham gia vào cộng đồng các trường đại học hàng đầu, muốn thành công trong việc đóng góp nghiên cứu đáng kể và đào tạo con người cho một nền kinh tế phát triển, thì nước Nga cần các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Chương trình 5-100 là một khởi đầu tốt theo hướng đó. Giờ đây, với việc lên kế hoạch cho một sáng kiến bổ sung, và với sự suy xét cẩn thận và các nguồn lực phù hợp, Nga có thể đạt được bước tiếp theo hướng tới những mục tiêu đầy tham vọng của mình.